Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hệ thống pháp luật Hoa Kỳ (9): Ranh giới tài phán và lập chính sách - Phần 1: Các tòa án liên bang

CHƯƠNG 3: RANH GIỚI TÀI PHÁN VÀ LẬP CHÍNH SÁCH

Về vấn đề thẩm quyền xét xử tòa án, Quốc hội và Hiến pháp Hoa Kỳ, cũng như Quốc hội và hiến pháp bang, đã quy định chặt chẽ những loại vụ việc mà mỗi tòa án có thể xét xử. Chương này sẽ xem xét cụ thể xem Quốc hội có thể tác động lên hành vi tư pháp như thế nào thông qua việc thay đổi quy định những loại vụ việc thẩm phán được xét xử. Đồng thời, chương này cũng sẽ thảo luận về 10 nguyên tắc thẩm tra tự hạn chế tư pháp, xuất phát từ truyền thống pháp lý, hiến pháp và luật, nhằm điều chỉnh quyết định của thẩm phán có thể xem xét lại một vụ việc hay không.

CÁC TÒA ÁN LIÊN BANG

Hệ thống tòa án liên bang được chia thành ba cấp riêng biệt: tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, và Tòa án tối cao Hoa Kỳ.

Tòa án hạt Hoa Kỳ

Quốc hội đã quy định thẩm quyền xét xử của tòa án hạt liên bang. Các cơ quan xét xử này có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các vụ hình sự và dân sự liên bang, tức là, theo luật, các vụ án đó phải được xét xử lần đầu ở các tòa án này, cho dù các bên liên quan là ai hay vấn đề đó có tầm quan trọng như thế nào.

Các vụ án hình sự. Các vụ này bắt đầu được xem xét khi chưởng lý địa phương của Hoa Kỳ có lý do tin rằng đã có sự vi phạm Bộ hình luật Hoa Kỳ (U.S. Penal Code). Sau khi lấy được bản cáo trạng (indictment) của đại bồi thẩm đoàn liên bang, chưởng lý Hoa Kỳ sẽ lập cáo trạng chống lại bị cáo tại tòa án hạt nơi chưởng lý làm việc. Các hành vi hình sự theo quy định của Quốc hội bao gồm nhiều loại hành vi khác nhau, như ăn cắp ôtô xuyên bang, nhập khẩu ma túy trái phép, ám sát tổng thống, âm mưu tước quyền công dân của một (hoặc nhiều) người, và thậm chí là sát hại chim di trú trái mùa.

Sau khi lập cáo trạng chống lại bị cáo, và nếu không có thỏa thuận khai để được giảm án (plea bargain), một thẩm phán hạt Hoa Kỳ sẽ tiến hành một phiên sơ thẩm. Tại tòa, bị cáo được hưởng tất cả các đặc quyền và miễn trách nhiệm theo Hiến chương nhân quyền (như được quyền xét xử công khai và nhanh chóng) hoặc theo luật của Quốc hội hoặc phán quyết của Tòa án tối cao (ví dụ, bồi thẩm đoàn 12 người phải đưa ra phán định nhất trí). Bị cáo có thể từ bỏ quyền được xét xử bởi một bồi thẩm đoàn đồng đẳng. Một bị cáo được phán định không có tội sẽ được trả tự do và sẽ không bao giờ bị xét xử lại vì hành vi đó (quyền được bảo vệ chống nguy cơ tái hình theo Tu chính án Hiến pháp thứ mười lăm). Nếu bị cáo bị buộc có tội, thẩm phán hạt sẽ quyết định hình phạt phù hợp trong khung hình phạt do Quốc hội quy định. Nếu hình phạt nằm trong khung quy định, thì không được kháng án về thời gian thụ án. Chính quyền không được kháng nghị các phán định vô tội, nhưng bị cáo bị buộc tội có thể kháng cáo nếu họ cho rằng thẩm phán hoặc bồi thẩm đã đưa ra một quyết định không đúng.
 


Các vụ án dân sự. Đa số khối lượng công việc của tòa án hạt là những vụ mang tính chất dân sự; tức là các vụ kiện giữa các bên tư nhân hoặc giữa Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách từ bỏ quyền miễn trách, với một bên tư nhân. Các vụ dân sự được xét sơ thẩm ở tòa án hạt Hoa Kỳ có thể phân thành mấy loại. Thứ nhất là các vụ kiện liên quan đến diễn giải hoặc áp dụng Hiến pháp, đạo luật của Quốc hội, và hiệp ước của Hoa Kỳ. Ví dụ như một người cho rằng một hoặc nhiều quyền công dân được liên bang bảo vệ đã bị vi phạm, một người khởi kiện khẳng định là mình đã bị một đạo luật vi hiến của Quốc hội làm tổn hại, hay một nguyên đơn khẳng định là mình đã bị thiệt hại do tác động bất hợp lý của một hiệp ước. Điểm mấu chốt là, để được xét xử ở tòa sơ thẩm Hoa Kỳ, vụ việc phải có yếu tố liên bang.

Theo truyền thống, để được xét xử ở tòa sơ thẩm liên bang, vụ việc phải liên quan đến tranh chấp số tiền tối thiểu nhất định tính bằng đôla, nhưng giới hạn đó có thể được bỏ qua nếu vụ việc rơi vào một trong những nhóm phân loại chung. Ví dụ, một hành vi bị cáo buộc là vi phạm luật về quyền công dân, như Đạo luật về quyền bầu cử (1965), phải được tòa liên bang xét xử chứ không thể xét xử ở tòa án bang. Các loại vụ việc khác thuộc nhóm này là khiếu kiện về phát minh và bản quyền, hộ chiếu và thủ tục nhập quốc tịch, tranh chấp chủ quyền biển và hàng hải, và vi phạm luật bưu chính Hoa Kỳ.

Một nhóm vụ việc khác được tòa sơ thẩm Hoa Kỳ xét xử theo thẩm quyền sơ thẩm chung là những vụ việc được gọi là tranh chấp đa chủng (diversity of citizenship). Đây là các tranh chấp giữa các bên thuộc các bang khác nhau, hoặc giữa công dân Mỹ và nhà nước hoặc công dân nước ngoài.

Tòa án hạt liên bang cũng có thẩm quyền xét xử đối với các đơn kiện của những tù nhân đã bị buộc tội, nếu họ khẳng định rằng việc họ bị giam giữ (hoặc bị từ chối quyền tạm tha) là vi phạm quyền được liên bang bảo vệ. Trong đại đa số các vụ việc thuộc loại này, tù nhân yêu cầu được phát lệnh “habeas corpus” (tiếng Latinh là “bạn có quyền kiểm soát thân thể”), tức là lệnh của thẩm phán xác định một người đã bị giam giữ trái phép. Thẩm phán có thể ra lệnh cho cơ quan quản lý trại giam phải chứng minh việc giam giữ hoặc phải trả tự do cho người khởi kiện. Các tù nhân bị buộc tội tại một tòa án bang phải lập luận được rằng quyền được liên bang bảo vệ đã bị vi phạm, ví dụ, quyền được luật sư đại diện tại tòa. Nếu không, tòa án bang không có thẩm quyền xét xử. Những tù nhân liên bang có rất nhiều cơ sở kháng cáo vì tất cả các quyền và lựa chọn của họ đều thuộc phạm vi Hiến pháp Hoa Kỳ.

Cuối cùng, tòa án hạt có quyền xét xử các vụ án khác được Quốc hội quy định theo luật.

Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ

Tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ không có thẩm quyền sơ thẩm, nên tất cả các vụ án hay tranh chấp được tòa cấp trung gian này thụ lý đều đã được tranh tụng ở các cơ quan xét xử khác. Tòa án này, cũng giống tòa án hạt, đều được Quốc hội thành lập, và cơ cấ u cũng như chức năng của nó được thay đổi nhiều theo thời gian.

Về cơ bản, Quốc hội trao thẩm quyền phúc thẩm cho tòa phúc thẩm vùng đối với hai nhóm vụ việc chung. Nhóm thứ nhất là các kháng cáo kháng nghị hình sự và dân sự thông thường từ tòa sơ thẩm liên bang. Đối với các vụ hình sự, người kháng cáo là bị cáo vì chính quyền không được quyền kháng nghị một phán định vô tội. Đối với các vụ dân sự, người kháng cáo thường là bên bị thua kiện ở tòa sơ thẩm, nhưng bên thắng kiện cũng có thể kháng cáo nếu họ không thỏa mãn với phán quyết của tòa cấp dưới. Nhóm thẩm quyền phúc thẩm lớn thứ hai là các kháng cáo kháng nghị từ một số cơ quan hành pháp liên bang và các bộ, cũng như các ủy ban điều tiết độc lập, như ủy ban chứng khoán và Hội đồng quan hệ lao động quốc gia.

Tòa án tối cao Hoa Kỳ

Tòa án tối cao Hoa Kỳ là tòa án liên bang duy nhất được nêu tên trong Hiến pháp, và được Hiến pháp quy định thẩm quyền chung. Mặc dù Tòa án tối cao thường được coi là một cơ quan xét xử phúc thẩm, nhưng nó cũng có một số thẩm quyền sơ thẩm chung. Có lẽ nội dung quan trọng nhất của thẩm quyền xét xử đó là một vụ kiện giữa hai hoặc nhiều bang.

Tòa án tối cao cũng có chung thẩm quyền sơ thẩm (với tòa án hạt Hoa Kỳ) trong một số vụ án nhất định do đại sứ hoặc lãnh sự nước ngoài khởi kiện, hoặc bị kiện, các vụ việc giữa Chính phủ Hoa Kỳ (liên bang) với một bang, và những vụ việc trong đó một bang này chống lại công dân của một bang khác hoặc công dân nước ngoài. Những trường hợp đó, tức là có chung thẩm quyền, thì gọi là thẩm quyền đồng thời (concurrent jurisdiction). Các vụ việc mà Tòa án tối cao có thẩm quyền sơ thẩm thường là các vụ quan trọng, nhưng chúng không tỷ lệ với khối lượng công việc. Trong những năm gần đây, chỉ chưa đầy 1% khối lượng công việc của Tòa án tối cao là các vụ xét xử theo thẩm quyền sơ thẩm.

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Tòa án tối cao “có thẩm quyền phúc thẩm... theo các quy định của Quốc hội”. Qua nhiều năm, Quốc hội đã thông qua nhiều văn kiện về “quy định” nêu trên, nhằm xác định các vụ việc có thể được xét xử tại cơ quan tư pháp oai nghiêm nhất của quốc gia. Các kháng cáo kháng nghị có thể được đưa lên Tòa án tối cao thông qua hai con đường chính. Thứ nhất là kháng cáo kháng nghị từ tất cả các tòa án hiến định và tòa án lãnh thổ, cũng như từ hầu hết (nhưng không phải tất cả ) các tòa án luật định liên bang. Thứ hai, là Tòa án tối cao có thể xét xử các kháng cáo kháng nghị từ các tòa án cao nhất của bang - nếu vụ việc có yếu tố quan trọng liên quan đến liên bang.

Hầu hết công việc của Tòa án tối cao là các vụ việc đã được đồng ý phát lệnh lấy lên xét xử (certiorari), và đây là lệnh tùy ý không bắt buộc. Lệnh này phải được ít nhất bốn thẩm phán ủng hộ, và có giá trị là lệnh của Tòa án tối cao gửi một tòa án cấp dưới yêu cầu tòa cấp dưới chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc để Tòa án tối cao có thể xem xét lại. Trong lịch sử, Tòa án tối cao chỉ đồng ý chấp nhận yêu cầu phát lệnh lấy lên xét xử cho một tỷ lệ số vụ việc rất ít, thường là dưới 10%, và trong những năm gần đây con số đó đã giảm xuống gần 1%.

Một phương cách khác để Tòa án tối cao thực hiện thẩm quyền phúc thẩm của mình là xác nhận. Thủ tục này cho phép tòa phúc thẩm được phép xin Tòa án tối cao cho hướng dẫn về vấn đề luật pháp. Các thẩm phán có thể chọn phương án đưa ra các hướng dẫn ràng buộc cho thẩm phán tòa phúc thẩm, hoặc họ có thể yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ lên Tòa án tối cao để xem xét lại và đưa ra phán quyết cuối cùng.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)