“Chúng tôi hài lòng với số lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia. Họ là những công nhân chăm chỉ và đang góp phần làm tăng sức sản xuất của nền kinh tế Malaysia”.
Phần lớn các thị trường đều đánh giá cao chất lượng lao động Việt Nam - Ảnh minh họa |
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Lao động các nước ASEAN lần thứ 21 (ALMM 21) khai mạc sáng 24/5 tại Hà Nội, Tiến sĩ S. Subramaniam - Bộ trưởng Nguồn nhân lực Malaysia cho biết như thế.
Các thị trường truyền thống ổn định
Về điều kiện làm việc đối với người lao động Việt Nam, ông Subramanian cho biết Malaysia đã và sẽ tiếp tục ban hành các quy định và luật lệ để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam, đảm bảo rằng các công nhân Việt Nam được làm việc trong một môi trường tốt.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp XKLĐ, ngoài Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) cũng là thị trường có sức hút và phù hợp với nhiều lao động Việt Nam.
Tiếp nhận tới hơn 21.600 lao động trong năm 2009, Đài Loan vẫn là thị trường trọng điểm tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và khán hộ công trong viện dưỡng lão.
Hiện các doanh nghiệp Đài Loan vẫn cần nhiều lao động, vì vậy Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), dự kiến trong năm nay sẽ xúc tiến tổ chức Hội nghị Lao động với Đài Loan để mở rộng số doanh nghiệp và ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam.
Còn thị trường Hàn Quốc mặc dù trong năm 2009 phải thu hẹp nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, song năm nay đang mở rộng hơn với 12.500 chỉ tiêu.
Đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc còn cho biết, trong trường hợp các doanh nghiệp lựa chọn được nhiều hơn 12.500 người, cơ quan này có thể xem xét bổ sung hồ sơ cho các doanh nghiệp tuyển dụng.
Theo Cục QLLĐNN, các thị trường truyền thống tiếp nhận phần lớn trong số 75.000 lao động đã đi xuất khẩu trong năm 2009.
Triển vọng từ những thị trường mới
Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Airseco, 1 trong 11 doanh nghiệp đưa được nhiều lao động đi nhất trong năm 2009, cho rằng năm 2010, Trung Đông là thị trường lớn tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt là thợ xây dựng vẫn rất "đắt hàng" do các công trường xây dựng ở khu vực này đang rất "khát" nhân lực.
Hiện lao động của Airseco đưa đi vẫn có thu nhập 8-10 triệu đồng/ tháng. "Vấn đề là lao động phải có tay nghề tốt và kỷ luật lao động", ông Vui cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu sang thị trường này, như mở rộng đào tạo các nghề có nhu cầu cao tại thị trường này như nghề hàn 3G, 6G, các nghề xây dựng, cơ khí, dịch vụ, đồng thời hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ và nghề trong các lĩnh vực khác như du lịch, khách sạn.
Trong các thị trường có thu nhập cao thì hy vọng lớn nhất năm nay là Nhật Bản bởi nước này đang tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài trở lại. Luật Xuất nhập cảnh và các vấn đề liên quan đến chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ thuật của Nhật vừa được sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2010.
Theo đó, ngay từ năm thứ nhất, lao động nước ngoài sẽ được đối xử như người lao động Nhật Bản, được bảo vệ và bảo đảm bởi Luật Lao động và các luật liên quan; đồng thời chịu sự quản lý chặt chẽ việc cư trú, làm việc... thông qua việc cấp thẻ cư trú.
Năm 2010, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 85.000 đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Đến hết quý I/2010, đã đưa đi được gần 17.000 lao động. Với đà này và với những thuận lợi nói trên, mục tiêu năm 2010 là có thể đạt được.
Tuy nhiên, để giữ được thị trường thì điều quan trọng nhất vẫn là người lao động phải có tay nghề và ý thức kỷ luật. Chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2010 là tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động xuất khẩu, không chỉ giúp người lao động nâng cao tay nghề mà có kiến thức cần thiết về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com