Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

6 nhóm giải pháp, 9 chương trình lớn tháo gỡ ách tắc hạ tầng TPHCM

Quá tải hạ tầng giao thông và ngập nước đang được coi là 2 thách thức lớn, gây nhiều cản trở đối với sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ (ngày 15/3), lãnh đạo TP đặt mục tiêu tới giai đoạn 2015-2020 sẽ cơ bản giải quyết 2 vấn đề nói trên với những nhóm giải pháp đồng bộ.

Ách tắc giao thông là 1 trong 2 thách thức  lớn mà TP Hồ Chí Minh cần giải quyết một cách cơ bản trong giai đoạn 2015 - 2020. Ảnh minh họa

 6 nhóm giải pháp, 9 chương trình lớn

 Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân, lộ trình 5 năm tới với 6 nhóm giải pháp đồng bộ sẽ cơ bản giải quyết được những tồn tại, nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ, quá tải của hệ thống giao thông TP suốt thời gian qua.

Đó là: Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng hiện hữu; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu cầu giao thông, hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao thông cá nhân; kiểm soát phát triển đô thị trung tâm, đẩy mạnh chương trình tái cấu trúc đô thị, giảm áp lực lên hệ thống giao thông nội thị hiện nay; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông đường bộ và nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong giao thông; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về giao thông vận tải đô thị; nâng cao năng lực và hiệu quả huy động vốn cho chương trình giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Đồng thời, sẽ có 9 chương trình lớn nhằm giải quyết tình trạng úng ngập thường xuyên của gần 100 tuyến đường và điểm dân cư hiện nay trên địa bàn TP.

Cụ thể là, TP tổ chức thực hiện quy hoạch theo hướng quản lý chặt các quỹ đất liên quan đến thoát nước chống ngập; lập quy hoạch và kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; xây dựng cơ chế, chính sách cho các dự án thoát nước; nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, quản lý và phát triển nguồn lực; tăng cường quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống hạ tầng thoát nước, kiểm soát triều; nâng cao năng lực và hiệu quả công tác giáo dục và truyền thông; tập trung hoàn thành đưa vào quản lý, vận hành các dự án chống ngập do triều cường đang thực hiện; đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án thoát nước mưa và nhà máy xử lý nước thải; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án công trình đê bao và kiểm soát triều.

Theo đánh giá của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đây là một khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết liệt không chỉ của TP mà còn là sự phối hợp, tạo cơ chế từ Trung ương đến các Bộ, ngành liên quan.

Tìm lời giải bài toán về vốn

Ý kiến của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp cho thấy sự ghi nhận và tạo điều kiện tối đa của Trung ương để TP Hồ Chí Minh có thể giải quyết hiệu quả những trở ngại lớn về hạ tầng.

Đặc biệt về mặt cơ chế, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép TP nghiên cứu, triển khai những cơ chế, mô hình thí điểm từ tổ chức bộ máy quản lý, huy động nguồn lực, kiểm soát nhập cư, kéo dãn mật độ dân số nội đô đến chế tài xử lý hành vi vi phạm, nâng cao ý thức tham gia giao thông. Việc tiếp theo là huy động nguồn lực đảm bảo cho kế hoạch và khối lượng công việc khổng lồ nói trên.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng các dự án lớn, cấp bách, có tác động trực tiếp tới mục tiêu giảm tải và kéo giãn dân số nội đô, đa dạng hóa phương thức vận tải cũng như xử lý trước mắt tình trạng úng ngập triều cường, số vốn đầu tư cũng đã lên tới con số hàng triệu tỷ đồng.

Số vốn này được cân đối để có thể xây dựng hệ thống tàu điện ngầm với 6 tuyến, 2 tuyến xe điện mặt đất, 4 tuyến đường trên cao, các đường vành đai 2, 3, 4 và khoảng hơn 40 dự án thoát nước chống ngập do triều cường, hệ thống xử lý nước thải, đê bao, kiểm soát nước triều dâng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nhu cầu vốn rất lớn này đòi hỏi  TP phải xây dựng được một kế hoạch thu xếp tài chính, xác định được lộ trình và nguồn vốn khả thi.

Trong kế hoạch đó, ODA tiếp tục sẽ là nguồn lực quan trọng. Mặc dù là địa phương thu hút lượng vốn ODA nhiều nhất, nhưng các dự án triển khai trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế. TP Hồ Chí Minh cần nâng cao hiệu quả giải ngân cũng như làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Số vốn còn lại – theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP – sẽ phải trông chờ vào việc huy động các nguồn lực khác. Muốn làm được điều đó, TP cần những đột phá về công tác tổ chức quản lý, đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư để chủ động hơn trong việc kêu gọi, cân đối các hình thức vốn triển khai.

Đối với các dự án giao thông mang tính chất liên vùng, Trung ương cần phân cấp cho TP Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan chủ động và tự chịu trách nhiệm triển khai đối với đoạn, tuyến đi qua địa bàn theo khả năng triển khai các mô hình BOT, BT, PPP hoặc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, không trông chờ và thực hiện dàn trải dự án.

TP Hồ Chí Minh cũng cần một cơ chế để lập Quỹ bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lập và triển khai thu phí sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, phí đỗ xe tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm, hệ thống thu phí điện tử đối với ôtô đi trong khu vực trung tâm, điều chỉnh thu lệ phí trước bạ, đăng ký, lưu hành đối với xe cá nhân để tạo nguồn đầu tư phát triển hạ tầng TP./.

(Theo Nguyên Linh // Tin Chính phủ)

  • Muộn nhất vào năm 2012 phải tiến hành dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
  • Sẽ tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm tới
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Yêu cầu bức thiết - Kỳ vọng lớn lao
  • 8.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cảng cá và bến cá
  • Ðác Lắc lựa chọn kinh tế xanh để phát triển bền vững
  • Phát triển nông nghiệp, ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2020
  • Phát triển bền vững: các thách thức cơ bản của nền kinh tế Việt Nam
  • Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020: Đầu tư 2.347,4 tỷ đồng
  • Xây dựng cảng cá trên quần đảo Trường Sa
  • Xây dựng trung tâm vũ trụ tại Hòa Lạc
  • 765 tỷ đồng đảm bảo an toàn thông tin quốc gia
  • Hà Nội Hơn 49.700 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
  • Bình quân mỗi năm sẽ đào tạo hơn 1 triệu lao động nông thôn
  • Đề án an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020: Cơ hội mới cho lao động nghèo
  • 6 nhóm giải pháp, 9 chương trình lớn tháo gỡ ách tắc hạ tầng TPHCM