Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mở điểm phân phối phải phù hợp quy hoạch địa phương

Ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM. Ảnh: Hồng Văn
 

Xung quanh việc dự án Lotte Mart thứ hai tại TPHCM bị từ chối về địa điểm, TBKTSG Online đã trao đổi với ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương về vấn đề cấp phép mở điểm phân phối thứ hai tại Việt Nam của các nhà phân phối nước ngoài.

- TBKTSG Online: Có thông tin cho rằng việc trung tâm thương mại Lotte Mart mở điểm thứ hai tại quận 11 bị thành phố từ chối là do có khoảng cách quá gần với siêu thị Co.opmart, chỉ cách có 680 mét. Phải chăng đây là nguyên nhân chính?

- Ông Trần Vinh Nhung: Thực ra lúc đầu một số cơ quan tham mưu cho UBND TPHCM không xem xét tới các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mở cửa thị trường phân phối của Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau, có thể đó là lúc giao thời trước và sau ngày 1-1-2009, thời điểm Việt Nam phải thực thi cam kết với WTO về mở cửa thị trường phân phối.

Sau đó, các cơ quan họp lại và xem xét các cam kết thì mới thấy nhà phân phối nước ngoài mở điểm thứ hai tại Việt Nam phải dựa vào nhu cầu kinh tế (ENT- Economic Needs Test).

Trung tâm mua sắm mới theo đề xuất của Lotte Vietnam Shopping trong khu vực dự án The EverRich tại góc đường 3/2 và Lê Đại Hành (quận 11, TPHCM), quá gần với siêu thị Co.opmart hiện hữu, lại ở nút giao thông có thể dễ gây ra kẹt xe. Từ những vấn đề này thành phố mới xem xét có nên cho phép Lotte Mart xây dựng ở đây hay không và đã từ chối.

- Nhưng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lẫn doanh nghiệp phân phối trong nước hiện đều nói rằng ngày 1-1-2009 Việt Nam mở cửa thị trường phân phối, đi kèm là phải có ENT nhưng thực chất tới giờ Việt Nam vẫn chưa công bố cụ thể các chi tiết của ENT?

- Nhiều người hiểu sai về chuyện này. ENT không cần phải chi tiết, bởi trong các cam kết với WTO đã nói rõ điều đó chỉ là cái khung. Hiện tại, Việt Nam có nghị định số 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-2-2007, thông tư hướng dẫn số 09 của Bộ Thương mại cũ (nay là Bộ Công Thương) ban hành ngày 17-7-2007, rồi thông tư 05 của Bộ Công Thương ban hành ngày 14-4-2008.

Tại chương 1, khoản 4 điểm 3 của thông tư 09 quy định rõ việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của các nhà phân phối nước ngoài như sau: “Việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét từng trường hợp cụ thể căn cứ vào số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở bán lẻ; sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch của tỉnh, thành phố đó”.

Đây là những văn bản mang tính định khung cho ENT, còn “xem xét từng trường hợp cụ thể ” thì phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cụ thể của địa phương tại một thời điểm cụ thể trong mối tương quan với các nhà phân phối khác, với giao thông đi lại, mặt bằng, quy hoạch phát triển kinh tế địa phương từng thời kỳ…

Chẳng hạn việc cấp phép cho các nhà phân phối mở điểm phân phối thứ hai tại địa phương trước hết phải xem nó có phù hợp phát triển thương mại của địa phương hay không?

Theo quy hoạch định hướng phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị của thành phố tới năm 2015 thì địa điểm mà Lotte Mart xin phép là điểm quy hoạch cho phát triển trung tâm thương mại và đây là lý do mà lúc đầu một số cơ quan đồng tình.

Tuy nhiên, địa điểm ấy quy hoạch cho phát triển thương mại là một việc, còn cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài hay không là việc khác, vì tùy tình hình cụ thể kinh tế của địa phương.

- Một số người am hiểu cho rằng văn bản luật của chúng ta chưa lường hết được trường hợp Big C hay Parkson của nước ngoài mở điểm phân phối dưới danh nghĩa hợp tác hay nhượng quyền thương mại với một trung tâm thương mại, siêu thị sẵn có trong nước là lách cam kết với WTO của Việt Nam, không chịu sự điều tiết của luật Việt Nam?

- Big C ở ngã năm Chuồng Chó, quận Gò Vấp hay Parkson ở sân bay Tân Sơn Nhất là câu chuyện mà các cơ quan quản lý cần tiếp tục mổ xẻ thêm; nhưng nói luật điều chỉnh của chúng ta chưa có là chưa đúng, cái quan trọng là cách vận dụng như thế nào.

- Xin cám ơn ông!

(Theo Hồng Văn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Mở cửa thị trường dược phẩm: Tăng cạnh tranh
  • Mở điểm phân phối phải phù hợp quy hoạch địa phương
  • Chính sách kích cầu nhìn từ thị trường nội địa
  • Một nửa thế giới mua sắm ra sao: Quần áo ở Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ
  • Nông dân tiếp cận siêu thị
  • Nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật Bản FamilyMart vào Việt Nam
  • Cửa hàng một giá - lối thoát thời lạm phát
  • Thời điểm tốt cho các nhà bán lẻ vào Việt Nam
  • Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thiếu mặt bằng kinh doanh
  • Tìm cách cạnh tranh trên "sân nhà"
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Dự báo quá lạc quan ?
  • “Cú hích” cho thị trường nội địa
  • Thị trường bán lẻ Chờ thời cơ
  • Tìm cách cứu vãn “chợ chiều”