Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chưa dễ thâm nhập thị trường

Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày Việt Nam thực hiện cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc mở cửa thị trường phân phối bán lẻ trong nước. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang gặp phải những khó khăn riêng trong tiếp cận, khai thác thị trường.


Với riêng DN trong nước, ngoài khó khăn là chưa có được trong tay các quy định cụ thể hơn liên quan tới việc khai thác thị trường từ các cơ quan quản lý thì tiềm lực vốn, công nghệ... còn yếu và thiếu là những khó khăn mà hầu hết DN gặp phải. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đã nhiều lần phát biểu tại các diễn đàn về thị trường bán lẻ rằng, những khó khăn trên đã khiến nhiều DN bán lẻ trong nước vốn yếu lại càng thêm yếu.

"Các DN trong nước thua xa đối thủ nước ngoài ở tiềm lực vốn, công nghệ tổ chức hệ thống bán lẻ, nguồn nhân lực cao cấp. Ngay trong việc tổ chức, sắp xếp hàng hoá trong một cửa hàng của DN cũng chưa khoa học, chứ đừng nói đến cơ sở hạ tầng liên quan như kho bãi, chuỗi phân phối"- ông Phú nêu ví dụ.
Quan điểm này của ông Phú cũng được các DN trong nước thừa nhận.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, ngay từ việc tiếp cận với đất đai thì các DN trong nước cũng không có được lợi thế. Ông Đoàn so sánh rằng, DN trong nước khá trầy trật khi tìm được một địa điểm xây dựng cửa hàng tại một địa phương, trong khi các DN nước ngoài làm điều này không mấy khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc DN rất thiếu vốn kinh doanh.

Chính các yếu tố khó khăn đối với DN trong nước như đã nêu trên cộng với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước chưa được quy hoạch thống nhất trong cả nước, đang khiến các DN càng khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương nêu một thực tế rằng, do thiếu quy hoạch thống nhất nên các địa phương rất khó trong việc chuẩn bị xây dựng hệ thống phân phối trên địa bàn. Và cũng do không có quy hoạch nên các DN không biết sẽ phải đầu tư vào đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả nhất.

DN trong nước còn lo ngại chưa nhận diện được các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình sẽ ra sao sau thời điểm 1/1/2009. Theo ông Huỳnh Văn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn, DN sẽ không thể có được chính sách phù hợp nếu không nhận diện được đối thủ cụ thể của mình là ai, kinh doanh ở lĩnh vực nào trong thời gian tới. Chính vì vậy, DN rất cần một cơ sở thông tin cụ thể từ cơ quan quản lý thông qua các quy định cụ thể của các văn bản luật nhằm giải quyết được vấn đề này.

Trong khi các DN trong nước gặp không ít khó khăn thì các DN nước ngoài cũng chưa dễ dàng thâm nhập thị trường. Theo ông Trần Quốc Khánh (Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên), vấn đề mà những DN này đang gặp phải là chưa có tiêu chí cụ thể về việc cấp phép mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất cho DN nước ngoài.

Theo Phụ lục số 1 kèm theo Quyết định 10/2007/QĐ-BTM ngày 2/5/2007 do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) ban hành, việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất được căn cứ trên các tiêu chí bao gồm số lượng các nhà bán lẻ hiện tại trong một khu vực địa lý; sự ổn định của thị trường và quy mô của khu vực địa lý đó. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí cụ thể hơn về vấn đề trên, nên nhà đầu tư chưa có cơ sở để tham gia thị trường.

Ông Khánh cho rằng, cần sớm có quy định rõ ràng về vấn đề này, nhằm minh bạch quy trình xem xét cấp phép thành lập các cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất của nhà đầu tư nước ngoài. Các yêu cầu trên tập trung vào các câu hỏi, như số lượng các nhà bán lẻ hiện tại trong khu vực là bao nhiêu; quy mô thị trường ra sao; sự ổn định của thị trường như thế nào...

Những quy định chi tiết này không chỉ tạo thuận lợi cho DN nước ngoài mà còn giúp DN trong nước có cơ sở thông tin để tiến hành mở rộng mạng lưới bán lẻ hoặc quyết định đầu tư vào những lĩnh vực có thể mang lại hiệu quả cao nhất.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện được đánh giá là giàu tiềm năng và rất hấp dẫn, với tốc độ tăng trưởng trên 20% năm (theo ước tính của Hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney). Do đó, đây sẽ là thị trường được cả DN trong nước và nước ngoài quan tâm trong thời gian tới. Vì vậy, yêu cầu về một chính sách rõ ràng hơn ở thời điểm này của DN trong và ngoài nước là khá chính đáng.

Sau gần 2 năm gia nhập WTO, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá cao, bởi đã tuân thủ nghiêm túc các cam kết, tạo tiền đề để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 năm qua. Việc quy định cụ thể hơn trong cấp phép thành lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất của nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực phân phối chắc chắn sẽ nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.

(Theo báo Đầu tư)

  • Thị trường đối mặt với những tình thế “nguy hiểm”
  • Các doanh nghiệp phân phối: Thiếu nguồn nhân lực đáp ứng cạnh tranh
  • Thị trường bán lẻ vẫn trầm lắng
  • Thời và thế cho hàng nội - phần 2
  • Thời và thế cho hàng nội - phần 1
  • Tăng cường phát triển thị trường nội địa
  • Vinatex xây dựng hệ thống bán lẻ trong nước
  • Bí quyết giúp DN bán lẻ trụ vững trên "sân nhà"
  • Doanh nghiệp Hà Nội làm gì để thắng trên "sân nhà" ?
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: Các hiệp hội cần tăng cường các hình thức liên kết
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: cơ hội để biết mình, biết ta
  • Thị trường bán lẻ nội địa sau mở cửa: Coi chừng bị "nuốt chửng"
  • Thị trường bán lẻ bình dân nóng trước giờ mở toang cửa
  • Mở cửa thị trường bán lẻ: Không quá lo ngại
  • Chưa dễ thâm nhập thị trường