Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Liên minh tiền tệ châu Âu đi về đâu?

Đồng euro ra đời nhằm mục đích thống nhất các quốc gia châu Âu thành một khối tiền tệ vững mạnh. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền đang làm cho viễn cảnh “khối tiền tệ vững mạnh” càng trở nên xa vời.

Sau hai cuộc thế chiến xâu xé châu Âu, nhiều người dân châu lục này mong muốn có một châu Âu hòa bình, thống nhất về chính trị và kinh tế. Liên minh tiền tệ châu Âu được coi là miễn dịch đối với các cuộc tấn công mang tính đầu cơ, khi không một quốc gia nào trong Khu vực đồng euro (Eurozone) có thể phá giá đồng tiền.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nỗ lực đưa ra một loạt giải pháp như bỏ ra một lượng tiền lớn để cứu đồng euro bằng cách mua vào những trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thương mại, duy trì lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục 1%, gia hạn chương trình hỗ trợ tài chính khẩn cấp chi phí thấp cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tình hình cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sau một năm vẫn chưa chuyển biến theo hướng tốt lên.

Sáu tháng sau khi Hy Lạp nhận được gói cứu trợ 110 tỷ euro, các nhà lãnh đạo Eurozone đã phải thông qua khoản nữa trị giá 85 tỷ euro cứu trợ Ireland. Hiện nay, Hungary, Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha đều đối mặt với nhiều rủi ro. Nếu tình trạng này không thể ngăn chặn, lạm phát gây ra từ việc tung tiền cứu trợ cuối cùng sẽ làm đồng euro đổ vỡ.

Các chuyên gia kinh tế và một số nhà bình luận ở Anh và Mỹ đều cho rằng đồng tiền chung của 16 quốc gia châu Âu có thể sẽ sụp đổ do tình trạng nợ công và thâm hụt nghiêm trọng của các nước thành viên yếu hơn. Ông Stephen Nickell, cựu chuyên gia định tỷ giá của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho rằng sự sụp đổ của đồng tiền chung châu Âu là "điều có thể xảy ra".

Bình luận của ông Nickell được đưa ra trong bối cảnh có những chia rẽ sâu sắc trong nội khối Eurozone và sự chia rẽ đó đe dọa sẽ đẩy Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland vào tình thế khó khăn hơn. Vương quốc Bỉ và Luxembourg đã kêu gọi tăng vốn cho quỹ cứu trợ của châu Âu. Trong khi đó, Italia đề xuất phát hành trái phiếu chính phủ châu Âu (E-Bond). Tuy nhiên, Đức - nước đầu tầu của Eurozone - cùng với Hà Lan và Áo đã phản đối các đề xuất này.

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu (chiếm 1/3 sản lượng kinh tế của Eurozone, so với chưa đến 7% của cả Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gộp lại) và cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho mọi hoạt động hỗ trợ tài chính trong khu vực. Đức cùng với một số quốc gia thành viên EU như Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan đã thúc đẩy việc trao thêm quyền lực cho Ủy ban châu Âu (EC) để trừng phạt những chính phủ chi tiêu "quá tay". Hoạt động hỗ trợ khiến những người đóng thuế Đức, đồng thời cũng là cử tri, bất bình. Theo họ, Hiệp ước Lisbon cần phải thay đổi và thắt chặt thêm những quy định về thâm hụt ngân sách để trừng phạt nước thành viên nào có thói quen “bóc ngắn, cắn dài”.

Bà Vanessa Rossi thuộc tổ chức Chatham House nói rằng năm 2011 sẽ là năm bản lề: hoặc là “có một quỹ để bảo đảm hỗ trợ cho mọi thành viên với bất cứ giá nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào” hoặc “chấp nhận việc đôi khi một số nước thành viên có thể gặp khó khăn và các nhà đầu tư vào các nước ấy sẽ phải chia sẻ một phần tổn phí, một phần thiệt hại khi xảy ra việc tái cấu trúc”. Theo bà Rossi, khả năng thứ ba là các nước Liên minh châu Âu (EU) được phép "quỵt" nợ. Điều này có nghĩa là EU sẽ phân rã và một giấc mơ thống nhất châu Âu từng được  ấp ủ từ nhiều thập niên sẽ tan biến.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Bild (Đức) về việc liệu Eurozone có nguy cơ tan rã hay không, phục trách Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) Klaus Regling khẳng định: "Không hề có mối đe dọa nào cả. Đồng euro sụp đổ là điều không tưởng". Ông Regling cho rằng: "Không một nước nào muốn từ bỏ đồng euro: đối với các nước yếu hơn thì đó sẽ là một sự tự sát về kinh tế. Còn về mặt chính trị, châu Âu chỉ còn giữ lại được một nửa giá trị của mình nếu không có đồng euro".

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cũng cho rằng đồng euro vẫn "đáng tin cậy", đồng thời khẳng định "đồng euro không bị nguy hiểm và là một đồng tiền đáng tin cậy trong 12 năm tồn tại vừa qua cũng như trong những năm tới".

Axel Weber, người đứng đầu Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) , đồng thời là một thành viên có nhiều ảnh hưởng trong hội đồng quản trị ECB, tin chắc rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ làm mọi việc để đẩy lùi cái mà ông gọi là "một cuộc tấn công mang tính cơ hội" đối với khu vực Eurozone. Ông Weber lưu ý EFSF và các quỹ cứu trợ khác của EU có đủ số tiền cần thiết để trang trải nhu cầu đi vay của 4 thành viên Eurozone đang gặp khó khăn về tài chính là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị tại Pari, ông nói: "Nếu không đủ, tôi tin chắc rằng các nước thành viên Eurozone sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ đồng euro. Nhưng 750 tỷ USD có lẽ đã thừa sức để chặn đứng cuộc tấn công vào Eurozone". Để hỗ trợ một nước trong Eurozone, EFSF sẽ phát hành trái phiếu ra thị trường, với sự bảo lãnh với quy mô lên tới 440 tỷ euro (585,9 tỷ USD) từ các chính phủ thành viên Eurozone.

Cuộc khủng hoảng vừa qua là phép thử đối với các mối liên kết châu Âu và đặt ra một câu hỏi về tương lai của khối này. Nhà phân tích Ian Begg của Trường Kinh tế London cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế buộc các nước Eurozone phải xét lại hệ thống tiền tệ, tìm ra những khiếm khuyết và khắc phục được các yếu điểm này sẽ giúp cho đồng euro vững mạnh hơn.

Kinh tế trưởng Simon Tilford của Trung tâm Cải cách châu Âu than phiến: “Rất không may là sự đoàn kết cần thiết đó đã bị xói mòn vì khủng hoảng. Dân chúng ở các nước được yêu cầu trợ giúp cho các nước thành viên khác rất bất bình. Họ phải hỗ trợ cho sự phung phí của người khác mà chẳng được lợi ích gì. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các chính phủ khi phải lý giải cho người dân về sự hoà nhập cần thiết nhằm hướng tới một châu Âu thống nhất và vững mạnh”.

(tamnhin)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Lãnh đạo EU thống nhất sửa đổi luật tối cao khu vực
  • Châu Âu tiến hành lại “stress test” vào đầu năm sau
  • Doanh nghiệp Anh hướng tới Trung Quốc và Ấn Độ
  • Đức: Bùng nổ văn hóa đọc
  • Ác mộng ám ảnh sau thảm họa bùn đỏ
  • Vụ bùn đỏ Hungary: Nhà nước bồi thường trước
  • Lãnh đạo châu Âu ra sức trấn an về tình hình Ireland
  • Tây Ban Nha nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng kinh tế