Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giới thiệu khái quát về thị trường hàng thủy sản Canada (2): Yêu cầu về chất lượng, bao bì và vệ sinh an toàn thực phẩm

1 .Yêu cầu về chất lượng
   
Hàng hải sản nhập khẩu phải thỏa mãn các quy định:

Phân tích tiêu chuẩn: việc kiểm tra sản phẩm, đóng gói, nhãn mác đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của Canada về mã vạch, bao gói, dán nhãn, trọng lượng tịnh, khuyết tật sản xuất - vật lạ hoặc ký sinh trùng, bổ dưỡng, thành phần và bao bì đựng sản phẩm;

Phân tích đặc thù
:  Kiểm tra kết quả phân tích về hóa học và vi sinh học để thẩm định tính an toàn và công thức sản xuất của sản phẩm. Kiểm tra bằng lý tính và giác quan để xác định tiêu chuẩn về khả năng phân hủy (bốc mùi, mùi lạ) thối rữa, xuất hiện chất lạ, các thành phần khó chịu v..v.

Nguyên nhân chính hàng hóa bị lưu giữ và không được phép tiêu thụ là do hàng nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn giám định của Cục giám định thực phẩm Canada. Thực tế cho thấy hàng hóa bị giữ lại, phần lớn là do nhà xuất khẩu dán nhãn mác ẩu, không đúng quy định. Trường hợp xấu nhất là hàng có thể bị tiêu hủy hoặc phải di dời khỏi lãnh thổ Canada.
Tất cả các chuyến hàng bị lấy mẫu và kiểm tra đều bị giữ lại và chỉ được giải phóng khi chúng đáp ứng Qui định Kiểm tra và các yêu cầu khác của chính quyền liên bang.

2 .Yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm

Để biết thêm về vai trò của Cục giám định thực phẩm Canada trong việc thực hiện Chương trình Nâng cao An toàn Thực phẩm, nhà nhập khẩu truy cập trang web: www.inspection.gc.ca . Cục giám định thực phẩm Canada áp dụng hệ thống HACCP để kiểm soát dư lượng chất độc hại trên thực phẩm nhập khẩu. CFIA khuyến cáo các nhà xuất khẩu thủy sản cần lưu ý các điểm sau:

Thường xuyên rà soát thủ tục quản lý sản xuất và kinh doanh của công ty, cơ sở vật chất, qui trình chế biến, hệ thống vận chuyển và phân phối. Xác định danh mục các khu vực dễ nhạy cảm với tấn công khủng bố, để có biện pháp kiểm soát riêng cho từng khu vực này;

Luôn đảm bảo chắc chắn có biện pháp an ninh thích hợp cho cả nhân viên và cơ sở sản xuất; 

Có qui trình đảm bảo tính đồng nhất của tất cả các thành phần, nguyên liệu thô và vật liệu bao bì tại mỗi cơ sở sản xuất;

Xây dựng qui trình đảm bảm tính đồng bộ và an toàn của thiết bị sản xuất, nước dùng  cho sản xuất;

Có biện pháp chống thêm bớt thành phần vào sản phẩm nhằm đảm bảo an ninh sản phẩm một khi đã đưa vào sản xuất và vận chuyển tới người bán lẻ;

Xây dụng kế hoạch hành động đối với tình huống khẩn cấp;

Đảm bảo rằng mọi hóa chất độc hại và côn trùng không có trong quá trình chế biến và chuyên chở thực phẩm, đồng thời được liệt kê trong bảng an toàn thực phẩm ở mọi nơi.

            Những nhà xuất khẩu có quá trình tuân thủ tốt qui định của CFIA sẽ được CFIA liệt kê vào danh sách A (List A). Những nhà xuất khẩu này ít bị kiểm tra thường xuyên hơn, do đó sản phẩm được đưa ra thị trường nhanh hơn.

3 . Yêu cầu về hồ sơ tài liệu

Các tài liệu chứng minh  quy trình chế biến thích hợp đối với hải sản đóng hộp và hải sản ăn liền cho từng sản phẩm phải được gửi trước hoặc gửi cùng chuyến hàng đầu tiên của từng nhà xuất khẩu. Nhà nhập khẩu lưu giữ tại Canada bản copy để CFIA tiện kiểm tra. Các hồ tài liệu này phải chứng minh được là nhà xuất khẩu đã áp dụng đầy đủ và chính xác các qui trình chế biến nhằm  loại bỏ, giảm bớt và/hoặc kiểm soát vi khuẩn gây bệnh.

Hồ sơ tài liệu này phải có đầy đủ các thông tin sau:

3.1 tên chuyên gia hay cơ sở chế biến;

3.2 mô tả quá trình chế biến;

3.3 tham số về sản phẩm như: công thức, độ pH, lượng muối, điều kiện lưu trữ thích hợp, ướp lạnh, thời hạn sử dụng, chất phụ gia/chất bảo quản và thông tin về dán nhãn;

3.4 chi tiết về bao bì, quy cách đường nối của hộp kim loại (dùng cho hải sản đóng hộp). Đối với các sản phẩm có độ rủi ro cao (hải sản đóng hộp và cá chế biến ăn liền), nhà nhập khẩu phải cung cấp danh mục ghỉ rõ nơi chế biến và số lượng thùng/hộp cho mỗi mã sản xuất.

4 . Yêu cầu về bao bì, đóng gói

Các kiện hàng phải được dán mác bằng tiếng Anh và tiếng Pháp có đầy đủ các thông tin sau:

4.1 tên & loại sản phẩm;

4.2trọng lượng kiện tính bằng pound, ki-lô-gam và số lượng mặt hàng trong container;

4.3 tên và địa chỉ nhà sản xuất hay xuất khẩu;

4.4 ngày, tháng, năm đóng gói;

4.5 nước và vùng xuất xứ;

4.6 UPC hoặc mã vạch khác, được ghi rõ trên từng sản phẩm;

4.7 Kích cỡ thùng/hộp;

4.8 Số hiệu lô hàng (ghi rõ từng chuyến).

Kiện gửi bằng đường biển được in, ít nhất, trên hai mặt bên của kiện, đầy đủ ký mã hiệu và bằng mực chịu nước. Nhà xuất khẩu cần thận trọng với loại vật liệu bao gói dùng nhiều lần, chúng có thể gây thiệt hại cho hàng hóa, hay tạo ra các mối quan ngại về môi trường, giảm uy tín kinh doanh.

Thùng gỗ: Tất cả các loại gỗ không dùng để sản xuất công nghiệp mà dùng để làm đồ chèn lót, pal-lét, đóng kiện phải được xử lý qua nhiệt, hun khói hay bằng chất bảo quản. Gỗ dùng đóng bao bì phải tuyệt đối không còn vỏ, côn trùng. Mạt gỗ và gỗ vụn đã qua chế biến như mùn cưa, vỏ bào không phải tuân thủ qui định này. Tất cả các lô hàng đóng trong kiện gỗ tự nhiên phải có giấy chứng nhận gỗ đã qua xử lý hay giấy chứng nhận vệ sinh dịch tễ do cơ quan bảo vệ thực vật của nước xuất khẩu cấp. Những lô không có hàng đóng trong kiện gỗ tự phải khai rõ trong bộ chứng từ. Những lô hàng có bao bì không đáp ứng quy định về đóng gói của Cục Kiểm định thực phẩm Canada sẽ bị tịch thu hoặc bị từ chối đưa vào Canada. Vì vậy, đóng gói cẩn thận, theo đúng quy định là rất quan trọng.

Sản phẩm bị cấm hoặc hạn chế: các loại nhuyễn thể hai mảnh đông lạnh và/hoặc tươi, thô, còn sống như: sò, trai và hến chỉ được phép nhập khẩu từ các nước có chương trình kiểm soát vệ sinh dịch tễ của CFIA. Giấy chứng nhận có đóng dấu của Trung tâm dịch vụ nhập khẩu CFIA là điều kiện bắt buộc với các lô hàng này. Thịt sò điệp (scallop) và các sản phẩm từ trai, sò, vẹm, cua, tôm đã được làm chín không chịu sự điều chỉnh của qui định này. Cá có họ với loài Tretraodontidae hay tôm có họ với loài Eriocheir đều bị cấm nhập khẩu vào Canada.

5. Yêu cầu về dán nhãn sản phẩm

Nhà xuất khẩu nên tham vấn người mua (nhà nhập khẩu) về tất cả các thông tin cần thiết ghi trên nhãn sản phẩm và phải được sự nhất trí của người mua trước khi cho in. Thông tin chi tiết trên bao bì phải ghi rõ đặc tính, thành phần sản phẩm và nhà sản xuất . Cá đóng hộp phải ghi rõ  tên nơi sản xuất, ngày tháng năm chế biến trên mặt hộp, trong một số trường hợp tên của loài cá cũng phải ghi trên mặt hộp. Nhãn mác phải rõ ràng, chữ và  chữ số ít nhất phải to bằng kích cỡ tối thiểu theo qui định. Những thông tin sau đây phải được ghỉ rõ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp:

5.1 tên và địa chỉ trụ sở chính của nhà sản xuất/người kinh doanh hàng hóa đó tại Canada (tên và địa chỉ phải ghi chính xác);

5,2 tên hay mô tả nội dung trong bao bì: tất cả thành phần, chất phụ gia và chất bảo quản;

5.3 sản phẩm của…. (tên nước);

5.4 UPC hoặc mã vạch theo yêu cầu;

5.5 số lượng tính theo trọng lượng và đơn vị đo lường  của Canada (trọng lượng tịnh mét tấn); trọng lượng tịnh hoặc trọng lượng ráo phải chính xác.

5.6 ngày hết hạn sử dụng nếu thời hạn sử dụng là 90 ngày hoặc ít hơn

Nhãn mác được thiết kế có hình ảnh sản phẩm bắt mắt, kèm theo gợi ý cách dùng rõ ràng bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp sẽ tạo ấn tượng cho khách hàng. Đối với thực phẩm hải sản nhập khẩu, công thức chế biến đơn giản là thông tin cần thiết cho người tiêu dùng. Những thành phần không có trong sản phẩm tuyệt đối không được nêu trên nhãn. Thực phẩm nhập khẩu có nhãn  mô tả bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo nhãn riêng bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, phù hợp với các qui định về dán nhãn của Canada.

Nhãn dinh dưỡng: Cơ quan y tế Canada (www.hc-sc.gc.ca) đưa ra qui định nhằm tiêu chuẩn hóa và cải tiến cách trình bày và nôi dung thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm dưới hình thức “Ô thông tin thực tế về dinh dưỡng”. Ô này chứa những thông tin mà người tiêu dùng quan tâm: hàm lượng các chất, tác dụng của thực phẩm cho sức khỏe và bệnh tật.

Khuyến cáo về sức khỏe liên quan đến chế độ ăn kiêng: Đây là một thông điệp  về nhãn thực phẩm ở Canada, nhấn mạnh vai trò của việc ăn các món ăn nhẹ nhưng đủ dinh dưỡng, có thể phòng ngừa căn bệnh kinh niên như ung thư hoặc bệnh tim. Như vậy, nhìn vào “Ô thông tin thực tế về dinh dưỡng” trên nhãn, người tiêu dùng có thể hình dung ra được bức tranh toàn cảnh về tác dụng của việc ăn nhẹ mà vẫn đủ dinh dưỡng.

Dị ứng: Các thành phần có thể gây dị ứng như có trong đậu nành, hợp chất sun-phu-rơ luôn luôn phải được liệt kê trong danh mục thành phần thực phẩm trên nhãn thực phẩm.

Lưu ý: Tỉnh Quebéc có quy định thêm về việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Pháp trên tất cả các sản phẩm lưu hành trong tỉnh.
 

( Nguồn: sưu tầm trên internet)

  • Xuất khẩu thủy sản năm 2009 có thể đạt 4,4 tỷ USD
  • Phát triển ngành thủy sản bền vững
  • Xuất khẩu thủy sản: Cần một chiến lược phát triển dài hạn
  • Thủy sản Việt Nam: Nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh
  • Những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy hải sản sang Nga
  • Một số khó khăn và giải pháp xuất khẩu thuỷ sản hiện nay và thời gian tới
  • Xuất khẩu thủy sản: Phải tự chứng tỏ mình
  • Báo cáo tổng quan thị trường thủy sản Hàn Quốc - Phần 2
  • Báo cáo tổng quan thị trường thủy sản Hàn Quốc - Phần 1
  • Giới thiệu khái quát về thị trường hàng thủy sản Canada (1)
  • Giới thiệu khái quát về thị trường hàng thủy sản Canada (2): Yêu cầu về chất lượng, bao bì và vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Giới thiệu khái quát về thị trường hàng thủy sản Canada(3): Các quy định về nhập khẩu
  • Thị trường thuỷ sản thế giới: triển vọng tới 2015
  • Hội thảo chiến lược phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam đến năm 2020
  • Cơ hội cho thủy sản Việt Nam sang Brazil