Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn - Bài 11: Tạm biệt lũ voi khổng lồ

Giữa buổi ban mai, những chú voi rừng an nhiên đi lững thững ngay trên đường phố Victoria Falls - Ảnh: Đỗ Hùng

Một châu Phi hoang dã đã bủa vây lấy tôi, với những chú voi rừng tung tăng giữa lòng thị trấn Victoria Falls.

Máy bay chuẩn bị cất cánh. Đó là một chiếc British Aerospace 146 be bé cánh cao của hãng Airlink. Máy bay ở đây không thể to được, một phần vì sân bay Victoria Falls rất nhỏ, mặt khác do khách đến nơi này không nhiều.

Khi máy bay vừa rời mặt đất, tôi nhoài người ra phía cửa sổ. Bên dưới là những khoảng rừng thưa bạt ngàn, vàng úa màu khô. Cô gái ngồi phía trong nhoài theo, hỏi: “Anh có thấy thác Victoria không?”. Tôi giật mình. Thác Victoria quyến rũ đến mức khi đã ở trên không trung, cô gái Mỹ xa lạ ngồi bên tôi vẫn còn lưu luyến.

Voi rừng giữa phố

Tôi đã có một buổi sáng thật dài trong ngày cuối cùng ở thị trấn Victoria Falls nhỏ bé. Sau khi mua được một ít tiền Zimbabwe, tôi tiếp tục đi về phía trung tâm thị trấn. Nhác trông thấy tôi, anh chàng lái xe của khách sạn Sprayview gọi lớn: “Này, anh có thích xem voi rừng không? Dưới kia có mấy con”. Tôi hấp tấp chạy. Chỉ một chốc, trước mặt tôi đã hiện ra một khung cảnh lạ kỳ. Trên con đường chính của thị trấn, một lũ voi lững thững đi dạo. Xe cộ phải dừng lại một hàng dài để nhường đường. Người dân địa phương có vẻ đã quen với cảnh này nên chẳng mấy chú ý. Chỉ có những du khách là thích thú xáp tới chụp ảnh, làm khổ mấy vị cảnh sát phải lập hàng rào bảo vệ.

Dưới chân lũ voi còn có những chú lợn rừng nhởn nhơ. Khung cảnh châu Phi hoang dã hiện ra trước mắt tôi, cứ như là trong phim của hãng Discovery vậy. Tôi đã gặp cảnh này trên đường từ Harare tới Victoria Falls đêm trước. Tôi cũng đã chứng kiến một châu Phi hoang dã trên đường từ Cape Town đến mũi Hảo Vọng và trong các chuyến hành trình xuyên qua Nam Phi mới rồi. Nhưng hôm nay, giữa thị trấn Victoria Falls, cảnh con người và thiên nhiên quyện vào nhau vẫn khiến tôi kinh ngạc. Thì ra con người cũng chỉ là một loài sinh vật, cùng với những sinh vật khác, đồng sở hữu hành tinh xanh.

Chia tay lũ voi, tôi theo một hướng dẫn viên du lịch tự do (guide boy) đi xuyên qua khu rừng thưa sau thị trấn để tới bờ vực sông Zambezi, phía bên dưới thác Victoria. Một quãng rừng thưa mênh mông, xơ xác, với những đống phân voi và dấu chân lợn lòi, trâu rừng còn in trên mặt đất. Trong tiếng gầm réo không ngơi nghỉ của thác Victoria, khu rừng, cũng như thị trấn ngoài kia, là một châu Phi hoang dã thu nhỏ.

Len qua những rặng cây, trong chốc lát chúng tôi đã tới miệng vực sông Zambezi. Nơi đây có dịch vụ đu cáp qua sông. Giá vé 30 USD một lần. Buộc dây vào người, đu một phát vèo qua bên kia. Phía dưới là vực sâu chừng 120m, với đá đen lởm chởm và nước tung bọt trắng xóa. Thác Victoria hùng vĩ tạo ra một sự khác biệt hoàn toàn giữa hạ và thượng nguồn sông Zambezi, khác từ loài thủy sinh đến dòng chảy. Phía trên sông lặng như mặt hồ, phía dưới này là dòng nước cuồn cuộn.

“Đu dây nhé!”, anh chàng nhân viên mời mọc. Tôi lắc đầu: “Ớn lắm”. Anh ta động viên tôi rằng dịch vụ này cực kỳ an toàn, suốt 10 năm qua chưa xảy ra tai nạn nào. Thấy cũng hay hay, tôi gật đầu. Thế là có một chuyến du hành ngoạn mục băng qua miệng sông Zambezi. Trên đầu là mây trắng bay, dưới bụng là dòng nước trắng xóa. Đứt dây một phát là coi như xong đời, tôi nghĩ thế và không dám nghĩ tiếp nữa. Ngẩng đầu lên trời và hét lên trong cơn dâng trào cảm xúc mãnh liệt.

Tạm biệt Zimbabwe

Những phụ nữ giữa khu chợ bệt ở Harare - Ảnh: Đỗ Hùng

Vậy là tôi đã rời đất nước đẹp tươi nhưng nghèo khó này. Thời gian qua là những ngày thú vị, với nhiều khám phá ngạc nhiên.div

Tôi đã đến Zimbabwe và cả Lục địa đen hoang dã, với một tâm trạng hồ nghi và cảm giác thắc thỏm, trước những bất trắc có thể ập đến bất cứ lúc nào, để rồi nhận ra rằng châu Phi không như hình dung thông thường của tôi. Đó là một châu lục cực kỳ quyến rũ và an toàn. Hôm ở Harare, khi chàng tài xế Oliver Mutasa dẫn tôi vào cửa hiệu Chicken Inn, như một sự phòng xa, tôi lôi ba lô ra khỏi xe. Anh chàng xua tay: “Không sao đâu. Cứ để đấy. Zimbabwe rất an toàn”. Tôi trố mắt trước những lời giải thích của Mutasa, rằng chính phủ ở đây rất mạnh tay với tội phạm, nên an ninh nói chung là ổn. “Cảnh mà cậu thấy trên ti vi chỉ xảy ra một vài thời điểm, và do các nhà báo khéo léo chọn lọc ra rồi phát đi. Vì thế người nước ngoài thường có một cái nhìn méo mó về châu lục này”, chàng tài xế có 2 vợ nói. Tôi chưa tin lắm, nhưng sau đêm ngủ giữa rừng thưa trên đường từ Harare tới Victoria Falls, tôi đã chua chát nhận ra sự hoài nghi hồ đồ của mình.

“Zimbabwe đẹp không?”, tôi hỏi cô bạn người Mỹ ngồi cạnh, trên chuyến bay từ Victoria Falls về Johannesburg, Nam Phi. Cô đáp: “Đẹp đến sửng sốt. Nhưng thiếu thốn đủ đường”. Cô gái tên là Julia Gilbert này cũng đã đi từ Harare, qua Buluwayo tới Victoria Falls, nghĩa là gần hết đất nước Zimbabwe, trong một hành trình dài tới 10 ngày. “Thiếu thốn đủ đường” vì thế, là một nhận xét chính xác.

Nhưng tại sao lại thế? Tương tự Nam Phi với Nelson Mandela, Zimbabwe có một nhà đấu tranh kiệt xuất - Robert Mugabe. Nhưng Nam Phi hôm nay là một quốc gia thịnh vượng, còn Zimbabwe thì nghèo xác xơ. Sự nghiệp giải phóng của người anh hùng Mugabe, vì thế, đã không thu được thành tựu như công cuộc mà Nelson Mandela đã thực hiện.

Tôi vẫn cho rằng, một phần trong cơn giận hiện nay của phương Tây đối với Mugabe xuất phát từ mối hậm hực của thực dân thua cuộc. Nhưng oái ăm thay, sự chỉ trích mà phương Tây nhằm vào người anh hùng của dĩ vãng càng ngày càng có đất sống, càng được chứng minh bởi tình trạng bi đát của người dân Zimbabwe.

“Zimbabwe có lẽ đã trở nên thịnh vượng nếu...”. Tôi nghe loáng thoáng lời Gilbert, một sinh viên của Đại học Bắc Florida. Tôi rùng mình trước chữ “nếu” ấy. Nếu từng có một con đường nào khác, chắc hẳn đất nước Zimbabwe hôm nay đã phồn thịnh hơn. Nhưng không ai có thể quay lại để thay đổi lịch sử. Người ta chỉ có thể nhìn vào sai lầm của quá khứ để không lặp lại nó trong tương lai.

Máy bay đã lên đến độ cao ổn định. Đất nước Zimbabwe dưới kia, dưới những làn mây trắng bồng bềnh, chỉ còn là một vùng mờ ảo.

Tôi nhớ, ở nhà ga sân bay, tôi lại gặp tấm hình nhà lãnh đạo Robert Mugabe to tướng nơi  lối ra. Vẫn là cái nhìn mà tôi đã chạm phải khi lần đầu tiên đặt chân tới thủ đô Harare vàng vọt. Khi ấy tôi đã mỉm cười với ông, như một lời tạm biệt.

(Theo Đỗ Hùn // Thanhnien Online)