Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điện Biên phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh miền núi biên giới vững mạnh

Điện Biên- vùng đất lịch sử và anh hùng, nơi đây đã từng diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa bộ đội Việt Nam với quân đội Pháp để dành dật từng tấc đất, nơi đây cũng đã chứng kiến chiến công lừng lẫy của quân đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm để dành lại độc lập cho dân tộc.

Huy hoàng là thế nhưng sau chiến tranh, mảnh đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” này gặp không ít khó khăn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế bởi địa hình không mấy thuận lợi, chiến tranh qua đi để lại nhiều tàn tích. Vì thế, Điện Biên vẫn là tỉnh nghèo, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực vươn lên, nền kinh tế và đời sống nhân dân Điện Biên mấy năm gần đây đã khá lên rất nhiều. Song để Điện Biên trở thành vùng đất giàu mạnh ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung vào thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ 2006-2020.

Đinh Tiến Dũng
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Mục tiêu phát triển

Về kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2006 - 2020 đạt 12,5%/năm. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 12%/năm và giai đoạn  2011 - 2020 đạt 12,8%/năm; nâng mức GDP bình quân đầu người của Tỉnh so với trung bình cả nước từ 45% năm 2005 lên 50% năm 2010, khoảng 65% năm 2015 và 80% năm 2020.

Đến năm 2010, cơ cấu kinh tế là: nông, lâm, thủy sản chiếm 29 - 30%, công nghiệp - xây dựng chiếm 34%, dịch vụ chiếm 36 - 37%; đến năm 2020: nông, lâm, thủy sản chiếm 18%, công nghiệp, xây dựng chiếm 40%, dịch vụ chiếm 42%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 16 - 17 triệu USD, trong đó xuất khẩu của địa phương đạt trên 8 triệu USD; đến năm 2020, đạt khoảng 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu của địa phương đạt 45 - 50 triệu USD.

Tỷ lệ huy động ngân sách trên địa bàn so với tổng GDP năm 2010 tối thiểu đạt 5% và năm 2020 đạt trên 10%.

Về xã hội

Từ nay đến năm 2010, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động/năm; giai đoạn 2011 - 2020 là 7.000 - 8.000 lao động/năm.  

Từ nay đến năm 2010, mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ đói nghèo. Phấn đấu đến năm 2010 không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia năm 2005) xuống còn dưới 20%; đến năm 2015 còn dưới 10% và đến năm 2020 còn dưới 3%.

Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở trong toàn Tỉnh vào năm 2008; phổ cập bậc trung học phổ thông ở thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay vào năm 2010 và đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông trong toàn Tỉnh trước năm 2020. 

Đẩy mạnh công tác đào tạo dạy nghề. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo của Tỉnh từ 16,4% hiện nay lên 25% vào năm 2010 và hơn 35% vào năm 2020: trên 70% số học sinh phổ thông được hướng nghiệp dạy nghề tại các trung tâm vào năm 2010 và 100% vào năm 2020.

Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, bản. Đến năm 2010, đạt trên 5,5 bác sĩ/1vạn dân; 50% trạm xá xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; khoảng 60 - 70% số trạm xá có bác sĩ, 100% số thôn, bản có y tá, 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 20%. Đến năm 2020, đạt 10 bác sĩ/1vạn dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 10% và 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Đến năm 2010, toàn bộ các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được cả 2 mùa, trong đó khoảng 50% số đường được nâng cấp, rải nhựa hoặc bê tông; 100% số xã có điện và ít nhất 80% dân số được dùng điện; 95% dân số được xem truyền hình, 100% dân số được nghe đài phát thanh. Đến năm 2015, toàn bộ hệ thống đường tỉnh, huyện và đường đến trung tâm xã, cụm xã được rải nhựa hoặc bê tông: trên 50% số thôn bản có đường ô tô, 100% dân số được dùng điện, 100% dân số được xem truyền hình. Đến năm 2020, trên 95% số thôn bản có đường ô tô đi lại được cả 2 mùa.

Bảo vệ môi trường

Nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 38,5% hiện nay lên 65% vào năm 2020 nhằm bảo đảm chức năng phòng hộ đầu nguồn và đóng góp lớn vào nền kinh tế.

Đến năm 2010, 90% dân số đô thị được cấp nước sinh hoạt sạch và 80% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt; khoảng 50% số hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp quy cách. Đến năm 2020, 100% dân số đô thị được cấp nước sinh hoạt sạch và 100% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt, trong đó trên 80% được cấp nước sạch; 100% số hộ nông thôn có công trình vệ sinh hợp quy cách.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ

Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực

Ngành nông, lâm, ngư nghiệp

Phát triển toàn diện ngành nông, lâm nghiệp, tạo bước chuyển biến căn bản nền sản xuất nông - lâm nghiệp của Điện Biên theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.

Phát triển ổn định sản xuất lương thực. Đến năm 2010, sản lượng lương thực đạt 220 - 230 nghìn tấn và đến năm 2020, đạt 270 - 280 nghìn tấn, đạt bình quân 450 kg/người, bảo đảm an ninh lương thực và tạo khối lượng hàng hoá lớn.

Phát triển mạnh cây CN, cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm chủ lực. Đến năm 2010, diện tích các cây có giá trị kinh tế cao chiếm 18 - 20% và đến năm 2020, chiếm hơn 30% diện tích gieo trồng của Tỉnh.

Mỗi năm trồng mới khoảng 4.500 ha rừng, trong đó có 1.800 - 2.000 ha rừng sản xuất; đến năm 2010 khoanh nuôi tái sinh khoảng 134 nghìn ha rừng và giai đoạn 2011 - 2020 khoanh nuôi tái sinh 190 - 200 nghìn ha, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 50% vào năm 2010 và 65% vào năm 2020, bảo đảm chức năng phòng hộ đầu nguồn và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế.

Tận dụng tối đa khả năng mặt nước của các hồ, ao trên địa bàn để nuôi trồng thủy sản. Chú trọng phát triển các giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao.

Phát triển CN, tiểu thủ CN

Phát triển nhanh và vững chắc các ngành CN, tiểu, thủ CN làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng CNH-HĐH. Nâng tỷ trọng CN, xây dựng trong tổng GDP trên địa bàn từ 26,67% hiện nay lên khoảng 34% vào năm 2010 và 40% vào năm 2020, trong đó CN chiếm tỷ trọng hơn 60% giá trị gia tăng trong nội bộ khu vực CN, xây dựng.

Đến năm 2020, về cơ bản Điện Biên có một nền CN vững chắc với cơ cấu hợp lý, phù hợp với điều kiện và tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, đồng thời có khả năng cạnh tranh cao. Tập trung phát triển các ngành CN sau: Chế biến nông, lâm sản; CN điện; Sản xuất vật liệu xây dựng; Khai khoáng; Các ngành CN khác.

Phát triển các ngành dịch vụ

Phát triển tổng hợp kinh tế dịch vụ theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và các thành phần kinh tế tham gia để khuyến khích mạnh sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân thời kỳ 2006 - 2020 đạt 13,8%/ năm. Trong đó giai đoạn 2006 - 2010 đạt 13 - 14%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 13,5 - 14%/năm. Nâng tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Tỉnh lên 36% vào năm 2010 và 42% vào năm 2020.

Xây dựng Điện Biên thành Trung tâm du lịch có tầm cỡ của vùng Tây Bắc và là một trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia với trọng tâm là du lịch lịch sử, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Năm 2010, thu hút khoảng 300.000 lượt khách (trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế) và năm 2020 đạt khoảng hơn 500.000 lượt khách (trong đó có khoảng 100.000 lượt khách quốc tế).

Điều chỉnh chiến lược phát triển hàng xuất khẩu, hình thành một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Tỉnh như: chè, hoa quả, thịt chế biến, gỗ chế biến, măng chế biến, xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản...; phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đến năm 2020 đạt khoảng 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng địa phương khoảng 45 - 50 triệu USD.

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trên địa bàn gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, liên xã, các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới và đường tuần tra biên giới. Phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị và vận tải công cộng trong toàn Tỉnh, bảo đảm đến năm 2020, Điện Biên có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị hoàn chỉnh và hiện đại. Giai đoạn trước mắt từ nay đến năm 2010, tập trung xây dựng hoàn chỉnh các trục chính thuộc trung tâm các huyện, thị và thành phố Điện Biên Phủ theo quy hoạch; hoàn thiện giao thông đường thuỷ, hàng không, hệ thống thủy lợi, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp, thoát nước.... Tập trung các nguồn lực đầu tư từ ngân sách kết hợp với các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư mới và kiên cố hóa hệ thống trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; đầu tư nâng cấp hệ thống bệnh viện tuyến huỵen, bệnh viện khu vực, trạm y tế xã; quan tâm đầu tư nhà ở nội trú cho học sinh bán trú dân nuôi và hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở...

Định hướng tổ chức kinh tế theo lãnh thổ

Tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Điện Biên Phủ theo hướng phát triển mở rộng thành phố Điện Biên Phủ. Dự kiến quy mô dân số của thành phố năm 2010 sẽ đạt  8 - 10 vạn dân và năm 2020 tăng lên khoảng 13 - 14 vạn dân. Tiến hành đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công cộng theo quy hoạch để nâng cấp thành phố Điện Biên Phủ lên Thành phố loại II trước năm 2015. Từ nay đến năm 2010, đầu tư xây dựng xong toàn bộ 13 trung tâm cụm xã và khoảng 50% trung tâm xã trong Tỉnh, giai đoạn sau 2010, tiếp tục xây dựng các trung tâm xã còn lại.

Từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xây dựng, hình thành một số khu, CCN tập trung như: KCN Tây lòng chảo Điện Biên (quy mô 30 - 40 ha); CCN phía Tây thành phố Điện Biên Phủ; CCN Na Hai huyện Điện Biên, CCN  phía Đông huyện Điện Biên; CCN phía Đông huyện Tuần Giáo; CCN phía Nam huyện Tủa Chùa; CCN Mường Lay.

Phát triển không gian du lịch thành phố Điện Biên Phủ thành trung tâm du lịch chính, là điểm đầu mối các hoạt động du lịch của Tỉnh, đồng thời là điểm dừng quan trọng trong hành lang du lịch Tây Bắc và các vùng phụ cận trong và ngoài nước. Xây dựng thị xã Mường Lay thành trung tâm du lịch ở khu vực phía Bắc của Tỉnh.

Tập trung quy hoạch và đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế là: trục kinh tế động lực quốc lộ 279, vùng kinh tế lâm, nông nghiệp sinh thái sông Đà và vùng kinh tế Mường Chà - Mường Nhé.

Các giải pháp tổng thể

Thứ nhất,tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm của tỉnh, huyện; xây dựng cơ chế, chính sách để thực hiện Quy hoạch, trong đó chú trọng tới việc công khai hóa, tuyên truyền phổ biến Quy hoạch. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá và rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đồng thời làm tốt công tác tổ chức, phân công thực hiện Quy hoạch.

Thứ hai, huy động vốn đầu tư

Tỉnh cần phải có các biện pháp để huy động vốn một cách tích cực, trong đó nguồn nội lực là chủ yếu, sử dụng quỹ đất hợp lý để tạo vốn đầu tư, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xã hội hoá trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá - thể thao...; Đồng thời, đề xuất phương án huy động vốn cho từng giai đoạn, sắp xếp lựa chọn các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý và có những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thu hút vốn đầu tư, bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.

Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Mở rộng đào tạo, dạy nghề bằng các hình thức chính quy, tại chức, dài hạn, ngắn hạn. Tăng cường năng lực đào tạo của các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Xây dựng chính sách ưu tiên đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở vùng biên giới, vùng cao đặc biệt khó khăn, cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ chuyên môn từ miền xuôi lên. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông nghiệp và đồng bào dân tộc để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động. Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo của Tỉnh với các trung tâm đào tạo, dạy nghề ở Hà Nội...

Thứ tư, hát triển khoa học, công nghệ

Gắn phát triển khoa học, công nghệ với sản xuất, tạo điều kiện ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học, công nghệ mới. Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng đại trà những tiến bộ khoa học vào sản xuất. Xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tin học hóa các cơ quan Đảng và Nhà nước. Phát triển mạnh nguồn nhân lực cho khoa học, công nghệ, tăng cường lực lượng khoa học cho cơ sở...

Thứ năm, nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách

Ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tín dụng của Nhà nước và nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH quan trọng phục vụ nhu cầu phát triển của Điện Biên và vùng Tây Bắc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ nghiên cứu đưa tỉnh Điện Biên vào danh mục ưu tiên triển khai các dự án sử dụng nguồn vốn ODA nhằm phục vụ quá trình phát triển KT-XH và xóa đói, giảm nghèo của Tỉnh; giúp tỉnh lập quy hoạch và xem xét hỗ trợ vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống Khu kinh tế cửa khẩu và cho phép các Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh được hưởng mọi ưu đãi ở mức cao nhất trong chính sách ưu đãi hiện hành chung đối với loại hình này.

Tỉnh cần nghiên cứu để ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung;

Tỉnh phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng cơ chế phân cấp quản lý các mỏ khoáng sản trên địa bàn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

(Theo tapchikinhtedubao)

  • TP HCM: Quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến đến năm 2020
  • Đến 2020, Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp-dịch vụ hiện đại
  • Ổn định 800 nghìn ha cao-su vào năm 2020
  • Quảng Ngãi: Kỳ họp lần thứ 21 HĐND tỉnh khoá X: Giai đoạn 2011- 2015, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 14%
  • Đến 2020, Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp
  • Công tác phòng chống tham nhũng và các giải pháp của chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020
  • Bàn về xây dựng Chiến lược Phát triển đất nước thời kỳ đến 2020
  • Điện Biên phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh miền núi biên giới vững mạnh
  • Thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ vào năm 2020
  • Năm 2020: Xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh
  • Việt Nam sẽ phải nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than đá vào năm 2020
  • Định hướng công nghiệp Hà Giang theo con đường phát triển nhanh và bền vững
  • Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020
  • Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
  • Sức chứa kinh tế tỉnh Đồng Nai trong quá trình phát triển đến năm 2020