Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Cú hích” cho thị trường nội địa

 

Thị trường đồ chơi trong nước đang bị lấn át bởi hàng Trung Quốc

Thị trường đồ chơi trong nước đang bị lấn át bởi hàng Trung Quốc
Để thực hiện các mục tiêu, giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích thích tiêu dùng… mới đây Bộ Công Thương đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai chương trình “Xúc tiến thị trường, thương mại nội địa 2009”. DĐDN đã có cuộc PV ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước – Bộ Công Thương xung quanh nội dung này.
Ông Xuân cho biết, mục đích của chương trình là thông qua các giải pháp hỗ trợ các hoạt động mang tính chất xúc tiến thương mại, kết hợp vận động tuyên truyền để liên kết các hiệp hội, DN sản xuất kinh doanh hàng VN hướng về thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng  và trên cơ sở đó sẽ làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Có thể coi đây là một cú hích để các DN có cơ hội phát triển thị trường theo hướng này trong những năm sau.
 

- Thưa ông, chương trình sẽ thực hiện  những nội dung như thế nào để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước ?


Chương trình này sẽ có 3 nội dung cơ bản, thứ nhất là các hoạt động hỗ trợ năng lực cộng đồng DN, trong đó chúng tôi sẽ điều tra, khảo sát thị trường nhằm cung cấp cho các DN những thông tin về người tiêu dùng như: tâm lý, thói quen, tập quán mua sắm,nhận xét về ưu nhược điểm của hàng VN... hiện trạng hệ thống phân phối và năng lực của các DN. Từ đó giúp DN có chiến lược, chính sách giải pháp nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa cũng như giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được nhu cầu của DN để tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh cho DN...


Phạm vi điều tra người tiêu dùng sẽ thực hiện ở 3 nhóm mặt hàng là lương thực, thực phẩm; dệt may, da giày và đồ gia dụng. Còn về điều tra về DN, chủ yếu chúng tôi điều tra về năng lực kinh doanh, nhu cầu nâng cao kiến thức quản lý...


Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để các DN chia sẻ kinh nghiệm, tìm cơ hội hợp tác, liên kết... tổ chức các hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề cấp vùng, miền...


Thứ hai là các hoạt động hỗ trợ, đưa hàng VN về bán ở nông thôn, các khu công nghiệp và các khu đô thị lớn. Việc đưa hàng về nông thôn sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng thấp cấp của nước ngoài tại thị trường nông thôn. Đây có thể coi là khâu đột phá của Chương trình tổng thế nhằm kích cầu tiêu dùng. Chúng tôi sẽ tổ chức cho các DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người tiêu dùng nông thôn về bán hàng lưu động tận trung tâm huyện, thị xã...


Đặc biệt, không chỉ bán lẻ mà sẽ xây dựng mạng lưới, duy trì sự có mặt bền vững bằng cách tích hợp được mạng lưới bán lẻ tại các chợ nông thôn vào mạng lưới bán lẻ lâu dài của  DN.

Gói Chương trình xúc tiến thương mại nội địa 2009 gồm 3 nhóm hoạt động lớn: Nhóm hoạt động hỗ trợ năng lực DN thực hiện trong quý II, quý III bao gồm các hoạt động điều tra khảo sát thị trường, các hội thảo, các hội chợ nông sản. Nhóm hoạt động thứ 2 là đẩy mạnh bán hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp, khu đô thị lớn thực hiện từ quý II. Nhóm hoạt động thứ 3 là truyền thông quảng cáo cho hàng VN.
Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức các phiên chợ bán hàng VN cho công nhân các khu công nghiệp, phiên chợ hàng VN cuối tuần tại các khu đô thị lớn...


Thứ ba, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hướng dẫn người tiêu dùng, bài học thành công, thất bại của DN... Tôi xin lưu ý rằng tất cả kinh phí của các chương trình này như: khảo sát thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, điều tra về thương nhân, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tổ chức các hội chợ nông sản, sản phẩm làng  nghề, hỗ trợ đưa hàng về nông thôn, khu trưng bày hàng hóa tại các chợ... nằm trong chương trình này đều được cấp kinh phí 100%.


- Hàng đưa về nông thôn giá cả thế nào và bộ có dự tính liệu người dân sẽ lấy tiền đâu ra để mua hàng không ?


Vấn đề không phải là đưa hàng về là rẻ mà quan trọng hơn hàng đúng, đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn VSATTP, hàng sản xuất trong nước được đưa về đúng với yêu cầu của người dân, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.


Không phải bây giờ các DN mới có ý thức phát triển thị trường nội địa, trên thực tế đã có nhiều DN làm ăn bài bản, họ đã phát triển thị trường nội địa rất tốt ví dụ Vinamilk, Saigoncorp... Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi là muốn có một chương trình tổng thể, bài bản và lâu dài. Bộ sẽ có biện pháp gì để kiếm soát được chất lượng hàng hóa để tránh tình trạng các DN đưa hàng hóa chất lượng kém về tiêu thụ ở nông thôn và các khu công nghiệp?


Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề này! Tôi cũng xin lưu ý rằng không chỉ ở chương trình này chúng ta mới quan tâm tới chất lượng hàng hóa, hàng giả , hàng nhái... mà vấn đề này phải thường xuyên thực hiện. Thông qua chương trình này vấn đề này càng phải được sự phối hợp thực hiện tốt để có thể phân phối hàng chất lượng cao về các vùng nông thôn. Hàng hóa chúng tôi đưa về giá có thể chưa rẻ nhưng tuyệt đối hàng phải chất lượng và đủ phẩm chất.


Một vấn đề nữa là không phải DN nào cũng được tham gia chương trình này. Chúng tôi sẽ có ban chỉ đạo chương trình này, DN nào, hàng hóa nào đi về nông thôn, phải dựa trên điều tra, nông thôn hàng gì đang cần, kết hợp với khả năng DN nào có điều kiện, có hàng phù hợp với nông thôn, phù hợp với chiến lược phát triển của DN, nhà phân phối, DN nào phù hợp sẽ được chúng tôi lựa chọn để đưa vào chương trình.


- Ông có nói là các chi phí cho chương trình được hỗ trợ 100%, vậy vấn đề rót vốn trong chương trình này sẽ như thế nào, có thông qua các sở, ban ngành địa phương không ?


Tiền này để trang trải chi phí cho DN thực hiện kế hoạch đặt ra, ví dụ hội thảo, làm hội chợ... nên không có tiền để rót về các sở, ban, ngành địa phương. Sau khi thống nhất về nội dung, hai bộ Tài chính - Công Thương sẽ thống nhất chi phí cho vấn đề này như thế nào để triển khai sớm vấn đề này. Con số chung đã thống nhất còn chi tiết hai bộ sẽ bàn với nhau. Việc phối hợp với các sở, việc đưa hàng về như thế nào chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương.


- Xin cảm ơn ông !

Ông Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng: Có lợi cho người tiêu dùng

Hội Bảo vệ người tiêu dùng ủng hộ, nhất trí và sẵn sàng hợp tác với Bộ Công Thương, chương trình này các DN được hưởng lợi nhưng người được hưởng lợi trực tiếp chính là người tiêu dùng. Ý tưởng điều tra người tiêu dùng của chương trình là rất cần thiết, một phần cung cấp thông tin cho DN để biết nhu cầu, tâm lý người tiêu dùng. Hiện một bộ phận người tiêu dùng sính hàng ngoại nên đã đẩy giá thành cao lên, sữa là một ví dụ, sữa ngoại và nội không có gì khác nhau nhưng sữa ngoại luôn đắt hơn...

Chúng tôi rất tâm đắc chương trình đưa hàng về nông thôn, hiện 70% hàng hóa được tiêu thụ ở nông thôn. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần cẩn trọng khi đưa hàng về nông thôn, vì có tính trạng hàng kém chất lượng đưa về nông thôn, vì người nông dân không đủ kiến thức để biết được chất lượng hàng hóa và họ phải gánh chịu mọi rủi ro.

Ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề VN: Chú ý quy hoạch vùng

Theo tôi việc đưa hàng về các vùng nông thôn là một chủ trương rất tốt, nhưng cũng phải thực tế, nông thôn đang cần thứ gì thì cần đáp ứng, ví dụ đồ chơi cho trẻ em ở nông thôn đang rất thiếu... Tôi đề nghị cần có chợ phiên cho học sinh, sinh viên, chương trình cũng nên dành hoạt động ở các nhà Văn hóa ở nông thôn để tổ chức cho hoạt động chợ phiên. Không chỉ Bộ Công Thương mà các Bộ, ngành khác cũng nên vào cuộc. Tôi đề nghị quan tâm sản xuất, vùng nguyên liệu, hiện nay chúng ta không có điều tra cơ bản về vấn đề này. Vấn đề khuyến công, khuyến nông vẫn chưa rõ ràng, cái gì thuộc về khuyến nông, khuyến công cần rõ ràng. Làng nghề hiện danh không có và nghệ cũng không có. Chính quyền địa phương rất thờ ơ với Làng nghề, thậm chí có nơi còn ngăn sông cấm chợ không cho xe ôtô vào chở hàng. Theo tôi cần điều tra năng lực sản xuất của các làng nghề... để phối hợp với các DN tổ chức tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa  tại các vùng nông thôn.

Bà Vũ Kim Hạnh -  Chủ tịch Hội CLB hàng VN chất lượng cao : đầu tư cho thị trường nội

Chúng tôi đã thực hiện  nhiều chương trình xúc tiến thị trường nội địa. Tuần nào chúng tôi cũng gặp DN để nắm bắt tình hình. Theo tôi chúng ta cần đầu tư tốt hơn cho thị trường nội địa chứ không phải là tình thế như hiện nay. Tôi đề nghị chương trình cần  tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng, tạo điều kiện cho DN dựa trên “điểm tựa” đó để thực hiện hoạt động của mình sau này. Những DN lớn như Tân Hiệp Phát, Vinamilk mỗi năm chi ra 1 triệu USD để mua tin về nhu cầu của người tiêu dùng. Bộ chỉ bỏ ra có 6 tỷ đồng cho hoạt động này, nghĩa là bộ cũng chỉ làm đoạn đầu. Vì thế, các DN cần xem có hướng sử dụng đào sâu thêm thông tin điều tra được như thế nào?


 

Theo Quốc Anh // diendandoanhnghiep

  • Mở cửa thị trường dược phẩm: Tăng cạnh tranh
  • Mở điểm phân phối phải phù hợp quy hoạch địa phương
  • Chính sách kích cầu nhìn từ thị trường nội địa
  • Một nửa thế giới mua sắm ra sao: Quần áo ở Bra-xin, Trung Quốc và Ấn Độ
  • Nông dân tiếp cận siêu thị
  • Nhà bán lẻ lớn thứ 3 Nhật Bản FamilyMart vào Việt Nam
  • Cửa hàng một giá - lối thoát thời lạm phát
  • Thời điểm tốt cho các nhà bán lẻ vào Việt Nam
  • Các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ:Tập trung đầu tư, mở rộng thị trường
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thiếu mặt bằng kinh doanh
  • Tìm cách cạnh tranh trên "sân nhà"
  • Thị trường bán lẻ Việt Nam: Dự báo quá lạc quan ?
  • “Cú hích” cho thị trường nội địa
  • Thị trường bán lẻ Chờ thời cơ
  • Tìm cách cứu vãn “chợ chiều”