Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự cảm 2009

Năm 2008 đi qua để lại cho các nhà  quản lý, doanh nhân và người tiêu dùng những ấn tượng khó quên về nhịp điệu khác thường của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn nhận, suy ngẫm về những gì ta đã trải qua trong năm cũ là căn cứ quan trọng để có những dự cảm trước thềm năm mới.

Trong vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu, cùng với những mặt còn non yếu, mất cân đối sau hơn hai thập kỷ phát triển nhanh, liên tục, nền kinh tế nước ta đã phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

 

Những cơn lốc xoáy

Cách nay chỉ một năm, cũng vào dịp năm qua, xuân đến này, hiếm ai, dù có bộ óc thông minh trác việt đến mấy cũng không thể dự cảm những điều sẽ xảy ra trong năm 2008. Đó thực sự là những “cơn lốc xoáy” trái chiều rất khó lường. Nửa đầu năm, lạm phát “leo thang”, giá cả tăng “phi mã”, dự báo chỉ số lạm phát có thể lên đến hơn 30%. Có tin đồn từ nước ngoài, VNĐ sẽ mất giá 40%, “cơn sốt” USD lập tức bùng phát. Giá dầu mỏ tăng vù vù, nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán có thể chạm mốc 200 USD, thậm chí 300 USD/thùng. Nửa cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, xuống mức âm, sức mua suy giảm, chỉ số lạm phát trong năm tới có thể lùi về mức 1 con số; giá dầu mỏ đã giảm hơn 100 USD/thùng và nhiều dự báo hướng tới đáy 25 USD/thùng trong năm 2009. Trên nền của những vòng xoáy dữ dội ấy nền kinh tế đã phải vật lộn với muôn vàn thử thách. Các nhà quản lý từ vi mô đến vĩ mô đã phải trả “học phí” cao, thấp nhiều mức khác nhau để có được những kinh nghiệm, cách nhìn đúng đắn hơn trước thời cuộc lớn đang diễn ra và công việc quản trị ở từng công ty, xí nghiệp sản xuất. Ở một bình diện khác có thể thấy năm 2008 là năm rối mù của các dự đoán, cả tầm quốc gia và toàn cầu với độ sai lệch không nhỏ, làm cho nhiều chính phủ, và doanh nghiệp đau đầu trước sự lựa chọn các biện pháp ứng phó.

 

Căng thẳng nhất nằm ở lĩnh vực tài chính ngân hàng. Hồi tháng 3 khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại có dấu hiệu khó khăn. Lãi suất liên ngân hàng, qua đêm có lúc lên đến 30-40%. Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời đưa ra “gói giải pháp” nhằm “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội”, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm chi tiêu công, nâng trần lãi suất tiền gửi. Giữa năm 2008 lãi suất cho vay của các ngân hàng lên tới 21%/năm. Với mức lãi suất ấy thì thị trường tín dụng không “đóng băng” mới là chuyện lạ. Rồi đột nhiên lạm phát giảm do nỗ lực của ta và giá cả nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu của thế giới cũng quay đầu “lao dốc”. Lãi suất ngân hàng cả huy động và cho vay lại giảm mạnh, liên tục. Dẫu vậy thị trường tín dụng vẫn không chuyển động đáng kể. Vì thị trường xuất khẩu giờ đây đã bị thu hẹp do các nước phát triển trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu lớn của ta đã chính thức tuyên bố bước vào suy thoái; sức mua của thị trường nội địa giảm. Trước Tết này nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã không dám nhập nhiều hàng như những năm trước đây. Hệ thống ngân hàng thương mại qua hai giai đoạn thiếu vốn (đầu năm), thừa vốn (cuối năm), cả khi “đói” vốn và lúc “bội thực” vốn đều rất không lợi cho “sức khỏe” của nền kinh tế.

 

Việt Nam sẽ trụ vững

 

Vượt qua nhiều sóng gió trong năm 2008, con tàu kinh tế Việt Nam vẫn tiến vào năm 2009 với những tay chèo cứng cáp. Mục tiêu tăng trưởng vẫn giữ ở mức vươn tới 6,5%. Đến Việt Nam trong dịp Xuân Kỷ Sửu này nhiều người nước ngoài không khỏi ngỡ ngàng về sự thanh bình, ổn định của đời sống người dân. Họ gần như không nhận thấy ở mảnh đất này dấu hiệu của cuộc khủng hoảng đang hoành hành từ Tây sang Đông. Điều quan trọng là ta đã đi qua năm cũ, một năm thật đáng nhớ với những cơn lốc hung dữ, những miếng đòn độc của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà không mấy thương tích. Chúng ta đã trưởng thành rất nhiều cùng với kho kinh nghiệm tích tụ được. Giờ đây chắc không ai còn ôm vào cái lạc quan viển vông bởi sức ép nhân tạo “bay lên”, “cất cánh” khi Việt Nam gia nhập WTO. Rồi trong cơn hứng chí đã nhận “tạm ứng của tương lai” quá nhiều. Giá cổ phiếu bị đẩy lên cao gấp nhiều chục lần mệnh giá, nhà đất cũng cao gấp 3-4 lần giá thực, đó chính là khoản “tạm ứng của tương lai”, để bây giờ thị trường phải lo bù trả.

 

Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam chắc vẫn còn phải đối mặt với nhiều bài toán khó. Cuộc chiến giằng co để vượt lên sẽ vô cùng quyết liệt. Giống như người chiến binh trên chiến trường, phải công phá từng lớp hàng rào kẽm gai, lấn chiếm từng mét chiến hào, tiêu diệt từng ổ đề kháng của địch, cuộc vật lộn để trụ vững, tiến lên của các doanh nghiệp cũng sẽ diễn ra tương tự. Bên cạnh quyết tâm, thế và lực của ta trải qua năm 2008 vẫn được bảo tồn. Các nhà tài trợ vẫn tiếp tục dành niềm tin cho Việt Nam, dòng kiều hối chảy về nước năm 2008 khá dồi dào, ta lại có dầu mỏ, dư thừa lương thực, dự trữ ngoại tệ so với những nước cùng nhóm không phải là quá khiêm tốn... Yêu cầu thích ứng của nền kinh tế sẽ tạo ra những thôi thúc bên trong buộc các doanh nghiệp từ tổ chức đến hoạt động không thể “nguyên như cũ”. Bởi vậy, có cơ sở để hy vọng năm 2009 nền kinh tế Việt Nam sẽ trụ vững, dần đi vào thế ổn định, từng bước chuyển qua giai đoạn hồi phục và phát triển.

(Theo HNM)

  • 'Kinh tế năm nay sẽ khó khăn hơn 2008'
  • Năm 2009, có thêm 18 dự án xi măng
  • Cước điện thoại di động sẽ giảm mạnh trong năm 2009
  • Năm 2009 xuất khẩu cá tra dự kiến còn 1 tỷ USD
  • Năm 2009: Tập trung đầu tư các công trình trọng điểm
  • Năm 2009: Quy hoạch vùng và cải thiện môi trường đầu tư
  • Chín xu hướng năm 2009 trong bối cảnh thế giới biến động
  • Thương mại VN năm 2009: Nhận diện thách thức
  • Dự cảm 2009
  • Ông Peter Ryder - Tổng Giám đốc Indochina Capital: Năm 2009: Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sôi động
  • Một triệu tấn nấm hàng hóa vào năm 2010
  • BMI dự báo năm 2009: Việt Nam sẽ “bùng nổ” đầu tư nước ngoài
  • Xuất khẩu thủy sản năm 2009: Bao giờ hết “ta hại ta”?
  • Thị trường chứng khoán năm 2009 - Cẩn trọng với ngành bất động sản...
  • Tốc độ tăng trưởng gdp dự kiến sẽ đạt 18% vào năm 2020