Chính phủ Đức lên tiếng cảnh báo tương lai của đồng euro đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ Ireland và chính điều này làm tăng áp lực cải tổ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Liên minh châu Âu đang phải vấp phải nhiều khó khăn có xuất xứ từ Ireland. Tuy những gì xảy ra ở đây khác với trường hợp Hy Lạp, nhưng nó cũng gây ra nhiều lo ngại không kém, nhất là trong bối cảnh kinh tế Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang hứng chịu sức nóng từ các thị trường".
Trước đó, ngày 23/11, phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng tương lai của đồng euro "đang bị lâm nguy".
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh hệ thống ngân hàng của Ireland đang cần được hỗ trợ để có thể "sống sót" và thâm hụt ngân sách cao gấp 10 lần mức cho phép của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay buộc chính phủ Ireland phải xin cứu trợ. Các nhà ngoại giao châu Âu dự kiến Ireland sẽ được EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận cho vay khoảng 90 tỷ euro (123 tỷ USD).
Từ đầu năm tới nay, Ireland là thành viên thứ hai của Eurozone (sau Hy Lạp) phải "vẫy cờ trắng” xin viện trợ tài chính. Giời quan sát lo ngại sau Ireland có thể sẽ đến lượt Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
Trong khi đó, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu chiếm 1/3 sản lượng kinh tế của Eurozone, trong khi GDP của cả Ailen, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gộp lại cũng chưa chiếm nổi 7%. Đức cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho mọi hoạt động hỗ trợ tài chính trong khu vực. Hoạt động hỗ trợ này khiến cho những người đóng thuế (đồng thời cũng là những cử tri) cảm thấy không hài lòng và khiến cho tỷ lệ ủng hộ chính phủ trung hữu của Thủ tướng Merkel bị giảm sút. Bà Merkel hiện mong muốn thay đổi Hiệp ước Lisbon, thắt chặt thêm những quy định về thâm hụt ngân sách để trừng phạt nước thành viên nào có thói quen “bóc ngắn, cắn dài”, chi tiêu phung phí.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu hôm 22/11, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet nói rằng 2011 sẽ là năm quyết định để Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các cải cách nhằm ổn định tài chính khu vực và đồng euro. Ông Trichet cho biết, trong năm 2011, EU sẽ cải cách cơ cấu quản trị, thảo luận về cách quản lý tài chính và có thể lần đầu tiên điều chỉnh Hiệp ước Lisbon - nền tảng thành lập khối liên minh gồm 27 quốc gia này - nhằm đảm bảo cho toàn khối EU nói chung và các nước Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) nói riêng có đủ khả năng ứng phó với những thách thức trong tương lai.
(tamnhin)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com