Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quyết liệt kiểm soát lạm phát: Điểm cốt yếu ở đâu?

Người dân đang rất quan tâm đến diễn biến giá cả trên thị trường khi các thông tin tăng giá xăng, điện, than... liên tiếp được đưa ra. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tất cả vẫn nằm trong vòng kiểm soát và ổn định kinh tế vĩ mô được xem là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Cảnh giác nhưng không quá lo ngại


Hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 chưa được công bố nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2010, CPI đã tăng 3,35%. Cùng với việc gia tăng giá cả dịp Tết, nỗi lo lạm phát cao trở lại đang là tâm lý xã hội khá phổ biến.

Theo các chuyên gia, nỗi lo cũng như sự cảnh giác trước nguy cơ tái lạm phát là chính đáng. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế hiện nay, chưa nên quá lo ngại về vấn đề này. Việc tăng giá 3,35% trong 2 tháng đầu năm không có gì quá đột biến mà phù hợp với quy luật trong những năm gần đây: Năm 2005 tăng 3,6%, năm 2006 tăng 3,3%, năm 2007 tăng 3,24%, năm 2008 tăng 6,02% (đây là năm lạm phát cao đột biến) và năm 2009, năm kéo lạm phát xuống thấp, con số này chỉ là 1,49% do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Thông thường, mức tăng giá 2 tháng đầu năm chiếm đến trên dưới 40% tăng giá của cả năm. Vì vậy, chưa có gì phải nói nhiều đến việc lạm phát cao quay trở lại, dù không thể chủ quan.

Biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Ảnh: Linh Tâm

Liên quan đến việc tăng giá điện từ ngày 1-3-2010, theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), khi công bố biểu giá điện mới, việc đưa ra chỉ số CPI trong năm 2010 ở mức 7% đã được các cơ quan chức năng tính đến các yếu tố tác động như: Việc nới lỏng tiền tệ năm trước, độ trễ của nó sang năm nay, tăng lương trong tháng 5-2010, giá điện và giá xăng tăng trong năm 2010… Theo Bộ Tài chính, việc tăng giá điện ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2010 khoảng 0,34%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,20-0,27%. Đối với hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, xăng dầu… tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ. Do đó, tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể.

Đề cập về khả năng tăng giá của tháng 3 năm nay, một số chuyên gia nhận định có thể sẽ cao hơn mức bình thường của các năm do nước ta vừa trải qua thời kỳ liên tục điều chỉnh giá xăng cộng với hai lần điều chỉnh giá hối đoái trong thời gian ngắn cũng như tăng giá điện… Về mức tăng cụ thể của tháng 3, Ủy ban Tài chính quốc gia dự báo CPI sẽ tăng khoảng 0,5-1%, Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự báo khoảng 1%, trong khi Bộ Tài chính dự tính từ 0,5-0,75%. Theo quy luật giá thị trường, thông thường quý I lạm phát tăng cao vì đây là tháng Tết, lễ hội nhưng từ quý II và III, giá cả sẽ ổn định và giảm dần, rồi lại nhích lên trong quý IV (tổng hợp lại cả năm CPI sẽ vào khoảng 7%). Chúng ta hoàn toàn chủ động khi đưa ra con số mục tiêu lạm phát này- các chuyên gia nhận định.

Tuy nỗi ám ảnh lạm phát chưa thể xuất hiện trong bối cảnh hiện nay, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, công tác kiểm soát giá của chúng ta vừa qua còn yếu kém nên nhiều trường hợp nhà sản xuất, kinh doanh đẩy giá quá mức hợp lý. Chính phủ cần quản lý chặt chẽ hơn với giá xăng, dầu để việc điều chỉnh mặt hàng này không phát những tín hiệu xấu. Mặt khác, cũng nên có ngay biện pháp hạn chế việc tăng giá kiểu "té nước theo mưa" đối với nhiều mặt hàng. Chẳng hạn, giá thép đã tăng ngay 5-10% sau khi giá điện tăng là điều hết sức vô lý, bởi lẽ, giá điện không thể chiếm từ 5-10% giá thành của thép, trong khi giá điện cũng chỉ tăng trung bình 6,8%.

Tâm điểm tháng 3

Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% để tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô sẽ gặp thách thức không nhỏ bởi nhiều diễn biến thực tế đang tác động đến quy luật của nhiều năm trước. Đó chính là lý do mà các chuyên gia nhận định rằng, phải đặc biệt "để mắt" theo dõi con số lạm phát trong tháng 3 này và việc điều chỉnh giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng đến nền kinh tế phải căn cứ trên diễn biến chỉ số CPI. Chủ động ứng phó nhanh nhạy với lạm phát, Chính phủ và các bộ, ngành đang thể hiện rõ quyết tâm thực hiện một cách hiệu quả. Chính phủ đã tập trung đánh giá và phân tích những vấn đề liên quan đến lạm phát, bao gồm nguyên nhân và giải pháp, không để lạm phát cao quay trở lại. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia có báo cáo chuyên đề về vấn đề này. Một số giải pháp mang tính chính sách về giá, tiền tệ, tài khóa, xuất nhập khẩu, thị trường... đã được các bộ, ngành đề ra và triển khai thực hiện.

Sản xuất thép cũng chịu ảnh hưởng của việc tăng giá điện.

Bộ Tài chính - "binh chủng" chủ lực trên "mặt trận" bình ổn giá, hiện đang khẩn trương thực hiện nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010. Theo đó, Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế, giá đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá tại địa phương như xi măng, sắt, thép... Đối với việc điều hành kinh doanh mặt hàng xăng, dầu, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thực hiện điều chỉnh tăng, giảm phù hợp; từ nay đến hết tháng

6-2010, doanh nghiệp cần giãn thời gian giữa các lần điều chỉnh… Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, có kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2010 xuống dưới 6,2% để "phối hợp" với chính sách giá. Nhìn xa hơn, Bộ Tài chính khẳng định, việc thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước là cả một quá trình và đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện không chỉ trong năm 2010 mà còn với các năm tiếp theo.

Các địa phương cũng đang khẩn trương vào cuộc bình ổn giá. Ban Chỉ đạo 127 TP Hà Nội cho biết, tới đây sẽ tiến hành nhiều đợt kiểm tra chống tăng giá trên địa bàn Thủ đô. Trước đó, các đội quản lý thị trường ra quân triển khai kế hoạch bình ổn giá thị trường theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, chú trọng vào 14 mặt hàng thiết yếu. TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên bình ổn giá tiêu dùng, tăng cường kiểm tra hạn chế tăng giá. Hiện 100% quận, huyện đã thành lập các tổ liên ngành về giá do Sở Tài chính là cơ quan chủ lực để giám sát, kiểm soát giá cả. Thành phố yêu cầu tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng trong diện bình ổn phải thực hiện đăng ký giá, không phân biệt doanh nghiệp thuộc khu vực nào…

Thực tế cho thấy, nguy cơ tái lạm phát cao trong năm 2010 đã được đề cập và dự báo từ cuối năm 2009, ngay khi Quốc hội thảo luận về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010. Trong thông điệp đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh nguy cơ này. Do đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Không xảy ra tái lạm phát cao là điều kiện tiên quyết để tạo môi trường cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

(Theo Bình Thu // Hanoimoi Online)

  • TS. Vũ Đình Ánh: Giảm áp lực lạm phát: Phải bằng công cụ thị trường
  • Lạm phát tăng chứ không phải là siêu lạm phát
  • Chính sách tiền tệ: Thống đốc "chơi chữ" - Giám đốc ADB Việt Nam khuyến nghị
  • Kiềm chế lạm phát: Bài toán tổng thể
  • Các giải pháp kiềm chế lạm phát
  • “Nhập khẩu lạm phát”: Gánh nặng của nền kinh tế
  • Kiềm chế lạm phát:Trách nhiệm của cả ngân hàng
  • Lạm phát sẽ cao hơn 8,5%?
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Gánh nặng dồn lên vai chính sách tiền tệ?
  • TS. Vũ Đình Ánh: CPI tháng 3 tăng cao, lạm phát 2010 khó lường
  • Bỏ trần lãi suất: Thị trường tiền tệ có rối loạn ?
  • Lạm phát cuối năm 2010 có thể là 2 con số
  • Standard Chartered: Việt Nam nên cẩn trọng với tái lạm phát
  • Quyết liệt kiểm soát lạm phát: Điểm cốt yếu ở đâu?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?