Thủ tướng Đức A.Méc-ken và Tổng thống Nga Đmi-tri Mét-vê-đép tại thành phố Xô-chi (Nga)
Sau cuộc chiến tại Nam Ô-xê-ti-a năm ngoái, trong khi một số nước châu Âu vẫn còn do dự hoặc e ngại về quan hệ với Nga, thì người đứng đầu Chính phủ Đức lại liên tục có các cuộc hội kiến với ông chủ điện Crem-lin để thảo luận nhiều vấn đề quốc tế và hợp tác song phương.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Đức ngày 14-8 giữa nữ Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken và Tổng thống Nga Đmi-tri Mét-vê-đép tại thành phố du lịch Xô-chi bên bờ biển Đen (Nga) là cuộc gặp gỡ cấp cao lần thứ 3 kể từ đầu năm tới nay. Điều này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của Nga trong chính sách đối ngoại của Đức mà còn thể hiện rõ nét chiến lược "hướng Đông" mà Béc-lin theo đuổi suốt thời gian qua.
Là một trong những quốc gia trụ cột của lục địa già - khu vực vốn có quan hệ truyền thống với Mỹ - nhưng từ hơn một thập kỷ qua, dưới thời Thủ tướng Giéc-hát Sruê-đơ, nhất là sau khi Nhà Trắng phát động cuộc chiến tranh nhằm vào I-rắc lần thứ hai (2003), lập trường của Đức và Mỹ đã xuất hiện không ít bất đồng. Cùng thời điểm đó Béc-lin đã bắt đầu thúc đẩy và chú trọng tới mối quan hệ hợp tác với Nga. Đến khi Thủ tướng A.Méc-ken lên nắm quyền cùng những chính sách khôn khéo nhằm cân bằng mối quan hệ Đông - Tây, dù những rạn nứt trong quan hệ Đức - Mỹ đã được cải thiện nhiều, nhưng không vì thế mà Béc-lin tỏ ra hờ hững với Mát-xcơ-va. Người đứng đầu Chính phủ Đức thừa hiểu những lợi ích mà nước này có được khi duy trì quan hệ cân bằng với xứ sở Bạch dương.
Trên thực tế, trong bối cảnh phải nhập khẩu tới 80% khí đốt, việc xây dựng quan hệ "đối tác chiến lược" với Nga sẽ giúp Đức ổn định được nguồn cung năng lượng. Ngược lại, Nga lại coi Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất tại châu Âu. Kết quả của việc xích lại gần nhau này là kim ngạch thương mại song phương, đã tăng 4 lần trong thập kỷ qua, từ 15 tỷ USD năm 1998 lên tới 67,2 tỷ USD năm ngoái. Tuy con số này vẫn chưa cao nếu so sánh với kim ngạch thương mại Đức - Bỉ hay Đức - Thụy Sỹ, nhưng lại được tập trung vào các ngành chiến lược. Điều này được thể hiện trong những hợp đồng hợp tác gần đây giữa hai nước mà các dự án khai thác dầu ở Nga là ví dụ điển hình. Trong khi Royal Dutch Sell của Hà Lan và BP của Anh bị "gạt khỏi" các dự án khai thác dầu, thì E.On của Đức, trong tháng 6, lại được ưu ái dành cho 25% dự án Yuzhno - Russkoye, một trong những dự án lớn nhất thế giới. Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Siemens của Đức đã tuyên bố ngừng hợp tác với Areva của Pháp và thay vào đó chọn Rosatom của Nga làm đối tác xây dựng những nhà máy hạt nhân lớn thứ năm thế giới. Trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 7 ở Ba-va-ri-a, Thủ tướng Đức A.Méc-ken và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã tuyên bố thành lập cơ quan năng lượng Nga - Đức và một gói trợ cấp tài chính khẩn cấp 500 triệu ơ-rô để giúp các nhà xuất khẩu Đức tiếp tục tiến về phía Đông.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu làm rung chuyển nền kinh tế thế giới thời gian qua, dư luận cho rằng, chính sách "xích lại gần Nga" của Đức là một lựa chọn đúng. Bằng chứng là, Tổ hợp Magna International (Ca-na-đa) - Sberbank (Nga) hiện là cứu tinh của OPEL - hãng sản xuất ô tô lớn của Đức và là thành viên chủ yếu của Chi nhánh General Motor ở châu Âu. Việc Magna mua lại 55% cổ phần của OPEL sẽ giúp "đại gia" này thoát khỏi nguy cơ phá sản. Đây cũng là nội dung trọng tâm được hai nhà lãnh đạo bàn thảo tại cuộc gặp. Vì thế, không ít nhà lãnh đạo Đức cho rằng, khủng hoảng kinh tế lại chính là cơ hội để tăng cường mối quan hệ song phương Nga - Đức.
(Theo Quỳnh Chi/HNM)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com