Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường

 

 

Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Trung Kiên

 Sau hơn 3 tháng (từ 1-1-2009) Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết gia nhập WTO, thị trường chưa sôi động như dự đoán. Đây là thời điểm thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) trong nước tập trung đầu tư phát triển, mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu...

 

Nhà phân phối nước ngoài giảm tốc độ đầu tư

 

Với quy mô dân số 86 triệu người, trong đó hơn 50% là dưới 30 tuổi; tỷ lệ những người trong độ tuổi tạo ra thu nhập có mức chi tiêu nhiều nhất (22-55 tuổi) chiếm 70%; doanh số bán lẻ tăng trung bình 20%/năm, nước ta là một trong những thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, bán lẻ. Các nhà phân phối (NPP) nước ngoài như Metro Cash&Carry (Đức), Casino (Big C - Pháp), Parkson (Ma-lai-xi-a)… với thế mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý, tính chuyên nghiệp cao, có khả năng cung cấp hàng hóa rộng khắp với mức giá hấp dẫn đang chiếm lĩnh thị trường thương mại hiện đại. Cuối năm 2008, NPP và bán lẻ điện tử Best Denki (Nhật Bản) thông qua hợp đồng nhượng quyền của Carings, đã đi vào hoạt động với siêu thị điện máy tại tòa nhà Lotte ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Đến đầu năm 2009, Tập đoàn Metro (Đức) đã xây dựng 8 trung tâm phân phối hàng hóa tại các thành phố lớn trên cả nước. Trong tháng 4-2009, UBND tỉnh An Giang bàn giao mặt bằng khu bến xe Long Xuyên cho Metro để xây dựng siêu thị phân phối hàng hóa tại đây, nâng mạng lưới Metro tại Việt Nam lên 9 điểm… Các NPP lớn trên thế giới cũng quan tâm đến thị trường nước ta ở các mức độ khác nhau.

 

Tuy nhiên, kinh tế thế giới suy thoái là một trong những lý do làm giảm tốc độ đầu tư và mở rộng thị trường của các NPP nước ngoài. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, nhiều đoàn khảo sát của các NPP lớn, các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã đến nước ta để tìm hiểu thị trường phân phối, bán lẻ. Song việc tiếp cận phần lớn tập trung vào khảo sát, nghiên cứu thị trường, tìm cơ hội liên kết với các NPP trong nước.  Vì thế, đến thời điểm này mới chỉ có thêm Tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) chính thức tham gia thị trường bán lẻ nước ta qua hình thức liên doanh với DN Minh Vân thành lập Công ty TNHH Trung tâm Lotte Shopping Việt Nam theo tỷ lệ góp vốn 80:20, nghiêng về nhà đầu tư Hàn Quốc. Ngay trước ngày mở cửa thị trường bán lẻ, Lotte Mart đã khai trương siêu thị Lotte Mart Nam Sài Gòn, có tổng vốn đầu tư 75 triệu USD tại quận 7, TP Hồ Chí Minh.

 

Cơ hội để DN trong nước mở rộng thị trường

 

Ba năm nay, nhiều nhà phân phối nội địa đã mở rộng hệ thống siêu thị ra các địa phương, nhằm chiếm lĩnh thị trường. Thông qua chương trình "Liên kết thị trường Bắc - Nam" với sự hợp tác giữa 4 nhà phân phối lớn gồm Hapro, Tập đoàn Phú Thái, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Sài Gòn Co.op, đến nay hệ thống bán lẻ của Hapro có một trung tâm thương mại, 22 siêu thị, 20 cửa hàng tiện ích Hapro Mart, 99 cửa hàng chuyên doanh các loại và 9 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn... Dự kiến từ nay đến năm 2010, Hapro sẽ đầu tư phát triển thêm một đại siêu thị, 20 siêu thị loại vừa, 50 cửa hàng tiện ích và khoảng 150 cửa hàng thực phẩm an toàn trên toàn TP Hà Nội. Hệ thống Co.opmart cũng đang gia tăng tốc độ mở siêu thị mới. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 12 siêu thị mới khai trương trong năm 2009. Quý I, Co.opmart khai trương Co.opmart Nguyễn Ảnh Thủ, Co.opmart Suối Tiên; quý II là Co.opmart tại Bình Phước, Bà Rịa và Ninh Thuận. Cùng với đó là 20 cửa hàng chuyên doanh thực phẩm Co.op Food, 10 cửa hàng tự chọn Co.op trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; tiếp đó Saigon Co.op sẽ thành lập mới trung tâm phân phối khu vực miền Tây và kho thực phẩm tươi sống tại TP Hồ Chí Minh.

 

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu tác động đến tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của nước ta, việc mở rộng thị trường, kích thích tiêu dùng phát triển và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước được coi là nhiệm vụ cốt lõi để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế. Do đó, các giải pháp kích cầu, phát triển thị trường nội địa sẽ tạo ra những cơ hội cho các NPP trong nước. Nhiều chủng loại hàng hóa xuất khẩu có chất lượng cao sẽ được lựa chọn để phục vụ thị trường nội địa. Giá bất động sản, mặt bằng, vật liệu xây dựng… đang chững lại cũng là cơ hội để các NPP trong nước củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ phân phối từ hàng hóa, mạng lưới, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng các dịch vụ phân phối, nhất là phân phối bán lẻ. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống hậu cần, mạng lưới phân phối ở 3 miền Bắc, Trung và Ðông Nam bộ, tạo thành trung tâm thương mại cấp vùng gồm kho bãi, phương tiện vận tải và hệ thống trung tâm bán buôn để cung ứng hàng cho các nhà bán lẻ trong và ngoài hệ thống.  

 

 

Thanh Hiền // hanoimoi

  • Mở cửa thị trường dược phẩm: Tăng cạnh tranh
  • Mở điểm phân phối phải phù hợp quy hoạch địa phương
  • Chính sách kích cầu nhìn từ thị trường nội địa
  • Một nửa thế giới mua sắm ra sao: Quần áo ở Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ
  • Nông dân tiếp cận siêu thị
  • Nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật Bản FamilyMart vào Việt Nam
  • Cửa hàng một giá - lối thoát thời lạm phát
  • Thời điểm tốt cho các nhà bán lẻ vào Việt Nam
  • Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thiếu mặt bằng kinh doanh
  • Tìm cách cạnh tranh trên "sân nhà"
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Dự báo quá lạc quan ?
  • “Cú hích” cho thị trường nội địa
  • Thị trường bán lẻ Chờ thời cơ
  • Tìm cách cứu vãn “chợ chiều”