Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một triệu tấn nấm hàng hóa vào năm 2010

Mặc dù phong trào trồng nấm ăn và nấm dược liệu đã phát triển ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng sản lượng nấm mới đạt khoảng 200 nghìn tấn/năm. Phải làm gì khi nguồn nguyên liệu sẵn có, kỹ thuật trồng nấm không phức tạp, thị trường tiêu thụ rộng lớn... nhằm đạt một triệu tấn hàng hóa vào năm 2010, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Chị Ðoàn Thị Nga, ở xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh) kể với chúng tôi rằng, từ năm 2006, sau khi được dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức, tôi sử dụng bếp, dựng lều lán ở đất vườn, thu gom rơm rạ khô và vay thêm mấy triệu đồng để mua giống, vật tư. Mùa hè làm nấm rơm, vụ thu đông làm nấm mỡ, nấm sò và một ít nấm linh chi. Kết quả là sau hai vụ sản xuất nấm, tôi có một món tiền tự trang trải cho con học hành và hơn một năm qua, gia đình tôi được ra khỏi diện hộ nghèo của xã.

 

Anh Nguyễn Văn Ðô ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh (Ninh Bình), nét mặt phấn khởi cho biết: Trong xã có gần 40 hộ tham gia trồng nấm. Nhà ít làm 200-300 m2, riêng gia đình anh năm 2008 mở rộng diện tích lên 5.000 m2, đầu tư nhà xưởng, lán trại, mua giống (khoảng 900 triệu đồng) trồng các loại nấm rơm, sò, mỡ, mộc nhĩ và linh chi. Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam) thường xuyên thuê từ 25 đến 30 lao động (trả công từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng/ người/tháng); trừ các khoản chi phí, năm 2008, hộ gia đình anh Ðô thu lãi hơn 250 triệu đồng. Anh Ðô cho biết thêm, nếu được vay vốn nhiều hơn để mở rộng quy mô, sản xuất sử dụng hàng nghìn tấn nguyên liệu; giá cả ổn định thì có thể thu lợi nhuận tiền tỷ/năm không có gì khó khăn.

 

Từ một số hộ sản xuất nấm tự phát có hiệu quả, cách đây hơn sáu năm, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Quyết định số 1297, phê duyệt dự án "Xây dựng trung tâm sản xuất giống và chế biến nấm xuất khẩu Hương Nam". Vốn là một huyện thuần nông, mỗi năm làm hai vụ lúa, nghề phụ không có, trong khi lượng rơm rạ chỉ dùng đun nấu hoặc đốt bỏ lãng phí, huyện Yên Khánh, trên cơ sở liên kết với Trung tâm công nghệ sinh học thực vật, là nơi sớm đưa cây nấm vào sản xuất.

 

Ðồng chí Ðỗ Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh chia sẻ với chúng tôi. Từ định hướng của tỉnh, huyện có Nghị quyết về chương trình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu đến năm 2010 với sự hỗ trợ một phần của huyện và tỉnh cho các hộ gia đình xây dựng lán trại, sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và giống nấm của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, trồng nấm đang từng bước trở thành nghề chính của nông dân huyện Yên Khánh. Năm 2007, mới có 190 hộ ở các xã Khánh Thịnh, Khánh Trung, Khánh Nhạc, Khánh Mậu... tham gia sản xuất các loại nấm. Sử dụng 2.717 tấn nguyên liệu cho 1.250 tấn sản phẩm các loại, theo thời gian lúc đó cho tổng thu nhập là bảy tỷ 577 triệu đồng (tăng hơn 26% so năm trước).

 

Riêng năm 2008, chưa tổng hợp hết số liệu nhưng kế hoạch sử dụng khoảng 2.500 tấn nguyên liệu, số hộ làm nấm tăng lên, khả năng sẽ cho nguồn thu nhập cao hơn. Ðưa cây nấm vào đồng ruộng, cũng là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tạo điều kiện cho không ít hộ vươn lên khá giả (có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng trở lên/năm) như các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Can, Vũ Văn Thuyết, Nguyễn Văn Tiệp (Lã Khánh Mậu), anh Nguyễn Văn Quang (Khánh An). Bởi vậy, năm 2009 huyện Yên Khánh sẽ sử dụng khoảng 3.450 tấn nguyên liệu sản xuất các loại nấm chủ lực là sò, mỡ, mộc nhĩ để có nguồn thu nhập khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm sản xuất giống và chế biến nấm xuất khẩu Hương Nam có nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống nấm, tiếp nhận và cung ứng các chủng nấm tốt, thích ứng với mùa vụ tại địa phương; có cơ chế bao tiêu sản phẩm hợp lý, chế biến kịp thời nhằm kích thích sản xuất phát triển...

 

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy là sản phẩm từ các nguyên liệu rơm rạ, bã mía, thân cây ngô, bông phế thải nhưng các loại nấm ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Nó được sản xuất theo một quy trình mà môi trường cho sự sinh trưởng của cây nấm được sát khuẩn, ngay nước tưới cũng đòi hỏi phải là nước sạch còn nếu dùng nước nhiễm bẩn thì cây nấm sẽ "đổ bệnh", cho nên người ta vẫn gọi nấm là loại "rau sạch", "thịt sạch".

 

Nguyên liệu sẵn có (mỗi địa phương như Nam Ðịnh, Ninh Bình có hàng triệu tấn rơm rạ sau mỗi mùa thu hoạch), số lao động dôi dư, thiếu việc làm lúc nông nhàn khá lớn; trong khi kỹ thuật trồng và chế biến nấm không có gì phức tạp (chủ yếu là cầm tay chỉ việc). Ðầu ra của sản phẩm, như các hộ sản xuất cho biết là khá thuận lợi nhưng vì sao sản lượng nấm hằng năm còn thấp? Ðể đạt được một triệu tấn nấm hàng hóa/năm vào năm 2010 và các năm tiếp theo (bằng sản lượng nấm của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) như mục tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đề ra, chúng ta phải giải quyết nhiều việc. Trước hết xác định trồng nấm đã và đang trở thành nghề chính ở các địa phương thuần nông, từ đó mục tiêu và kế hoạch phát triển sản xuất nấm được đưa vào chương trình kinh tế - xã hội hằng năm của chính quyền các cấp. Cần được triển khai cụ thể, giúp người nông dân dễ tiếp nhận. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ về giống và giao quyền sử dụng đất một cách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn thuận lợi, nhằm khuyến khích việc mở rộng quy mô trang trại, gia trại và hợp tác xã chuyên canh sản xuất nấm hàng hóa ở nông thôn.

 

Mặt khác quan tâm công tác truyền thông giáo dục về lợi ích của nghề trồng nấm, giá trị dinh dưỡng của các loại nấm ăn và nấm dược liệu, không ngoài mục đích tăng khối lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Khắc phục tình trạng hủy bỏ nhiều hợp đồng mua hàng của nước ngoài vì ta thiếu nấm như mấy năm qua...

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • 'Kinh tế năm nay sẽ khó khăn hơn 2008'
  • Năm 2009, có thêm 18 dự án xi măng
  • Cước điện thoại di động sẽ giảm mạnh trong năm 2009
  • Năm 2009 xuất khẩu cá tra dự kiến còn 1 tỷ USD
  • Năm 2009: Tập trung đầu tư các công trình trọng điểm
  • Năm 2009: Quy hoạch vùng và cải thiện môi trường đầu tư
  • Chín xu hướng năm 2009 trong bối cảnh thế giới biến động
  • Thương mại VN năm 2009: Nhận diện thách thức
  • Dự cảm 2009
  • Ông Peter Ryder - Tổng Giám đốc Indochina Capital: Năm 2009: Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ sôi động
  • Một triệu tấn nấm hàng hóa vào năm 2010
  • BMI dự báo năm 2009: Việt Nam sẽ “bùng nổ” đầu tư nước ngoài
  • Xuất khẩu thủy sản năm 2009: Bao giờ hết “ta hại ta”?
  • Thị trường chứng khoán năm 2009 - Cẩn trọng với ngành bất động sản...
  • Tốc độ tăng trưởng gdp dự kiến sẽ đạt 18% vào năm 2020