Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gần 300 ngàn tỷ đồng phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm nay (9/7), theo đó, sẽ dành tối thiểu 15% tổng diện tích đất thành phố cho kết cấu hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư khoảng 287.800 tỷ đồng.

Phạm vi quy hoạch gồm Thủ đô Hà Nội và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, trong bán kính ảnh hưởng từ 30 - 50km.

Giảm tỷ phần đảm nhận của xe máy xuống 30%

Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, qua đó, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên phương thức hiện đại và dịch vụ hiệu quả.

Vào năm 2020, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng từ 35 - 45% tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố, phấn đấu giảm tỷ phần xe máy xuống còn 30%

Hà Nội sẽ cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện đại lên thành đường từ 4 - 6 làn xe cơ giới, xây dựng các đường cao tốc song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, cũng cơ bản hoàn thành đường vành đai II trước năm 2010.

Mở rộng, kết hợp xây dựng mới các trục đô thị của Thủ đô (18 trục phía Nam sông Hồng và 12 trục phía Bắc sông Hồng) nhằm tạo thành các luồng hành khách chủ yếu trong đô thị Hà Nội.

Khoảng 150 nút giao thông nội đô sẽ được cải tạo. Ngoài các cầu đã xây dựng, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng một số cầu vượt sông Hồng như cầu Nhật Tân, Hồng Hà, Mễ Sở, Vĩnh Thịnh...

Sẽ có nhiều tuyến đường sắt đô thị

Hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống vận tải hành khách công cộng tốc độ cao, khối lượng lớn, có chức năng gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học.

Đến năm 2020, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội gồm 5 tuyến với tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên, Như Quỳnh) dài 38,7 km; tuyến số 2 (Nội Bài - trung tâm thành phố - Thượng Đình) dài 35,2km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai và tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 21 km. Tuyến số 4 có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và số 5. Tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) dài khoảng 34,5km, có chức năng nối trung tâm thành phố với các khu đô thị dọc theo hành lang Láng - Hòa Lạc.

Hỗ trợ các tuyến đường sắt đô thị là các tuyến xe buýt ưu tiên, gồm tuyến 1 (Ba La Bông Đỏ - quốc lộ 6 - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Láng Hạ - Kim Mã) và tuyến 2 (Vĩnh Quỳnh - Giải Phóng - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Hàng Bài).

Giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông

Quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tối thiểu khoảng 13.800 ha, đạt 15% tổng diện tích đất của thành phố, trong đó, phần lớn dành cho giao thông đường bộ (11.500 ha), đường sắt (1.100 ha).

Mạng lưới đường đô thị tại các quận nội thành và các khu vực đô thị của các huyện ngoại thành đạt khoảng 20% diện tích đất đô thị.

Hà Nội sẽ dành khoảng 117.000 tỷ đồng cho các dự án đường bộ, 138.000 tỷ đ cho đường sắt, 13.700 tỷ đ cho đường thủy, 13.800 tỷ đ cho cảng hàng không quốc tế và sân bay.

Từ nay đến năm 2010, Hà Nội cần tập trung đầu tư triển khai một số dự án trọng điểm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông và tôn tạo cảnh quan đô thị để phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

(Theo Cổng TTĐT Chính phủ)

  • Bình Định: Chiến lược phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2020
  • 16.000 tỷ đồng xây cảng hàng không Phú Quốc
  • Đắk Lắk sẽ có khoảng 50.000 ha cao su vào năm 2020
  • Hình thành hệ thống 15 khu kinh tế ven biển
  • Công bố 9 nhóm hàng nông sản chủ lực đến 2020
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam đến 2015 và định hướng 2020
  • Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020
  • Quyết định Quy hoạch thăm dò, khai thác và tuyển quặng apatít giai đoạn 2008 - 2020
  • Ngành chè Việt Nam hướng tới doanh số 1 tỷ USD vào năm 2020
  • Gần 300 ngàn tỷ đồng phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020