Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Các nước A-rập với chiến lược "giải cơn khát"

Khi cả thế giới chuẩn bị đối mặt những "cơn khát" nước sạch trong tương lai không xa, thì các nước A-rập, một trong những nơi khan hiếm nước nhất thế giới, lại càng phải chật vật hơn trong nỗ lực bảo vệ nguồn nước và tìm kiếm nguồn nước tái tạo. Tại phiên họp của Hội đồng phụ trách về nguồn nước diễn ra tại trụ sở của Liên đoàn A-rập (AL) ở Cai-rô, Ai Cập vừa qua, các nước A-rập đã nhất trí một dự thảo chiến lược nhằm tăng cường an ninh về nước.

Người dân Y-ê-men chờ phân phối nước của LHQ.

Chiến lược "giải cơn khát" của các nước A-rập đưa ra gồm năm dự án cơ bản nhằm đáp ứng các mục tiêu của toàn thế giới A-rập. Lộ trình của kế hoạch này là đánh giá mức tiêu thụ nước, thúc đẩy các nguồn nước phi truyền thống, khuyến khích các kỹ thuật quản lý nước, bảo vệ quyền của các nước A-rập trong sử dụng công bằng nguồn nước. Các nước A-rập cũng thảo luận về nguồn tài chính có thể giúp thực hiện lộ trình và phương thức tăng cường đàm phán với các nước không thuộc thế giới A-rập về các nguồn nước chung. Tổng Thư ký AL A.Mu-xa cho rằng, việc đạt một dự thảo chiến lược là bước quan trọng tiến tới sự đồng thuận, phối hợp giữa các nước A-rập trong các vấn đề về nước và sử dụng công nghệ khử muối trong nước biển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nước A-rập.

Với gần 70% lượng nước ở các nước A-rập bắt nguồn từ bên ngoài biên giới các nước này và phần lớn nằm ở hạ nguồn, 19 quốc gia A-rập hiện phải sống dưới "mức nghèo khổ" về nước (500 m3/năm) khi lượng mưa giảm mạnh trong những năm gần đây. Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), các nước A-rập nằm trong số các khu vực bị tác động mạnh nhất bởi sự biến đổi khí hậu trái đất. Hậu quả là, khu vực này sẽ mất nhiều vùng duyên hải, tình trạng hạn hán và sa mạc hóa nghiêm trọng hơn, nguồn nước ngầm bị nước mặn xâm thực, xuất hiện nhiều bệnh dịch. Trữ lượng nước tính theo đầu người ở đây ngày càng suy giảm mà không có nguồn bù đắp. Theo một báo cáo của LHQ, hầu hết 300 triệu dân ở khu vực Ðịa Trung Hải sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu nước vào năm 2025 do biến đổi khí hậu. Tại Gioóc-đa-ni, thay đổi khí hậu làm giảm 30% nguồn nước cũng như làm giảm lượng mưa và sản lượng nông nghiệp, những yếu tố vốn rất quan trọng đối với các nước A-rập. Một số giếng nước ở Y-ê-men đã phải dùng các thiết bị khoan dầu mỏ để khoan tới độ sâu 800 đến 1.000 m mới có nước. Tại I-rắc, nhiều người hằng ngày phải "túc trực" để chờ mua nước. Bảy triệu dân ở Thủ đô Bát-đa của I-rắc cần 3,5 triệu m3 nước/ngày, song chính quyền ở đây chỉ cung cấp được khoảng 2,7 triệu m3. Kể từ năm 2005, hơn 100 nghìn người ở miền bắc I-rắc đã phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác vì không có nước. Bộ trưởng phụ trách nguồn nước của I-rắc L.Ra-sít kêu gọi AL giúp nước này đối phó những thách thức do thiếu nguồn nước. Sự khan hiếm nước cũng là lý do khiến cuộc tranh chấp nguồn nước của các nước lưu vực sông Nin kéo dài nhiều năm qua mà vẫn chưa thể giải quyết.

LHQ kêu gọi các nước A-rập sử dụng hợp lý và bền vững nguồn nước, đồng thời đưa vấn đề môi trường trở thành trọng tâm của chính sách phát triển. Nếu các chính sách và các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn nước được xử lý tốt hơn, khu vực này vẫn có thể phát triển bền vững với nền kinh tế xanh mang lại lợi ích cho hàng chục triệu người. LHQ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hưởng ứng chương trình khẩn cấp hỗ trợ các nước Xy-ri, Y-ê-men, các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin, I-rắc chống hạn hán kéo dài suốt ba năm qua.

(Theo HÀ LÂM // Nhandan Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Tập đoàn BP nhất trí thay “tướng”
  • Châu Âu làm "cách mạng năng lượng xanh"
  • Căng thẳng ngoại giao làm Hoàng Hải dậy sóng
  • Vợ chồng Tổng thống Pháp nhận tài trợ bất hợp pháp?
  • Đức mở đại tiệc trên… xa lộ
  • Nghỉ hè kiểu Thụy Sĩ
  • “Người Nga đang đến”
  • Pháp: Chiếc khăn gây tranh cãi