Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Pháp tăng cường ảnh hưởng ở châu Phi

Tại hội nghị cấp cao Pháp Châu Phi lần thứ 25.
Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Pháp và gần 40 quốc gia châu Phi, đại diện Liên hiệp châu Âu (EU), LHQ, Ngân hàng thế giới (WB) và hơn 230 doanh nghiệp từ Pháp và châu Phi, Hội nghị cấp cao Pháp-châu Phi lần thứ 25 vừa diễn ra tại TP Ni-xơ (Pháp) đã đề cập nhiều vấn đề chính trị và kinh tế nhằm tạo cơ sở cho quan hệ đối tác mới giữa Pháp với châu Phi trong nỗ lực của Pháp muốn tăng cường ảnh hưởng đối với lục địa giàu tiềm năng này.
 
Vai trò của châu Phi, vấn đề mở rộng Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ, triển vọng của G8 và G20, các biện pháp thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Phi, quyền sở hữu trí tuệ, chống khủng bố, vấn đề biến đổi khí hậu Trái đất, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế và thương mại giữa châu Phi với Pháp và các nước là những chủ đề chính được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị cấp cao Pháp-châu Phi lần này. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của châu Phi trên trường quốc tế, cũng như đóng góp của châu lục vào sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di đã cam kết ủng hộ việc cải cách HÐBA LHQ để tiếng nói của châu Phi có trọng lượng hơn. Theo đó, Pháp ủng hộ yêu cầu của châu Phi về việc nắm giữ ghế ủy viên thường trực, cũng như tăng thêm thành viên châu Phi làm Ủy viên không thường trực tại HÐBA LHQ. Tổng thống Xác-cô-di cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, để giải quyết nhiều vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, rất cần có sự tham gia tích cực của châu Phi. Pháp còn đề nghị Liên minh châu Phi (AU) trở thành một Ủy viên thường trực trong G20 (Nhóm các nước phát triển và mới nổi). Hiện ở châu Phi chỉ có duy nhất Nam Phi là thành viên G20. Với sự ủng hộ này, Pháp cam kết sẽ tiến hành cải cách mạnh mẽ hơn khi nước này giữ chức Chủ tịch G8 và G20 vào năm tới.

Hội nghị cấp cao Pháp-châu Phi đã ra tuyên bố chung khẳng định tăng cường hợp tác giữa Pháp với các quốc gia châu Phi nhằm duy trì hòa bình, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, cướp biển, tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy và vũ khí... Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di khẳng định ủng hộ xây dựng một hệ thống an ninh tập thể ở châu Phi, đồng thời cam kết hỗ trợ 300 triệu ơ-rô từ nay đến năm 2012 để xây dựng hệ thống này. Pháp cũng cam kết lập một quỹ trị giá 120 triệu USD và tiến tới có thể huy động 300 triệu USD để giúp ngành nông nghiệp châu Phi, chủ yếu dành cho các dự án phát triển trồng trọt, nhằm giảm nạn đói ở châu lục Ðen.

Với dân số gần một tỷ người và chiếm gần 40% nguồn tài nguyên khoáng sản thế giới, châu Phi đem đến cho các nhà đầu tư tiềm năng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran và các nước Nam Mỹ đang "chạy đua" tới châu Phi với các hợp đồng khai thác dầu mỏ, khoáng sản, nông nghiệp... Mặc dù các công ty của Pháp, Anh, Mỹ vẫn có cổ phần trong các hợp đồng khai khoáng ở châu Phi, song Trung Quốc là quốc gia đang đầu tư rất nhanh vào châu lục này với các dự án phát triển giếng dầu mới ở Xu-đăng, Ăng-gô-la; khai thác đồng ở Dăm-bi-a và CHDC Công-gô, cũng như các dự án nông nghiệp ở khắp châu Phi. Trong khi đó, nếu như 50 năm trước đây, thương mại của Pháp với châu Phi chiếm 40%, thì hiện nay con số này chỉ còn gần 2%. Trong bối cảnh đó, Pháp cũng như nhiều nước châu Âu đang muốn trở lại vị trí có ảnh hưởng lớn hơn ở châu Phi. Bộ trưởng Phát triển của EU A.Pi-e-ban nói rằng, châu Âu cần học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong tăng cường hợp tác với châu Phi. Pháp hiện dẫn đầu nỗ lực của châu Âu trong việc tăng cường hỗ trợ và trao đổi buôn bán với châu Phi, nơi tiếng Pháp và các ngôn ngữ châu Âu khác vẫn là ngôn ngữ thứ hai ở nhiều nước. Tập đoàn Veolia của Pháp, nhà cung cấp nước lớn nhất trên thế giới, đang thông báo thành lập một liên doanh để xúc tiến dự án phát triển năng lượng mặt trời ở nam sa mạc Xa-ha-ra. Tại Hội nghị cấp cao Pháp-châu Phi lần này, lần đầu đại diện các doanh nghiệp của Pháp và châu Phi tham gia thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao. Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, trong đó có Tập đoàn dầu khí khổng lồ Total và Công ty năng lượng hạt nhân Areva của Pháp tham gia Hội nghị. Ðại diện hơn 230 doanh nghiệp Pháp và châu Phi đã thảo luận và đưa ra báo cáo tổng kết trình các nhà lãnh đạo cấp cao tại phiên bế mạc. Theo các nhà phân tích, đây là bước thay đổi của Pháp nhằm tạo một thương hiệu "Made in France" (sản xuất tại Pháp) trong các dự án xây dựng cầu, đường và cơ sở hạ tầng ở châu Phi, cũng như tăng sự ảnh hưởng của châu Âu ở châu Phi.

(Theo nhan dan)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Estonia sẽ là thành viên thứ 17 của khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 2011
  • Anh khuyến khích xây thêm nhà cho người nghèo
  • World Cup gây thiệt hại kinh tế Anh tới 1 tỷ bảng?
  • Romania khủng hoảng trầm trọng nhất trong 60 năm
  • Anh ra quy định mới về nhập cư theo gia đình
  • Anh quyết giữ viên kim cương lớn nhất thế giới
  • Nghị viện châu Âu công bố Báo cáo điều tra đại dịch cúm A/H1N1: Để không lãng phí niềm tin
  • Nước Đức sẽ tiết kiệm 36 tỷ USD nhờ chính sách "thắt lưng buộc bụng"