Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vừa phê chuẩn Chiến lược an ninh quốc gia Nga tới năm 2020, nhằm củng cố những nỗ lực của bộ máy lãnh đạo liên bang, các cơ quan chính phủ, tổ chức và cá nhân trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.
Văn kiện mới kế thừa Học thuyết an ninh quốc gia Nga được thông qua năm 1997 và gắn bó mật thiết với Học thuyết phát triển kinh tế-xã hội dài hạn của nước Nga. Ðặc điểm chính của chiến lược này là nền an ninh quốc gia sẽ được bảo đảm dựa trên thành tựu đáp ứng quyền lợi chiến lược của quốc gia.
Chiến lược do Tổng thống Dmitry Medvedev phê chuẩn tập trung phát triển công nghệ cao, khoa học, kỹ thuật, giáo dục; bảo đảm khả năng quốc phòng vững vàng của đất nước và những quyền lợi sống còn của quốc gia. Ðể bảo đảm an ninh quốc gia thông qua phát triển kinh tế, Nga sẽ nỗ lực hoàn thiện các thể chế tài chính và đầu tư. Ðể đạt được mức độ an ninh cần thiết trong lĩnh vực quân sự, công nghiệp quốc phòng, trong trung hạn, Nga sẽ tập trung tạo diện mạo mới cho lực lượng vũ trang bằng cách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hệ thống bố trí lực lượng và tăng cường số lượng các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Lần đầu trong Chiến lược an ninh quốc gia Nga xuất hiện những mục như "khoa học", "văn hóa", "bảo vệ sức khỏe" và "sử dụng tài nguyên thiên nhiên". Ðài Tiếng nói nước Nga đánh giá, tầm cao của văn kiện ở chỗ tập trung bảo đảm mức sống xứng đáng cho tất cả các công dân Nga, tiền đề cơ bản bảo đảm một nền an ninh vững chắc cho đất nước. Ðồng thời, văn kiện này chỉ có khả năng thực thi thành công với sự ủng hộ rộng rãi của toàn thể các tầng lớp trong xã hội Nga.
Chiến lược an ninh quốc gia Nga tới năm 2020 nhấn mạnh, về dài hạn các hoạt động chính trị quốc tế trên thế giới sẽ tập trung việc kiểm soát các nguồn năng lượng. Theo đó, những khu vực có thể nảy sinh các cuộc tranh giành quyền kiểm soát các nguồn năng lượng gồm Trung Ðông, thềm lục địa Biển Ba-ren, một số khu vực thuộc Bắc Cực, lưu vực Biển Ca-xpi và Trung Á. Ðể bảo vệ lợi ích quốc gia trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Nga sẽ thực thi chính sách đối ngoại thực dụng và hợp lý, tránh các cuộc đối đầu không cần thiết và tránh kích động chạy đua vũ trang. Văn kiện cũng nêu rõ an ninh năng lượng là một trong những phương hướng chính bảo đảm an ninh quốc gia Nga trong lĩnh vực kinh tế. Sự phối hợp hành động đa phương trong lĩnh vực này là những điều kiện cần thiết để hình thành các thị trường năng lượng quốc tế đáp ứng các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nghiên cứu và trao đổi các công nghệ tiết kiệm năng lượng có triển vọng, cũng như tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch và thay thế.
Trong văn kiện dài 13 trang vừa được Tổng thống Dmitry Medvedev phê chuẩn, Nga khẳng định xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược chính thức và ngang hàng với Mỹ dựa trên lợi ích tương đồng. Việc hoàn tất thỏa thuận mới trong lĩnh vực giải trừ và kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, giải pháp với các vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mở rộng hợp tác chống khủng bố và giải quyết xung đột vẫn là những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, văn kiện cũng chỉ trích kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ðông Âu và nhấn mạnh không thể chấp nhận kế hoạch mở rộng của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tới những quốc gia có chung biên giới với Nga. Ðề cập mối đe dọa đối với an ninh quốc phòng Nga, Chiến lược an ninh quốc gia LB Nga đến năm 2020 cho rằng, chính sách của một số nước chủ chốt trên thế giới nhằm đạt được ưu thế trong lĩnh vực quân sự, trước hết, về lực lượng hạt nhân chiến lược, là mối đe dọa hàng đầu.
Các nhà phân tích cho rằng, văn kiện nhấn mạnh việc chuyển từ tình trạng đối đầu giữa các khối sang các nguyên tắc ngoại giao đa phương cũng như tiềm năng dự trữ của Nga và chính sách ngoại giao thực dụng và hợp lý đã mở rộng những khả năng của Nga về củng cố ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế. Trong tương lai, Moscow sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột khu vực và toàn cầu.
(Theo báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com