Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Châu Âu tháng Ba: Vẫn lạm phát và nợ công

Câu chuyện kinh tế của Châu Âu tháng Ba không có gì mới, không có những sự kiện đột phá nào. Châu Âu vẫn tiếp tục lạm phát, nợ công và chưa biết khi nào sẽ kết thúc.

Nếu nói theo hướng phát triển, kinh tế Châu Âu và Eurozone có lẽ đã "phát triển" đến giai đoạn cần phải làm mới, cần phải có những thay đổi từ mô hình kinh tế đến cơ chế điều hành nhằm đủ sức ứng phó với những biến động khó lường của kinh tế nội khối cũng như kinh tế toàn cầu.

Theo quan điểm kinh tế-chính trị hiện đại, nhà nước của bất kỳ chế độ nào cũng thích ứng với một hệ thống kinh tế nhất định và thích ứng với một loại tiền tệ nhất định.

Tuy nhiên nếu áp dụng sự phân tích này vào Châu Âu và Eurozone hiện nay lại chưa hẳn đúng. Kinh tế của 17 quốc gia  Eurozone lại gắn chặt với nhau thông qua đồng Euro – một đồng  tiền "quốc tế" không của một quốc gia cá lẻ nào. Có lẽ đây là sự khác biệt lớn nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại

Điều này được giải thích như là một trong những bước đi đến nhất thể hóa Châu Âu trong một tương lai nào đó. Chính mô hình này đã tạo cho kinh tế Eurozone có nhiều khác biệt so với các nền kinh tế và trung tâm kinh tế khác.

Những lợi ích to lớn do nhất thể hóa mang lại ai cũng thấy. Đó là một ngân hàng trung ương chung (ECB), một Eurozone rộng lớn với sự tham gia của 3/7 thành viên G7, một trung tâm kinh tế có thể cạnh tranh "ngang ngửa" với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Một Châu Âu với mô hình "liên bang" đang dần dần hình thành...

Tuy nhiên một Eurozone rộng lớn lại chưa "hình dung" được những vấn đề sẽ gặp phải trong quá trình phát triển. Chưa hình dung được những gập ghềnh, những ngã rẽ hay điểm dừng mà Eurozone phải "đương đầu".

Do vậy, khi khủng khoảng trong nội khối xảy ra, một Eurozone "hốt hoảng", "mong manh"... đã lộ nguyên hình. Điều này đặt ra câu hỏi: Sức mạnh thật sự của Eurozone là gì?

Quay trở lại vấn đề nợ công của Châu Âu, các nước Hy Lạp và Ireland hoặc Bồ Đào Nha... đều là những quốc gia có diện tích nhỏ, qui mô dân số ít và thuộc diện có thu nhập trung bình ở  Châu Âu.

Tuy nhiên số tiền cứu trợ lại không "trung bình" như dự tính. Năm 2010, IMF và EU đã "bơm" số tiền không hề nhỏ cho Hy Lạp (110 tỷ Euro) và Ireland (85 tỷ Euro). Còn Bồ Đào Nha số tiền cứu trợ có thể ở mức thấp hơn, khoảng 75 tỷ Euro lấy từ  Quỹ ổn định của châu Âu (ESM).

Có lẽ khi gia nhập Eurozone, các tiêu chí về kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia phải nâng lên cho "hợp chuẩn", nhưng tiềm lực và qui mô kinh tế của họ có thể chưa tương xứng với các "chuẩn" về xã hội và mức sống...

Do vậy tình trạng mất cân đối phát sinh và được tích tụ theo năm tháng đã dẫn đến một thời điểm nào đó, nợ công đã trở thành "bão", thành "sóng thần" như đã diễn ra trong năm 2010 vừa qua.

Đến nay chưa ai có thể khẳng định sau Hy Lạp, sau Ireland là  quốc gia nào? Câu trả lời không quá khó vì  đội hình "dự bị" cho hai quốc gia kể trên đã có sẵn trong "danh sách" của các nhà lãnh đạo Eurozone.

Về lạm phát, Châu Âu và Eurozone nhiều khả năng chấp nhận ngăn chặn lạm phát là ưu tiên trước nhất, mặc dù tăng trưởng với tốc độ "rùa" là 1,5-1,7% hay nợ công cũng là vấn đề gây tốn không ít giấy, mực khi viết về kinh tế Châu Âu và Eurozone.

Lạm phát tăng cao, tăng dần, tăng liên tục và đạt 2,6% trong tháng 3 là vấn đề lớn nhất hiện nay. Tình huống "cấp bách" này đòi hỏi Châu Âu và Eurozone phải khẩn trương xử lý nếu không muốn tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Có quan điểm cho rằng tỷ lệ lạm phát 2,6% có phải là quá cao,  khi nhìn vào lạm phát ở các nước có nền kinh tế mới nổi (lạm phát từ 5-8%).

 Ở góc nhìn khác, câu chuyện lạm phát ở Châu Âu và Eurozone là không hề đơn giản nếu không nói là nghiêm trọng. Tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng là quá chênh lệch (khoảng 160%) và khó có thể đảo ngược trong tương lai gần.

Do vậy ngăn chặn lạm phát gia tăng có thể là sự lựa chọn "tối ưu" trong thời điểm hiện nay. Theo các nhà phân tích, rất có thể vào đầu tháng 4 này, ECB sẽ tăng lãi suất lên 1,25% và đây là bước đi đầu tiên trong "cuộc chiến" chống lạm phát ở Châu Âu và Eurozone.

Điều cần biết rằng "thế và lực" của  Châu Âu và Eurozone thời điểm hiện nay không còn được như trước khủng khoảng năm 2008 (khi đó 1,6 USD/Euro, hiện nay chỉ còn khoảng 1,3 USD/Euro). Do vậy ngăn chặn lạm phát hiện nay ở Châu Âu và Eurozone là không đơn giản, chỉ có quyết tâm thôi  là chưa đủ.

Cần phải kiên nhẫn, đó là lời khuyên dễ nhất trong thời điểm hiện nay.

Như thể đã cảm nhận được những khó khăn mà Châu Âu và Eurozone sẽ phải đối mặt, Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso nhận xét: "Năm 2011 sẽ là một năm không hề dễ dàng và thực tế, đây là năm đầy thách thức".

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl