Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiềm chế lạm phát:Trách nhiệm của cả ngân hàng

Trong số 6 giải pháp nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 (tại Nghị quyết 18/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành), giải pháp kiềm chế lạm phát được nêu đầu tiên và cũng mang ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
 
Đối với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, không khó để nhận ra vai trò rất lớn trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%. Đồng thời, NHNN chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, NHNN cũng được giao chỉ đạo các các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đến mức thị trường chấp nhận được; điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối theo hướng linh hoạt nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ để nhập khẩu, theo hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được, hạn chế việc cho vay đối với những mặt hàng không khuyến khích, kiểm soát chặt việc sử dụng ngoại tệ, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Những giải pháp trên cũng đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn hệ thống ngân hàng, từ sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, kiên quyết của NHNN đến nỗ lực của các ngân hàng thương mại. Trong đó, trọng tâm chính là thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và đảm bảo đủ vốn phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, nhưng tăng trưởng tín dụng không quá 25%.

Trong cuộc gặp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu từng đề cập, điều NHNN cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mở rộng cơ chế lãi suất thỏa thuận chính là nguy cơ chạy đua tăng lãi suất nếu không kiểm soát tốt, bởi ngân hàng có nhiều lợi thế hơn so với người đi vay. Dù vậy, lãnh đạo các ngân hàng thương mại đã bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất ổn định mặt bằng lãi suất để thực hiện chủ trương của Chính phủ.

Ông Phạm Xuân Lập, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, không còn phải chịu mức trần khống chế, các ngân hàng thương mại sẽ không phải viện đến các chương trình khuyến mại, tặng quà khi huy động tiền trong dân cư, nên tạo mặt bằng lãi suất ổn định, tiến tới giảm dần.

Hiện tại, với các khoản khuyến mại, tặng quà “lách” quy định, lãi suất huy động thực chất của nhiều ngân hàng lên đến 11 -12%, vượt xa so với trần 10,5%.

Một lãnh đạo của Ngân hàng Liên Việt dự báo, từ nay đến giữa tháng 5/2010, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau để giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay khi đó có thể chỉ còn 12%/năm, trong khi lãi suất huy động sẽ xuống dưới 10%/năm.

Vị này phân tích, một doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh bình thường trả cổ tức 10%/năm là cao, nên nếu lãi suất cho vay vượt 12%/năm thì quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp.

Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng nhận định, thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận, mức lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc vào cán cân cung - cầu, khả năng lợi nhuận, không lo ngại lãi suất bị đẩy lên cao. Ngoại trừ những khách hàng trọng tâm, truyền thống, các ngân hàng sẽ không có chính sách lãi suất khác biệt, bởi mức lãi suất nào phi thị trường sẽ không được thị trường chấp nhận.

Liên quan đến hạn mức tăng trưởng tín dụng 25%, trong khi vẫn đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đề ra, ông Nam cho rằng, với tăng trưởng tín dụng 25%, chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% là một thử thách, bởi năm 2009, tăng trưởng tín dụng ở mức gần 40% và GDP chỉ tăng 5,12%.

Tuy nhiên, bối cảnh năm 2010 đã khác. Trong 3 tháng đầu năm, GDP tăng trưởng khá tốt; lạm phát tuy hơi cao, nhưng trong tầm kiểm soát...

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP có thể thuận chiều, song cũng có thể không nhất thiết thuận chiều, do các yếu tố khác như giá cả, thế mạnh thương mại của doanh nghiệp Việt Nam dần tốt hơn trên thị trường quốc tế, các đơn vị kinh doanh sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả cao hơn. Hạn mức tín dụng 25%, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% là có thể thực hiện được và phù hợp”, ông Nam nhận định.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh phải chấp nhận vay với lãi suất cao 17 - 18%.

(Theo Huy Hào // Báo đầu tư)

  • TS. Vũ Đình Ánh: Giảm áp lực lạm phát: Phải bằng công cụ thị trường
  • Lạm phát tăng chứ không phải là siêu lạm phát
  • Chính sách tiền tệ: Thống đốc "chơi chữ" - Giám đốc ADB Việt Nam khuyến nghị
  • Kiềm chế lạm phát: Bài toán tổng thể
  • Các giải pháp kiềm chế lạm phát
  • “Nhập khẩu lạm phát”: Gánh nặng của nền kinh tế
  • Kiềm chế lạm phát:Trách nhiệm của cả ngân hàng
  • Lạm phát sẽ cao hơn 8,5%?
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Gánh nặng dồn lên vai chính sách tiền tệ?
  • TS. Vũ Đình Ánh: CPI tháng 3 tăng cao, lạm phát 2010 khó lường
  • Bỏ trần lãi suất: Thị trường tiền tệ có rối loạn ?
  • Lạm phát cuối năm 2010 có thể là 2 con số
  • Standard Chartered: Việt Nam nên cẩn trọng với tái lạm phát
  • Quyết liệt kiểm soát lạm phát: Điểm cốt yếu ở đâu?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?