Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

GS.TSKH Lê Du Phong: Về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam

Sau ba năm khôi phục nền kinh tế do chiến tranh tàn phá, năm 1958 hoà nhịp với trào lưu chung của thế giới, miền Bắc nước ta cũng bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được hoà bình thống nhất, năm 1976, chúng ta đã quyết định đưa cả nước cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa chúng ta theo đuổi thời bấy giờ là:

- Sự thống trị của chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất được biểu hiện dưới hai hình thức: toàn dân và tập thể. Tương ứng với hai hình thức sở hữu đó là hai loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp quốc doanh và hợp tác xã các loại. Kinh tế tư nhân được coi là loại hình kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nên bị loại bỏ.

- Mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh của các đơn vị kinh tế đều phải theo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, tức là các doanh nghiệp muốn sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất bằng cách nào, sản xuất xong tiêu thụ sản phẩm ở đâu, với giá cả như thế nào.v.v.. tất cả đều phải theo một kế hoạch thống nhất từ Trung ương.

Thời kỳ đầu, với hào khí dân tộc đang lên sau chiến thắng lừng lẫy của các cuộc kháng chiến, cũng như do được sống trong một chế độ hoàn toàn mới, độc lập, tự do, nên người dân tràn đầy hy vọng, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của của mình cho công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Công bằng mà nói, lúc đầu mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng đã tạo ra được niềm tin và hy vọng về một xã hội mới tốt đẹp, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, nhờ đó đã tạo ra được động lực khá mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước. Điều này đã giúp cho miền Bắc huy động được tối đa sức mạnh vật chất và tinh thần của người dân để phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, và khi miền Nam được giải phóng, nước nhà được hoà bình, thống nhất,  chúng ta đã khắc phục khá nhanh những hậu quả do hơn 30 năm chiến tranh tàn khốc để lại.

Tuy nhiên, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã dần bộc lộ những hạn chế hết sức to lớn. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất đã biến các tư liệu sản xuất chủ yếu của nền kinh tế quốc dân trở thành vô chủ, và được sử dụng hết sức bừa bãi, lãng phí, và biến người lao động trở thành những người làm thuê (làm thuê cho các doanh nghiệp nhà nước và các hợp tác xã); họ là lực lượng chủ yếu tạo ra của cải cho xã hội, nhưng lại không phải là chủ nhân của chúng. Mọi của cải làm ra đều được phân phối bình quân (người ta vẫn thường dùng cụm từ: chia đều sự nghèo khổ cho tất cả mọi người). Có thể nói, dường như trong mọi hoạt động của nền kinh tế, người lao động đều thờ ơ với công việc mình được đảm nhiệm. Nền kinh tế do đó không còn động lực phát triển. Chính vì thế mô hình kinh tế Xã hội chủ nghĩa vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung ở nước ta chỉ tồn tại được khoảng 30 năm, đến năm 1986, để cứu đất nước khỏi rơi vào khủng hoảng triền miên và ngày càng trầm trọng hơn, chúng ta buộc phải chuyển đổi mô hình kinh tế tổng quát.

Trên phạm vi thế giới, từ giữa thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã bắt đầu đi vào khủng hoảng, vì không còn động lực phát triển. Năm 1979, Trung Quốc bắt đầu từ giã mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại (trừ Bắc Triều Tiên và Cu Ba) từ cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX cũng lần lược từ bỏ mô hình kinh tế này. Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 có thể coi là sự tan rã hoàn toàn của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy là sau hơn 70 năm trải nghiệm, thực tiễn đã cho thấy mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa không phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế nhân loại.

Mô hình kinh tế mới mà chúng ta lựa chọn là: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy chúng ta vẫn còn đề cập đến chủ nghĩa xã hội, song, đó chỉ là định hướng cho tương lai, một tương lai còn khá xa, cái chính, cái trước hết vẫn là nền kinh tế thị trường. Trên thực tế, chúng ta cũng đã cố gắng tạo dựng cho đất nước một nền kinh tế thị trường thực thụ. Việc thừa nhận sở hữu tư nhân và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển; việc giao ruộng đất cho hộ gia đình nông dân sử dụng ổn định và lâu dài với 7 quyền (chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, chuyển đổi, cho hoặc tặng, góp vốn để kinh doanh); việc nỗ lực hình thành đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế (Thị trường vật tư - hàng hoá, thị trường tài chính-tiền tệ; thị trường khoa học - công nghệ; thị trường lao động, thị trường đất đai - bất động sản), cũng như việc nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, làm cho thể chế kinh tế của chúng ta ngày càng phù hợp hơn với thế giới, v.v... đã thể hiện rất rõ điều đó.

Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế, chúng ta đã nhanh chóng tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mọi mặt của đất nước. Những thành tựu to lớn mà chúng ta có được về chính trị - kinh tế, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua đã cho thấy rất rõ điều đó.

Tuy nhiên, so với thế giới, nền kinh tế thị trường hiện tại của chúng ta chỉ là nền kinh tế thị trường sơ khai. Chúng ta biết, nền kinh tế thị trường xuất hiện trong xã hội loài người cách đây vài trăm năm và cho đến nay nó đã trải qua nhiều giai đoạn hoàn thiện và phát triển. Giai đoạn đầu là nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh (sơ khai). Trong mô hình kinh tế này, các yếu tố thị trường chưa được hình thành đầy đủ và đồng bộ, thể chế còn lỏng lẻo, nên để có lợi nhuận cao, đặc biệt là lợi nhuận siêu ngạch, các chủ thể tham gia thị trường đã cạnh tranh với nhau hết sức quyết liệt và bằng mọi thủ đoạn có thể, sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế là không đáng kể.

Tiếp đến là mô hình kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong mô hình kinh tế này, Nhà nước đã có sự can thiệp nhiều hơn, mạnh mẽ hơn vào hoạt động của nền kinh tế, nhờ đó tính tự phát của nền kinh tế đã được giảm đi một cách đáng kể.

Nhờ biết sử dụng một cách thường xuyên các thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào nền kinh tế (cả về mặt kỹ thuật, cả về mặt tổ chức và quản lý) nên cuối thế kỷ XX kinh tế thị trường đã chuyển sang một mô hình mới: mô hình nền kinh tế thị trường hiện đại. Mô hình kinh tế thị trường hiện đại là mô hình kinh tế dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ tiên tiến và kết hợp hài hoà giữa 4 yếu tố là: Thị trường - Nhà nước pháp quyền - xã hội dân sự và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mục tiêu chung mà nền kinh tế thị trường hiện đại hướng đến là: sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc-sự giàu có của người dân và sự bình đẵng giữa con người.

Nói nền kinh tế thị trường hiện nay của nước ta là nền kinh tế thị trường sơ khai vì:

- Thứ nhất, Các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, chủ thể chính của nền kinh tế thị trường của nước ta, mới bắt đầu được hình thành trong 20 năm nay, vì thế số lượng còn ít, quy mô còn nhỏ bé, năng lực mọi mặt, đặc biệt là việc tham gia hội nhập với quốc tế còn rất hạn chế.

- Thứ hai, hệ thống các loại thị trường: Thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường lao động, thị trường đất đai-bất động sản ở nước ta đang trong quá trình hình thành, vì thế nó còn rất sơ khai, yếu ớt và hoạt động chưa theo quy luật của kinh tế thị trường.

- Thứ ba, thể chế kinh tế thị trường chưa được xây dựng một cách đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch và hội nhập; việc thực thi pháp luật của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp còn rất yếu kém, v.v...

Nền kinh tế nước ta đã chuyển mạnh sang công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới, do nó nếu chúng ta vẫn giữ mô hình kinh tế thị trường sơ khai, chắc chắn sẽ tạo ra sự cản trở lớn đối với sự phát triển.

Còn định hướng xã hội chủ nghĩa thì như trên chúng tôi đã nêu là rất xa vời, và không rõ ràng, nó không những không tạo ra được động lực phát triển mà trong chừng mực nào đó còn đem lại cho chúng ta những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn do sự phát triển đang đặt ra, cụ thể:

- Thứ nhất, nó làm cho chúng ta không triệt để trong đổi mới tư duy kinh tế. Bởi vì, sự đổi mới đó luôn phải được đắn đo, cân nhắc xem nó có chệch định hướng xã hội chủ nghĩa hay không.

- Thứ hai, cũng vì phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên chúng ta cũng chưa dám mạnh dạn trong đổi mới thể chế chính trị của đất nước. Thể chế chính trị của chúng ta hiện nay về cơ bản vẫn là thể chế chính trị của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, chứ không phải là thể chế của nền kinh tế thị trường.

- Thứ ba, cũng vì phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nên cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức, quản lý nền kinh tế chúng ta đưa ra không rõ ràng, dứt khoát và minh bạch. Điển hình là vấn đề sở hữu, vấn đề đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước, vấn đề đầu tư, v.v...

Tóm lại, theo tôi, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta không còn phù hợp với tình hình và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới nữa, cần được thay thế bằng mô hình mới tốt hơn, tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển đất nước hơn. Mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để đến năm 2020 về cơ bản biến nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tôi là:

Nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại - dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Nền kinh tế thị trường hiện đại thì tôi đã nêu ở phần trên, còn Việt Nam là nền kinh tế đó ngoài những điểm chung của nền kinh tế thị trường, còn mang đậm bản sắc văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam, và do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là ý nguyện của Bác Hồ, là mong muốn của mọi người dân Việt Nam. Tôi cho rằng mô hình kinh tế này vừa rõ ràng, cụ thể vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, vì thế chắc chắn nó sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển nhanh trong tương lai.

(Tác giả: GS.TSKH Lê Du Phong // Tạp chí Kinh tế và Phát triển )

  • Xuất khẩu lao động 2010 rất khả quan
  • Bao giờ mới thị trường hóa được ngành điện?
  • Việt Nam qua góc nhìn thế giới: Môi trường thương mại được cải thiện mạnh mẽ
  • Nâng cấp chất lượng FDI
  • Đầu tư hạ tầng và mô hình PPP
  • “Điểm nghẽn” trong thương mại quốc tế
  • Dự án Đường sắt cao tốc: Tầm nhìn chiến lược
  • CPI tháng 5 tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ 2003
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi