Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 1 - Đất nước của Mugabe

Những đứa trẻ nghèo ở chợ trời Harare, nơi từng chứng kiến một cơn bão kinh tế trong thời gian qua - Ảnh: Đỗ Hùng

Đó là đất nước của thác Victoria hùng vĩ, của người hùng trong cuộc đấu tranh giành tự do Robert Mugabe và của những tỉ phú nghèo xơ xác. Zimbabwe là một câu chuyện dài, rất thực mà hư ảo.

Trên chuyến xe đò rời Durban trong một đêm rất lạnh, tôi ngồi cạnh một chàng da đen trẻ tuổi. Đó là khởi đầu của hành trình đến Zimbabwe.

Đó là buổi đêm sau trận Đức - Tây Ban Nha ở vòng bán kết World Cup 2010. Niềm lưu luyến có thể cảm nhận được qua từng làn gió biển ở đô thị miền đông Nam Phi này. Đêm ấy, Durban chính thức chia tay World Cup. Và tôi cũng rời thành phố sau một khoảng thời gian không thể quên. Chẳng có việc gì làm và cũng để “giết chết” chặng đường gần 600 km trước mặt - từ Durban đi Johannesburg, tôi bắt chuyện với gã trẻ tuổi ngồi bên. Tên cậu ta là Malvern Manezho, đến từ Zimbabwe.

Câu chuyện trên xe đò

Cái tên Zimbabwe đối với tôi có một sức hấp dẫn đặc biệt. Đất nước này, nằm trên miền biên giới phía bắc Nam Phi, mấy năm về trước từng trải qua một cơn lạm phát tồi tệ. Xem trên truyền hình và mạng toàn cầu, tôi thường bắt gặp hình ảnh những con người nghèo khổ đứng sau chồng tiền cao quá người. Một chồng tiền đó, nghe đâu, chỉ đủ mua vài cái bánh mì. Lạm phát ở Zimbabwe lúc đó tới mấy trăm triệu phần trăm. Nghe cứ như một cơn động đất vậy.

Tôi hỏi Manezho: “Zimbabwe bữa nay ra sao?”. Anh chàng đáp: “Khá ổn”. “Thật chứ?”. Lại đáp: “Từ khi chuyển qua xài đô la Mỹ và rand của Nam Phi, kinh tế đã đỡ hơn”. Câu chuyện ban đầu cứ ngập ngừng, theo nhịp lắc lư của xe. Nhưng khi biết tôi có kế hoạch đến Zimbabwe ngay sau đêm chung kết World Cup, Manezho trở nên cởi mở. “Ồ, anh nên đến. Có rất nhiều nơi để tham quan, thác Victoria hùng vĩ nhất thế giới chẳng hạn”, Manezho hào hứng.

Ngọn thác Victoria tuyệt đẹp nhưng rất hung hãn thì tôi đã có dịp được biết đến qua sách báo và internet. Cuồn cuộn, trắng xóa, quyến rũ đến mê hồn, nhưng cũng thật đáng sợ. Cái tên Zimbabwe, tuy nhiên, đối với tôi còn hơn cả một sự tò mò. Tôi muốn một lần đến đất nước của Robert Mugabe, người anh hùng trong công cuộc đấu tranh giành tự do cho người da đen rồi sau đó trở thành nguyên nhân của một bi kịch kinh khiếp. Tại sao một con người từng vĩ đại đến thế đã trở nên đáng sợ với người dân Zimbabwe hôm nay, và đang là tâm điểm của những chỉ trích dồn dập từ phương Tây?

Zimbabwe nằm ở miền nam châu Phi, giáp với các nước Nam Phi (phía nam), Botswana (tây nam), Zambia (tây bắc) và Mozambique (đông). Zimbabwe có diện tích 390.757 km2, với dân số chừng 13.000.000 người. Thủ đô là Harare.

Robert Mugabe là một anh hùng giải phóng người dân châu Phi khỏi sự cai trị của người da trắng thiểu số. Ông đấu tranh không khoan nhượng với người Anh, trong đó có “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Trên thực tế, ông đã thành công trước cả Nelson Mandela. Nền độc lập Zimbabwe được công nhận trước khi chế độ Apartheid bị xóa bỏ ở nước láng giềng Nam Phi.

Đầu thập niên 1980, khi Nelson Mandela của Nam Phi còn ngồi trong nhà tù của chế độ Apartheid, Mugabe đã giải phóng cho người da đen Zimbabwe và tiến hành công cuộc trả đất về cho nông dân. Biện pháp mà Mugabe thực thi cũng từng được coi là khá mềm. Đó không phải là cuộc “cướp đất người giàu (ở đây là người da trắng thiểu số) chia cho dân nghèo”, mà là một hình thức mua lại đất từ địa chủ - tất nhiên là với một mức giá phi thị trường - để trao lại cho nông dân tay trắng. Nhưng do thiếu những chính sách kinh tế cụ thể, vốn là một đặc trưng của các nhà lãnh đạo dân túy, Mugabe đã đưa đất nước Zimbabwe vào một giai đoạn tăm tối mới, sau thời kỳ thực dân.

Trong cuốn Kỷ nguyên hỗn loạn, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan đã giải thích: “Robert Mugabe, Tổng thống Zimbabwe từ năm 1987, hứa hẹn và đã đem lại cho những người theo ông ruộng đất tịch thu của người da trắng. Nhưng những chủ đất mới không được chuẩn bị để quản lý ruộng đất. Sản xuất lương thực suy sụp, buộc phải nhập khẩu trên quy mô lớn. Thu nhập có thể đánh thuế giảm mạnh, buộc Mugabe phải in thêm tiền để tài trợ cho chính phủ. Vào lúc cuốn sách này được viết (2007), siêu lạm phát đang gây ra các tác động xã hội nghiêm trọng ở Zimbabwe”.

“Tôi sợ ông ấy”

Không có chính sách kinh tế hiệu quả, nhưng Mugabe lại nắm quyền từ đó đến nay. Đó chính là bi kịch. Người anh hùng năm xưa, sau khi giải phóng người châu Phi khỏi những tàn dư của thực dân, đã dắt họ vào một lối đi lầm lạc mới. Hay nói cách khác, ông đã thay thế chủ nghĩa thực dân bằng một chính quyền chuyên chế. Cuộc giải phóng của ông, vì thế đã mất đi ý nghĩa quan trọng nhất của nó. Người dân đã không hề được giải phóng.

“Ông Mugabe thế nào?”, tôi hỏi chàng trai Manezho. “Tôi sợ ông ấy”, anh đáp, “nhưng tôi tin mọi việc sẽ tốt hơn”. Tôi nhìn vào mắt chàng trai và qua ánh đèn hắt lên từ đường phố, thấy ánh lên một niềm tin nho nhỏ.

Manezho mới 22 tuổi, có một gia đình lớn ở Harare, thủ đô Zimbabwe. Bốn năm nay, anh sang Nam Phi làm ăn, ban đầu phục vụ trong quán cà phê, còn giờ đây là nhân viên điều hành của hãng xe đò InterCape. Lương tháng chừng 2.500 rand (gần 7.000.000 đồng VN), mỗi năm anh về nhà hai lần, bằng xe buýt, với giá vé khoảng 600 rand. Mức lương ấy, trừ đi các chi phí ăn uống, nhà cửa, tàu xe, còn lại Manezho đem về phụ giúp gia đình. Ở Johannesburg, trong quán cà phê Bean There, tôi cũng từng gặp những người phục vụ đến từ Zimbabwe. Họ đến để kiếm tiền, bỏ lại sau lưng những cánh đồng hoang xơ xác, những ngôi nhà xiêu vẹo và những đôi mắt mong chờ của người thân, thành quả từ cuộc cách mạng mang tên người anh hùng Mugabe.

“Tôi chẳng thể kiếm việc làm ở Harare. Có rất nhiều người Zimbabwe tới Nam Phi như tôi, theo đường hợp pháp hoặc phi pháp”, Manezho tâm sự. “Chừng nào đất nước thoát khỏi khó khăn hiện tại, chúng tôi sẽ trở về. Kiếm tiền trên quê hương mình vẫn là sướng nhất”.

Tôi nghe trong lời chàng trai trẻ là một bể tâm sự của người xa quê. Nỗi hoài hương thì ai cũng có như nhau vậy, không cứ gì Tây hay Đông, Phi hay Á.

Tôi hỏi: “Anh nghĩ đến bao giờ thì có thể trở về?”. “Tôi không biết, nhưng có thể tin rằng mươi năm nữa mọi việc sẽ tốt hơn”. Tôi nói với Manezho rằng tôi hy vọng sẽ nhanh hơn thế. Anh chàng trẻ tuổi cười.

(Theo Đỗ Hùng // Thanhnien Online)