Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Việt Nam 2010: Thận trọng với nguy cơ lạm phát cao

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan - Ảnh: Bảo Anh.

Những chính sách vĩ mô thời hậu khủng hoảng cần được đặt trong mối tương quan giữa mục tiêu trước mắt và tính chiến lược.

Tin Kinh Tế | Tin sức khỏe | Tin khoa học | Doanh nhân Việt Nam và thế giới | Danh bạ doanh nghiệp | Danh bạ doanh nghiệp hà nội | Tin thế giới | Thông tin thời sự Việt Nam | Thông tin thương mại


Khuyến nghị trên được nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đưa ra, khi trao đổi với VnEconomy về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2010 và hướng ưu tiên trong điều hành chính sách của các cơ quan quản lý thời kỳ hậu khủng hoảng.

Ông Khoan nói:

- Đến thời điểm này, nền kinh tế đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chiều hướng này tiến triển ra sao còn tùy thuộc vào những nỗ lực của bản thân nền kinh tế chúng ta cũng như diễn biến tình hình thế giới.

Đáng chú ý, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về sự hồi phục của nền kinh tế. Có người cho rằng, vai trò của các giải pháp kích thích kinh tế không đáng kể mà là do năng lực nội tại của nền kinh tế quyết định. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sự hồi phục của nền kinh tế phần lớn là do các giải pháp điều hành của Chính phủ.

Theo tôi, mỗi nhân tố đều có vai trò riêng của nó, trong đó nhân tố nội tại của nền kinh tế cũng không thể không tính đến. Chính yếu tố này đã giúp chúng ta phần nào giảm nhẹ được sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam hội nhập chưa thật sâu với thế giới nên khi khủng hoảng bùng nổ thì “chịu đòn” cũng ít hơn. Chúng ta chịu tác động chủ yếu là qua khâu xuất khẩu, đầu tư và du lịch.

Bên cạnh đó, nền kinh tế của chúng ta về cơ bản vẫn là nông nghiệp, 70% dân số vẫn sống ở nông thôn, sản lượng nông nghiệp vẫn chiếm trên 20% GDP, truyền thống tiêu dùng…

Đặc biệt, so với cuộc khủng hoảng năm 1997, nền kinh tế chúng ta hiện nay vẫn có tiềm lực nhất định. Khi đó chúng ta không có dự trữ ngoại tệ nhưng nay cũng đã có trên 20 tỷ USD.

Nhưng chỉ khách quan cũng không đủ, mà buộc phải có kích thích kinh tế. Dù đến nay, hiệu quả của chính sách này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, song ít nhất là chính sách kích thích kinh tế cũng đã tạo được lòng tin cho doanh nghiệp và người dân, không tạo ra hoang mang trong dư luận.

Cần chú ý việc điều hành tỷ giá

Theo ông, trong năm 2010, chính sách điều hành kinh tế nên hướng đến những mục tiêu nào, vừa để tạo động lực cho doanh nghiệp, vừa tránh mất cân đối các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế?


Có một thực tế, sau cơn suy giảm, nhiều khả năng doanh nghiệp vẫn cần có sự trợ giúp của Nhà nước dưới những hình thức và các giải pháp tình thế khác nhau. Tuy nhiên, những giải pháp đó cần được giảm dần theo đà khôi phục để tránh gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng hơn, đồng thời làm cho các doanh nghiệp quen dần trở lại cơ chế làm ăn trong điều kiện bình thường.

Đó cũng chính là lý do đưa đến hai luồng ý kiến khác nhau về mục tiêu ưu tiên trong năm 2010, hoặc là ưu tiên tăng trưởng hoặc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.

Tôi cho rằng, chúng ta phải hết sức chú trọng đến một số chỉ tiêu có nguy cơ mất cân đối, có thể gây lạm phát. Đó chính là bội chi ngân sách, kiểm soát tín dụng và phát hành tiền. Cố gắng làm sao để nhập siêu không quá lớn, có những biện pháp cụ thể trong chính sách tiền lương, giá cả… để không tác động lớn đến lạm phát.

Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trong chính sách điều hành tỷ giá. Hoặc điều hành theo hướng có lợi cho xuất khẩu để đảm bảo tăng trưởng, hoặc vì mục tiêu ổn định. Cá nhân ông thiên về mục tiêu nào?

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần chú ý đến việc điều hành tỷ giá bởi đây là một vấn đề khá phức tạp. Bản thân việc điều hành chính sách này cũng đã phải đứng trước mâu thuẫn: nếu giữ tiền đồng giá cao quá thì sẽ gây khó cho xuất khẩu, và nhập khẩu sẽ tăng lên. Nhưng nếu điều hành theo kiểu phá giá đồng tiền sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế.

Đó chính là lý do vì sao chúng ta cần phải điều hành tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt, hài hòa cả hai mục tiêu trên, đặc biệt là làm sao để không tạo ra hai tỷ giá và chú trọng hơn nữa đến việc biến đồng tiền Việt Nam thành đồng tiền chuyển đổi.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi, trong điều hành chính sách tỷ giá cần ưu tiên cho vấn đề ổn định nền kinh tế lên trên, còn việc đảm bảo các mục tiêu xuất - nhập khẩu cần được giải quyết bằng các vấn đề mang tính kỹ thuật.

Cũng vì thế, trong thời gian tới, chúng ta nên đặt việc điều hành chính sách tài chính tiền tệ trong một phạm vi rộng lớn hơn là mục tiêu trước mắt, phải gắn liền với 3 nhân tố khá mới: chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 -2020), kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế và việc tái cơ cấu của hệ thống tài chính tiền tệ thế giới.

Nhưng nếu phải ưu tiên cho một trong hai mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô, theo ông chúng ta nên ưu tiên cho mục tiêu nào hơn trong năm 2010?

Tôi nghĩ là cần phải cân bằng cả hai mục tiêu ổn định và tăng trưởng. Tôi không theo quan điểm cực đoan một phía vì, không tăng trưởng thì làm sao có thể ổn định được. Tăng trưởng là một động lực quan trọng để giữ ổn định kinh tế. Tuy nhiên, không phải là tăng trưởng với bất kỳ giá nào, tạo nên những mất cân đối vĩ mô, làm mất ổn định kinh tế.

Thận trọng với nguy cơ lạm phát cao

Ông có cho rằng, một số cân đối vĩ mô đang có xu hướng mất cân đối. Vậy theo ông, cân đối nào là đáng lo ngại nhất trong năm 2010?

Theo tôi, trong năm 2010, lạm phát cao có nguy cơ quay trở lại vì một loạt nhân tố. Đó là tình hình bội chi ngân sách cao, thâm chí có thể cao hơn mức 7% GDP như Chính phủ đã trình Quốc hội nếu GDP không đạt mức mong muốn, thu ngân sách giảm và phải tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ mới.

Bên cạnh đó, sản xuất hồi phục, thu nhập, kể cả tiền lương đưa tới tiêu dùng gia tăng sẽ đòi hỏi thêm vốn thêm tiền. Giá cả trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại cũng tạo lực đẩy mới. Dòng vốn nước ngoài vào nhiều hơn sẽ đặt ra yêu cầu nội tệ hóa…

Vấn đề ở chỗ là điều hành làm sao để chúng ta vừa có thể tiếp sức cho nền kinh tế tận dụng được khả năng mới của thời hậu khủng hoảng lại vừa phanh bớt các gói hỗ trợ để giảm bội chi ngân sách. Nói một cách khác, việc tìm ra mối tương quan hợp lý giữa chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ để chống suy giảm kinh tế và thắt chặt tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát là một bài toán cần phải tính toán kỹ lưỡng.

(Theo Từ Nguyên // Vneconomy)

  • Xuất khẩu lao động 2010: Tìm thị trường mới
  • Năm 2010 sẽ là cơ hội vàng của du lịch Việt Nam
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 2)
  • Dự báo xu hướng ICT Việt Nam năm 2010
  • Dự báo thị trường BĐS Hà Nội năm 2010: Cân bằng cung-cầu
  • Kinh tế 2010 nhìn từ doanh nghiệp (Phần 1)
  • Thế giới nhận định và dự báo kinh tế Việt Nam 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Thận trọng với nguy cơ lạm phát cao
  • Định hướng phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2010-2020
  • 2010 - "năm vàng" cho các nước xuất khẩu gạo
  • Năm 2010 thừa 20 triệu tấn ximăng?
  • Năm 2010 sẽ hình thành quỹ kích thích kinh tế
  • Tăng trưởng kinh tế 2010: Lượng hay chất?
  • Phân bổ ngân sách trung ương năm 2010: Ưu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương