Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ðác Lắc lựa chọn kinh tế xanh để phát triển bền vững

Trong định hướng phát triển 2010-2020, Ðác Lắc lựa chọn phương pháp tiếp cận kinh tế xanh để phát huy sức mạnh nền nông nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh tự nhiên và đặc sản cà-phê truyền thống. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh ở quy mô vùng và tiểu vùng. Công nghiệp chế biến, cơ khí tăng cường năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dịch vụ du lịch khai thác cảnh đẹp thiên nhiên và đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, giàu bản sắc. Từ tâm điểm thành phố sinh thái hiện đại Buôn Ma Thuột, Ðác Lắc phấn đấu trở thành động lực phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên và tam giác Nam Ðông Dương.

Thu hoạch Cafe ở Buôn Ma Thuột, Đác Lắc

Ðác Lắc có thảm sinh thái đa dạng và đất ba-dan đặc biệt thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp. Dân số và mật độ dân cư cao nhất Tây Nguyên, Ðác Lắc hội tụ những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của 44 dân tộc. Ðây là những điều kiện thuận lợi để xây dựng nền sản xuất sinh thái bền vững. Tam giác nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ hình thành và khai thác tiềm năng vùng "thủ phủ cà-phê". Ðặc sản cà-phê Buôn Ma Thuột được người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng, cũng là hàng hóa xuất khẩu chủ lực và phương tiện quảng bá, thu hút sự quan tâm của thế giới. Tiềm năng lớn của du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, khám phá thiên nhiên được khai thác như mũi nhọn đột phá kinh tế. Người dân địa phương lao động và sinh hoạt trong môi trường trong lành, trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống và cung cấp dịch vụ.

Cà-phê là sản phẩm thiên nhiên dành cho Ðác Lắc. Với hơn 170 nghìn ha trồng cà-phê, lớn nhất cả nước, thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột đã được chào đón tại cả trăm quốc gia, vùng lãnh thổ. Và đã đưa Việt Nam là nước xuất khẩu cà-phê đứng thứ hai trên thế giới.

Mục tiêu kinh tế Ðác Lắc đến năm 2020
Cơ cấu kinh tế 2020     
- Dịch vụ   40%
- Công nghiệp, xây dựng   34%
- Nông nghiệp   26%  
Giá trị xuất khẩu   1 tỷ USD
Ðầu tư toàn xã hội, 2016 -  2020  150.000 tỷ đồng  
Tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân năm, 2016 - 2020 19%
GDP bình quân (giá hiện hành)  40 triệu đồng    
Tăng trưởng GDP, 2016 - 2020  13%/năm

Giá trị cà-phê Việt Nam nhân lên nhiều lần khi sản phẩm cà-phê kết tinh cả sự phát triển hài hòa sinh thái và bản sắc dân tộc. Cà-phê Buôn Ma Thuột chinh phục công chúng tiêu dùng trên thị trường thế giới bằng hương vị độc đáo và chất lượng tuyệt hảo. Nhưng đó vẫn là phần thô; nhiều quốc gia khác cũng có thể làm được, thậm chí tốt hơn. Giá trị văn hóa tinh thần cà-phê được đóng gói và phát triển bí quyết phương Ðông mới thật sự tạo sự khác biệt. Cà-phê Việt Nam ngon và quyến rũ. Nói cách khác, sản phẩm tự nhiên này đã được nâng cao giá trị nhờ lao động và sự kết tinh giá trị văn hóa đặc thù của Ðác Lắc.

Thế mạnh cà-phê Buôn Ma Thuột là điểm bắt đầu thuận lợi cho mô hình phát triển xanh nhanh chóng triển khai từ hệ thống canh tác, chế biến và xuất khẩu hiện có. Chi phí đầu tư có cơ hội giảm nhờ nền tảng hạ tầng sẵn có. Kiến thức tích lũy từ kinh nghiệm sản xuất cà-phê gia tăng khả năng thành công của hình mẫu kinh tế mới. Từ đó, Tây Nguyên thể hiện vai trò chiến lược trong đáp ứng yêu cầu ứng phó cấp bách với biến đổi khí hậu của vùng động lực kinh tế sinh thái và bền vững.

Với diện tích đất tự nhiên hơn 13.000 km2, tổng diện tích đất có thể sử dụng hơn 1,3 triệu ha. Tỉnh ưu tiên đầu tư cho quy hoạch và quản lý canh tác  đất nông nghiệp. Hệ thống nông nghiệp được tổ chức thành các lô, gắn với các trung tâm tiêu thụ và xuất khẩu. Rút ngắn quãng đường vận chuyển nông sản từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Diện tích cây xanh được tăng cường nhằm mở rộng không gian,  điều chỉnh cân bằng không khí của cả vùng rộng lớn. Cùng với chú trọng ưu tiên đất nông nghiệp.

Ðác Lắc tập trung quy hoạch phát triển các làng đô thị sinh thái kết hợp hài hòa giữa con người, môi trường, và các trung tâm kinh tế-xã hội.

Trong đó, chăm sóc chất lượng sống của người dân là trung tâm của các chương trình phát triển. Thể hiện qua phương thức sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp xanh gắn liền hoạt động sản xuất với cải thiện chất lượng sống tại cộng đồng.  Tạo điều kiện để hai dân tộc thiểu số có số dân đông nhất Ðác Lắc là Ê Ðê và M'Nông Gar được sinh hoạt và lao động tốt nhất trong các dự án kết hợp canh tác nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch sinh thái-cộng đồng.

Ðác Lắc khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua việc sử dụng hợp lý kỹ thuật, công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường. Các kênh đối thoại giữa người sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng (trong nước và quốc tế)... luôn được chú trọng, kịp thời phát hiện và làm rõ các vấn đề khúc mắc, qua đó khuyến khích sự phát triển lâu dài về sản xuất, phân phối và tiêu dùng lương thực, nông phẩm, và gợi ý các chính sách hỗ trợ thiết thực. Nhất là, các mô hình công ty đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn với sự kết hợp của các thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân để tập hợp nguồn lực xã hội và bảo đảm cân bằng lợi ích cộng đồng, giữ đúng định hướng tăng trưởng được khuyến khích đầu tư.

Cùng với nỗ lực triển khai hiệu quả từng hạng mục của hình mẫu kinh tế xanh, Ðác Lắc chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phát triển sinh thái bền vững tới cư dân địa phương, các cấp quản lý, cộng đồng doanh nghiệp. Hình ảnh Buôn Ma Thuột xanh được quảng bá tới công chúng tiêu dùng trong và ngoài nước với thông điệp nhất quán đó là  công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch,  môi trường tốt.

Trước những biến động kinh tế mạnh mẽ của thế giới và Việt Nam, Ðảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Ðác Lắc quyết tâm xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên. Thành phố Buôn Ma Thuột hiện đại mà vẫn gìn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa và truyền thống đặc sắc của Tây Nguyên. Hệ sinh thái kinh tế - xã hội - môi trường - con người, lấy tăng trưởng kinh tế bền vững làm động lực, nâng cao chất lượng sống làm phương tiện để giải quyết các vấn đề dân tộc, an ninh, tôn giáo và quốc phòng. Ðúng như tinh thần Kết luận 60 của Bộ Chính trị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðác Lắc ngày 3-11-2009 về phát triển bền vững vùng kinh tế động lực Tây Nguyên.

(Theo Lữ Ngọc Cư // Báo Nhân dân)

  • Muộn nhất vào năm 2012 phải tiến hành dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
  • Sẽ tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm tới
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Yêu cầu bức thiết - Kỳ vọng lớn lao
  • 8.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cảng cá và bến cá
  • Ðác Lắc lựa chọn kinh tế xanh để phát triển bền vững
  • Phát triển nông nghiệp, ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2020
  • Phát triển bền vững: các thách thức cơ bản của nền kinh tế Việt Nam
  • Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020: Đầu tư 2.347,4 tỷ đồng
  • Xây dựng cảng cá trên quần đảo Trường Sa
  • Xây dựng trung tâm vũ trụ tại Hòa Lạc
  • 765 tỷ đồng đảm bảo an toàn thông tin quốc gia
  • Hà Nội Hơn 49.700 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
  • Bình quân mỗi năm sẽ đào tạo hơn 1 triệu lao động nông thôn
  • Đề án an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020: Cơ hội mới cho lao động nghèo
  • 6 nhóm giải pháp, 9 chương trình lớn tháo gỡ ách tắc hạ tầng TPHCM