Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Đức: Đầu tàu thúc đẩy Eurozone

Kinh tế Đức đã làm nên kỳ tích, trở thành đầu tàu thúc đẩy Khu vực sử dụng đồng Euro vượt qua khủng hoảng và đạt tốc độ tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ năm 2006 đến nay.

Theo số liệu mà cơ quan thống kê Eurostat công bố cuối tuần qua, nhờ xuất khẩu mạnh và đồng Euro giảm giá, kinh tế Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu -  đã tăng trưởng 2,2% trong quý 2/2010, mức tăng hàng quý cao nhất trong vòng 23 trở lại đây và cũng tốc độ tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ khi thống nhất hai miền năm 1990. Được thúc đẩy bởi đầu tàu kinh tế Đức, trong quý 2/2010, Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng trưởng 1,1% so với quí một và tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng của Eurozone còn  cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trước đó, trong quý 1/2010, tăng trưởng của Eurozone chỉ ở mức 0,2%.

Cục Thống kê Đức (Destatis) cho biết tốc độ  tăng trưởng ngoạn mục nói trên là nhờ sự bùng nổ đơn đặt hàng đối với các sản phẩm cơ khí, xe hơi và hàng hóa công nghiệp đẳng cấp thế giới. Chi tiêu chính phủ và của các hộ gia đình cũng góp phần thúc đẩy kinh tế Đức tăng trưởng mạnh trong quý 2/2010.

Chuyên gia Carsten Brzeski của ngân hàng ING nhận định: “Mức tăng trưởng mạnh trong quý hai của kinh tế Đức là khá ấn tượng, nhưng không phải bất ngờ. Kinh tế Đức được hưởng lợi từ hai yếu tố chính: ngành xây dựng tăng tốc sau một mùa đông khắc nghiệt và nhu cầu mạnh của nước ngoài đối với hàng hóa Đức”.

Nếu không có sự đóng góp của đầu tàu kinh tế Đức, Eurozone chỉ có thể tăng trưởng 0,8% trong năm nay, chứ không thể lên tới mức 1,5% như dự đoán của giới chuyên gia. Phát biểu với Bloomberg, chuyên gia kinh tế Andreas Scheuerle của Dekabank (Frankfurt) cho rằng với tỷ lệ tăng quý 2,2%, kinh tế Đức đang cùng với Trung Quốc và Ấn Độ trở thành những đầu tàu thúc đẩy đà hồi phục kinh tế thế giới và khu vực.

Sẽ là phiến diện nếu cho rằng sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Đức là nhờ vào việc đồng euro rớt giá tới 10% so với đồng USD trong năm nay. Đây chỉ là một phần làm nên kỳ tích kinh tế Đức. Sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp, năng suất lao động vượt trội, chi phí đầu vào thấp, đặc biệt trong một thập kỷ vừa qua là những nhân tố làm nên một nền kinh tế Đức vững mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp Đức - vốn được coi là xương sống của nền kinh tế - đã không ngừng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, mở rộng thị phần, tăng cường xuất khẩu, tạo nên một lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Đức.

Năm 1991, kim ngạch xuất khẩu của Đức chiếm khoảng 22,4% tổng GDP. Đến năm 2008, kim ngạch xuất khẩu là 1,4 nghìn tỷ USD, chiếm 41% GDP.

Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu với lượng đơn đặt hàng giảm tới 14,2% trong năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh cao vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế Đức phục hồi và thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng đầu tàu kinh tế Đức sẽ có thể mất đà, nếu chỉ dựa vào xuất khẩu trong khi nhu cầu nội địa (cả tiêu dùng trong dân và chi phí công) vẫn yếu, chưa sức thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong báo cáo mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán chi tiêu tiêu dùng của người Đức sẽ giảm 1,4% trong năm nay, dẫn tới giảm chi phí công và làm chậm đà tăng trưởng. Xuất khẩu khó có thể duy trì nền kinh tế Đức vững mạnh khi nhu cầu toàn cầu giảm và các nước thắt chặt chính sách tài chính trong năm tới.

Chính vì vậy, một số chuyên gia  kinh tế cho rằng khi đầu tàu Đức giảm tốc vào cuối năm nay, phần còn lại của Eurozone có thể sẽ lại rơi vào  suy thoái.

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl