Tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga đã có được một bước tiến trọng đại khi ngày 13-7, Áo, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni cùng ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận mang tính bước ngặt về việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt quy mô lớn mang tên Nabucco.
Tuy nhiên, kỳ vọng vào tuyến đường được gọi là "Hành lang phía Nam" - "Con đường tơ lụa" mới, đưa khí đốt từ biển Ca-xpi - Trung Á, Trung Đông, qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu, khó lòng giải tỏa được mối lo năng lượng bấy lâu của EU khi thiếu hẳn một yếu tố quan trọng: nguồn cung.
Để đổ đầy 31 tỷ mét khối khí đốt/năm cho "Đường ống trong mơ", dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014, nhiệm vụ trước mắt không mấy dễ dàng của EU là phải thuyết phục các "đại gia" về "vàng xanh" như Tuốc-mê-ni-xtan, A-déc-bai-gian, Ca-dắc-xtan và thậm chí cả I-ran tham gia dự án này. Thế nhưng dự án ngay từ đầu đã bị các chuyên gia môi trường cảnh báo là bất khả thi do bất lợi về kết cấu địa chất đã bị những "gáo nước lạnh" từ Nga và Trung Quốc tạt vào.
Số là chỉ ít ngày trước khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đặt bút ký vào bản thỏa thuận có tính chiến lược trên, nhân chuyến thăm của Tổng thống Nga Đmi-tri Mét-vê-đép, Tập đoàn Khí đốt Gazprom nhanh chân đạt được hợp đồng mua của Công ty Năng lượng quốc gia A-déc-bai-gian 500 triệu mét khối khí đốt/năm, giao từ đầu năm 2010 và số lượng có thể sẽ được tăng lên. Còn trước đó, Tuốc-mê-ni-xtan đã ký hợp đồng có thời hạn 30 năm bán cho Trung Quốc 40 tỷ mét khối khí đốt/năm. Lượng khí đốt này sẽ được cung cấp từ đường ống dài 7.000km (dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay) đi từ Tuốc-mê-ni-xtan qua Trung Quốc. Với những hợp đồng quy mô như vậy, dù có muốn Ba-cu và A-sơ-ga-bát cũng khó lòng có đủ khí đốt để bơm cho Nabucco của EU. Trong khi đó, Ca-dắc-xtan lại tuyên bố thẳng thừng rằng, nước này không có đủ nguồn cung cấp để tham gia vào dự án Nabucco, đồng thời khẳng định ưu tiên của A-xta-na là cùng Nga phát triển đường ống khí đốt xuyên biển Ca-xpi và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Còn với I-ran, sau những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này, khả năng EU đạt được thành công trên bàn đàm phán hầu như là con số không, cho dù EU có cố phớt lờ chính sách ngăn chặn các nỗ lực phát triển khí đốt của Tê-hê-ran mà Mỹ đã triển khai từ một thập kỷ qua để đáp ứng mục tiêu phá vỡ thế độc quyền về khí đốt của Nga tại một số khu vực ở châu Âu.
Rõ ràng, trong bối cảnh bên mua áp đảo bên bán như hiện nay, nguồn kinh phí cao (lên tới 10,9 tỷ USD) không thể coi là chìa khóa giúp bảo đảm nguồn cung khí đốt ổn định cho EU để "Hành lang phương
Ngược lại, những khó khăn liên quan đến dự án Nabucco lại tạo thêm lợi thế cho Nga trong cuộc đua trên thị trường năng lượng khi hai dự án đường ống dẫn khí có tên "Dòng chảy phương Bắc" (từ biển Ban-tích tới Đức) và "Dòng chảy phương Nam" (từ biển Đen tới Ban-căng) đang từ từ "cán đích" vào năm 2011 và 2016. Sự xuất hiện của hai hệ thống đường ống mới, với khả năng cung cấp trên 86 tỷ mét khối cho châu Âu vào năm 2020 sẽ giúp Nga củng cố vị thế chúa tể khí đốt tại thị trường này. Ngoài ra, đáng chú ý hơn cả, lộ trình những đường ống mới có thể giúp Mát-xcơ-va tránh được những đòn gây sức ép từ nước láng giềng "sớm nắng, chiều mưa" U-crai-na và vô hiệu hóa mục tiêu của dự án Nabucco.
Hiện tại, châu Âu tiêu thụ khoảng 700 tỷ mét khối khí đốt hằng năm. Trong vòng 20 năm tới, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ tăng 30%. Vì vậy, cũng dễ hiểu tại sao đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu lại chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong chiến lược năng lượng của EU đến năm 2020. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm kiểm soát nguồn cung đang là rào cản khó vượt với EU trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập về khí đốt với Nga. Xem ra, hiệu quả mà dự án được đề xuất gần 10 năm qua sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa thể sớm trở thành hiện thực như EU mong đợi.
(Theo Lâm Phương // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com