Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

FDI vào Việt Nam năm 2010 Nhiều triển vọng mới

Phân xưởng lắp ráp ô-tô.
Nhiều tổ chức tài chính, chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định, năm 2010 nguồn vốn FDI vào Việt Nam có nhiều triển vọng mới. Nhất là, sau hơn bốn tháng đầu năm, gắn với sự gia tăng cơ hội kinh doanh của các dự án FDI, niềm tin và những động thái tích cực mới, với sự cải thiện khá rõ về quy mô vốn đăng ký/dự án, cơ cấu vốn đăng ký và mức giải ngân thực tế...
 
Ðứng ở vị trí thứ 12 trong xếp hạng chung Chỉ số niềm tin FDI, Việt Nam được báo cáo của A.T. Kearney xếp ở vị trí thứ 93 về mức độ thông thoáng của môi trường kinh doanh (Ease of Doing Business Ranking). Trong số các nước Ðông-Nam Á lọt vào Top 25 của xếp hạng Chỉ số niềm tin FDI 2010, Việt Nam đứng trên In-đô-nê-xi-a (vị trí 21), Ma-lai-xi-a (vị trí 20), và Xin-ga-po (vị trí 24). Mới đây, Tập đoàn tài chính đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) đã xếp Việt Nam nằm trong nhóm 11 nước (N-11) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2010, mở ra những cơ hội cho các nhà đầu tư và là địa chỉ đầu tư tốt cho các nhà đầu tư thế giới trong các năm tiếp theo, do gắn với các lợi thế về số dân lớn và đang tăng nhanh (Việt Nam là nước đông dân thứ 13 trên thế giới với 86 triệu dân và 65% dân số ở độ tuổi dưới 35); khả năng sản xuất hàng tiêu dùng và tiềm lực tiêu dùng của người dân; nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như dầu mỏ và các nguyên liệu quý, cùng với tiềm lực lớn về tăng trưởng kinh doanh và tăng trưởng tiêu dùng khác...

Ông Horst F.Geicke, Chủ tịch HÐQT VinaCapital Group, nói: "Năm 2010 và những năm tiếp theo Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc FDI vào Việt Nam trong năm 2009 giảm không phản ánh thái độ của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường này, vì bản thân các tập đoàn trên thế giới cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cơn bão tài chính vừa qua. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam rất ưu ái, tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ðây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong những năm tới". Cũng theo ông Geicke, các lĩnh vực thu hút FDI vào Việt Nam phát triển mạnh trong năm tới gồm: dịch vụ y tế, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch thân thiện với môi trường, ngành công nghệ cao.

Những tháng đầu năm 2010, Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP Hồ Chí Minh đón tiếp số lượng các nhà đầu tư nước này đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh ở Việt Nam tăng đột biến. Năm 2009, Nhật Bản xếp thứ 9 trong 10 nước có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 77 dự án cấp mới, tổng vốn hơn 138 triệu USD; riêng vốn đầu tư tăng thêm lại lên tới 234 triệu USD. Ông Yip Hoong Mun, Trưởng đại diện Capital Land Holding tại Việt Nam đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam cao hơn các nước khác. Nếu xét theo thang điểm 10, Việt Nam đạt bảy đến tám điểm, và khẳng định: "Chúng tôi đã quyết định đầu tư thêm vào Việt Nam trong năm 2010. Chúng tôi cũng nhìn nhận dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2010 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2009".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 900 triệu USD, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong bốn tháng đầu năm 2010 lên 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2009. Trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng. Ðây là mức khá cao và tương đương giải ngân vốn FDI giai đoạn trước suy thoái kinh tế (năm 2009 Việt Nam thu hút FDI đạt 21,48 tỷ USD, bằng 24,6% so với năm 2008, nhưng trong hai năm 2008-2009, vốn FDI đăng ký và tăng thêm khoảng 85,5 tỷ USD, vượt mức 83,1 tỷ USD của cả 20 năm trước đó. Tổng số vốn đăng ký đến hết tháng 4, đạt gần sáu tỷ USD (tương đương 74,3% so với cùng kỳ 2009), dẫn đầu là Quảng Ninh với hơn 2,1 tỷ USD (38,3% tổng vốn đăng ký), tiếp theo là Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh. Trong 31 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam bốn tháng đầu năm nay, đã có ba đối tác vượt chỉ tiêu này là Hà Lan chỉ thêm một dự án cấp mới trong tháng đã thế chỗ Hoa Kỳ giành vị trí "quán quân", với hơn 2,15 tỷ USD vốn đăng ký. Nhật Bản từ vị trí thứ tám đã lên thứ hai, với 1,1 tỷ USD vốn đăng ký; Hoa Kỳ đứng thứ ba với 1,02 tỷ USD.

Ông Tham Tuck Choy, Tổng Giám đốc Parkson Việt Nam cho hay, kết quả kinh doanh của hệ thống Parkson tại Việt Nam trong năm 2009 là tốt nhất trong số những nước mà tập đoàn này đầu tư, với tăng trưởng doanh thu đạt 30%/năm, so với con số đó chỉ từ 10 đến 15% mà công ty này thu được ở Ma-lai-xi-a, Trung Quốc... "Kết quả đó khiến chúng tôi tự tin hơn khi quyết định đầu tư thêm những dự án mới. Trung tâm Thương mại (TTTM) Parkson thứ 4 mới khai trương tại TP Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 12-2009 và là TTTM thứ sáu ở Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm. Năm 2010, Parkson sẽ tiếp tục đầu tư hai TTTM tại Hà Nội và một ở Ðà Nẵng, để đến năm 2015 sẽ có khoảng 15 - 16 TTTM Parkson tại thị trường Việt Nam. Trên thực tế, nếu thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm mặt bằng, con số sẽ không dừng lại ở đó". Tham Tuck Choy cho biết.

Trong hai năm 2008, 2009, đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là kinh doanh bất động sản, lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống. Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, để các dự án FDI có hiệu quả hơn, Việt Nam chọn lọc để hướng dòng vốn FDI vào những lĩnh vực quan trọng, ưu tiên như công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chế biến nông sản, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn... Theo thống kê, tính chung quý I - 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 14 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 8 tỷ USD, tăng 29,3%, nhập khẩu khoảng 7,1 tỷ USD. Còn nếu không kể dầu thô, trong bốn tháng đầu năm 2010, khối các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 4,13 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ 2009, và nhập siêu khoảng 60 triệu USD...

Về triển vọng, có nhiều cơ sở thực tế thế giới và trong nước để tin rằng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đặt ra. Nhưng, cả trước mắt và trung hạn, Việt Nam vẫn cần chủ động có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả thích ứng nhằm khắc phục những tồn tại và hệ lụy như: sự mất cân đối trong đầu tư ở các ngành nghề, vùng lãnh thổ; tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch ngành, đe dọa an ninh năng lượng, gia tăng đầu cơ trên thị trường bất động sản và sự bất ổn trên thị trường vốn; việc chuyển giao và sử dụng công nghệ lạc hậu; lạm dụng những ưu đãi về thuế, đất đai... Ðặc biệt, Việt Nam cần khắc phục căn bản những nút thắt gây nghẽn mạch và lệch hướng dòng vốn FDI thu hút, nổi bật là tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu; hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực yếu kém, chi phí đầu vào cao; công tác xúc tiến đầu tư thiếu tính chuyên nghiệp...

(Theo TS NGUYỄN MINH PHONG // Nhandan Online)

  • Tỷ lệ thất bại của các thương vụ M&A còn cao
  • Khủng hoảng nợ Hy Lạp không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam
  • Cân nhắc dự án đường sắt cao tốc
  • Yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam
  • GS.TSKH Lê Du Phong: Về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam
  • Xuất khẩu lao động 2010 rất khả quan
  • Bao giờ mới thị trường hóa được ngành điện?
  • Việt Nam qua góc nhìn thế giới: Môi trường thương mại được cải thiện mạnh mẽ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi