Cuộc chạy đua nhằm khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực đang nóng lên khi hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến việc tiếp cận vào khu vực băng giá này trở nên dễ dàng hơn.
Chiếc bánh ngọt nhiều vị
Công ty khai thác năng lượng hàng đầu thế giới của Hà Lan Royal Duch Shell - vừa leo lên vị trí số 1 thế giới về doanh thu theo xếp hạng của tạp chí Fobres, đang lên kế hoạch khoan 5 giếng dầu tại bang Alaska của Mỹ vào tháng tới. Đây sẽ là những mũi khoan đầu tiên từ phía Mỹ ở khu vực Bắc Cực trong nhiều chục năm qua và đó cũng trở thành dấu mốc mới nhất cho cuộc chạy đua âm thầm nhằm tranh giành các nguồn tài nguyên của khu vực lạnh giá này.
Từ lâu, sự phát triển và bành trướng của các công ty năng lượng luôn bị các quốc gia giàu tài nguyên dầu lửa như Ả-rập Xê-út, Venezuela, Mehico kìm hãm và đe dọa đóng cửa các cơ sở sản xuất. Chính vì vậy, các công ty này nhìn nguồn năng lượng tiềm năng ở Bắc Cực như là một nguồn sống và sự bảo đảm cho tương lai của mình. Shell là một trong những hãng đi đầu khi tiến hành nhiều hoạt động thăm dò tại Alaska và có nhiều bước đi nhằm tiếp cận tới khu vực đảo băng Greenland. Công ty dầu khí Na Uy (STO) hiện khai thác các mỏ dầu ở biển Barents cũng đang dần tiến sát vùng biển phía bắc địa cầu và cạnh tranh với Chevron, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ.
![]() |
Khí đốt và dầu mỏ được đánh giá là nguồn tài nguyên quý giá và dồi dào nhất ở Bắc Cực. Theo thống kê của Cơ quan địa chất Mỹ, Bắc Cực chiếm khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt của thế giới (tương đương với 1670 nghìn tỷ m3) chưa được khai thác. Đó là chưa kể lượng dầu và khí ga khác như hydrocacbon trong đá phiến dầu hoặc khí metan ở vùng thềm lục địa.
Từ ba năm qua, các tập đoàn Shell, Maersk Oil, Statoil, Cairn Energy đã tiến hành nhiều hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng vịnh Baffin thuộc Greenland và đã có 30 tập đoàn của Trung Quốc, Anh, Canada, Úc và Greenland thăm dò khoáng sản trên đảo. Trong số các tập đoàn khai thác khoáng sản đang hoạt động tại khu vực này, 58% mang quốc tịch Canada hoặc Úc, khối EU chỉ chiếm 15% và hoạt động tích cực nhất hiện nay là Trung Quốc.
Theo chính quyền địa phương Greenland, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng đổ hàng tỉ kroner đầu tư để tham gia cuộc đua khai thác khoáng sản dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh với các tập đoàn Anh, Úc đã có giấy phép khai thác. Các tập đoàn quốc doanh lớn như China Communication Construction Company và Sinosteel đã liên kết với London Mining (trụ sở chính đặt tại Toronto) để thành lập London Mining Greenland. Công ty này đã đầu tư 13 tỉ kroner (khoảng 2,28 tỉ USD) vào mỏ sắt tại Isua, phía tây bắc thủ phủ Nuuk của Greenland, dự kiến đi vào hoạt động năm 2015-2016.
Các tập đoàn Trung Quốc cũng đã thăm dò mỏ kẽm tại vịnh Citronfjord, gần Bắc cực, đầu tư 70 triệu USD vào mỏ đồng tại Ittoqqortoomit thuộc vùng duyên hải đông nam Greenland, xúc tiến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sắt, sân bay tại Nuuk và đang đẩy mạnh kế hoạch khai thác đất hiếm.
Trên đây chỉ là một số trong nhiều thỏa thuận và kế hoạch khai thác dầu khí được công bố thời gian gần đây. Ở tầm quốc gia cuộc tranh giành lãnh thổ và tài nguyên Bắc Cực đã bắt đầu từ lâu giữa các nước Mỹ, Canada, Na Uy và Trung Quốc, Nga. Các nước này đã tích cực triển khai lực lượng hải, không, lục quân ở khu vực xung quanh Bắc Cực, nhằm giành được thế chủ động và nắm bắt trước thời cơ.
Người Nga là những người nhanh chân hơn cả. Ngay từ năm 2001, Nga đã tuyên bố với Liên Hợp Quốc chủ quyền biển hàng chục nghìn km² ở Bắc Cực. Năm 2001, Nga đã đệ trình lên Ủy ban Phân định ranh giới thềm lục địa của LHQ yêu cầu công nhận 1,2 triệu km2 dưới lòng biển từ đỉnh hai núi ngầm Lomonosov và Mendeleev đến Bắc cực. Diện tích này rộng bằng tổng diện tích ba nước Pháp, Đức và Ý. Với tư cách là hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga, các căn cứ triển khai của Hạm đội Biển Bắc đều bao quanh Bắc Cực, tổng cộng có hơn 30 tàu ngầm chiến lược, chiến thuật và đặc chủng, cộng với tàu ngầm hạt nhân.
Sau này, Na Uy, Đan Mạch và Canađa đưa ra những "yêu cầu lãnh thổ" tại Bắc Cực với Liên Hợp Quốc. Bộ tài nguyên và năng lượng Nga cho rằng, chỉ tính trong khu vực Bắc Băng Dương thuộc sở hữu của Nga thì đã có hơn 10 tỉ tấn dầu thô và khí gas, trị giá ước đạt 2000 tỉ USD. Phương tiện truyền thông của Đức tiết lộ chỉ tính riêng khu vực nhánh biển Ba-lon có thể khai thác được 580 tỉ thùng dầu thô, gấp 2 lần trữ lượng dầu thô của Ả rập Xê út.
Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là một nơi rất giàu tiềm năng khoáng sản và cá. Bắc Cực có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Hiện nay, mỏ kẽm lớn nhất thế giới hiện đang ở bang Alaska của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc cực của Nga. Cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và trữ lượng khai thác có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước được giải phóng và thu hút nhiều loại các di cư từ phía Bắc xuống.
Miếng ngon nhưng khó nuốt
Tuy nhiên, trên thực tế việc khai thác dầu mỏ ở quy mô lớn tại Bắc Cực được dự đoán sẽ vẫn là một quá trình dài. Nguyên nhân chính là do khu vực này vẫn thiếu một cơ sở hạ tầng cần thiết để xây dựng giếng dầu, hút dầu thô lên khỏi lớp băng dày như hệ thống đường ống, cảng nước sâu, đường băng cho máy bay và nhà ở. Trong khi đó, việc phân định quốc gia nào sở hữu phần tài nguyên không lồ trên vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc tiếp cận nguồn năng lượng tại Bắc Cực là xử lý những tảng băng trôi. Áp lực do những phiến băng khổng lồ gây nên có thể làm thiết bị khai thác thông thường gãy vỡ. Có khi lớp dưới bề mặt của các đường ống dẫn và miệng giếng dầu bị các tảng băng trôi ngầm bịt lại. Cần có những công nghệ vượt trội mới có thể khai thác được dầu ở Bắc Cực. Mặt khác, việc khai thác dầu và khí đốt tại đây hẳn sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể cho môi trường tự nhiên và nguồn kiếm sống của nhưng cư dân sống quanh vùng Bắc Cực.
Chính vì những lý do đó, tiến trình khai thác dầu tại Bắc Cực đang được triển khai song với tốc độ rất chậm chạp và thời điểm tốt nhất để khoan các giếng dầu chỉ là vài tháng trong mùa hè. Đó là lý do tại sao thời điểm này trong năm, các hãng năng lượng như Shell đang tập trung nguồn lực để triển khai các kế hoạch tham vọng của mình. Nhưng ngay cả khi Shell triển khai kế hoạch khai thác dầu đầu tiên tại Bắc Cực vào tháng tới, có thể tập đoàn này sẽ phải đợi hàng năm mới có thể lấy được những thùng dầu đầu tiên. Và chắc sẽ phải đợi tới 10 năm hoặc hơn nữa để hút được lượng lớn dầu khỏi đáy biển Bắc Cực.
Như vậy là quá trình tan chảy của Bắc Cực đã mở ra nhiều tiềm năng mà con người có thể khai thác nhưng liệu con người có thể chạm tới chúng mà không hủy hoại toàn diện môi trường ở đây và liệu nguồn tài nguyên ở Bắc Cực có thể bù đắp được thiệt hại do hiện tượng nóng lên toàn cầu là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.
Tác giả: A Vũ (Tổng hợp)// Nguồn: Tuần Việt Nam
-----------------------------
Thời gian gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu đã làm cho các tảng băng tan nhanh hơn ở Bắc Cực, khiến vùng biển này trở thành một "điểm nóng" về cả kinh tế lẫn chính trị. Nhiều nước đang hợp tác lẫn tranh chấp với nhau trong vấn đề khai thác tài nguyên và khẳng định vị thế nơi đây, đồng thời cũng mở ra cơ hội tạo ra các tuyến hàng hải mới.
Là một trong tám nước giáp ranh với Bắc Cực, Nga cũng không ngoại lệ với vòng xoáy lợi ích đó, khi mà Bắc Cực có thể mở ra một hướng đi mới cho kinh tế Nga trong tương lai, đến mức các nhà lãnh đạo của nước này từng tuyên bố rằng việc bảo vệ những lợi ích tại Bắc Cực chính là "trách nhiệm" với thế hệ sau này. Chính vì thế mà Nga đã và đang thực hiện rất nhiều kế hoạch nhằm khẳng định vị thế của mình tại khu vực này.
Bên cạnh những dự án nhằm khai thác dầu khí hay tài nguyên đơn thuần đã được biết đến rộng rãi, Nga còn có những bước đi dài hạn mới nhằm định hướng cho tương lai. Theo tin từ Đài tiếng nói nước Nga thì Nga đã lên kế hoạch phát triển du lịch tại Bắc Cực dựa trên nền tảng vườn quốc gia "Bắc Cực Nga". Tại công viên rộng lớn này sẽ xuất hiện các cơ sở hạ tầng du lịch như bốn tụ điểm tham quan, bao gồm các trung tâm dành cho du khách, sân quan sát có sưởi ấm, tuyến đường đi bộ, các tụ điểm giải trí đóng kín. Tại địa điểm cách cực Bắc 900km sẽ xây dựng các trung tâm dành cho khách du lịch: ba trung tâm trên đảo Franz Josef Land và một trung tâm trên mũi phía bắc của quần đảo Novaya Zemlya.
![]() |
Mỏ thăm dò dầu khí của Nga của Bắc Cực. |
Nga còn dự định sẽ đầu tư khoảng 1,3 nghìn tỷ rúp (44 tỷ USD) vào dự án kinh tế - xã hội ở Bắc Cực đến năm 2020. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Rossiiskaya Gazeta, xuất bản ngày 5/4, Bộ trưởng phát triển khu vực Nga, Viktor Basargin, nói rằng Chính phủ Nga sẽ dành khoản ngân sách 503 tỷ rúp (17 tỷ USD) nhằm xây dựng hành lang giao thông mới ở Bắc Cực đồng thời phát triển hạ tầng xã hội, cải thiện tiêu chuẩn sống của người dân địa phương cũng như duy trì môi trường và văn hóa của các dân tộc bản địa.
Theo ông Basargin, khoảng 724 tỷ rúp (24,5 tỷ USD) đầu tư cho dự án dự kiến sẽ trích từ nguồn ngân sách khu vực. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tham gia đầu tư thêm 80 tỷ rúp (2,7 tỷ USD).
Tại sao Nga lại liên tục đưa ra những kế hoạch dài hạn như thế? Hoàn toàn có thể lí giải được những động thái này của Nga cùng các nước khác liên quan đến Bắc Cực dựa vào các con số thống kê về khu vực này. Theo số liệu của Viện Địa lý Mỹ đưa ra thì Bắc Cực có trữ lượng dầu thô khoảng 90 tỷ thùng, về khí đốt tự nhiên là 1,669 nghìn tỷ m3 và khí tự nhiên hóa lỏng 44 tỷ thùng. Những con số này quy ra sẽ tương ứng với 13% trữ lượng dầu mỏ trên toàn thế giới chưa được khai thác, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí tự nhiên hóa lỏng.
Đặc biệt hơn khi lợi ích khu vực này chưa dừng lại ở dầu khí, mà còn là hải sản và nhiều loại khoáng sản khác (kim cương, mangan, đồng, coban, phốt phát, niken, aluminum, urani, gali, indi). Do đó, từng mét vuông đất ở đây đều là mục tiêu để các nước tranh giành nhằm tạo lập vị thế, hướng tới mục tiêu giành được chủ quyền tại các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có địa chính trị quan trọng. Có thể lấy một số ví dụ như những tranh chấp giữa Đan Mạch và Canađa (đảo Hans), giữa Nga và Mỹ (eo biển Bering), giữa Canada và Mỹ (biển Beaufort).
Chưa dừng lại ở các lợi ích tài nguyên, Nga còn có thêm một nguồn lợi rất lớn từ Bắc Cực, đó chính là tuyến đường biển đi qua Biển Bắc. Đây chính là tuyến đường biển được xem là ngắn nhất nối các cảng ở Tây Âu và Đông Á. Đây cũng chính là nơi mà lợi ích của các quốc gia xung quanh Bắc Cực và các nước phía nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc gặp nhau. Chính vì lớp băng ở bề mặt Bắc Cực tan chảy, tạo ra nhiều không gian hơn cho vận tải biển, làm cho việc khai thác các tuyến đường tại Biển Bắc trở nên thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian, tạo nên một hướng làm ăn hấp dẫn đối với các công ty vận tải biển. Nếu Nga nắm được chủ quyền liên quan đến khu vực này thì cùng với số tiền thu được từ tuyến đường Biển Bắc, lợi ích từ việc các tàu nước ngoài ghé các cảng của Nga, kèm theo đó là hoạt động của các tàu phá băng và việc khai thác nguyên liệu thô có thể mang lại những nguồn lợi rất lớn cho nền kinh tế nước Nga.
Trong chiến tranh lạnh, Bắc Cực chính là nơi được bố trí nhiều vũ khí hạt nhân nhất trên thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc, cuộc chạy đua vũ trang của Liên Xô lúc đó ở Bắc Cực giảm dần và gần như ngưng hẳn sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó - Mikhail Gorbachev, tuyên bố trong tháng 10/1987 rằng Bắc Cực sẽ trở thành "một khu vực hòa bình và hợp tác có lợi".
Nhưng câu chuyện về "một khu vực hòa bình và hợp tác có lợi" đã thay đổi chóng mặt sau năm 2001, khi giá dầu thế giới tăng lên như "diều gặp gió", chính quyền Putin đã nhận ra nguồn lợi dầu khí thu được từ Bắc Cực lớn đến mức nào. Thế là Moscow bắt đầu đầu tư tiền bạc cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như khẳng định vị thế tại khu vực này. Mỹ, Canada hay các quốc gia khác có liên quan cũng vội vã phản ứng lại các động thái của Nga bằng việc tăng cường tập trung quân sự hóa khu vực. Và thế là cuộc tranh giành tuyên bố chủ quyền ở khu vực này bắt đầu, mà Nga là một trong những quốc gia "xông xáo" nhất.
Nhưng Nga hiện gặp rất nhiều khó khăn trong các kế hoạch hợp tác cũng như cạnh tranh vì những lợi ích trong khu vực này không chỉ diễn ra ở các nước giáp ranh Bắc Cực giống Nga như Na Uy, Đan Mạch, Canada, Mỹ, Thụy Điển, Iceland, Phần Lan, mà hiện tại, một quốc gia dường như chả liên quan gì (về mặt địa lý) như Trung Quốc cũng đang xem nơi đây là một thách thức địa chiến lược và là một nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho nền kinh tế đang khát năng lượng và tài nguyên.
Chính vì thế mà Nga đã chủ động cùng với 7 nước trên thành lập một diễn đàn liên chính phủ có tên là Hội đồng Bắc Cực vào năm 1996. Mục đích lập Hội đồng này không gì khác ngoài việc các nước thành viên muốn "thông báo" rằng các quốc gia và tổ chức khác không có quyền can dự vào Bắc Cực. Ngoài ra, còn có Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh có quy chế quan sát viên thường trực, trong khi Trung Quốc là quan sát viên đặc biệt và Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang mong muốn được hưởng quy chế quan sát viên.
Nhìn chung, những điều kiện chủ quan cũng như khách quan đã khiến Bắc Cực trở thành chiếc chìa khóa cho một tương lai phồn vinh của kinh tế Nga. Dù rằng cách thức sử dụng "chiếc chìa khóa" này để mở ra "cánh cửa" tương lai của Nga sẽ còn gặp rất nhiều chông gai.
--------------
Tác giả: Nghĩa Huỳnh - Hà Mai// Nguồn: Tuần Việt Nam
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com