Từ ngày 18 tới 27-3, tại thủ đô Prague (CH Czech) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 5 Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA), quy tụ 500 hiệu trưởng và những người có trách nhiệm từ 46 nước. Tuy không phải đề tài thảo luận chính thức nhưng tác động của suy thoái kinh tế tới hoạt động của các trường đại học được các đại biểu rất quan tâm.
Lo ngại tác động
Các trường lo ngại, do phải tập trung giải cứu các ngân hàng, trợ giúp các ngành công nghiệp, hạn chế nạn thất nghiệp..., chính phủ các nước sẽ cắt giảm kinh phí dành cho trường đại học. Nhưng ngược lại, đây cũng là lúc ngành kinh tế chất xám có cơ hội khẳng định vị trí của mình.
Trong khi các trường đại học Mỹ bị ảnh hưởng nặng do đã giao “vốn liếng” cho thị trường tài chính, các trường đại học châu Âu lại cảm thấy chưa được bảo hộ đầy đủ như một thể chế của nhà nước. Họ lo ngại về chương trình tái khởi động kinh tế của Mỹ, với ưu tiên đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu, sẽ làm khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu ngày càng tăng.
“Ở Mỹ và Nhật Bản, mức chi trung bình để đào tạo một sinh viên gấp đôi so với ở châu Âu” – ông Jo Ritzen, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan, hiện là Hiệu trưởng Đại học Maastricht, cho biết. Các trường đại học khó tin là họ có thể thực hiện chế độ tự chủ ngân sách. “Các ngân hàng còn không làm được, nói gì các trường đại học?” – theo Peter Scott, Đại học Kingston. Vì thế, tất cả hiệu trưởng đều yêu cầu chính phủ tăng kinh phí cho trường mình.
Ở Italia, sự thể dường như đã muộn. Tháng 10 năm ngoái, chính phủ quyết định cắt giảm đáng kể nguồn kinh phí dành cho đào tạo đại học và ngưng tuyển dụng giảng viên, nhà nghiên cứu. Davide Bassi, Hiệu trưởng Đại học Trento có 15.000 sinh viên ở Bắc Italia, vốn có quan hệ mật thiết với giới công nghiệp, tỏ ý lo ngại về những tác động của khủng hoảng.
Ông Bassi phải tìm cách duy trì các hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp, như Microsoft, giảm 5% các khoản chi tiêu, khuyến khích các giáo sư tự nguyện nghỉ hưu (tuổi hưu trí vừa được giảm từ 75 xuống 70 tuổi)...
Tìm cách tự cứu
“Sự tự chủ cho phép chúng tôi tự cứu” – Nigel Thrift, Hiệu trưởng Đại học Warwick (Anh), giải thích. Được mệnh danh là “Warwick Limited” (ý nói doanh nghiệp), trường tiếp tục tận dụng mối quan hệ mật thiết với công nghiệp sản xuất xe hơi của Ấn Độ để phát triển các hoạt động nghiên cứu.
Trước mắt, hiệu trưởng tin rằng lượng sinh viên nước ngoài ghi danh vào trường tăng 25% sẽ giúp nhà trường vượt qua cơn khủng hoảng. Ở Đại học Glasgow, sinh viên nước ngoài cũng tăng tới 60%, được người Anh giải thích do đồng bảng xuống giá.
Các trường đại học Thụy Điển tìm cách “tận dụng” khủng hoảng. “Ngay từ tháng 1, chúng tôi đã đáp ứng đòi hỏi của chính phủ xây dựng chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo các hãng xe hơi Volvo và Saab bị khủng hoảng tác động” – bà Pam Fredman, Hiệu trưởng Đại học Goteborgs, Chủ tịch Hiệp hội giảng dạy đại học Thụy Điển, cho biết.
Bà nói: Đó là nhóm người đóng vai trò quan trọng với tương lai và năng lực cạnh tranh của đất nước. Một số người sẽ quay lại ngành sản xuất ô tô nhưng những người sáng tạo nhất chắc chắn sẽ khởi xướng những hoạt động mới.
Giống Thụy Điển, các trường đại học Đức, Hà Lan muốn khẳng định là “đối tác” không thể thiếu của nền kinh tế. Trước nguy cơ bị mất việc của hàng ngàn nhà nghiên cứu thuộc các doanh nghiệp tư nhân, ông Sijbolt Noorda, nhân danh Hiệp hội các trường đại học Hà Lan đề nghị có cơ chế tiếp nhận họ.
Ông nói: “Cần gìn giữ các nhân tài. Việc này có thể cùng làm bởi 3 bên – trường đại học 25%, doanh nghiệp 25%, chính phủ 50%. Nền kinh tế của chúng ta quá phụ thuộc vào tài chính, cơn khủng hoảng sẽ làm thay đổi các nhà chính trị, đưa chúng ta trở lại với cốt lõi công việc của mình, đó là kiến thức”.
(Theo SGGP)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com