Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (7): Lịch sử và tổ chức của hệ thống tư pháp liên bang - Phần 3

TÒA PHÚC THẨM HOA KỲ

Các tòa phúc thẩm ít được báo giới chú ý hơn so với Tòa án tối cao, nhưng chúng đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Do Tòa án tối cao chỉ đưa ra quyết định với ý kiến đầy đủ trong khoảng 80–90 vụ trong một năm, nên rõ ràng các tòa phúc thẩm thường là các tòa cuối cùng giải quyết hầu hết các đơn phúc thẩm trong hệ thống tòa án liên bang.

Các tòa lưu động: 1789–1891

Đạo luật tư pháp năm 1789 đã lập nên ba tòa lưu động (tòa phúc thẩm), mỗi tòa bao gồm hai thẩm phán của Tòa án tối cao và một thẩm phán hạt. Thẩm phán hạt trở thành người chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết khối lượng công việc của tòa lưu động. Hai thẩm phán của Tòa án tối cao thường đi đến từng địa phương và tham gia vào các vụ việc. Tập quán này tạo ra đặc điểm thiên về địa phương hơn là quốc gia của tòa lưu động.

Ngay từ đầu, hệ thống tòa lưu động đã được coi là không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các thẩm phán của Tòa án tối cao, bị buộc phải đi lại quá nhiều. Tổng chưởng lý Edmund Randolph và Tổ ng thống Washington đã thúc giục phải giảm bớt gánh nặng cho các thẩm phán Tòa án tối cao. Quốc hội đã sửa lại đôi chút vào năm 1793, chỉ yêu cầu tòa lưu động phải có một thẩm phán của Tòa án tối cao và một thẩm phán hạt. Vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống John Adam năm 1801, Quốc hội đã bỏ yêu cầu đi lại đối với thẩm phán Tòa án tối cao, và bổ nhiệm 16 thẩm phán lưu động mới, qua đó đã mở rộng rất nhiều thẩm quyền xét xử của các tòa cấp dưới.

Nhiệm kỳ của Tổng thố ng Thomas Jefferson tiếp đó đã cực lực phản đối, và Quốc hội đã phải bãi bỏ quyết định này. Đạo luật tòa lưu động năm 1802 đã quay trở lại chế độ lưu động của các thẩm phán Toà án tối cao và tăng số vùng. Tuy nhiên cơ quan lập pháp cho phép tòa lưu động có thể được tổ chức với chỉ một thẩm phán hạt làm chủ tọa. Thay đổi đó trông có vẻ nhỏ nhặt, nhưng thực chất có ý nghĩa rất quan trọng. Các thẩm phán hạt ngày càng chịu trách nhiệm nhiều đối với cả tòa án hạt lẫn tòa lưu động. Thực tế, lúc đó, thẩm quyền xét xử sơ thẩm và phúc thẩm đều nằm trong tay thẩm phán hạt.

Phải đến tận năm 1869 mới diễn ra bước phát triển tiếp theo của tòa án phúc thẩm. Khi đó, Quốc hội đã chấp thuận một giải pháp cho phép bổ nhiệm chín thẩm phán lưu động mới và giảm trách nhiệm xét xử lưu động của các thẩm phán Tòa án tối cao, xuống còn một vòng trong hai năm. Tuy nhiên, Tòa này vẫn bị tồn đọng rất nhiều vụ vì không có giới hạn về quyền kháng cáo lên Tòa án tối cao.

Tòa phúc thẩm: Từ năm 1891 đến nay

Ngày 3 tháng Ba 1891, Đạo luật Evarts đã được ký ban hành, thành lập các tòa án mới với tên gọi là toà phúc thẩm vùng. Các cơ quan xét xử mới thành lập này sẽ xét xử hầu hết các kháng cáo từ tòa án hạt. Tòa lưu động được thành lập từ năm 1789 vẫn tiếp tục tồn tại. Các tòa phúc thẩm vùng mới thành lập bao gồm một thẩm phán lưu động, một thẩm phán tòa phúc thẩm vùng, một thẩm phán hạt và một thẩm phán Tòa án tối cao. Hai thẩm phán là số lượng tối thiểu bắt buộc ở tòa án này.
 


Sau khi thông qua Đạo luật Evarts, tư pháp liên bang có hai cấp sơ thẩm: đó là các tòa án hạt và toà lưu động. Đồng thời cũng có hai cấp phúc thẩm là tòa phúc thẩm vùng và Tòa án tối cao. Mặc dù luật cho phép trong một số trường hợp Toà án tối cao được trực tiếp xem xét lại vụ án, nhưng phần lớn các phiên phúc thẩm quyết định sơ thẩm diễn ra ở tòa phúc thẩm vùng. Tóm lại, việc thành lập các tòa phúc thẩm vùng đã giải tỏa bớt gánh nặng của Tòa án tối cao khỏi các vụ nhỏ lẻ. Kháng cáo kháng nghị vẫn có thể được đưa ra, nhưng Tòa án tối cao đã có quyền kiểm soát lớn hơn đối với khối lượng công việc của nó. Phần lớn khối lượng công việc trước đây của nó có thể được chuyển cho hai cấp xét xử liên bang thấp hơn.

Bước phát triển tiếp theo của toà phúc thẩm diễn ra vào năm 1911. Lúc đó, Quốc hội đã thông qua luật loại bỏ các tòa lưu động kiểu cũ, vốn không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm và nhiều lúc bị trùng lặp chức năng với tòa án hạt.

Ngày nay, cơ quan xét xử phúc thẩm trung gian được gọi tên chính thức là tòa phúc thẩm, nhưng câu chữ thông tục đôi khi vẫn gọi là toà lưu động. Hiện có 12 tòa phúc thẩm vùng, với 179 thẩm phán tòa phúc thẩm có thẩm quyền. Tòa phúc thẩm chịu trách nhiệm xem xét lại các vụ việc bị kháng cáo kháng nghị từ toà án hạt liên bang (một số vụ việc xuất phát từ cơ quan hành chính) trong phạm vi vùng của nó. Một tòa phúc thẩm chuyên biệt được Quốc hội thành lập năm 1982 là Tòa phúc thẩm khu vực liên bang; đây là một khu vực mang tính tài phán chứ không phải là khu vực địa lý.

Chức năng xem xét lại của toà phúc thẩm


Hầu hết các vụ việc được tòa phúc thẩm xem xét lại đều bắt đầu từ các tòa án hạt liên bang. Cá c bên nguyên đơn không thỏa mãn với quyết định của tòa cấp dưới có thể kháng cáo lên tòa phúc thẩm vùng có tòa án hạt liên bang đó. Các toà phúc thẩm cũng có quyền xem xét lại quyết định của một số cơ quan hành chính.

Do tòa phúc thẩm không thể kiểm soát vụ việc nào sẽ được xét xử theo trình tự phúc thẩm, nên nó phải giải quyết cả những công việc hàng ngày lẫn những việc rất quan trọng. Một đằng là các kháng cáo và kiến nghị nhỏ nhặt, không có ý nghĩa gì hoặc rất ít cơ hội thay đổi bản án. Nhưng mặt khác, cũng có các vụ việc phát sinh những vấn đề lớn về chính sách công và nảy sinh nhiều bất đồng. Quyết định của tòa phúc thẩm trong các vụ đó có nhiều khả năng sẽ tạo lập chính sách chung cho tòa n xã hội, chứ không chỉ những nguyên đơn liên quan. Các vụ việc về quyền tự do công dân, phân chia địa hạt, tôn giáo và giáo dục là những ví dụ điển hình của loại tranh chấp có thể ảnh hưởng đến mọi công dân.

Việc xem xét lại của tòa phúc thẩm có hai mục đích. Thứ nhất là sửa lỗi. Thẩm phán vùng thường được kêu gọi đứng ra giám sát hoạt động của các tòa án hạt liên bang và cơ quan hành pháp liên bang, và giám sát việc các cơ quan này áp dụng và diễn giải luật liên bang và bang như thế nào. Để thực hiện nhiệm vụ đó, tòa phúc thẩm không cần tìm kiếm bằng chứng tình tiết mới, mà là kiểm tra ghi chép của toà cấp dưới để tìm lỗi. Trong quá trình sửa lỗi, tòa phúc thẩm cũng đồng thời giải quyết tranh chấp và thực thi luật quốc gia.

Chức năng thứ hai là phân loại và phát triển một số ít các vụ việc cần được Tòa án tối cao xem xét lại. Thẩm phán vùng giải quyết các vấn đề pháp lý trước khi đưa lên các thẩm phán Tòa án tối cao, và có thể giúp xếp loại những kiến nghị nào cần được xem xét lại. Các học giả tư pháp nhận thấy rằng thường có sự khác nhau giữa phiên xét xử lần đầu và lần thứ hai trong các vụ được phúc thẩm.

Tòa phúc thẩm với tư cách là nhà lập sách

Vai trò lập chính sách của Tòa án tối cao xuất phát từ thực tế nó là cơ quan giải thích luật, và đối với toà phúc thẩm cũng tương tự như vậy. Phạm vi lập chính sách của tòa phúc thẩm thậm chí có lẽ còn quan trọng hơn, vì trong phần lớn vụ việc, tòa phúc thẩm là cơ quan xét xử cuối cùng.

Để minh họa cho tác động quan trọng của các thẩm phán tòa án vùng, chúng ta hãy xem xét một quyết định của Tòa phúc thẩm vùng số 5. Trong nhiều năm, Trường Luật thuộc Đại học Texas (cũng như nhiều trường luật khác ở Mỹ) đã ưu tiên cho người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mêhicô nhằm tăng số lượng các sinh viên thiểu số. Tập quán này đã bị khiếu kiện tại một tòa án hạt liên bang trên cơ sở là nó đã phân biệt đối xử đối với người da trắng và các nhóm thiểu số không được ưu tiên, vi phạm Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn. Ngày 18 tháng Ba 1996, một cơ quan xét xử gồm các thẩm phán Vùng số 5 đã ra phán quyết trong vụ Hopwood kiện Bang Texas, trong đó nêu rõ Tu chính án Hiến pháp thứ mười bốn không cho phép các trường được phân biệt đối xử như vậy, và trường luật này không được sử dụng chủng tộc làm một yếu tố xét tuyển. Đơn kháng cáo được gửi lên yêu cầu Tòa án tối cao phát đặc lệnh (trát đòi) lấy lên xét xử, nhưng đã bị từ chối. Từ đó phán quyết này đã trở thành luật của các bang Texas, Louisiana và Mississippi (các bang thuộc Vùng số 5). Mặc dù về mặt kỹ thuật, chỉ các trường ở Vùng số 5 bị tác động bởi phán quyết này, nhưng một bài xã luận của Tạp chí luật quốc gia đã cho thấy điều khác hẳn, rằng mặc dù một số người “có thể lý luận rằng phán quyết trong vụ Hopwood chỉ được áp dụng ở ba bang miền Nam..., nhưng thực tế là hiệu trưởng tất cả các trường luật (và các trường khác) trên toàn quốc, do sợ bị kiện tương tự, đã phải tìm các cách khác thay thế cho hành động ưu tiên các nhóm thiểu số”.

Thực tế công việc của tòa phúc thẩm

Tòa phúc thẩm khác với Tòa án tối cao là chúng không được quyết định vụ nào được xét xử, và vụ nào thì không. Nhưng các thẩm phán vùng cũng đã xây dựng nhiều phương pháp để sử dụng thời giờ của họ một cách hiệu quả nhất.

Rà soát sơ bộ. Trong giai đoạn rà soát sơ bộ, thẩm phán quyết định sẽ xem xét phúc thẩm một cách triệt để, hay giải quyết vụ việc theo hình thức khác. Khối lượng án tồn đọng có thể được giảm bớt bằng cách tập hợp các kháng nghị tương tự vào một vụ xét xử chung, và kết quả cũng sẽ là một bản án chung. Để quyết định vụ nào sẽ được giải quyết mà không cần tranh tụng, các tòa án phúc thẩm ngày càng phải dựa nhiều vào thư ký luật hoặc các chưởng lý tham mưu. Những người này đọc đơn từ và tóm tắt lại, sau đó gửi đề xuất lên các thẩm phán. Do đó, nhiều vụ việc được giải quyết mà không thông qua giai đoạn tranh tụng.

Cơ quan xét xử gồm ba thẩm phán. Các vụ việc được giải quyết triệt để thường được xem xét bởi một cơ quan xét xử gồm ba thẩm phán, chứ không phải toàn bộ thẩm phán phúc thẩm trong vùng. Tức là nhiều vụ việc có thể được xét xử đồng thời bởi các nhóm ba thẩm phán khác nhau, thường ngồi tại các thành phố khác nhau trong vùng.

Thủ tục tố tụng toàn thẩm (En Banc). Đôi lúc, các nhóm thẩm phán khác nhau trong cùng một vùng có thể đưa ra các phán quyết mâu thuẫn trong các vụ tương tự nhau. Để giải quyết mâu thuẫn và tăng cường tính nhất quán trong vùng, luật liên bang quy định thủ tục tố tụng “en banc” (toàn thẩm) (một từ cổ của Pháp, chỉ các ghế ngồi trên cao), trong đó tất cả các thẩm phán phúc thẩm ngồi lại với nhau trong cùng một cơ quan xét xử và quyết định một vụ việc. Ngoại lệ đối với quy tắc này xuất hiện ở Vùng số 9, do ở đây việc tập hợp được tất cả các thẩm phán phúc thẩm là quá khó khăn. Do đó, cơ quan xét xử “en banc” chỉ gồm 11 thẩm phán. Thủ tục tố tụng “en banc” cũng có thể được sử dụng để giải quyết các vụ việc có tầm quan trọng đặc biệt.

Tranh tụng. Các vụ việc lọt qua vòng rà soát sơ bộ và chưa được các bên liên quan tự giải quyết thì sẽ được đưa ra tranh tụng. Luật sư của mỗi bên chỉ được cho phép một thời lượng ngắn (có thể chỉ khoảng 10 phút); trong thời gian đó họ sẽ trao đổi về các điểm nêu trong văn bản tóm lược của mình, và phải trả lời các câu hỏi của thẩm phán.

Phán quyết. Sau giai đoạn tranh tụng, các thẩm phán có thể nghị án trong một thời gian ngắn, và nếu thống nhất được, họ sẽ công bố phán quyết ngay lậ p tức. Nếu không, phán quyết sẽ được đưa ra sau khi kéo dài thời gian nghị án. Sau khi nghị án, một số quyết định sẽ được công bố, kèm theo một lệnh ngắn hoặc văn bản ý kiến không ký tên của tòa. Một số ít phán quyết được đưa ra kèm theo các ý kiến dài hơn, được các thẩm phán ký tên, hay thậm chí là các ý kiến bất đồng và đồng quy. Dù tập tục tòa phúc thẩm ở các vùng là khác nhau, nhưng gần đây có xu hướng chung là giảm bớt số lượng các ý kiến được lập thành văn bản và công khai hóa.

TÒA ÁN HẠT HOA KỲ

Tòa án hạt Hoa Kỳ là đơn vị nhỏ nhất của hệ thống tư pháp liên bang. Mặc dù một số vụ việc được kháng cáo kháng nghị lên tòa phúc thẩm hay thậm chí là Toà án tối cao, nhưng hầu hết các vụ án liên bang đều chỉ được xét xử ở các tòa sơ thẩm Hoa Kỳ. Nếu xét về mặt số lượng tuyệt đối các vụ được xét xử, thì tòa án hạt là những con ngựa thồ của ngành tư pháp liên bang. Nhưng tầm quan trọng của nó không chỉ đơn thuần là số vụ được xét xử.

Các tòa án hạt đầu tiên Trong Đạo luật tư pháp năm 1789, Quốc hội đã quyết định thành lập một mạng lưới các tòa sơ thẩm liên bang. Mục 2 của luật này đã lập nên 13 tòa án hạt, trong đó quy định mỗi trong số 11 bang lúc đó trong Liên minh là một hạt, một phần của Massachusetts và Virginia sau này trở thành Maine và Kentucky mỗi nơi là một hạt. Cơ chế tổ chức này đã tạo lập tập quán vẫn duy trì đến ngày nay, đó là phân chia địa giới tòa án hạt theo ranh giới bang.

Các thẩm phán hạt đầu tiên

Mỗi tòa án hạt liên bang có một thẩm phán sống ở hạt đó. Ngay khi thông tin này được đưa ra, Tổng thống Washington bắt đầu nhận được thư từ của nhiều người xin được bổ nhiệm. Nhiều người đề nghị các nghị sĩ và Phó tổng thống John Adams đề cử với Tổng thống Washington. Nhưng ứng cử cá nhân không hẳn đã thành công và đó không phải là cách duy nhất để được Tổng thống chú ý. Ví dụ như Harry Innes, người không ứng cử và o vị trí thẩm phán Kentucky, nhưng đã được bổ nhiệm sau khi được một nghị sĩ bang này đề cử.

Khi các bang mới gia nhập Liên minh, các tòa án hạt mới được thành lập. Tổng số người bổ sung cộng với thay thế được Washington bổ nhiệm là 33 người. Tất cả các thẩm phán được bổ nhiệm đều là thành viên của đoàn luật sư. Trừ bảy người, còn lại tất cả thẩm phán đều có kinh nghiệm làm việc ở bang hoặc địa phương với tư cách là thẩm phán, công tố hoặc chưởng lý. Các tổng thống sau này vẫn tiếp tục bổ nhiệm các luật sư có kinh nghiệm trong hoạt động dịch vụ công làm thẩm phán liên bang.

Tổ chức hiện nay của tòa án hạt

Trong quá trình phát triển của đất nướ c, nhiều tòa án hạt được thành lậ p. Và Quốc hội bắt đầu chia các bang thành nhiều hạt. Các bang California, New York, và Texas có bốn hạt mỗi bang, nhiều nhất so với các bang khác. Tổ chức khu vực hạt không còn theo đường ranh giới bang, mà việc chia hạt hầu như không theo một cơ sở nào cả. Diện tích và số dân của các hạt rất khác nhau. Qua nhiều năm, một tòa án hạt đã được thành lập cho Hạt Columbia, và một số khu vực lãnh thổ đã có tòa án hạ t riêng. Hiện có đủ tòa án hạt ở 50 bang, Hạt Columbia, Guam, Puerto Rico, Quần đảo Virgin và Quần đảo Bắc Mariana.

Ban đầu, mỗi tòa án hạt chỉ có một thẩm phán. Nhưng khi số dân và số vụ việc tăng lên, Quốc hội thường bổ sung thẩm phán cho hầu hết các hạt. Đạo luật thẩm phán liên bang năm 1990 đẻ ra thêm 74 vị trí thẩm phán hạt, đưa tổng số thẩm phán hạt lên 649 người. Ngày nay, tất cả các hạt đều có hơn một thẩm phán; Hạt phía Nam New York, bao gồm Manhattan và Bronx, hiện có 28 thẩm phán, và là hạt có đông thẩm phán nhất. Vì mỗi phiên xét xử của tòa án hạt liên bang thường do một thẩm phán điều khiển, nên tại một thời điểm có thể có nhiều vụ việc được xét xử đồng thời trong phạm vi một hạt.

Tòa án hạt với tư cách là tòa án sơ thẩm

Quốc hội đã xây dựng tòa án hạt làm cơ quan xét xử sơ thẩm của hệ thống tư pháp liên bang, và trao quyền tài phán sơ khởi cho chúng trong gần như tất cả các vụ việc. Tòa án hạt là tòa án liên bang duy nhất trong đó luật sư được làm việc và đối chất giữa những người làm chứng. Do đó, các ghi chép tình tiết được thực hiện tại giai đoạn này. Quá trình phúc thẩm chỉ tập trung vào việc sửa lỗi chứ không phải xây dựng lại tình tiết.

Nhiệm vụ xác định tình tiết vụ việc thuộc về bồi thẩm đoàn, bao gồm một nhóm công dân của cộng đồng, đóng vai trò làm người phân xử không thiên vị, và áp dụng luật cho tình tiết đó. Hiến pháp bảo vệ quyền của bồi thẩm trong các vụ hình sự theo Tu chính án Hiến pháp thứ sáu, và trong các vụ dân sự theo Tu chính án Hiến pháp thứ bảy. Tuy nhiên, quyền đó có thể bị từ chối, và trong trường hợp đó, thẩm phán sẽ trở thành người phân xử cả về tình tiết lẫn các vấn đề luật pháp. Trường hợp này gọi là thẩm phán sơ thẩm (bench trial).

Có hai loại bồi thẩm đi kèm với tòa án hạt liên bang. Đại bồi thẩm đoàn là một nhóm nam giới và nữ giới họp lại để xác định xem có thể có cơ sở tin rằng một người bị truy tố có phạm tội liên bang hay không. Các đại bồi thẩm họp định kỳ để nghe những lời buộc tội do chưởng lý Hoa Kỳ đưa ra. Ngược lại, tiểu bồi thẩm được chọn ngẫu nhiên trong cộng đồng để nghe các bằng chứng, và quyết định xem một người bị kiện trong một vụ sơ thẩm dân sự có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không, hoặc một bị can trong một vụ sơ thẩm hình sự có tội hay không có tội. Quy tắc liên bang yêu cầu trong các vụ hình sự phải có 12 bồi thẩm, nhưng số lượng bồi thẩm trong các vụ dân sự thường ít hơn. Các tòa án hạt liên bang thường có bồi thẩm đoàn sáu người trong các vụ dân sự.

Tòa án sơ thẩm được coi là tham gia chủ yếu vào việc cưỡng chế quy phạm, trong khi các tòa phúc thẩm được coi là có nhiều cơ hội trong việc lập chính sách. Cưỡng chế quy phạm gắn chặt với việc thực thi công lý, vì tất cả các nước đều phát triển các chuẩn mực căn bản để đạt được một xã hội công bằng và trật tự. Quy phạm xã hội được đưa vào trong các đạo luật, quy định hành pháp, tiền lệ án và truyền thống cộng đồng. Ví dụ, luật hình sự quy định thành luật các khái niệm về hành vi có thể chấp nhận và không thể chấp nhận. Một thẩm phán quyết định một vụ việc buộc tội vi phạm pháp luật tức là đã cưỡng chế quy phạm. Do các vụ việc loại này hiếm khi cho phép thẩm phán được vượt quá các giới hạn nghiêm khắc của yêu cầu pháp luật và yêu cầu thủ tục, nên các thẩm phán ít có cơ hội được tạo ra các quy định luật mới hoặc xây dựng chính sách mới. Trong các vụ dân sự cũng vậy, thẩm phán thường bị giới hạn trong việc cưỡng chế quy phạm, vì các vụ kiện thường phát sinh từ tranh chấp cá nhân, và hậu quả của nó chỉ liên quan đến các bên tham tụng.

Tuy nhiên, tòa án hạt cũng đóng vai trò nhất định trong việc lập chính sách. Do người Mỹ ngày càng thiên về kiện tụng, nên những tranh chấp trước đây thường được giải quyết không chính thức thì nay lại được quyết định ở tòa án. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tòa án hạt liên bang? Theo một nghiên cứu, “Những lĩnh vực mới có sự tham gia của tư pháp thường không có hướng dẫn rõ ràng và chính xác của tòa án cấp trên cũng như của ngành lập pháp; và kết quả là tạo cơ hội cho bồi thẩm tòa sơ thẩm có thể viết ra những nội dung mới, tức là đóng vai trò lập chính sách”.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)