![]() Tổng thống Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama chuẩn bị khởi hành tới Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN |
Từng là đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi sau đó trở thành địch thủ trong Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ Nga-Mỹ đã trải qua những bước thăng trầm trong nhiều năm qua, song thời kỳ khó khăn nhất có vẻ như đang dần lùi về quá khứ, nhường chỗ cho sự "khởi đầu mới" với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn.
Chuyến thăm Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ ngày 6 - 8/7 được dư luận hết sức quan tâm bởi hai bên đều tỏ ra khá lạc quan về triển vọng quan hệ song phương và tin tưởng quan hệ Nga-Mỹ có thể được cải thiện rõ rệt về chất.
Những bước khởi động
Ngày 6/3/2009 được coi là "bước ngoặt" trong quan hệ Nga-Mỹ khi hai ngoại trưởng Sergey Lavrov và Hilary Clinton gặp nhau tại Brussels (Bỉ), sau khi NATO và Nga quyết định nối lại các mối quan hệ song phương, bị cắt đứt sau cuộc xung đột Nga-Gruzia hồi tháng 8/2008.
Các nhà phân tích đã gọi đây là thời điểm "nhấn nút điều chỉnh quan hệ Nga-Mỹ". Và "sự khởi đầu mới" cho mối quan hệ này đã được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Mỹ Barack Obama tuyên bố tại cuộc hội đàm ngày 1/4 ở London (Anh), trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20).
Hai tổng thống đã cam kết mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Nga, đồng thời đặt nền móng cho vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân vốn bất đồng từ lâu giữa hai nước.
Kể từ đó đến nay, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán liên tiếp về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I), được Liên Xô cũ và Mỹ ký năm 1991 và sẽ hết hạn vào ngày 5/12/2009. Đây được xem là lĩnh vực hứa hẹn có thể đạt được kết quả cụ thể trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ cũng như bầu không khí thuận lợi cho quan hệ song phương, giúp hai bên hiểu biết nhau hơn.
Ngoài thỏa thuận khung thay thế START-I, một trong những sự hợp tác nữa có thể mở ra thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai bên là hợp tác trong vấn đề Afghanistan. Hiện Mátxcơva đã cho phép Washington sử dụng không phận nước này để vận chuyển hàng hóa phi quân sự quá cảnh tới Afghanistan, mở ra hành lang mới rất quan trọng đối với quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở đất nước Nam Á này. Mátxcơva cũng không loại trừ khả năng cho phép Washington vận chuyển vũ khí tới Kabul.
Chuyến thăm Nga ba ngày của Tổng thống Mỹ Obama được xem là minh chứng mới nhất cho những tuyên bố của hai bên về mong muốn "phá băng" mối quan hệ song phương, cũng như tổng kết quá trình thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong thời gian qua. Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng "những cách tiếp cận thời Chiến tranh Lạnh" đối với quan hệ Nga-Mỹ đã thuộc về quá khứ, đồng thời nhấn mạnh Washington mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn là "đối kháng" với Nga.
Và những rào cản
Cho dù cả Nga và Mỹ đều hy vọng chuyến thăm này của Tổng thống Obama sẽ tạo ra bước đột phá cho mối quan hệ khá nhiều trắc trở giữa hai bên, song dư luận vẫn nghi ngờ kết quả chuyến thăm cũng như triển vọng quan hệ giữa hai nước.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski khẳng định hiện Washington và Mátxcơva "vẫn còn một số quan điểm rất khác nhau". Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng hai bên mới chỉ vượt qua được rào cản đầu tiên, và công việc cơ bản vẫn đang ở phía trước.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga Konstantin Kosachyov cũng dự đoán cơ hội đạt được thỏa thuận về hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới giữa hai nước là 60-40. Mátxcơva muốn gắn START-I với thỏa hiệp về các kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ tại châu Âu vì cho rằng đây là hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau.
Trước chuyến thăm Nga của Tổng thống Obama, Tổng thống Nga Medvedev cho rằng Mỹ cần có những thỏa hiệp về các kế hoạch triển khai NMD để đổi lấy một thỏa thuận giữa hai nước nhằm cắt giảm các đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, cho đến nay, Washington vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này, thậm chí vẫn đang nghiên cứu "tính khả thi", chứ không từ bỏ kế hoạch triển khai một phần NMD ở Đông Âu, vốn bị Mátxcơva phản đối gay gắt vì cho rằng hệ thống này đe dọa an ninh Nga.
Mặc dù đã tìm được tiếng nói chung ở mức độ nào đó về các vấn đề như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và tình hình Trung Đông, cũng như cam kết thúc đẩy tiến trình Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), song lập trường giữa hai bên về một số vấn đề quốc tế vẫn còn khác biệt.
Mỹ vẫn cho rằng Nga đã sử dụng vũ lực "quá mức" trong cuộc chiến Nga-Gruzia hồi tháng Tám năm ngoái, chỉ trích Mátxcơva công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ly khai Nam Ossetia và Abkhazia thuộc Gruzia. Trong khi đó, Nga tố cáo Mỹ và các nước phương Tây đã bất chấp vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "bật đèn xanh" cho tỉnh Kosovo của Serbia đơn phương tuyên bố độc lập. Mátxcơva cũng cáo buộc Washington "lôi kéo" các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các nhà phân tích cho rằng bất đồng là điều khó tránh khỏi trong quan hệ Nga-Mỹ, song thái độ nghiêm túc, thẳng thắn cùng với nỗ lực hòa giải sẽ giúp đưa hai bên "thoát khỏi" di sản của quá khứ và đưa quan hệ lên một tầm cao mới.
Cả Mátxcơva và Washington đều thừa nhận rằng trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay, hai bên cần "xích lại gần nhau" hơn, vì lợi ích của mỗi nước cùng như vì an ninh và ổn định quốc tế. Vì thế, đây là thời điểm "khá lý tưởng" để hàn gắn quan hệ và thu hẹp bất đồng./.
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com