Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Để chọn được đặc sản chính gốc

Cứ mỗi dịp tết, đặc sản các vùng miền lại nườm nượp đổ về bán từ chợ, siêu thị đến các cửa hàng, tràn cả ra lề đường. Nhiều là vậy, nhưng quả thực khó mà thẩm định được đặc sản ấy có đúng là “chính gốc” từ quê mang vào, hay lại được chế biến tại... một góc nào đó ở Sài Gòn.

 Vị quê trong đặc sản

Hương vị riêng của từng món ăn là nét độc đáo tạo nên "đặc sản". Ảnh: T.L

Đặc sản miền Bắc bán ở Sài Gòn có đến hàng trăm món, từ đồ khô như măng lưỡi lợn, miến, bánh đa… đến đồ tươi như rau củ quả, tương bần, mắm rươi, giò lụa, giò thủ, giò lưỡi lợn Ước Lễ và cả những món làm sẵn như giả cầy, chả rươi, chả nhái … Những người quê miền Trung thích ngày tết trong nhà có bánh tổ, bánh thuẩn, bánh nện, thịt heo muối, rượu Bàu Đá, bánh tráng, mắm thu. Người miền Nam lại đi tìm bánh tét chuối, bánh tét đậu, khô sặc, khô lóc, mắm cá…

Thế nhưng tìm hương vị đặc sản gốc không dễ, bởi hương vị riêng, nét độc đáo của sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào công thức, bí quyết, cách chế biến mà còn ảnh hưởng bởi từng thành phần trong đó. Nếp Bắc để gói bánh chưng Sài Gòn cũng có, nhưng miếng lá dong miền Bắc khác với lá dong trồng ở miền Tây. Ngay như hương vị của bánh tét nấu củi cũng khác bánh tét nấu bếp gas... Hương thơm, màu sắc, mùi vị từng sản vật tại địa phương làm cho vị the của chiếc lá chanh, của ngọn rau húng miền Bắc khác với miền Nam. Đơn giản nhất là chiếc bánh tráng, Củ Chi nổi tiếng xuất khẩu bánh tráng toàn thế giới, có đủ loại, đủ kích cỡ, nhưng người miền Trung vẫn thích loại bánh tráng dày, thật to, để nhúng ướt rồi cắt làm đôi, làm tư để cuốn. Xem ra chẳng tiện lợi tí nào so với miếng bánh tráng bằng bán tay, có sẵn độ dẻo, độ mềm, nhưng đó mới là hương vị quê. Chính vì vậy những món này mới được coi là “đặc sản”.

Mua đặc sản miền Bắc

Chợ Bắc tập trung khoảng hơn 10 cửa hàng bán thực phẩm Bắc nằm trên đường Chu Mạnh Trinh (quận 1), khuất sau Bệnh viện Nhi Đồng 2, chuyên bán các món ăn dân dã của đất Bắc. Đến đây, khách hàng dễ dàng tìm thấy rượu nếp mới, Vodka Hà Nội, rượu Làng Vân, Kim Sơn, măng lưỡi lợn, măng vầu, miến dong Bắc Kạn, nấm hương Bắc, kẹo vừng lạc, các loại giò chả, hành muối... Không chỉ vậy, từ cọng hành hoa, bắp cải, mớ rau ghém đến ốp nhang thơm đều được mang từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng vào.

Chợ bán hàng Bắc khác nằm ở đường Phạm Văn Hai, đoạn chợ Ông Tạ cũ. Các cửa hàng ở đây chủ yếu bán giò chả, bánh chưng, ruốc thịt, các loại trà, hạt gấc khô… Cao cấp hơn một chút, các cửa hàng bán đặc sản Bắc nằm rải rác trên đường Trần Quốc Toản (quận 3), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Điện Biên Phủ (vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) bán từ hộp mứt sấu, sấu ngào đường, sấu xào, ô mai, bánh đậu xanh Rồng Vàng, chè Tân Cương, mứt sen Hưng Yên, nếp quýt hoa mai Hải Hậu đến đủ loại rau cải, trái cây như sấu xanh, mận Hà Nội, cam Vinh... Dịp Tết, các cửa hàng này còn có thêm cam Canh, bưởi Diễn, táo Thiện Phiến, cam sành Bố Hạ, rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố...

Dễ mua đặc sản Bắc nhất là đến siêu thị Hà Nội, nơi tập trung gần cả ngàn món hàng khác nhau.

Đặc sản miền Trung

Tré Đà Nẵng. Ảnh: T.L

Tập trung nhiều nhất ở khu vực Tân Bình. Trong đó, chợ Bà Hoa (đường Trần Mai Ninh, phường 11, quận Tân Bình), chợ Tân Bình và dọc đường Trường Chinh (đoạn gần sân bay Tân Sơn Nhất) có hàng hóa phong phú nhất. Đến những địa chỉ này, khách dễ dàng mua được bình rượu Bàu Đá, mắm cá thu Bình Định, mắm cái (mắm nêm), bánh tráng miền Trung, hành tươi, tỏi...

Thời điểm này, các loại bánh kẹo miền Trung như bánh in, bánh tổ, bánh thuẩn, kẹo gương, mạch nha... được bày bán rất nhiều. Bánh được làm to hơn, "đặc biệt" hơn loại bán ngày thường và tăng giá chút ít. Những ai thích ăn món ngon Nha Trang có thể tìm được vài món nem, chả, bánh tét, hạt dưa Nha Trang xen lẫn trong các cửa hàng đặc sản miền Trung này.

Tiện lợi hơn, ở các siêu thị Maximark, Citimart, Tết nào cũng bố trí quầy hàng riêng bán đặc sản chính gốc Nha Trang cho khách hàng dễ lựa chọn. Đặc biệt siêu thị Maximark chuyên bán bánh chưng và đặc sản từ Nha Trang.

 Đặc sản của người Hoa, Khmer...

Vịt lạp (miếng thịt vịt còn da, róc hết xương, tẩm gia vị rồi phơi khô, dùng để chiên hoặc hấp), đường tán đổ hình nén vàng, bánh tổ là những món không thể thiếu trong ngày tết của người Hoa được bày bán nhiều xung quanh chợ Bình Tây, các cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (quận 5).

Món ngon Nam Bộ gần như chợ nào cũng bán, nhưng tập trung nhiều nhất và giá cũng dễ mua nhất là ở chợ Bình Tây. Từ chợ sỉ này, mứt trái cây từ các tỉnh Tây Nam Bộ, tôm khô Cà Mau, bánh phồng tôm An Giang, bánh tráng Củ Chi, lạp xưởng tươi Gò Công, bánh pía Sóc Trăng... sẽ tỏa đi khắp nơi.

Ngoài ra, những ai muốn đổi món trong 3 ngày Tết có thể đến chợ Campuchia (hẻm 374 Lê Hồng Phong) để mua các món ăn truyền thống của người Khmer. Khô cá tra phồng (đặc sản Biển Hồ), khô cá lóc, khô cá sửu, cá trèn sấy, mắm bò hóc...

 

  • Khách Việt Nam mua xe Toyota rục rịch đi đổi chân ga
  • Quá khó để trở thành nhà tiêu dùng thông thái
  • Ô tô, xe máy sẽ chịu thêm thuế môi trường
  • Thực phẩm an toàn: Chọn bằng niềm tin?
  • Mua hàng trực tiếp tại “Quà tặng ngày tết 2010”
  • Vệ sinh nhà cửa: Chọn chất tẩy rửa chuyên dụng
  • Đi khắp nơi với túi đa dụng
  • Niềm tin tiêu dùng 2010 nhìn từ một cuộc khảo sát
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng