Vấn đề là các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước cần nhìn nhận một cách khách quan, không quá lo lắng về sức ép, nhưng không được phép chủ quan để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả.
Thông báo của bà Hoàng Thị Tuyết Hoa, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) về việc từ hai năm nay, Bộ Công thương không nhận được hồ sơ mới của các công ty nước ngoài xin hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ tại Việt Nam cho thấy, mô hình bán lẻ của DN nước ngoài tại Việt Nam đã phần nào định hình.
Cũng theo bà Hoa, hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này đang hoạt động theo một số mô hình siêu thị. Đơn cử, hệ thống của Metro chuyên bán lẻ hàng tổng hợp với số lượng lớn, Big C là siêu thị bách hoá, Parkson chuyên bách hoá công nghiệp, Louis Vuitton chuyên cung cấp các thương hiệu của mình, Lottle với mặt bằng lớn phục vụ cho cả các DN khác tham gia kinh doanh... Phân tích xu hướng thâm nhập thị trường phân phối bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, bà Hoa cho rằng, hình thức nhượng quyền thương mại sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Còn theo ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), quy mô thị trường và cách phân bố thị trường của Việt Nam cũng sẽ khiến các DN lớn của nước ngoài phải tính toán kỹ.
“Đặc trưng của thị trường thương mại nội địa của chúng ta là phân tán và nhỏ lẻ. Điều này sẽ khiến cho các DN lớn rất khó có thể triển khai được mục tiêu kinh doanh, bởi các DN này chỉ có thể hoạt động hiệu quả tại các thị trường tập trung. Hơn nữa, với nét văn hoá riêng và tập quán tiêu dùng của người Việt Nam thì các DN nước ngoài không dễ dàng áp đảo được trên thị trường phân phối bán lẻ trong thời gian tới”, ông Xuân phân tích.
Ông Xuân bổ sung: “Với thế mạnh am hiểu thị hiếu người tiêu dùng và quy mô kinh doanh phù hợp với thị trường, nên các DN trong nước sẽ có lợi thế cạnh tranh và hoàn toàn có đủ thời gian để triển khai kế hoạch kinh doanh của mình. Do thị trường Việt Nam vẫn dựa nhiều vào kênh phân phối truyền thống, nên các DN vẫn có rất nhiều đất để khai thác”.
Nhận định về sự lo ngại của dư luận về “mốc thời gian ngày 1/1/2009”, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, dư luận đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng, đây là thời điểm mở cửa thị trường phân phối bán lẻ của Việt Nam bởi thực chất chúng ta đã mở cửa thị trường trước đó từ lâu. “Không phải cứ có thị trường mà các DN nước ngoài có thể dễ dàng kinh doanh được. Họ sẽ vấp phải yếu tố văn hoá tiêu dùng của người Việt, nên chẳng dễ dàng gì khi hoạt động tại Việt Nam.
Song, như vậy cũng không có nghĩa là các DN trong nước được chủ quan, bởi nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì DN sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Tú bình luận. Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, các DN trong nước đã có thời gian để chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị chiến lược kinh doanh, nên không quá khó khăn khi cạnh tranh. “Vấn đề là cần nhìn nhận một cách khách quan, không lo lắng thái quá về sức ép và không chủ quan quá mức sẽ khiến các DN trong nước hoạt động hiệu quả”, ông Tú nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, sẽ quan tâm tới các đề xuất giải quyết những khó khăn của DN trong nước ở lĩnh vực phân phối bán lẻ. “Song, có nhiều yêu cầu của DN không phù hợp với quy định của WTO và trái với quy tắc thị trường thì cơ quan nhà nước không thể can thiệp”, ông Tú khẳng định. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng chính sách phát triển (ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển) về tiếp cận vốn, thuế, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, hiệp hội, tổ chức hệ thống phân phối một số mặt hàng trọng yếu...
Đánh giá về sức cạnh tranh của DN trong nước sau thời điểm trên, ông Xuân cho rằng, các DN từng bước, thận trọng thì hoạt động sẽ hiệu quả, bởi thị trường trong nước là rất tiềm năng với quy mô của năm 2008 là khoảng 55 tỷ USD và tốc độ phát triển của thị trường trong những năm qua đều rất cao (khoảng 25%/năm).