| Khởi công thủy điện Nho Quế 1 |
Mục tiêu phát triển Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Hà Giang đã được phê duyệt giai đoạn 2006-2010, có tính đến 2020 đã nhấn mạnh mục tiêu của Tỉnh là: Tập trung phát triển nhanh các lĩnh vực CN-TCN có lợi thế của tỉnh. Xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, hình thành hệ thống sản xuất CN-TCN, giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất công nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 26,7%/năm, tạo bước đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; đến năm 2010 cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng trong tổng GDP của toàn tỉnh chiếm 34% trở lên, đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.200 tỷ đồng. Duy trì tốc độ phát triển công nghiệp bình quân thời kỳ 2010-2020 đạt 20 đến 22%/năm. Đến năm 2015 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP toàn tỉnh chiếm 40%, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.450 tỷ đồng (theo giá thực tế). Đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 45% trong GDP của tỉnh, với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.580 tỷ đồng (theo giá thực tế). Định hướng phát triển Để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, ngành công nghiệp của Tỉnh cần phải đưa ra những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể. Trong công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước. Đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ điện theo quy hoạch: Hệ thống thuỷ điện sông Nho Quế với công suất khoảng 200MW; Hệ thống thuỷ điện sông Miện với tổng công suất khoảng 120MW; Hệ thống thuỷ điện sông Lô với tổng công suất khoảng 100MW. Phấn đấu đến năm 2010 tổng công suất lắp máy của các công trình thuỷ điện đạt trên 400MW, sản lượng điện đạt 1,2 đến 1,5 kWh/năm, giá trị sản xuất công nghiệp điện đạt khoảng 800-850 tỷ đồng/năm. Giai đoạn II (2011-2015) nâng tổng công suất lắp máy đến năm 2015 đạt 600 MW, giai đoạn III (2016-2020) nâng tổng công suất lắp máy các nhà máy thuỷ điện đạt 700MW vào năm 2020. Hoàn thành hệ thống truyền tải phân phối điện, bao gồm hệ thống truyền tải 220 kV Thanh Thuỷ - Hà Giang - Bắc Mê - Na Hang - Nho Quế; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống 110kV Hà Giang - Thái An - Nho Quế. Tiếp tục đầu tư phát triển nguồn cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Đảm bảo đến năm 2010 có 50% số hộ trong toàn tỉnh được sử dụng nước sạch. Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản luyện kim. Đầu tư xây dựng, hình thành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản một cách đồng bộ từ khâu khai thác cho đến khi chế biến thành phẩm, luyện kim có 4 loại khoáng sản chủ yếu gồm sắt, chì - kẽm, mangan và antimon theo quy hoạch của Chính phủ và Quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phải theo định hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác khảo sát, thăm dò, dự báo đánh giá đúng trữ lượng và khả năng đầu tư khai thác các loại quặng; xây dựng quy hoạch các loại khoáng sản còn lại; nâng cao sản lượng khai thác để đảm bảo cho hoạt động lâu dài, hiệu quả của các nhà máy luyện kim. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Khuyến khích, kêu gọi và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và thức ăn gia súc nhằm khai thác được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Ngành chế biến lâm sản cần tập trung đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy bột giấy, nhà máy chế biến gỗ và nguyên liệu mây, tre, giang cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Củng cố hiệp hội các doanh nghiệp chè Hà Giang nhằm tạo ra sự tập trung đột phá trong việc huy động năng lực sản xuất của các doanh nghiệp có thể đáp ứng được các đơn hàng, hợp đồng lớn. Từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến thực phẩm với quy mô và công nghệ phù hợp. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Cần đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và đổi mới công nghệ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Sau năm 2010 nghiên cứu đề án xây dựng nhà máy xi măng công suất 1 triệu tấn/năm tại Phố Cáo - Đồng Yên - Bắc Quang. Tập trung đầu tư sản xuất các loại vật liệu xây dựng có điều kiện phát triển do có nguồn nguyên liệu tại chỗ dội dào gồm: đá, cát, sỏi xây dựng, gạch ngói các loại, gạch không nung, vật liệu lợp, các cấu kiện bê tông... Công nghiệp cơ khí, lắp ráp, dịch vụ sửa chữa. Củng cố nâng cao trình độ quản lý, công nghệ lắp ráp, phát huy năng lực sản xuất và hiệu quả đầu tư của 2 nhà máy lắp ráp ôtô trên địa bàn. Xây dựng phát triển cơ khí địa phương, định hướng vào sản xuất thiết bị chế biến nhỏ; thiết bị thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch; làm đất trong canh tác nông nghiệp; công cụ sản xuất nông nghiệp. Quan tâm cho công nghiệp chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp thuỷ điện, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông lâm sản. Củng cố các cơ sở cơ khí hiện có và khuyến khích nhân dân xây dựng các cơ sở cơ khí nhỏ tại thị xã, trung tâm các huyện, thị trấn. Quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy hoạch chi tiết hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến 2010, xét đến 2020: Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên), khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ và các cụm công nghiệp khác. Việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu, cụm CN-TCN phải đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, tiết kiệm vốn đầu tư. Cụ thể: Phải tạo thuận lợi cho khâu vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm; Đất đai đáp ứng yêu cầu xây dựng công nghiệp với chi phí xây dựng thấp; Thuận lợi cho bảo vệ môi trường; Thuận lợi trong cung cấp điện, nước và dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông; Các khu, cụm CN-TCN phải gắn bó chặt chẽ với các vùng nguyên liệu; Các khu công nghiệp, cụm CN-TCN được quy hoạch phải đảm bảo tính lâu dài, ổn định và gắn bó chặt chẽ với quan điểm phát triển bền vững và hiệu quả của nền kinh tế. Quy hoạch các làng nghề. Khôi phục, nâng cấp công nghệ các ngành nghề thủ công truyền thống, mang tính văn hoá của các vùng dân tộc trong tỉnh. Tiếp tục đầu tư dạy nghề, phát triển các nghề sản xuất thủ công nghiệp, sử dụng các nguồn nguyên liệu địa phương. Đến năm 2010 chuyển được 10% lao động nông nghiệp sang sản xuất thủ công nghiệp tại các địa bàn nông thôn. Phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất thủ công nghiệp đạt từ 150 đến 160 tỷ đồng/năm và đến năm 2020 đạt từ 500 đến 600 tỷ đồng/năm. Giải pháp thực hiện Về quản lý: Công bố công khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển CN-TCN. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc và giải quyết kịp thời những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển công nghiệp đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong triển khai thủ tục đầu tư, hồ sơ đấu tư. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào địa bàn. Về quy hoạch, kế hoạch: Hoàn thiện các quy hoạch trong các lĩnh vực công nghiệp làm cơ sở để thu hút đầu tư. Tăng cường quản lý và triển khai có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt. Công khai giới thiệu các quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh phát triển thủ công nghiệp gắn với xây dựng quy hoạch các làng nghề. Thực hiện khôi phục nghề truyền thống và nhân cấy nghề mới dựa vào lợi thế vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Phấn đấu đến năm 2010 có 40% số xã có nghề thủ công nghiệp. Giải pháp về đầu tư: Thực hiện tốt các quy định và chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước, của tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đa dạng hoá nguồn vốn và hình thức đầu tư vào phát triển sản xuất CN-TCN. Đảm bảo các điều kiện pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. Thực hiện đầu tư tập trung, có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, chủ động tìm nhiều giải pháp huy động vốn. Xây dựng được môi trường sản xuất kinh doanh ít độc quyền, công khai, minh bạch. Tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển CN-TCN từ các nguồn vốn Nhà nước và các tổ chức cá nhân. Giải pháp huy động nguồn đầu tư: Xây dựng và hoàn thiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đảm bảo tính nhất quán, ổn định, lâu dài và công bằng đối với mọi thành phần kinh tế để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển CN-TCN. Khuyến khích các ngân hàng và tổ chức tín dụng chủ động tham gia đầu tư cùng doanh nghiệp vào phát triển sản xuất CN-TCN. Đẩy mạnh hoạt động thuê mua tài chính để huy động vốn cho phát triển CN-TCN. Khuyến khích các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư tiềm năng tham gia vào hoạt động thuê mua tài chính. Mở rộng và phát triển mạnh các hình thức liên kết kinh tế giữa công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giải pháp khoa học công nghệ: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến bảo quản sau thu hoạch, sản xuất nông cụ... Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với quy mô và tính chất của nguyên liệu đối với các dự án đầu tư mới. Đảm bảo yêu cầu xử lý tốt chất thải. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật cho khối doanh nghiệp, HTX có hoạt động sản xuất công nghiệp. Từng bước xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật công nghiệp, nhà quản lý công nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. Với những giải pháp trên cùng tinh thần quyết tâm, công nghiệp Hà Giang đến năm 2020 và xa hơn nữa sẽ hứa hẹn có những đột phá, góp phần đưa kinh tế của Tỉnh đi lên, đóng góp chung cùng với sự phát triển của đất nước./. |