Các đại biểu đang trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: Thanh Thương |
Theo một số diễn giả trong diễn đàn mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam 2010 với chủ đề “Cùng hướng tới những thương vụ thành công” thì tỷ lệ thất bại của các thương vụ M&A tại Việt Nam hiện khá cao.
50% vụ sáp nhập là không thành công Theo ông Andy Hồ, Giám đốc đầu tư quỹ Vina Capital, hiện có khoảng 50% thương vụ sáp nhập là không thành công do không tìm được tiếng nói chung trong định giá doanh nghiệp, trong việc nắm quyền điều hành, sắp xếp lại nhân sự… Theo bà Yvonne Cox, Giám đốc điều hành Đông Nam Á của Towers Watson, yếu tố nhân sự và các vấn đề văn hoá, như sự bất đồng về văn hoá, được xem là những tác nhân thường thấy nhất trong những vụ mua bán và sáp nhập. Nếu không có chiến lược và kế hoạch cụ thể trước và sau khi mua bán, sáp nhập, và việc đánh giá các rủi ro thì việc sáp nhập rất dễ thất bại. M&A được xem là hoạt động tích cực để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, nhưng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang quyết định các vụ M&A một cách cảm tính, theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG ngày 25-5. “Các thương vụ M&A thường rất phức tạp, nên quá trình quản trị rủi ro cũng như đánh giá về các cơ hội phải được tiến hành bài bản. Tôi cho rằng rằng các ông chủ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hầu hết đang quyết định các vụ M&A một cách cảm tính”, ông Ái cho biết. Còn theo ông Lương Quang Hiển, Phó tổng giám đốc tài chính của Công ty cổ phần Kinh Đô, M&A là cả một quá trình, thương vụ M&A trước khi sáp nhập mang yếu tố cần, nhưng những việc sau sáp nhập mang yếu tố sống còn và quyết định sự thành công của thương vụ. Chiến lược M&A phải phù hợp với chiến lược phát triển chung của công ty, ông Hiển nói thêm. Ông Tô Hải, Giám đốc điều hành của Công ty chứng khoán Bản Việt cũng chia sẻ đã từng tư vấn thất bại với 2 thương vụ sáp nhập là của Công ty cổ phần nhựa Bình Minh mua lại Công ty nhựa Đà Nẵng và Công ty Phân bón hóa chất dầu khí mua Công ty đạm Cà Mau. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá có đủ sức để mua các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt hiện nay giá trị của một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn ở mức thấp do khủng hoảng. Theo ông Ái, hiện Saigon Tourist đang tính đến chuyện mua khách sạn ở Nhật Bản, Vietnam Airlines đầu tư sang Campuchia… Theo Thomson Reuters, trong năm 2009, Việt Nam có 295 vụ M&A với tổng giá trị giao dịch là 1,1 tỉ đô la Mỹ, trong đó, nhiều hợp đồng mua bán sáp nhập nhỏ trong nước do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Ông Christopher Kummer, Chủ tịch Viện nghiên cứu và tư vấn chiến lược M&A (IMAA) (Áo), đề xuất doanh nghiệp Việt Nam nên theo đuổi các vụ mua bán và sáp nhập ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước mới nổi, phải xác định ngành cốt lõi. Theo ông Christopher, trong năm nay hoạt động M&A trên thế giới, nhìn chung, dự báo có giá trị giao dịch thấp hơn và số lượng giao dịch cũng ít hơn. Tuy nhiên, tại các thị trường đang nổi ở châu Á, hoạt động M&A trong năm nay có thể cao hơn năm ngoái tính cả về số lượng và giá trị, trong đó, diễn ra chủ yếu ở các lĩnh vực, như năng lượng, nguyên liệu, viễn thông và tài chính. Tính từ đầu năm đến ngày 18-5-2010, có 2.500 vụ M&A được công bố tại các thị trường đang nổi ở châu Á, chiếm 50% tổng số vụ M&A ở châu Á, với tổng giá trị giao dịch là 100 tỉ đô la Mỹ. Hoạt động M&A ngân hàng Việt Nam sẽ không sôi động Một trong các vấn đề cũng được quan tâm trong hội thảo là có hay không việc sáp nhập các ngân hàng trong năm 2010. Nhiều ý kiến cho rằng có thể sẽ có các thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng nhưng hoạt động này sẽ không diễn ra quá mạnh mẽ. Ông Tô Hải, Giám đốc điều hành của Công ty chứng khoán Bản Việt, một đơn vị chuyên tư vấn sáp nhập, cho rằng trong thời gian tới có thể có các thương vụ sáp nhập của các ngân hàng do áp lực tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng theo quy định của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng nhỏ trong năm nay. Ông Hải khẳng định, mặc dù các ngân hàng đã đưa ra các phương án tăng vốn, chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu, nhưng đằng sau vẫn diễn ra các hoạt động sáp nhập, tuy vậy các hoạt động này không lớn và không được công bố. Cụ thể như Ngân hàng Hàng Hải mua cổ phần của Ngân hàng Mỹ Xuyên, một nhóm cổ đông lớn của Techcombank mua lại cổ phiếu của VP Bank. Trao đổi riêng với TBKTSG Online, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG, cho rằng việc sáp nhập của các ngân hàng nhỏ sẽ có thể diễn ra nhưng chưa nhiều và có thể sẽ xảy ra trong năm 2011 chứ không phải trong năm nay, do sau các phương án tăng vốn có thể khiến các ngân hàng gặp khó khăn. Ông Ái cũng cho rằng việc tăng vốn sẽ tiếp tục được Ngân hàng nhà nước đặt ra trong các năm tới để tăng tính an toàn cho hệ thống. Bên cạnh đó, khi Luật các tổ chức tín dụng ra đời, việc nắm giữ cổ phần được quy định rõ ràng hơn thì hoạt động sáp nhập sẽ diễn ra sôi động hơn, ông Ái cho biết. Theo ông Trần Hào Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện tại các hạn chế trong M&A lĩnh vực ngân hàng rất ít. Riêng hạn chế về việc ngân hàng nước ngoài không được sở hữu quá 30% vốn của ngân hàng Việt Nam thì vẫn chưa được sửa đổi. Lý do theo ông Hùng là vì nếu để doanh nghiệp nước ngoài mua lại mức quá cao thì việc chiếm lĩnh thị trường nội địa của các ngân hàng sẽ rất nhanh chóng, vì vậy các cơ quan chức năng đang tiếp tục cân nhắc, và có thể tỷ lệ 30% sẽ có thể tiếp tục xem xét. Theo báo cáo của Avalue Việt Nam thì trong năm 2009 ngành tài chính ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thương vụ M&A tại Việt Nam. Điển hình của các thương vụ này là BNP Paribas (BNP) nâng tỷ lệ sở hữu tại OCB lên 15% và Maybank tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Ngân hàng An Bình lên 20%. Và Oceanbank đã chọn PetroVietnam (PVN) làm cổ đông chiến lược khi PVN nắm 20% vốn, tập đoàn Tín Nghĩa trở thành cổ đông chiến lược, nắm 49% vốn của Đại Á bank thay vì tỷ lệ 11% như trước đó. Diễn đàn “Cùng hướng tới những thương vụ thành công” diễn ra ngày 25-5, do báo Đầu tư, Công ty Avalue Việt Nam và Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp tổ chức.Tại diễn đàn, ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho 10 thương vụ M&A tiêu biểu tại Việt Nam:
Tập đoàn Bảo Việt và Ngân hàng HSBC, Viettel – Vinaconex, Xi măng Hà Tiên 1- Xi măng Hà Tiên 2, Eland – Công ty Thành Công, ICP – Thuận phát, Lotte – Coralis, Motul – Vilube, Sab Miller liên doanh với Vinamilk, Thép Pomina – Thép Việt, BIDV – PIB Campuchia.
(Theo Nguyệt Thương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com