Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Zimbabwe tươi đẹp và điêu tàn: Bài 5 - Sự ham hố của đàn ông


Những phụ nữ chung chồng này chỉ ở nhà nuôi con, giặt giũ - Ảnh: Đỗ Hùng

Đang mải chất vấn gã tài xế Oliver Mutasa về chuyện nhiều vợ, tôi khựng lại trước câu hỏi: Cậu có muốn cưới nhiều vợ không?

Mabvuku là một khu chợ chồm hổm ở ngoại vi Harare. Ở đây bán đủ thứ: chất đánh bóng sàn nhà, rau quả, áo quần, giày dép và tất nhiên là cả thẻ cào điện thoại. Tôi giương máy chụp hình người này người kia. Cảnh buôn bán trên một trảng đất đầy bụi ở Mabvuku làm tôi nhớ tới những buổi chợ phiên một thời tuổi thơ chân đất, của chính tôi.

Giữa miền đất xa xôi tận Nam bán cầu, tôi như gặp lại hình ảnh của một dĩ vãng chưa xa ấy. Ở đây rất vui, những người buôn thúng bán bưng gặp tôi luôn vẫy tay chào và xúm lại chụp hình chung. Điều phiền toái duy nhất, và cũng lớn nhất, là rất nhiều người đòi... cát-sê. Sau khi tôi bấm máy, một số bảo tôi phải trả 1 đô la. Thành ra cái công đoạn chụp ảnh ở đây rất mỏi tay, không phải do bấm máy mà do phải móc tiền.

Người 6 vợ

Tôi thấy không thể trụ nổi nữa nếu cứ tiếp tục chụp hình, bèn bảo Mutasa đi tới chỗ khác. Anh chàng người Shona dẫn tôi tới gặp một người đàn ông trung niên, vóc dáng nhỏ nhắn, đang ngồi chồm hổm phía sau một mẹt quần áo, dây thắt lưng và bảo: “Đây là một thiên tài”. Tôi vừa bắt tay vừa quay lại hỏi Mutasa: “Thiên tài vụ gì vậy?”. Anh chàng nói ông ta rất nhiều vợ. “Vì thấy cậu quan tâm chuyện vợ con nên tớ dẫn cậu tới gặp ông này”, Mutasa giải thích.

Số vợ của người đàn ông nhỏ nhắn trước mặt tôi - một người Shona tên Johann Bhemba - là 6, tức gấp ba lần số vợ của Mutasa. “Ông ấy không giàu, nhưng vẫn lấy được nhiều vợ. Thế mới cừ”, Mutasa xuýt xoa. Tôi bắt tay Bhemba, nói rằng ông đúng là rất cừ. Ông ta cười hì hì, đoạn nói: “Thế hệ tôi chuyện có dăm sáu bà vợ cũng chẳng có gì lạ. Chỉ có lớp trẻ bây giờ ngày một lười hơn”. Tôi mạo muội: “Cuộc sống chăn gối ổn không bác?”. Ông lại cười hì hì: “Rất tốt”, rồi hỏi ngược lại tôi: “Cậu có mấy vợ rồi?”. Tôi bảo: “Mới một thôi bác ạ, muốn thêm nữa cũng không được, pháp luật không cho phép”. Ông Bhemba trố mắt, cứ như là lần đầu nghe chuyện một vợ một chồng, cứ lặp đi lặp lại: “Thế à! Thế à!”.

Tôi bắt đầu muốn tìm hiểu động cơ thực sự trong chuyện lấy nhiều vợ của đàn ông xứ Zimbabwe. Tôi hỏi: “Tại sao bác lấy nhiều vợ?”. Bhemba giải thích đơn giản: “Thích thì lấy thôi. Đàn ông ai mà chả thích phụ nữ”. Mutasa bên cạnh phụ họa: “Đúng đấy, đàn ông khắp thế giới này đều một giuộc như nhau, ai mà chả thích có nhiều phụ nữ. Chẳng qua ở nước cậu pháp luật không cho phép nên mới cam chịu vậy thôi, chứ nếu luật pháp như ở Zimbabwe này thì không khéo cậu còn nhiều vợ hơn tớ nữa ấy chứ, bạn hiền ạ”. Mutasa còn hỏi: “Thế cậu có muốn cưới nhiều vợ không? Nói thật đi!”. Tôi cười: “Không ham”. Anh ta kết luận: “Thế là muốn chứ gì!”.

Tôi tiếp tục cật vấn: “Nhưng còn tình yêu thì sao?”. Mutasa trố mắt: “Tình yêu gì? Cậu có thể yêu nhiều người cùng lúc chứ. Tình yêu là không có giới hạn. Tớ có 2 vợ và tớ yêu các cô ấy như nhau. Rita và Irene cũng rất yêu tớ và họ không có bất cứ vướng mắc nào khi cùng san sẻ một ông chồng cả”. Tôi đặt ngược lại vấn đề: “Vậy thì cậu có chấp nhận một phụ nữ lấy cùng lúc nhiều chồng không?”. Mutasa ồ lên, nói như thế là không được. Tôi thôi không vặn vẹo anh ta nữa, vì có cố thì cũng chẳng thể làm anh ta lung lay.

Một vợ là đủ

Ham hố là một chuyện, nhưng không phải ai cũng có điều kiện cưới nhiều vợ. Và cũng có nhiều chàng trai trẻ nghĩ rất khác.

Antonio là em cùng cha khác mẹ với Oliver Mutasa. Anh ta làm nghề chạy chợ, có nghĩa là đứng suốt ngày ở khu chợ trung tâm Harare để làm bất cứ việc gì có thể kiếm ra tiền. Một trong những việc anh ta thường làm là đổi tiền, từ đô la Mỹ qua tiền rand của Nam Phi. Anh ta cũng bán những tờ đô la cũ của Zimbabwe cho du khách, vốn rất thưa thớt tại đây. Oliver Mutasa lái xe lòng vòng, lâu lâu ghé lại khu trung tâm ngoắc chú em: “Đưa tao ít tờ mua thẻ cào. Mai trả”. Tôi hỏi Antonio: “Cậu mấy vợ rồi?”. Anh chàng mới 23 tuổi đáp: “Chưa có vợ. Đang kiếm tiền để nay mai cưới vợ”. Tôi hỏi anh ta dự định noi gương cha hoặc ông anh Oliver Mutasa không, Antonio đáp: “Chắc không. Tôi nghĩ chỉ một vợ là đủ rồi”. Anh ta bảo do kinh tế khó khăn, vả lại cũng không định phát huy truyền thống đa thê của xứ này. “Tôi nghĩ một vợ một chồng là lý tưởng. Ít vợ ít con thì mới có điều kiện nâng chất lượng cuộc sống lên. Hơn nữa, con gái thời nay cũng ít khi chịu cảnh chồng chung”, anh chàng giải thích.

Lời của Antonio làm tôi mường tượng ra một xu hướng của giới trẻ. Đó là sự vượt thoát khỏi những truyền thống. Đó là một chỉ dấu của thay đổi tư duy dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa trong một thế giới ngày càng phẳng hơn.

Ở ngôi nhà thuê của họ tại vùng ngoại ô Emerald Hill, trong buổi chiều cuối cùng ở Harare, tôi gặp thêm một người em trai nữa của Oliver Mutasa. Đó là anh chàng Vincent, 21 tuổi. Gã trai bụ bẫm như một đứa trẻ này kể người yêu anh ta đang học ở Johannesburg bên Nam Phi và 2 người đã thề non hẹn biển. “Chúng tôi yêu nhau và sẽ cưới nhau. Đó là điều chắc chắn. Và tôi cũng chỉ sẽ cưới mình cô ấy thôi”, Vincent nói.

Vừa lúc ấy có 2 phụ nữ xuất hiện, với 2 đứa con bế trên tay. Đó là các bà chị dâu của Vincent và Oliver Mutasa. Họ chỉ ở nhà, làm “nghề” nội trợ. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai người chồng chung của họ, một anh chàng tên Richard nào đó mà tôi không có dịp gặp. Tôi hỏi họ về anh chàng Richard, họ bảo anh ấy rất tốt. “Chúng tôi rất yêu nhau”, một người nói.

(Theo Đỗ Hùng // Thanhnien Online)