Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cửa hàng một giá - lối thoát thời lạm phát

 

Mô hình cửa hàng một giá đang phát triển rất nhanh.

Bất chấp kinh tế khó khăn, thời gian gần đây, các cửa hàng một giá xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố của Hà Nội. Trong khi các cửa hàng thông thường hoặc chuyên doanh hàng hiệu rất thưa vắng khách thì các cửa hàng một giá lại tấp nập khách ra vào.

"Lối thoát" thời lạm phát


Ngày thứ hai đầu tuần, tại cửa hàng một giá 99.000 đồng số 91 Khâm Thiên, xe máy xếp ken nhau trên vỉa hè. Trong cửa hàng, chị Minh, một nhân viên văn phòng vừa ướm thử một chiếc đầm xòe vừa cho biết: “Trước đây, mình là tín đồ của hàng hiệu nhưng kinh tế suy thoái nên chẳng dám xài sang như trước. Đành tiết kiệm chi tiêu bằng cách đi shopping ở các cửa hàng một giá. Giá bán phải chăng mà chịu khó thì vẫn tìm được nhiều thứ độc đáo!”. Chị Hồng, chủ một cửa hiệu bán hàng một giá trên phố Bà Triệu cho biết: "Trước đây, khách hàng chủ yếu là giới học sinh, sinh viên đến mua hàng một giá vì... tò mò.

Tuy nhiên, gần đây, lượng khách hàng là cán bộ công chức, nhân viên văn phòng lại tăng lên đáng kể". Có cầu ắt có cung, liên tiếp các cửa hàng một giá xuất hiện và thu hút đông khách hàng. Dạo qua nhiều phố, nhất là các phố chuyên kinh doanh hàng thời trang như Hàng Bông, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Đê La Thành, Khâm Thiên… đều dễ dàng bắt gặp những cửa hàng một giá.

Có những tuyến phố không dài như Khâm Thiên, Bà Triệu nhưng đã có tới gần chục cửa hàng một giá. Có cửa hàng chỉ chuyên về mặt hàng quần áo, có cửa hàng chuyên về hàng lưu niệm... Mức giá của các cửa hàng rất phong phú và bình dân: một giá 60.000 đồng, một giá 88.000 đồng, một giá 99.000 đồng. Cũng có những cửa hàng cao hơn, lên tới 150.000 đồng hoặc 190.000 đồng.

"Ăn theo" phong trào kinh doanh một giá còn lan nhanh tới các chợ tại các khu dân cư, quanh các trường đại học... Giới học sinh, sinh viên mê tít vì có những loại sản phẩm được bán một giá chỉ từ 6.000 đồng, 8.000 đồng/sản phẩm.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận xét: "Trong khi rất nhiều các siêu thị, đại siêu thị phải gác lại kế hoạch mở rộng thị trường do lo ngại sức mua giảm trong thời buổi lạm phát thì các cửa hàng một giá phát triển khá nhanh. Mô hình kinh doanh này xuất hiện trên thế giới đã khá lâu. Các cửa hàng một giá 1 USD của Mỹ, 2 tệ, 5 tệ, 10 tệ của Trung Quốc, 100 yên của Nhật đã thực sự là mô hình kinh doanh hiệu quả ở nước ngoài...

Còn ở nước ta, mô hình cửa hàng kiểu này xuất hiện cách đây chừng vài ba năm và nở rộ trong thời gian gần đây do phù hợp với tâm lý số đông người tiêu dùng hiện nay là chỉ cần mua đồ vừa tầm rồi nhanh thay cái khác". Mô hình kinh doanh cửa hàng một giá phát triển rầm rộ hơn khi gần đây, các siêu thị đồng giá 30.000 đồng Daiso Nhật Bản liên tiếp xuất hiện tại các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

Nếu như các cửa hàng một giá hiện nay chỉ tập trung vào các mặt hàng thời trang, lưu niệm... thì sản phẩm tại Daiso Nhật Bản rất phong phú với hàng nghìn mặt hàng nên đã thu hút rất đông khách hàng.

Một giá đắt hay rẻ?

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, mua hàng một giá cũng không dễ vì có những cửa hàng một giá kinh doanh theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Kiu Kiu Fashion trên phố Khâm Thiên mặc dù treo biển là 95.000 đồng và trưng bày những mẫu quần áo thời trang nhưng thực tế, những bộ cánh trưng bày bên ngoài không hề thuộc diện một giá như quảng cáo. Quá nửa số sản phẩm bán được với giá hàng trăm ngàn, thậm chí có sản phẩm giá 400.000- 500.000 đồng. Những hàng đúng là “một giá” thì chất lượng kém hơn hẳn và thường không được khách hàng chọn mua.

Treo một giá với những cửa hàng như thế chỉ là chiêu “mồi khách”. Một khách hàng của siêu thị đồng giá Daiso Nhật Bản cũng không giấu khỏi thất vọng: "Mức giá 30.000 đồng/sản phẩm tưởng là rẻ nhưng thực ra lại có rất nhiều mặt hàng có mức giá cao hơn bình thường. Chẳng hạn: một chiếc kéo thủ công nhỏ, một chiếc ôtô đồ chơi trẻ em có giá ngoài thị trường 10.000 đồng, nhưng ở đây lại được bán với giá 30.000 đồng. Hơn nữa, khách hàng bị hấp dẫn tới cửa hàng một giá 30.000 đồng vì nghĩ toàn là hàng Nhật Bản, nhưng rất nhiều sản phẩm ở đây là hàng Trung Quốc...

Chính vì thế, nếu không khéo mua sắm thì người tiêu dùng rất dễ mua đắt hơn giá thị trường. Ông Trần Mạnh Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, đơn vị nhượng quyền thương hiệu của Daiso Nhật Bản cho biết: "Không phải hàng hóa bán ra tại siêu thị đồng giá có giá trị như nhau mà chúng tôi phải lấy cái nọ bù cái kia. Nhưng người tiêu dùng thì lại không mua hàng theo kiểu cái nọ bù cái kia. Tại siêu thị một giá Daiso Nhật Bản vừa qua đã xảy ra hiện tượng khách hàng tập trung mua quá nhiều vào những mặt hàng mà họ cho là có giá trị cao dẫn tới một số mặt hàng bị "cháy" hàng.

Nguyên nhân chính là do tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam hiện vẫn mua hàng dựa trên tính toán đắt hay rẻ. Có những mặt hàng người tiêu dùng chưa cần đến nhưng vẫn mua vì cho rằng giá rẻ và ngược lại. Trong khi đó, mô hình các cửa hàng một giá tại các nước phát triển thành công là do tập quán tiêu dùng của người dân không quá quan tâm đến giá trị của sản phẩm mà chủ yếu mua hàng theo tính tiện ích và nhu cầu sử dụng./.

(Tin tức/Vietnam+)

  • Mở cửa thị trường dược phẩm: Tăng cạnh tranh
  • Mở điểm phân phối phải phù hợp quy hoạch địa phương
  • Chính sách kích cầu nhìn từ thị trường nội địa
  • Một nửa thế giới mua sắm ra sao: Quần áo ở Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ
  • Nông dân tiếp cận siêu thị
  • Nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật Bản FamilyMart vào Việt Nam
  • Cửa hàng một giá - lối thoát thời lạm phát
  • Thời điểm tốt cho các nhà bán lẻ vào Việt Nam
  • Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thiếu mặt bằng kinh doanh
  • Tìm cách cạnh tranh trên "sân nhà"
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Dự báo quá lạc quan ?
  • “Cú hích” cho thị trường nội địa
  • Thị trường bán lẻ Chờ thời cơ
  • Tìm cách cứu vãn “chợ chiều”