Xin được hỏi lãnh đạo Công ty May 10: May 10 gắn với khẩu hiệu “Đẳng cấp đã được khẳng định”. Không biết có phải vì thế mà giá các sản phẩm thường khá cao. Và như thế có loại trừ các khách hàng bình dân không?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Tôi xin đính chính một chút là khẩu hiệu của chúng tôi hiện nay là "Đẳng cấp luôn được khẳng định", nghĩa là không phân biệt đối tượng khách hàng mà luôn cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho mọi đối tượng.
So với các sản phẩm cùng loại mà chúng tôi sản xuất với thương hiệu của nước ngoài thì giá của May 10 chỉ bằng 1/5. Hiện nay sản phẩm sơ mi cao cấp nhất của chúng tôi chỉ có giá 976 ngàn đồng.
Còn dòng bình dân dao động từ 159 đến khoảng trên dưới 200 ngàn đồng. Còn cao hơn cũng chỉ từ 300-500 ngàn đồng. Trong khi những sản phẩm cùng loại của nước ngoài có giá từ 1-1,5 triệu đồng.
Nguyễn Văn Thịnh:
Theo nhận định của các diễn giả, để hàng Việt đến với người Việt, hiện này còn có những khó khăn gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Khó khăn lớn nhất chính là đông đảo người tiêu dùng hiện nay vẫn còn tâm lý ưa hàng ngoại.
Thứ hai là các nhà sản xuất còn chưa làm cho người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm mà họ cung cấp.
Tôi nghĩ để hàng Việt đến được với người Việt thì trước hết các doanh nghiệp phải khắc phục được hạn chế này.
Nhà báo Thúy Nga:
Theo tôi, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên khắp toàn cầu như thế này, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, có lẽ lúc này nên có động tác gì đó để người tiêu dùng nâng cao ý thức tiêu thụ hàng trong nước. Ông Doanh có ý kiến như thế nào về vấn đề này. Nếu nên thì những động tác đó là gì?
Ông Lê Đăng Doanh:
Tôi rất nhất trí với độc giả là trong hoàn cảnh hiện nay thì toàn thể xã hội cần phải phát động phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”.
Và không phải chỉ có doanh nghiệp, nhà sản xuất mà tôi hy vọng là Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ,... tất cả các tổ chức sẽ phát động phong trào cũng như vận động chiến dịch này.
Chính phủ nên đi đầu trong việc này thông qua việc mua sắm, ưu tiên hàng Việt Nam sản xuất nếu như có chất lượng tương đương như cái cặp, tờ giấy, bút bi...
Nếu như chúng ta sử dụng không chỉ hàng tiêu dùng mà cả máy móc, thiết bị có chất lượng tương đương với giá rẻ hơn so với sản phẩm nước ngoài, thì đó là đóng góp rất lớn để thúc đẩy thị trường nội địa.
Nguyễn Thị Vân Anh:
Xin chào các cô, các chú. Cháu là một sinh viên kinh tế năm thứ hai. Cháu rất buồn và thất vọng khi đi đâu, về nhà đều có thể thấy hàng Trung Quốc. Cháu không bài trừ hay chê bai chất lượng những mặt hàng đó, ngược lại cháu thấy rất khâm phục ở chỗ có những sản phẩm nhìn lại rất đơn giản nhưng lại tiện ích, giá rẻ, có những tính năng mà cháu thấy tính sáng tạo của hàng Việt Nam còn thua kém. Cháu không hiểu hết tại sao những sản phẩm đó khá đơn giản nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại để hàng Trung Quốc lấn át như vậy? Cháu xin lấy ví dụ như những đồ chơi của trẻ em chẳng hạn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Tôi cảm ơn những nhận xét thẳng thắn và rất thích quan điểm của cháu. Công ty May 10 và các công ty khác của Việt Nam đang có những sự thay đổi, tôi tin là đã và sẽ đáp ứng yêu cầu của bạn.
Tôi xin lấy một ví dụ, khi chúng tôi mở đại lý ở Lạng Sơn, nơi mà mọi người đổ xô đến để mua hàng Trung Quốc thì doanh số bán hàng vẫn đứng trong Top các đại lý của công ty.
Điều đó chứng tỏ hàng nội vẫn là sự lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng, nếu chất lượng và giá cả phù hợp.
Thái Huyền My:
Buổi giao lưu này nói về “hàng nội” và người tiêu dùng Việt Nam. May 10 là một doanh nghiệp tiêu biểu và quen thuộc với thị trường. Nhưng tôi thấy một điểm không hợp lý là rất nhiều các nhãn hiệu của May 10 đều mang tên nước ngoài. Xin hỏi vì sao vậy?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Những nhãn hiệu có tên nước ngoài của May 10 đã sử dụng khoảng dăm năm nay, chỉ là bước chuyển đổi khi tâm lý thích hàng ngoại còn khá phổ biến.
Đến thời điểm này, trên thị trường nội địa về cơ bản thì chúng tôi đã hoàn thành việc Việt hóa nhãn hiệu các sản phẩm của công ty với các dòng sản phẩm mang tên May 10 series
Phạm Thu Huyền:
Thời là khó khăn thì có lẽ khá rõ, nhưng nói về thế thì ông Doanh có thể phân tích rõ hơn "thế của hàng nội" có nghĩa là thế nào? Có phải là các doanh nghiệp Việt Nam nên hướng về thị trường nội địa không?
Ông Lê Đăng Doanh:
Như tất cả chúng ta đều biết tình hình kinh tế trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu suy thoái.
Trong tình hình ấy việc chiếm lĩnh thị trường của hơn 86 triệu dân, trong đó 60% dân số trong độ tuổi làm việc là điều hết sức quan trọng. Vì vậy không phải tình cờ các hãng nước ngoài đổ xô vào Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung vào thị trường nước ngoài mà không chú ý thích đáng thị trường trong nước nhưng khi thị trường nước ngoài đang bị suy thoái thì doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý quay lại thị trường nội địa.
Doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh hơn doanh nghiệp nước ngoài vì có thể nắm rõ hơn về văn hóa, nhu cầu, thị hiếu... người tiêu dùng Việt Nam hơn.
Doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp, phải tổ chức hợp lý khâu phân phối, giảm khâu trung gian không cần thiết. Các nhà phân phối Việt Nam phải bắt tay với nhau để có thể cạnh tranh và phát triển.
Tôi nghĩ trong thời hội nhập, không còn câu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, vì hàng Việt Nam phải cạnh tranh ngang ngửa với hàng hóa nước ngoài. Nếu sản phẩm không tốt thì không thể cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Nếu doanh nghiệp phân phối rút ngắn thời gian cung ứng, giá hợp lý thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường tốt hơn, qua đó sẽ được được khách hàng, người tiêu dùng đón nhận.
Đào Tuyết Nhung:
Tôi thấy đây là một diễn đàn rất ý nghĩa, cổ vũ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, tăng cường tiếp cận người tiêu dùng trong nước, khuyến khích người tiêu dùng đến với sản phẩm Việt Nam. Mỗi lần tôi đi mua hàng may mặc ở phố Chùa Bộc Hà Nội, tôi thấy những biển hiệu rất tự tin khi đề rõ: "Hàng Việt Nam", "Made in Vietnam". Thế nhưng, khi vào nhiều trung tâm thương mại cao cấp lại thấy thiếu vắng sự tự tin đó. Tại sao vậy?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Theo quan sát của bạn thì có thể đúng như vậy, tôi xin chia sẻ sự quan tâm đó.
Tuy nhiên, riêng sản phẩm May 10 thì đã có mặt tại những siêu thị lớn nhất Hà Nội như Vincom, BigC, Tràng Tiền..., tại những cửa hàng, đại lý của May 10.
Tới đây chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới phân phối tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước.
Anh Cuong:
Theo các diễn giả, thế nào là hàng Việt Nam? Những sản phẩm như bột giặt OMO, dầu gội Clear... do nước ngoài sản xuất tại Việt Nam có thể coi là hàng nội không?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Tôi nghĩ nếu bạn sử dụng những sản phẩm này thì cũng vẫn là những sản phẩm do chính người Việt sản xuất, và sẽ kích thích tiêu dùng nội địa.
Trịnh Hữu Việt:
Xin hỏi các diễn giả một số câu hỏi sau:
Tại sao hàng Việt Nam chưa có mạng lưới phân phối rộng rãi ở các tỉnh thành phố mà chỉ tập trung vào một số thành phố lớn? Tại sao hàng Việt Nam giá thành vẫn cao, mẫu mã theo chậm, chất lượng bình thường? Tại sao đội ngũ bán hàng chưa có tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ, cách bày trí sản phẩm? Các doanh nghiệp cần phải làm gì để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi họ thực sự thâm nhập vào thị trường trong nước? Dân số nước ta có đặc điểm là dân số trẻ, cần phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu chủ yếu cho các đối tượng này. Làm thế nào có thể bỏ tâm lý sùng ngoại của giới trẻ hiện nay, tạo lòng tin các bạn trẻ với câu nói “người Việt phải tin hàng Việt”?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Lý do cơ bản nhất là do doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, ở đâu nhu cầu cao thì ở đó phân phối mạnh hơn.
Các thành phố lớn là nơi tập trung đông người, nhiều đối tượng với mức độ, nhu cầu khác nhau nên đương nhiên phải được ưu tiên trước.
Tuy nhiên, theo tôi doanh nghiệp nào cũng muốn mở rộng thị trường và thị phần nên sẽ dần phát triển mạng lưới phân phối đến nhiều địa phương trên cả nước.
Doanh nghiệp nào cũng muốn thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ bằng các sản phẩm phù hợp thị hiếu. Công ty chúng tôi có đội ngũ thiết kế chuyên thiết kễ mẫu mã dành cho các bạn trẻ, và rất mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các bạn để phục vụ các bạn trẻ ngày càng tốt hơn.
Bà Vũ Thị Hậu:
Khi một doanh nghiệp muốn mở hệ thống bán lẻ của mình, họ phải tính tới hiệu quả kinh doanh, nhất là các công ty cổ phần vì họ không có sự bảo trợ nào trong trường hợp kinh doanh thua lỗ.
Mức thu nhập của người dân ở nhiều tỉnh thành phố còn thấp hơn nhiều so với ở các thành phố lớn. Chính vì vậy mà việc mua sắm ở những nơi này rất hạn chế. Nếu mở kênh phân phối ở các tỉnh thành này, doanh nghiệp khó có thể lấy thu để bù đủ chi.
Trong một số doanh nghiệp chưa chú trọng cắt giảm chi phí đầu vào, chắc chắn giá đầu ra sẽ tăng. Nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực để đầu tư cho công nghệ thì mẫu mã và chất lượng bình thường là điều dễ hiểu.
Thực ra ở Việt Nam chưa có sự đào tạo cơ bản cho đội ngũ bán lẻ, mà chỉ học theo kiểu truyền miệng. Lực lượng lao động phổ thông phần lớn chỉ học hết lớp 12, chính vì vậy mà tính chuyên nghiệp trong bán hàng chưa cao.
Đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam, để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, cần khắc phục những điểm yếu so với các doanh nghiệp ngoại. Ở Fivimart khi chưa có sự cạnh tranh của nước ngoài thì Fivi mart đã tạo ra được những thế mạnh riêng từ khi mới đi vào hoạt động, xây dựng bản sắc thương hiệu bán lẻ cho riêng mình củng cố hệ thống nhân lực, học tập kinh nghiệm nước ngoài.
Để tạo lòng tin của giới trẻ đối với hàng Việt Nam, chúng ta có thể đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy trong các trường học các cấp: dùng hàng Việt là thể hiện tinh thần dân tộc, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Lê Quốc Uy:
Năm 2009, thị trường bán lẻ mở của hội nhập. Fivimart có lo ngại điều này không, nhất là khi những hàng nước ngoài lớn như Metro hay BigC đã và đang tạo những sức hút rất mạnh đối với người tiêu dùng?
Bà Vũ Thị Hậu:
Như các bạn đều đã biết các nhà bán lẻ và phân phối của nước ngoài đều mạnh hơn ta rất nhiều về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ quản lý điều hành. Cho nên để cạnh tranh được với họ thì các nhà bán lẻ trong nước cần phải khắc phục những điểm yếu đó bằng những cách riêng của mỗi doanh nghiệp, ngoài ra cần phải đặt ra đựơc chiếm lược kinh doanh rõ ràng .
Fivimart đã khắc phục những điểm yếu đó bằng cách củng cố hệ thống nhân lực, xây dựng bản sắc thương hiệu, học tập kinh nghiệm quản lý của nước ngoài.
Nguyễn Văn Sáng:
Theo tôi, năm 2009 sẽ là năm khó khăn cho toàn nền kinh tế và các doanh nghiệp nói chung. 1/1/2009 các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sẽ bắt đầu xâm nhập thị trường. Hàng Việt Nam, sức cạnh tranh chưa cao, do đó việc giữ vững thị phần là khó khăn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy năm 2009 các doanh nghiệp ít mở rộng đầu tư hơn (cắt giảm đầu tư cũng có thể). Đây cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cải cách, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tạo sức cạnh tranh. Ý kiến các diễn giả thế nào?
Bà Vũ Thị Hậu:
Vấn đề chỉ là thời gian, sớm hay muộn các doanh nghiệp ngoại cũng sẽ vào thị trường Việt Nam.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần hết sức tập trung nội lực để làm cho bản thân vững mạnh lên thì mới có thể đứng vững trên thương trường.
Thúy Nhi:
Chào chị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 là nữ nhưng hình như công ty chưa chú trọng nhiều đến sản phẩm cho phái nữ, trong khi chị em là người quyết định chi tiêu ở hầu hết các gia đình và có nhu cầu may mặc cao hơn hẳn nam giới?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Chào bạn, chính vì hiểu được điều này nên trong khoảng 4 năm gần đây công ty chúng tôi đã từng bước cho ra những dòng sản phẩm phục vụ chị em.
Hiện nay chúng tôi có cả sơ mi, veston, áo choàng, quần âu... phục vụ cho chị em từ 18-55 tuổi, công chức văn phòng, doanh nhân, những đối tượng có thu nhập trung bình trở lên.
Tuy nhiên, so với sản phẩm dành cho nam giới thì đúng là còn khiêm tốn.
Chúng tôi đang có kế hoạch tăng tỷ trọng những dòng sản phẩm dành riêng cho nữ giới, đáp ứng yêu cầu ngày cao của chị em.
Xin tiết lộ với bạn, hầu hết các sản phẩm may mặc tôi đang sử dụng cũng là của May 10.
Đỗ Hải Yến:
Chào chị Hậu, xin hỏi hiện tại Fivimart có bao nhiêu mặt hàng, trong đó bao nhiêu phần trăm là hàng nội? Tỷ trọng hàng nội chiếm khoảng bao nhiêu trong doanh số hàng tháng của hệ thống?
Bà Vũ Thị Hậu:
Hiện tại, Fivimart có trên 30.000 mặt hàng được bày bán trong các cửa hàng thuộc hệ thống. Nếu tính theo số lượng mặt hàng thì hàng nội chiếm 75 đến 80% trong hệ thống.
Nếu tính theo doanh số, tỷ trọng của hàng nội thay đổi tùy theo tháng. Ở những tháng bình thường, doanh số hàng nội chiếm khoảng 90%.
Ở thời điểm Tết, doanh số hàng ngoại tăng hơn vì nhiều sản phẩm trong nước chưa có nguồn cung tốt như rượu cao cấp, bánh kẹo cao cấp, một số loại quả như nho, táo... Thangdh:
Theo như câu trả lời này của bà Hậu: "Như các bạn đều đã biết các nhà bán lẻ và phân phối của nước ngoài đều mạnh hơn ta rất nhiều về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ quản lý điều hành. Cho nên để cạnh tranh được với họ thì các nhà bán lẻ trong nước cần phải khắc phục những điểm yếu đó bằng những cách riêng của mỗi doanh nghiệp, ngoài ra cần phải đặt ra đựơc chiếm lược kinh doanh rõ ràng". Vậy thì chiến lược kinh doanh rõ ràng của Fivimart là gì thưa bà?
Bà Vũ Thị Hậu:
Một vài chiến lược kinh doanh của Fivimart đã được tôi đề cập tới trong phần trả lời trước.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng sự phong phú, đa dạng của hàng hóa và phong cách phục vụ để tiến tới dịch vụ hoàn hảo nhất và đạt được sự hài lòng của khách hàng.
T.N.Kien:
Hình như sắp tới các cơ quan quản lý sẽ mở chiến dịch kêu gọi dùng hàng nội. Các ông bà dự báo thế nào về kết quả chiến dịch này?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Trước tiên tôi thấy đây là việc rất cấp thiết.
Nước ta có 86 triệu dân, cứ giả thiết nếu có 60% dân số tiêu dùng hàng may mặc nội địa thì sẽ tạo việc làm cho khoảng hơn 1 triệu lao động rồi.
Bên cạnh đó còn góp phần quảng bá rộng rãi, tạo chỗ đứng vững chắc cho các thương hiệu Việt.
Doanh nghiệp chỉ có thể có thương hiệu quốc tế khi đã có thương hiệu quốc gia, tạo thế và lực cho hàng nội trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Kết quả của chiến dịch này cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên doanh nghiệp chúng tôi sẽ hết lòng ủng hộ việc làm này và tôi tin rằng sẽ thành công.
Trần Đức Mạnh:
Xin được hỏi bà Vũ Thị Hậu: năm 2009 Việt Nam mở cửa rộng hơn cho thị trường bán lẻ vậy hệ thống Fivimart đã có quyết sách như thế nào để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, bên cạnh vấn đề cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau?
Bà Vũ Thị Hậu:
Fivimart đã đạt ra những chiến lược kinh doanh cho riêng mình: xây dựng hệ thống cung cấp nguồn hàng ổn định, lựa chọn những nhà cung cấp "ruột" để có chính sách riêng; mở rộng hệ thống, tăng thị phần; lấy người tiêu dùng làm trung tâm để tạo ra những chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Mai Chí Cương:
Fivimart là hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội, nhưng tôi cảm thấy để đưa được hàng vào hệ thống Fivimart là rất khó khăn, có đúng thế không, thưa bà Hậu?
Bà Vũ Thị Hậu:
Fivimart là hệ thống siêu thị đầu tiên tại miền Bắc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001:2000. Chính vì vậy, quy trình đặt ra là rất nghiêm ngặt.
Để hàng vào được hệ thống Fivimart, nhà cung cấp cũng phải tuân theo quy trình đó, nhưng không phải là khó khăn. Nếu sản phẩm của bạn thực hiện được đầy đủ theo quy định của hàng hóa bán trong siêu thị, thì chúng tôi sẽ ký hợp đồng ngay.
Lê Quang Quỳnh:
Tôi thấy hiện nay giá nguyên liệu để sản xuất ra một số sản phẩm như xăng dầu đều xuống giá nhưng các sản phẩm bán ra chưa thấy hạ, ví dụ : mì ăn liền, các loại bánh kẹo... bà Hậu có thể cho tôi biết lý do?
Bà Vũ Thị Hậu:
Theo lý giải của các nhà sản xuất, thường nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm được dự trữ từ 3 - 6 tháng. Chính vì vậy, khi các nguyên liệu này giảm giá, nhà sản xuất vẫn phải sử dụng nguyên liệu tồn kho cho việc sản xuất.
Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, một loạt sản phẩm cũng sẽ được giảm giá, ví dụ các sản phẩm như bạn vừa nói tới.
Nếu giá bột đang được giữ ở mức giảm so với trước 30%, dầu ăn giảm 30%, thì chắc chắn nhà sản xuất mì ăn liền cũng phải cân đối lại để giảm giá bán.
Nguyễn Bảo Ngọc:
Làm thế nào để phân biệt sản phẩm chính hiệu của May 10 với hàng nhái? Vì thỉnh thoảng có hàng “May 10” bày bán trên vỉa hè đại hạ giá với mức chỉ 20 ngàn/áo sơ mi nam, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Chúng tôi luôn ý thức được phải bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Cụ thể từ năm 2000, trên sản phẩm của May 10 đã có nhãn chống hàng giả. Năm 2001, chúng tôi tiếp tục gắn sợi chống hàng giả trên sản phẩm (được sản xuất tại Mỹ).
Bạn có thể rất dễ dàng nhận biết sản phẩm chính hãng của May 10 bằng cách nhìn vào tem chống hàng giả được gắn trên nhãn giá của sản phẩm.
Tại tất cả các cửa hàng của chúng tôi đều có hướng dẫn phân biệt hàng thật – giả. Bạn nên chú ý đến điều này khi mua hàng.
Đỗ Xuân Khánh:
Xin hỏi chị Huyền thế này có được không: cá nhân chị sử dụng hàng may mặc nhãn nào, của trong nước hay nước ngoài, sản phẩm của May 10 chiếm bao nhiêu phần trăm?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Đa số hàng may mặc tôi đang sử dụng là của May 10, như sơmi, vest, quần âu, áo choàng và cả váy nữa, khoảng 70%.
Chỉ có những sản phẩm hiện May 10 chưa sản xuất thì tôi mới dùng của hãng khác nhưng vẫn là hàng Việt Nam như của Hanosimex, Phương Đông, Hòa Bình, Tiền Tiến, Đồng Tiến... và tôi rất hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Tôi khẳng định những sản phẩm nội này có chất lượng không thua kém hàng ngoại nổi tiếng đang bán tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đôi khi tôi vẫn sử dụng đồ ngoại, vì không phải sản phẩm nào cũng tìm được ở những nhà sản xuất trong nước.
Phan Thu Thủy:
Chào chị Huyền. May 10 là một trong số ít doanh nghiệp đã lập chiến lược xây dựng thương hiệu từ khá sớm (tôi nhớ không nhầm là cách đây gần 15 năm rồi). Hẳn May 10 ý thức rõ vai trò của thương hiệu trong việc tiếp cận thị trường. Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong vấn đề này không?
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Rất cảm ơn bạn, phải là người rất quan tâm đến công ty thì bạn mới hiểu rõ như vậy.
Hơn 20 năm nay, chúng tôi đã rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Và từ năm 1998 trở lại đây thì May 10 đã trở thành một thương hiệu mạnh.
Kinh nghiệm của chúng tôi không mới, nhưng để thực hiện thì không dễ. Sự hài lòng của người tiêu dùng không chỉ được coi trọng khi chúng tôi bán sản phẩm mà đã được coi trọng ngay từ ý tưởng đến thiết kế, sản xuất và phân phối.
Nguyên tắc này đã thấm đến toàn bộ mọi thành viên trong công ty và "làm hài lòng khách hàng" chính là niềm vui của mỗi người trong May 10.
Những điều này chính là "bí quyết" để May 10 có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Bà Hoàng Thủy Chung, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam:
Buổi giao lưu trực tuyến đã khép lại, nhưng những tâm huyết của các đại diện doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế còn để lại cho chúng ta những băn khoăn về vai trò của người tiêu dùng đối với vận mệnh của nền kinh tế.
Hơn 400 câu hỏi của độc giả đã thể hiện rõ sự quan tâm của dư luận đối với chủ đề này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thể hiện cam kết hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện dịch vụ, vì người tiêu dùng.
Trong hơn 2 tiếng giao lưu, chúng tôi mới chỉ dừng ở việc "xới" lên những vấn đề đáng quan tâm giữa người tiêu dùng trong nước và các sản phẩm nội địa. Từ quan điểm đến thực thi còn một khoảng cách, VnEconomy sẽ còn tiếp tục đặt vấn đề này đối với các chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng, để người Việt và hàng Việt có thể “bắt tay” nhau.
VnEconomy xin chân thành cảm ơn các diễn giả, quý bạn đọc đã tham gia vào buổi giao lưu này!
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2009 theo giá thực tế ước tính đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2008, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay tăng 8,2%, thấp hơn mức tăng 11,7% của cùng kỳ năm trước.
TP.HCM - Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương TP.HCM, đội ngũ lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) phân phối, có thể được chia thành hai nhóm là cán bộ quản lý điều hành và nhân viên kinh doanh; trong đó nhóm cán bộ quản lý điều hành giữ vai trò quyết định đối với quá trình cạnh tranh giữa DN Việt Nam với các DN phân phối nước ngoài.
Trái với nhiều nhận định trước đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho các nhà bán lẻ nước ngoài, đi liền với dịp tiêu dùng lớn nhất trong năm là Tết Nguyên Đán, nhưng đến nay vẫn khá trầm lắng.
Xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển thị trường nội địa, phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực; hỗ trợ các chủ đầu tư xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện), cơ sở hạ tầng thương mại và dịch vụ thương mại, triển khai sản phẩm công nghiệp ưu tiên; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... là những nhiệm vụ trọng tâm mà Sở Công Thương tập trung thực hiện trong năm 2009 đã được thông qua trong lễ tổng kết ngành năm 2008 vào sáng qua (14-1).
Ngày 14-1, tại TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bàn giải pháp thực hiện mục tiêu năm 2009 đạt tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu từ 5% đến 10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,72 tỷ USD, góp phần cùng toàn ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu từ 9,2 đến 9,5 tỷ USD, tỷ suất lợi nhuận trên vốn 12%, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.
Mặc dù phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt khi các "đại gia" bán lẻ rộng cửa vào thị trường Việt Nam song DN trong nước nếu biết tận dụng lợi thế hiểu biết văn hóa tiêu dùng và biết cách phân khúc đối tượng khách hàng hợp lý vẫn sẽ trụ vững trên sân nhà.
Từ ngày 1-1-2009, Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các tập đoàn bán lẻ 100% vốn nước ngoài vào đầu tư. Một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, có thắng - thua, đã được báo trước. Hệ thống bán lẻ Hà Nội mà tâm điểm là các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị sẽ làm gì để cạnh tranh thị trường với hệ thống bán lẻ nước ngoài?
Hà Nội - Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí trước các khả năng khai thác thị trường trong nước của các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài khi thị trường dịch vụ phân phối mở rộng theo lộ trình cam kết WTO.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh để làm tốt hơn theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải quan tâm hơn đến liên kết giữa các nhà sản xuất và phân phối.
Theo Bộ Công Thương, một số tập đoàn, DN phân phối, bán lẻ quốc tế đang hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị đăng ký kinh doanh tại Việt Nam như: Dairy Farm (Singapore) đã nộp đơn xin thành lập DN 100% vốn; Lotte (Hàn Quốc) vào Việt Nam qua hình thức liên doanh; 2 tập đoàn hàng đầu thế giới là Wal - Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) cũng đang nhắm tới thị trường này.
Chỉ trong vòng 3 ngày liên tiếp cuối tuần, Saigon Co.op đã kịp khai trương 2 siêu thị và mở một cửa hàng thực phẩm đầu tiên trong chuỗi siêu thị thực phẩm mới mang tên Co.op Food. Nhanh chân chiếm lĩnh thị trường là mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ nội địa trước thời điểm 1/1/2009.
Vấn đề là các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước cần nhìn nhận một cách khách quan, không quá lo lắng về sức ép, nhưng không được phép chủ quan để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả.
Chỉ còn đúng một tuần nữa là đến ngày Việt Nam thực hiện cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc mở cửa thị trường phân phối bán lẻ trong nước. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang gặp phải những khó khăn riêng trong tiếp cận, khai thác thị trường.