Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc phòng châu Âu trước những thách thức mới

Ông Javier Solana, Ủy viên cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng trong thời gian tới, nền quốc phòng châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức mới đòi hỏi EU phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Trong phát biểu đăng trên báo Pháp Le Figaro số ra ngày 13/10, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện chính sách đối ngoại và an ninh chung của châu Âu, ông Javier Solana cho rằng một số cuộc khủng hoảng trên thế giới hiện nay sẽ còn kéo dài khiến EU phải tiếp tục huy động nguồn lực trong một thời gian dài để giải quyết. Đó là chưa kể những xung đột mới có thể phát sinh. Chính vì vậy, EU cần có các công cụ thích hợp để hỗ trợ cho việc triển khai những giải pháp tại chỗ nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại, cũng như những mối đe dọa trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề này, EU hiện đang có hai yếu tố hỗ trợ: Những bước tiến mới của Hiệp ước Lisbon liên quan đến các hoạt động bên ngoài biên giới EU và cục diện mới của mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, kể từ khi Pháp quay trở lại với cơ cấu quân sự của NATO và việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định vai trò cần thiết của nền quốc phòng châu Âu.

Trong bối cảnh mới này, ông Javier Solana cho rằng EU cần phải phát triển theo ba hướng. Trước tiên, đó là phải hoàn thiện việc tổ chức lại các cơ quan hiện có. Tập hợp những cơ quan ngoại giao truyền thống của EU và đặt chúng dưới quyền quản lý của một đại diện duy nhất, đồng thời cũng là người giám sát các cơ quan quản lý khủng hoảng của EU.

Hướng thứ hai là tăng cường năng lực của EU để triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình. Từ năm 2003 đến nay, EU đã triển khai ít nhất 23 chiến dịch gìn giữ hòa bình ở 4 châu lục với lực lượng được huy động tới gần 70.000 người.

Tuy nhiên ông Solana cho rằng việc đưa lực lượng của EU đến những miền đất xa xôi với những trang thiết bị thích hợp đòi hỏi những chi phí tốn kém. Và việc đảm bảo tính hiệu quả của sự chi tiêu trong bối cảnh kinh tế hạn hẹp hiện nay, đó chính là hướng đi thứ ba mà EU cần có sự nỗ lực.

Để làm được điều này, về vĩ mô cần phải có sự phối kết hợp giữa các chương trình nghiên cứu và phát triển quốc phòng mà ý nghĩa của chúng giờ còn to lớn hơn trước đây.

Về vi mô, điều này đòi hỏi phải phát huy hơn nữa khả năng tương tác giữa các nguồn lực quân sự và dân sự của EU. Tập hợp các binh sĩ và cảnh sát châu Âu đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau dưới cùng một màu cờ không phải là điều dễ dàng. Thậm chí điều này sẽ còn phức tạp hơn nữa khi EU quyết định tiến hành các chiến dịch bảo vệ dân sự với sự tham gia của nhân viên cứu hộ và cứu hỏa 27 nước thành viên.

Cuối cùng, ông Javier Solana cho rằng hiệu quả hành động của EU sẽ phụ thuộc vào khả năng bổ sung và chia sẻ một cách thông minh các trách nhiệm để quản lý và giải quyết các cuộc khủng hoảng sau này./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Nga lên kế hoạch chế tạo tàu vũ trụ hạt nhân
  • Vì sao Anh muốn truy tố tập đoàn quốc phòng BAE?
  • Anh: Ngành tài chính có dấu hiệu phục hồi
  • Cuộc đua vào các vị trí cấp cao EU
  • Pháp tăng cường tiếp cận Trung Á
  • 3,84 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện không thải CO2 ở Anh
  • Kinh tế Anh đi xuống trong quý 3/09
  • EU: Khủng hoảng sữa có nguy cơ lan rộng