Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 2 - Ánh đèn vàng Harare

Ngay cạnh khu đô thị sầm uất ở trung tâm Harare...

Harare cho tôi một ấn tượng tương tự Yangon. Đó là đường sá tối tăm với những cột đèn thưa thớt, rải thứ ánh sáng vàng vọt xuống lòng phố.

Tôi đáp xuống sân bay quốc tế Harare khoảng 22 giờ. Ban đêm, sân bay vắng như một sa mạc, với vài chiếc máy bay nằm lặng lẽ như những chú lạc đà ngủ đêm. Sân bay có chừng 10 hãng hàng không nội địa và khu vực chọn làm điểm đến. Ánh đèn hiu hắt từ các trụ điện bên ngoài hắt vào. Hình ảnh thủ đô của Zimbabwe, trong thoáng gặp đầu tiên, thật đìu hiu.

Chàng tài xế tốt bụng

Nhảy xuống xe buýt để bước vào nhà ga, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là bức chân dung nhà lãnh đạo Robert Mugabe treo trên cao, án ngữ ngay lối đi dẫn tới khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Ông hiện diện đó, mỗi ngày dõi theo những người khách quốc tế đến với Zimbabwe, cũng như nhìn thần dân nước ông trở về sau những ngày bôn ba kiếm tiền nơi hải ngoại. Sau này, khi có dịp đi gần khắp đất nước Zimbabwe tươi đẹp nhưng rất nghèo, tôi còn có dịp gặp chân dung của Mugabe ở nhiều nơi, từ sảnh khách sạn tới phòng vé xe buýt, từ khu du lịch đến phòng giao dịch ngân hàng. Đây là đất nước mà Mugabe và các đồng đội đã giải phóng và rồi dần kiệt quệ trong suốt ba thập niên cầm quyền của ông.

Phía trong nhà ga của sân bay Harare cũng rất vắng. Chỉ có những hành khách đến từ Johannesburg, trên chuyến bay SA 0024 của hãng South African Airways. Không khí im ắng tới mức người ta chỉ còn nghe tiếng đóng dấu cốp cốp của các nhân viên nhập cảnh.

Cuộc đối đáp thủ tục nơi cửa nhập cảnh diễn ra khá nhanh, và không có nụ cười nào như những nụ cười phô hàm răng trắng bóng rất đặc trưng của người da đen mà tôi từng gặp trên khắp đất nước Nam Phi trong những ngày ngược xuôi giữa mùa World Cup vừa qua.

Những người đồng hành cùng tôi từ Nam Phi sang Zimbabwe biến đi rất nhanh, cứ như là bị gió cuốn vậy. Bơ vơ, tôi ngồi xuống bên một pho tượng nhỏ. Lúc này tôi mới nhận ra trong chốn phi trường tối tăm này có rất nhiều tượng với hình thù kỳ dị, nhưng có vẻ rất đẹp, điều mà tôi sẽ còn gặp lại nhiều lần trong cuộc hành trình xuyên qua giữa lòng Zimbabwe sắp tới đây. Có thể nói đây là đất nước của tượng.

“Làm sao để gọi taxi ở chỗ này?”, tôi hỏi một anh chàng da đen vừa đi ngang, tin rằng anh ta là người địa phương. Khác với hầu hết sân bay mà tôi từng đi qua, nơi đây không có các văn phòng làm dịch vụ đặt phòng, đưa đón hành khách. Các quầy đổi tiền cũng không có. Mà làm gì có chuyện đổi tiền ở đất nước này chứ. Tôi băn khoăn không biết cách nào tìm đường tới nhà trọ Small World Backpackers ở khu Avondale, ngoại vi thủ đô Harare. “Anh thử chạy ra phía ngoài kia xem sao. Hỏi mấy nhân viên đằng kia kìa!”, chàng trai da đen đáp. “Nhưng đón taxi ở đây có an toàn không?”, tôi hỏi tiếp với nỗi ám ảnh về tình hình bất an tại lục địa đen. “Tôi không rõ. Tôi mới đến đây lần đầu... từ Malawi. Nhưng tôi nghĩ không sao đâu”, anh chàng đáp.

Vẫn chưa an tâm, nhưng biết làm sao được, tôi ngoắc đại một anh bự con đứng cạnh cổng ra vào. “Tôi muốn tới khu Avondale”, tôi nói. Anh chàng bảo rằng Avondale không xa lắm, rồi hỏi tôi: “Anh trả được bao nhiêu?”. Tôi đáp: “Anh ra giá bao nhiêu?”. Anh ta lưỡng lự rồi bảo có thể chở tôi với giá 30 đô la Mỹ (USD). Tôi nói 25 đô la thôi. Anh ta tính tới tính lui, rồi cười, thôi cũng được. Nụ cười của anh cho tôi chút cảm giác bình an. Và còn bình an hơn nữa, khi anh bảo tôi hãy đứng yên ở đấy chờ anh đi lấy xe, vì bên ngoài rất lạnh. Tôi bắt đầu cảm thấy ấm áp giữa chốn lạ lẫm và hoang vắng này.

Harare vàng vọt

...là những mảnh đời nghèo khó - Ảnh: Đỗ Hùng

Dan Sitwelo, 23 tuổi, đã có một vợ và ba con. Sau khi giúp tôi nhét đồ vào xe và ngồi phía sau tay lái, anh cười: “Chào mừng đến Harare!”, rồi nhấn ga cho chiếc xe cọc cạch lao tới. Sitwelo không phải là tài xế taxi chuyên nghiệp. Anh làm bảo vệ ở bãi xe sân bay. Sau giờ làm, anh thường nán lại để chở khách, kiếm thêm thu nhập. Tôi hỏi mỗi tháng kiếm được bao nhiêu, Sitwelo đáp: “Khoảng 300 đô la Mỹ”. Rồi anh giải thích thêm: “Mỗi tháng tiền thuê nhà chừng 100 đô la. Như vậy tôi còn 200 đôla cho tất cả các chi phí còn lại của gia đình, từ ăn uống, áo quần, thuốc men, đến phí học hành cho con cái”.

Để tôi dễ hình dung, anh nói thêm rằng một suất ăn nhanh ở tiệm Chicken Inn có giá 5 đô la, một lon bia Lion giá 1 đô la. Tôi hỏi về tình hình kinh tế, chàng tài xế nói cuộc sống giờ đã đỡ hơn chút chút. “Từ ngày đổi qua dùng tiền Mỹ thì đỡ bi đát hơn. Hy vọng tình hình sẽ trở nên sáng sủa trong thời gian tới”, anh nói. Tôi hỏi: “Các anh còn dùng tiền rand của Nam Phi chứ?”. Sitwelo gật đầu: “Tỷ giá quy đổi là 1 đô la ăn 7,8 rand” (ở Nam Phi tỷ giá chừng 1 USD = 7,4 rand - NV). Nhưng khi thâm nhập vào cuộc sống ở đây, tôi thấy cái tỷ giá này mỗi nơi một khác, nói chung là tùy hứng. Thường thì người ta có xu hướng quy 1 USD tương đương 10 rand cho chẵn.

Vượt qua con đường hẹp xuyên giữa cánh rừng thưa, chiếc xe đưa tôi tiến về trung tâm Harare, thủ đô và là thành phố lớn nhất Zimbabwe. Khu trung tâm có khá nhiều tòa cao ốc, bao quanh là những dãy nhà ổ chuột, các hàng quán nhếch nhác và những khu chợ ẩm thấp. Ấn tượng đầu tiên của tôi về đô thị này là nó khá tối, với những cột đèn đường nằm rất thưa, tỏa thứ ánh sáng vàng vọt xuống lòng phố. Tôi nhớ mình đã gặp thứ ánh sáng này, những khung cảnh tương tự khi tới Yangon, thủ đô cũ của Myanmar, hồi mùa thu 2007. Trong nhịp lắc lư của chiếc xe cà tàng, tôi suy ngẫm sự tương đồng tăm tối ở 2 đô thị nằm ở 2 nửa bán cầu khác nhau.

“Harare tối quá”, tôi buột miệng. “Nhưng rất đẹp anh ạ”, Sitwelo đáp. “Ngày mai anh sẽ thấy”. Vâng, đêm nay tôi sẽ ngủ thật sâu để chờ ngày mai.

(Theo Đỗ Hùng // Thanhnien Online)