Như VnEconomy đã đưa tin, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, sẽ là một trong những khách mời của buổi giao lưu này. Tuy nhiên, do có công việc đột xuất, ông không thể kịp sắp xếp thời gian tham dự. VnEconomy xin chân thành cáo lỗi với độc giả.
Sau đây là những nội dung chính của cuộc giao lưu trực tuyến:
Huỳnh Quang Anh: Theo giới thiệu về buổi giao lưu “thời và thế” của hàng nội, các diễn giả có thể cho biết nhận định về hai yếu tố trên đối với hàng Việt Nam mình nói chung và của riêng doanh nghiệp mình? Trân trọng cảm ơn.
Ông Lê Đăng Doanh: Chào bạn,
Về thời, năm 2009 là một năm còn khó khăn hơn so với năm 2008 của nền
kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam chiếm 72% GDP, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp. 25 nền kinh tế lâm vào suy thoái, 50 nền kinh tế đã có gói kích thích kinh tế.
Vì vậy sức mua giảm sút rất nhiều, ở trong nước đã có nhiều lao động bị giãn việc, tức là một tuần chỉ làm việc một hai ngày hay tạm thời cho nghỉ việc để làm không đúng chuyên môn, nhiều lao động được cho nghỉ Tết sớm và có khả năng không ít doanh nghiệp chưa mở cửa trở lại ngay sau tết.
Ở khu công nghiệp tập trung, từ chủ nhà trọ, người phục vụ cơm nước, anh xe ôm, chị bán bún... đều gặp khó khăn.
Vì vậy, thời ở đây là một thời khó khăn, và đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích nhu cầu có khả năng thanh toán thật kỹ.
Theo tôi trong trước tình hình khó khăn như vậy, với những mặt hàng lâu bền thì người ta sẽ tạm hoãn việc mua sắm, như tivi, tủ lạnh...
Nhưng những sản phẩm hàng tiêu dùng, như lương thực, thực phẩm... thì tùy theo sức mua, nhu cầu có khả năng thanh toán thì tôi cho là vẫn có triển vọng.
Về thế, doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... sẽ tràn vào Việt Nam.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải hành động thiết thực và tư duy toàn cầu, phải biết đối thủ cạnh tranh đưa ra sản phẩm nào, giá nào để cạnh tranh với họ.
Thứ hai là doanh nghiệp Việt Nam phải phân tích thế mạnh, cơ hội, thách thức và đưa ra phương án phù hợp.
Theo tôi, doanh nghiệp cần có "phương án tác chiến" là đánh nhỏ, thắng nhỏ nhưng chắc thắng, mỗi trận đánh phải chắc thắng.
Điều này cũng giống như xây một cái nhà 20 tầng, thay vì xây một lúc tất cả 20 tầng thì nên làm từ từ, xong tầng 1 thì cho thuê và xây tầng thứ 2 rồi lại cho thuê.
Hết sức sáng tạo, cơ cấu ngành hàng, triệt để tiết kiệm là điều rất quan trọng. Những phương án trong quá khứ dù đã đúng, cũng chưa chắc đúng với tình hình hiện nay.
Bà Vũ Thị Hậu: Đứng ở góc độ nhà bán lẻ, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt nhất cho hàng nội vào thị trường vì người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển từ hàng nhập khẩu sang sử dụng hàng nội do xu hướng cắt giảm chi phí, chi tiêu.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước nên tranh thủ lúc này để đưa sản phẩm của mình vào thị trường để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Ban đầu, họ sẽ ưu tiên hàng nội vì mục đích cắt giảm chi tiêu, nhưng khi dùng quen, họ sẽ cảm thấy yêu thích hàng nội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Nếu mà nhận định đúng thì hàng nội nói chung đang có chất lượng rất tốt. Người Việt Nam cần thay đổi tâm lý thích dùng hàng ngoại, nếu không sẽ phải trả giá đắt cho sản phẩm có chất lượng như nhau, chỉ khác nhau một cái tên.
Riêng về hàng dệt may, nhiều năm trước đây tôi đã nhận định là người Việt Nam đang được sử dụng các sản phẩm công nghệ tốt nhất, chất lượng tốt nhất nhưng giá của Việt Nam. Từ lâu các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được các sản phẩm nổi tiếng trên thế giới.
May 10 của chúng tôi có chính sách nghiêm ngặt trong việc quản lý chất lượng để cung cấp cho thị trường trong nước những sản phẩm tốt nhất, vì hai lý do:
- Doanh nghiệp Việt Nam phải tôn trọng người Việt Nam thể hiện qua chất lượng sản phẩm.
- Người tiêu dùng Việt Nam rất khó tính.
H.Phan:
Tôi thấy chính sách kích cầu vừa được Chính phủ thông qua có điểm nổi bật là tăng chi và giảm thu. Nay chúng ta khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn dễ dẫn tới bội chi ngân sách, tiêu hao tiết kiệm, giảm nội lực. Ông Doanh nghĩ có nên lo lắng vì điều này?
Ông Lê Đăng Doanh: Tôi hoàn toàn chia sẻ với lo lắng của bạn về khó khăn của cân đối ngân sách.
Nguồn thu ngân sách của chúng ta hiện nay có khoảng 22-24% từ bán dầu thô. Với việc giá dầu thô trên thế giới đã giảm từ 147 USD/thùng xuống dưới 40 USD/thùng hiện nay thì chúng ta có thể thấy nguồn thu ngân sách từ dầu thô đã giảm đi 2/3.
Nói cách khác, ngân sách giảm 12-18% nguồn thu, hơn thế nữa với việc Chính phủ vừa quyết định giảm thuế, giãn, hoãn thu thuế cũng sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách. Trong tình hình đó, việc thu đúng, thu đủ và tiết kiệm chi là điều hết sức cần thiết, song cũng khó có thể bù đắp được nguồn thu to lớn như vậy.
Cũng phải nói thêm nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong một điều kiện rất khó khăn. Chúng ta phải giải quyết lạm phát, ngân sách chúng ta bội chi hàng năm là 5%, chúng ta nhập siêu với tỷ lệ khá cao, chúng ta cân đối cán cân thanh toán bằng rất nhiều nguồn trong khi nguồn thu lại chưa ổn định. Ví dụ từ kiều hối, giải ngân đầu tư nước ngoài...
Nếu so với Trung Quốc thì họ là nước xuất siêu, dự trữ ngoại tệ là gần 2.000 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi người dân có mức dự trữ là hơn 1.000 USD.
Nếu so sánh như vậy thì chúng ta phải có khoảng 100 tỷ USD dự trữ mới bằng mức dự trữ USD tính theo đầu người của Trung Quốc. Nói như vậy để thấy khó khăn của Chính phủ là rất lớn. Vì vậy cần phải chia sẻ với khó khăn của Chính phủ và phải đánh giá một cách đúng đắn và cầu thị.
Trong tình hình đó, tôi nghĩ cần phải tiết kiệm từ các khoản đầu tư từ ngân sách và phát hành trái phiếu Chính phủ để cho các khoản chi cần thiết và bù đắp thiếu hụt từ ngân sách.
Tôi hy vọng, toàn dân, doanh nghiệp sẽ thông cảm với Chính phủ và cũng tham gia giải quyết khó khăn này.
Lê Thanh Sơn: Xin các diễn giả cho biết quan điểm kích cầu tiêu dùng hiện nay nên triển khai như thế nào, cần những chính sách nào?
Ông Lê Đăng Doanh: Kích cầu tiêu dùng trước hết để góp phần ngăn chặn suy giảm của nền kinh tế, vì thế cần phải trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là những doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi linh hoạt, kinh doanh có hiệu quả và tạo ra nhiều việc làm.
Chính phủ đã quyết định sử dụng 17 nghìn tỷ đồng để bù lãi suất tín dụng và giảm thuế cho doanh nghiệp, đây là việc thiết thực và có hiệu quả trong điều kiện hiện nay.
Trợ cấp tín dụng tiêu dùng cần làm thận trọng và tiến hành có chọn lọc .Với một số mặt hàng có thể cho vay tín dụng tiêu dùng, như trợ giúp các dự án xây dựng nhà ở với người có thu nhập và có khả năng thanh toán. Cần rút kinh nghiệm từ việc cho vay tín dụng tràn lan ở
Hoa Kỳ đã dẫn đến đổ vỡ của ngân hàng và khủng hoảng tài chính .
Về chính sách cần đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt số giấy phép, thủ tục hành chính không cần thiết, không đem lại hiệu quả mà chỉ gây nên phiền hà. Đăng ký kinh doanh thì dễ dàng nhưng cần đất, xây dựng, môi trường rất rườm rà. VCCI đã tính toán, nếu giảm một nửa thủ tục hành chính hiện nay thì chi phí của doanh nghiệp có thể giảm 13 ngàn tỉ đồng một năm.
.
Chỉ số giá dự đoán tăng không cao, có thể lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm nên có thể kích cầu thuận lợi. Nhà nước đã nới rộng biên độ giao dịch, cụ thể là tỷ giá hối đoái thực của Việt Nam là tăng lên chứ không giảm đi, vì nhiều đồng tiền trên thế giới giảm giá rất nhiều... Như vậy thì chúng ta sẽ có khả năng xuất khẩu cao hơn.
Nguyễn Văn Thịnh: Theo nhận định của các diễn giả, để hàng Việt đến với người Việt, hiện này còn có những khó khăn gì?
Ông Lê Đăng Doanh: Để hàng Việt đến với người Việt thì tôi nghĩ còn cần phải vượt qua một số những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, nhiều sản phẩm của Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu ra nước ngoài, ít chú trọng đến thị trường trong nước, nên người Việt Nam ít biết đến chất lượng và thương hiệu ở Việt Nam.
Tôi có đi thăm siêu thị, thấy có chiếc áo sơ mi mang thương hiệu CK giá 2.299.000 đồng/chiếc, nhưng người mua thì không phải là ít. Tôi hỏi một chuyên gia về ngành may mặc, người đó nói hàng may mặc Việt Nam có chất lượng không kém hàng ngoại nhưng giá thì không đắt tới mức đó.
Cho nên xây dựng, quảng bá thương hiệu là điều rất cần thiết.
Thứ hai, hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian nên đẩy giá lên quá cao. Ví dụ gạo đến tay người tiêu dùng phải qua 4 khâu trung gian, một trái xoài, nho... cũng qua 3, 4 khâu trung gian.
Trong khi đó, hãng Metro đã ký trực tiếp với nhiều hộ nông dân, hướng dẫn họ cách trồng chọt, chăn nuôi, đóng gói... Metro tự kiểm tra chất lượng, thu mua từ nguồn...
Như vậy cũng sản phẩm đó, khi qua nhà phân phân phối nước ngoài lại không qua trung gian, nên giá rẻ hơn.
Tôi nghĩ các nhà phân phối phải đặt mối quan hệ như vậy, để người tiêu dùng được hưởng giá thấp nhấp nhất, chất lượng tốt nhất để mang lại hiệu quả nhất.
Thứ ba, các sản phẩm nước ngoài ở Việt Nam, họ có quy trình rất tốt để đảm bảo chất lượng.
Ví dụ, gà rán KFC đều được chuẩn bị và qua quy trình chặt chẽ, nhiệt độ, mùi vị... theo một quy trình. Trong khi đó, có một thương hiệu cà phê khá nổi tiếng tại Việt Nam, khi uống ở các cửa hàng khác nhau thì lại có chất lượng khác nhau.
Với các sản phẩm kỹ thuật, họ có cam kết dịch vụ hậu mãi, sau bán hàng rất cao. Chẳng hạn Honda có quy trình bảo trì, bảo dưỡng rất tốt.
Nên những sản phẩm kỹ thuật của Việt Nam phải phát triển dịch vụ sau bán hàng giống họ. Nếu làm được thì hàng Việt sẽ đến với người Việt Nam thuận lợi rất nhiều.
Bà Vũ Thị Hậu: Các nhà sản xuất trong nước thường chỉ chú ý đến giá và chất lượng khi cạnh tranh, mà chưa chú ý đến việc lựa chọn kênh phân phối.
Theo tôi, các nhà sản xuất nên chú trọng những kênh phân phối hiện đại như siêu thị và trung tâm thương mại. Đây là những con đường ngắn nhất để sản phẩm của họ đến thẳng tay người tiêu dùng.
Như vậy, giá đến tay người tiêu dùng mới rẻ hơn, vì hạn chế được các kênh trung gian.
Leo: Tôi theo dõi thì thấy giai đoạn khủng hoảng khu vực năm 1997-1998, Hàn Quốc và Nhật Bản khuyến khích người dân “thắt lưng buộc bụng” cùng Chính phủ. Ta thì ngược lại, Chính phủ muốn khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn. Theo các ông bà, ở Việt Nam hiện nay nên kích cầu hay “thắt lưng buộc bụng”?
Ông Lê Đăng Doanh: Trong thời kỳ khủng hoảng thì không yêu cầu người dân cũng phải tiết kiệm.
Ở một quốc gia giàu có như nước Mỹ, người dân cũng tiết kiệm, không mua sắm ô tô, đi du lịch... nên các ngành này rất khó khăn. Ba công ty ôtô đã phá sản, du lịch khó khăn.
Tại Việt Nam thì sức mua có khả năng thanh toán năm 2008 đã giảm và năm 2009 sẽ hạn chế. Trong khi đó các doanh nghiệp đang muốn quay lại thị trường nội địa, việc khuyến khích tiêu dùng phù hợp với khả năng là cần thiết.
Chính phủ không khuyến khích tiêu dùng hoang phí, nhưng người Việt Nam vốn đã tiết kiệm rồi. Tôi tin chắc người dân sẽ hưởng ứng dùng hàng nội và sẽ dùng nhiều hàng nội.
Hiện nay ôtô, điện tử và nhiều mặt hàng khác giảm giá khá mạnh nên đây là thời điểm thuận lợi để tiêu dùng một cách tiết kiệm, hợp lý.
Lê Vũ Hồng Nhung: Là một người tiêu dùng, tôi nhận thấy chất lượng nhiều sản phẩm của Việt Nam không hề thua kém hàng ngoại. Thế nhưng giá hàng ngoại lại cao hơn nhiều và được chuộng hơn. Phải chăng là do thương hiệu của họ mạnh hơn?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Tôi đồng tình với nhận xét của bạn, nhưng xây dựng thương hiệu là cả quá trình lâu dài. Tôi tin rằng trong một thời gian không xa, các thương hiệu của Việt Nam sẽ chiếm dược lòng tin của người tiêu dùng.
Cũng xin nói thêm là người tiêu dùng Việt Nam đang phải trả tiền nhiều hơn để mua sản phẩm ngoại có chất lượng ngang với hàng nội.
Bà Vũ Thị Hậu: Theo chính sách thuế, những sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được, nếu nhập khẩu sẽ phải chịu mức thuế rất cao. Thêm vào đó là sự trượt giá của đồng ngoại tệ được dùng cho việc nhập khẩu. Nhà nhập khẩu sẽ cộng tất cả các chi phí đó vào giá bán, chính vì thế, hàng sản xuất trong nước thường rẻ hơn rất nhiều hàng nhập ngoại.
Vấn đề thương hiệu cũng là một vấn đề quan trọng. Theo tôi, sản phẩm có tốt thì thương hiệu đó mới đi vào lòng người tiêu dùng được.
M.Tam: Tôi gần như không thấy người tiêu dùng được bảo vệ gì trước phần lỗi từ các doanh nghiệp, ví dụ như vụ Vedan, sữa nhiễm melamine, gian lận giá xăng... Thế thì việc kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt có phải là một chiều quá không?
Bà Vũ Thị Hậu: Vụ Vedan là vấn đề môi trường, chứ không phải là vấn đề chất lượng sản phẩm. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường.
Những vụ việc mà bạn nêu đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước. Ta vẫn phải kêu gọi sử dụng hàng nội để ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh, giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Chào bạn, tôi nghĩ không nên lấy ví dụ cụ thể để phủ nhận cái chung. Việc kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt không phải là một chiều vì còn có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, tôn trọng khách hàng và sản phẩm của họ đã và đang được khách hàng tin cậy.
Hoàng Vân Nga: Có một tâm lý chung khá phổ biến hiện nay là người tiêu dùng còn có tâm lý “sính ngoại”, hoặc chưa đề cao chất lượng hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập. Các diễn giả nghĩ thế nào?
Bà Vũ Thị Hậu: Tâm lý đó là tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay. Nhưng cũng cần khẳng định với người tiêu dùng rằng, khi sử dụng sản phẩm nhập khẩu, bạn phải trả thêm thuế nhập khẩu và sự trượt giá của đồng ngoại tệ.
Chính vì vậy, người tiêu dùng nên sử dụng hàng nội đối với các sản phẩm trong nước sản xuất được và chỉ nên dùng hàng ngoại đối với những mặt hàng chưa sản xuất được trong nước.