Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 9 - Hoàng hôn trên dòng Zambezi

Đàn hà mã dưới sông Zambezi - Ảnh: Đỗ Hùng

Mỗi ngày đều có một hoàng hôn, nhưng khách viễn xứ như tôi chắc chỉ được một lần ngắm ánh huy hoàng vụt tắt trên dòng Zambezi hiền hòa.

Gần 40 tuổi, có 20 năm làm hướng dẫn viên du lịch, Peter Musa hầu như đã gặp du khách đến từ mọi miền thế giới. Nhưng sau một hồi gãi đầu, Musa vẫn không nhớ ra là mình từng gặp người Việt Nam hay chưa. “Có lẽ chưa. Nhưng Việt Nam thì tôi biết. Ở đó người ta đội nón, hay ngồi trên những chiếc thuyền và bắn nhau với người Mỹ rất dữ”, Musa bảo thế, và nói rằng những hình ảnh ấy là trong mấy bộ phim Hollywood. Tôi bảo: “Tôi đâu biết bắn và cũng không sống trên thuyền”. Anh ta cười: “Phim ảnh mà, làm sao giống đời thực được”.

Ái ân dưới lòng sông

Vượt qua những quãng rừng thưa, Musa chở chúng tôi đến bờ sông. Trước mặt, len qua những cây họ dừa là một vùng nước lặng. “Sông Zambezi, biên giới tự nhiên giữa Zimbabwe và Zambia. Mặt sông phẳng như mặt hồ, nhưng chỉ chút xíu nữa thôi, xuôi về dưới kia chừng một cây số, nó sẽ đùng đùng nổi giận, biến thành thác Victoria hùng vĩ nhất thế gian”, anh nói, tựa như đang ngâm thơ.

Tôi cùng những du khách tứ phương lục tục lên thuyền, háo hức trước cuộc du ngoạn ngắm hoàng hôn trên dòng Zambezi. Musa và các đồng sự thong thả chuẩn bị thức uống, gồm rượu rum và vài thứ cay cay khác. “Tôi không thể hứa chắc, nhưng nếu may mắn, các bạn sẽ gặp nhiều thú hoang, như hà mã, voi, lợn rừng, nai”, anh nói.

Lời giới thiệu của anh chàng người Ndebele làm chúng tôi thêm phần háo hức. Thiên nhiên hoang dã châu Phi trong những bộ phim của Discovery và Animal Planet đang ở rất gần, trước mặt chúng tôi, hoặc có thể ngay dưới gầm thuyền này.

Zambezi là con sông dài thứ tư tại châu Phi, và là sông lớn nhất của châu lục này đổ ra Ấn Độ Dương. Bắt nguồn từ Zambia, sông lượn lên Angola, chạy dọc biên giới Namibia - Botswana rồi trở lại Zambia, Zimbabwe rồi chảy qua một loạt nước khác trước khi đổ vào đại dương. Dòng chảy vô tận của sông đã nuôi sống người châu Phi từ bao đời, nhưng mãi đến giữa thế kỷ 19 David Livingstone của Scotland mới trở thành người châu Âu đầu tiên thám hiểm con sông, và từ đó phát hiện ra thác Victoria.

Thuyền chầm chậm trôi ra giữa dòng, khi ánh nắng cuối ngày còn chưa tắt. Trên mặt sông, tôi thấy có khá nhiều du thuyền, chủ yếu từ phía Zambia. Chợt Musa vỗ vỗ tay: “Các bạn chú ý, phía đằng kia có những con hà mã đang ngụp lặn”. Trên mặt nước, những cái đầu hà mã nhô lên thụp xuống. Có những con thở phì phì, làm nước bắn lên rất cao. “Có thể các bạn không biết, nhưng chúng đang ái ân đấy”, Musa nói. “Và khi ai đó đang ái ân, thì tốt nhất là chúng ta đừng làm họ gián đoạn”. Mọi người ồ lên, tiếng cười lao xao cả mặt sông. Lũ hà mã dường như cũng nghe thấy, nên ngụp sâu và lâu hơn.

Suốt một chặng sông khá dài, quanh những cù lao xanh mướt, chúng tôi gặp rất nhiều đàn hà mã ngụp lặn, mà Musa gọi là “đang ái ân”. Trước ống kính của tôi, đôi khi còn hiện ra lũ vịt trời bay sát rạt mặt nước, những chú nai ngơ ngác và cả đàn cá sấu đang nằm im lìm như khúc gỗ mục bên vệ sông.

Ánh huy hoàng cuối ngày

Mặt trời lặn dần xuống phía tây, rải ráng vàng trên một khúc sông huyền ảo. “Các bạn hãy ngắm ánh huy hoàng cuối ngày. Hoàng hôn thì ngày nào cũng có, nhưng bạn không có nhiều cơ hội ngắm hoàng hôn trên sông Zambezi”, Musa nói, tôi lại tưởng anh đọc thơ. Lời của anh khơi gợi trong tôi một xúc cảm khó tả. Zambezi, dòng sông đã chảy qua châu Phi từ ngàn xưa, nuôi sống những con người từ buổi sơ khai của nhân loại. Từ chính những dòng sông này, tổ tiên loài người bắt đầu cuộc du hành kéo dài hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu năm ra khắp hành tinh, để giờ đây, tôi lại cảm thấy lạ lẫm khi trở về ngôi nhà xưa của chính mình.

Trên dòng Zambia hôm nay, những đứa con lưu lạc như tôi, đến từ Mỹ, từ châu Âu, từ Úc, từ châu Á, cùng ngồi bên nhau ngắm ánh nắng cuối ngày. Ai một lần ngắm nhìn hoàng hôn châu Phi đều sẽ thấy, nó rực rỡ đến tiếc nuối, như quầng lửa ấm vụt tắt để nhường chỗ cho màn đêm lan tỏa.

Không hẹn mà gặp, tất cả những người trên tàu, chừng 20 người, đều đứng dậy, hướng về phía mặt trời, lúc này chỉ còn là một quầng lửa đỏ úa, chìm dần xuống. “Hướng mặt trời lặn là Namibia. Bạn có thể thấy đây là một con sông cực kỳ quan trọng. Namibia, Botswana, Angola, Zambia là những đất nước khô cằn, với nhiều sa mạc. Zambezi như một nguồn sữa ngọt nuôi sống người dân từ hàng ngàn năm qua”, Musa nói. Zambezi còn là nơi cung cấp nguồn thủy sản khổng lồ. Chưa hết, qua hàng loạt quốc gia ở vùng nam châu Phi, sông cũng tạo nên những cánh rừng bạt ngàn, xanh và rậm, chứ không phải thứ rừng thưa đặc trưng của châu Phi.

Trên dòng Zambezi hôm ấy, tôi đã thấy, trong khi những đôi uyên ương hà mã mải mê với trò ân ái dưới lòng nước sâu, từng đàn chim trời chao lượn trên mặt nước, những chú voi rừng, lũ heo và nai tung tăng dọc vệ sông. Con người và thiên nhiên ở đây như quyện vào nhau.

Mặt trời chìm hẳn xuống phía tây. Hoàng hôn duy nhất của tôi trên dòng Zambezi đã tắt. Musa cho thuyền trở lại, lái xe trả chúng tôi về khách sạn khi trời đã tối hẳn. Trên đường về, hiện ra trước mũi xe là những ánh mắt của lũ nai và lợn rừng đang rong ruổi trong đêm, giữa một miền xa hoang hoải.

Bắt tay Musa, tôi chúc anh vui và không hẹn ngày gặp lại. Vâng, giữa chốn trần ai này, cuộc gặp ngẫu nhiên hôm nay dù ngắn ngủi cũng đã đủ bâng khuâng. Ai biết ngày mai sẽ ra sao mà hẹn gặp. Ngày mai sẽ là một ngày khác, ở nơi chốn khác và với những xúc cảm khác.

(Theo Đỗ Hùng // Thanhnien Online)