Hôm nay 1-3, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU đến Brussels, Bỉ để họp thượng đỉnh khẩn cấp bàn về tình hình kinh tế. Trước cuộc họp thượng đỉnh này, thủ tướng 9 nước Đông Âu thành viên EU đã có cuộc họp được gọi là “thượng đỉnh tiền thượng đỉnh” (pre-summit summit) tại Đại sứ quán Ba Lan tại EU ở ngoại ô Brussels.
Cuộc họp thượng đỉnh này đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc và sự xáo động trong các chính khách EU trong bối cảnh khối này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị lớn nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai tới nay. Nền kinh tế của các thành viên EU đang trải qua nhiều mức độ khó khăn khác nhau nhưng hầu như chưa có một sự đồng thuận về các biện pháp để giúp các thành viên.
Sự chia rẽ giữa các thành viên cũ và mới trong EU, giữa các thành viên phía Bắc và phía Nam, giữa Đông và Tây vốn tồn tại nhiều năm qua nay càng thêm sâu sắc. Thêm vào đó, các biện pháp kích cầu của từng quốc gia nhắm đến bảo vệ các ngành công nghiệp của riêng từng nước đang đe dọa gây phương hại đến thị trường chung EU.
Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này chính vì thế càng có lý do để chọn chủ đề chính là “năng động và thống nhất” để xóa tan hoài nghi về sự khủng hoảng chính sách và chia rẽ trong EU. Đó cũng là lý do vì sao EU có đến ba cuộc họp thượng đỉnh chỉ trong vòng một tháng: thượng đỉnh của các nền kinh tế lớn trong EU cách đây 2 tuần, thượng đỉnh lần này và thượng đỉnh kinh tế hàng năm sẽ diễn ra trong vòng 18 ngày nữa.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nổi tiếng vì trong nhiệm kỳ Pháp làm Chủ tịch EU 6 tháng cuối năm 2008 - khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, ông đã triệu tập hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi gần đây ông tiếp tục kêu gọi một cuộc họp thượng đỉnh toàn châu Âu bàn về tài trợ cho ngành sản xuất xe hơi. Ông đã chỉ trích EC chỉ nhắm vào các kế hoạch hạn hẹp.
Hồi đầu tháng 2, cũng chính ông Sarkozy đề nghị một cuộc họp của các nhà lãnh đạo 16 nước khu vực đồng euro, trong đó không có nước đương kim Chủ tịch EU là Cộng hòa Czech. Điều này đã làm CH Czech cũng như các nước “sinh sau đẻ muộn” trong EU cảm thấy chạnh lòng. Hơn thế nữa, trong lúc công bố kế hoạch trợ giúp ngành công nghiệp xe hơi Pháp, Tổng thống Sarkozy còn cho rằng ông không mong đợi các công ty xe hơi Pháp dời nhà máy tới CH Czech.
Phát biểu này bị Thủ tướng CH Czech Mirek Topolanek tố cáo là mang màu sắc bảo hộ mậu dịch. Với tư cách là Chủ tịch EU, Cộng hòa Czech không muốn thua kém Pháp khi triệu tập nhiều cuộc họp thượng đỉnh tương tự, kể cả hội nghị thượng đỉnh riêng của các nước Đông Âu.
Các nước Đông Âu mới gia nhập EU đang thúc đẩy tiến trình gia nhập khu vực đồng euro để được bảo vệ tốt hơn như trường hợp của Hy Lạp và Ireland. Điều này càng tăng thêm gánh nặng cho các nước giàu trong EU khi mà họ cũng đang dốc tiền vào cứu nguy nền kinh tế của họ. Đức, nước đóng góp nhiều nhất cho EU, đang rất ngại các kế hoạch cứu nguy kinh tế ở phạm vi toàn châu Âu vì vậy họ tỏ ra lạnh nhạt với những lời kêu gọi từ Pháp. Vì những lý do này, qua tất cả những cuộc họp thượng đỉnh cho tới nay, EU vẫn đang lúng túng trước một cơ chế chung chống khủng hoảng tài chính - kinh tế.
(Theo SGGP)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com