Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ba ngày hai đêm ở Phnom Penh

Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam là một quốc gia được khách du lịch thế giới ưa chuộng trong các tour du lịch. Từ Cần Thơ đi Campuchia bằng đường bộ rất thuận lợi. Chỉ thêm một ngày phép cộng với những ngày nghỉ cuối tuần bạn có thể có một tour “ta ba lô” 3 ngày để viếng thăm đất nước Chùa Tháp.

7 giờ sáng, tàu cao tốc khởi hành từ Châu Đốc đi Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Sau 4 - 5 giờ ngược dòng sông Mê Công (tùy theo con nước xuôi hay ngược), tàu cặp bến Sisowat. Lên bờ chúng tôi “bắt” xe ôm đi thuê nhà nghỉ (guest house). Giá một cuốc xe khoảng 1.000 ria (1 USD = 4.000 ria; 1.000 ria = 4.000 VND). Bạn cũng có thể thuê bao xe ôm kiêm luôn tour guide giá 10 - 15 USD/4 tiếng.

Phòng nghỉ:

Phòng nghỉ tại Phnom Penh giá trung bình từ 8 - 10 USD/ngày đêm. Các nhà nghỉ được du khách ưa chuộng như nhà nghỉ Number 9 Guesthouse, Lakeside Guesthouse, Smile Guesthouse, Sunday Guesthouse... Các khách sạn tiêu chuẩn trung bình giá từ 10 - 60 USD/ngày đêm như River Star Hotel, Star Royal Hotel, Reverside Hotel, Golden Gate Hotel...; khách sạn cao cấp giá phòng từ trên 60 đến 155 USD/ngày đêm như Intercontinental Hotel, Hotel Cambodiana, Juliana Hotel, Hotel Le Royal...

Đài Độc lập ở Phnom Penh. Ảnh: jaunted.com

City tour:

Sau khi đã “an cư”, khách hãy làm một chuyến tham quan thành phố Phnom Penh. Điểm đến đầu tiên nên chọn là Chùa Tháp (tiếng Campuchia gọi là Wat Phnom). Chùa Tháp nằm ở đầu đại lộ Norodom, một trong những con đường dài và đẹp nhất Phnom Penh, trên ngọn đồi duy nhất của thành phố. Nhìn từ đại lộ Norodom, một chiếc đồng hồ đường kính độ chừng 10 mét hiện ra trên nền dốc thoai thoải của ngọn đồi. Cạnh bên là tượng một vì vua của Campuchia. Trên đỉnh đồi là một cái tháp cao 27 mét vươn thẳng lên không trung. Bao quanh ngọn đồi là thảm cỏ và nhiều cây cổ thụ. Quanh đồi còn có nhiều ngôi chùa nằm rải rác.

Ngôi chùa đầu tiên được dựng lên ở đây vào năm 1373, thờ bốn tượng Phật do một phụ nữ tên Penh phát hiện bên bờ sông Mê Công. Hai bên rìa các bậc thang dẫn lên chùa được tạc hình con rắn thần Nâga 9 đầu. Mỗi ngày có rất nhiều người đến đây cầu nguyện Phật trời phù hộ học hành tấn tới, thi đâu đậu đấy, làm ăn phát tài... Khi lời nguyện trở thành hiện thực, người cầu nguyện mang lễ vật đến cúng tạ ơn, thường là buồng chuối, vòng hoa sen, hoa lài... Hướng Tây của chánh điện có một cái lăng to chứa tro hỏa táng của vua Ponhea Yat trị vì đất nước từ 1405 - 1467. Giữa chánh điện và lăng vua Ponhea Yat là một cái miếu nhỏ trưng bày tượng của bà Penh, đang tươi cười. Chùa Tháp đã từ lâu trở thành biểu tượng thân thương của thành phố Phnom Penh.

Cầu Chrui Changvar cách Chùa Tháp chỉ khoảng 500 mét. Du khách có thể đi bộ đến đó trong 15 phút. Cầu Chrui Changvar còn được gọi là cầu Hữu nghị Nhật - Campuchia bắc ngang qua sông Tonlé Sap rộng 700 mét. Năm 1975, cây cầu bị tàn phá gần như hoàn toàn bởi chiến tranh. Năm 1993, với sự trợ giúp của Nhật Bản, cầu Chrui Changvar được xây dựng lại khá đẹp và kiên cố. Tọa lạc gần cầu Chrui Changvar, Trường Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia có nhiệm vụ đào tạo vũ công, nhạc công nhạc cổ truyền, xiếc. Các buổi diễn tập bắt đầu từ sáng sớm. Du khách có thể yêu cầu vào xem để biết thêm về nền nghệ thuật cổ truyền của đất nước Campuchia.

Rời Trường Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia, chiếc xe ôm đưa tôi đến ngã tư giao điểm giữa hai đại lộ Norodom và Sihanouk, nơi có Đài Độc Lập, còn được gọi là Đài Chiến Thắng, vươn thẳng đứng lên bầu trời xanh trong. Đài Độc Lập được thiết kế theo lối kiến trúc cổ của đền đài ở Angkor Wat. Đài được xây dựng vào năm 1958 nhằm kỷ niệm sự kết thúc thời kỳ bảo hộ của Pháp quốc tại Campuchia năm 1953, đồng thời cũng nhằm tưởng nhớ đến những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Vào dịp lễ Quốc khánh hằng năm, người dân mang hoa quả đến đây dâng lên linh hồn những người đã khuất.

Đền vua nằm trên đại lộ Samdech Sothearos, quay mặt ra bờ sông, cách Đài Độc Lập không xa. Đó là một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy. Muốn vào tham quan thành vua, du khách phải mua vé 3 USD/ người và phải trả thêm 2 USD nếu mang theo một máy ảnh và 5 USD cho một camera.

Chùa Bạc nằm trong khuôn viên thành vua. Gọi là Chùa Bạc vì nền chùa được bao phủ bởi 5.000 thỏi bạc, mỗi thỏi nặng 1 kg! Năm 1892, dưới thời vua Norodom, Chùa Bạc được xây dựng bằng gỗ. Chùa được trùng tu lại vào năm 1962. Qua một cầu thang bằng đá cẩm thạch dẫn lên chùa, khách sẽ gặp ngay chính điện là tượng Phật bằng ngọc lục bảo đứng trên bệ màu vàng. Cạnh đó là một tượng Phật được đúc bằng vàng thật nặng 90 kg vào năm 1906 - 1907. Tượng Phật được nạm 9.584 viên kim cương, nặng 25 cara mỗi viên. Một tượng Phật thu nhỏ khác bằng vàng và bạc đặt trong khung kính có nguồn gốc từ Shrilanka. Bên phải và bên trái khung kính là hai bức tượng bằng bạc và bằng đồng nặng 80 kg. Xa hơn về bên phải là những bức tượng nhỏ bằng vàng ròng thuật lại lịch sử đức Phật. Dọc theo tường bày trí nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Campuchia. Ngoài ra còn nhiều tượng Phật, tặng phẩm, vật phẩm giá trị do các nguyên thủ quốc gia tặng cho quốc vương Campuchia được trưng bày một cách mỹ thuật và hài hòa. Một bức tranh vẽ trên tường tuyệt đẹp kể lại nền văn hóa Ramayana của Ấn Độ.

Shopping:

Chợ Mới tiếng Khmer gọi là Psar Thmây nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Phnom Penh. Đỉnh chợ Mới là một mái vòm rộng lớn tựa như một cái tháp nhiều tầng. Từ mái vòm nhô ra bốn cánh thẳng tắp. Bên trong chợ có hàng trăm kiốt bán đủ loại hàng hóa như: vàng, bạc, đồ giả cổ, đồng hồ, quần áo, đĩa DVD, thủy sản tươi sống... Đặc biệt, cổng Tây của chợ Mới nhìn ra đường Monivong có rất nhiều quầy hàng ăn uống. Giá cả ở chợ Mới hơi đắt so với các chợ khác.

Nằm trên đường Mao-Tsé-Toung (Mao Trạch Đông), Chợ Tuol Tom Pong là nơi mua sắm lý tưởng nhất nhờ hàng hóa đa dạng, giá cả hợp lý. Chợ có bán đủ loại quần áo, quà lưu niệm. Bạn cũng có thể chọn mua các loại đồ cổ hoặc giả cổ như tượng Phật, tượng gỗ, nữ trang, vải lụa, nhạc cụ. Mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt khách đến chợ mua sắm. Tại chợ này, bạn có thể tìm mua các loại y phục mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới được gia công sản xuất tại nước sở tại như quần bò, áo thun, áo sơ -mi, giày thể thao với giá chỉ bằng 10-20% giá bán ở châu Âu. Đây là nơi mua sắm lý tưởng mà du khách không nên bỏ qua.

Phnom Penh by night:

Tháng chín khí trời về đêm khá mát mẻ, nhất là sau cơn mưa chiều. Sau bữa ăn chiều, du khách có thể vi vu khám phá thành phố Phnom Penh về đêm.

Du khách yêu thích nghệ thuật có thể thưởng thức chương trình múa ba lê truyền thống Hoàng gia Khmer, múa dân gian Khmer... tại nhà hát Chatomuk cạnh bờ sông Sisowat, Hội quán Văn nghệ Apsara, Hội quán Nghệ thuật Sovanna Phum trên đường số 360... Các vũ công hầu hết được đào tạo từ Trường Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia. Giá vé vào cửa từ 3 đến 5 USD người.

Thành phố Phnom Penh có khá nhiều nhà hàng, bar, Discortheque. Nổi bật nhất là Riverhouse Restaurant & Lounge, Heart of Darkness, Manhattan Club... Giá một chai bia từ 3 đến 5 USD. Quán Snack-Bar l’Asiate nằm tại số 54 đường 118 là nơi gặp gỡ khá ấm cúng. L’Asiate do ông Maurice Rédié, mang hai dòng máu Pháp Việt làm chủ. Bar được trang bị máy lạnh và một màn hình to phát chương trình ca nhạc Pháp. Bia giá 1,5 USD chai.

Rời quán bar sau vài chai bia, du khách tiếp tục hành trình “Phnom Penh by night” bằng một suất massage truyền thống Khmer. Sau khi tháo giày, dép đặt vào kệ gỗ, bạn sẽ được nhân viên massage dùng khăn lau rửa chân với nước ấm khoảng 5 - 10 phút. Massage chính thức được làm trong phòng máy lạnh khá rộng với 5 - 6 tấm nệm đơn phủ khăn trải nệm trắng tinh đặt trên mặt sàn gỗ sạch sẽ. Phòng được chiếu sáng bởi bóng đèn đỏ mờ trong tiếng nhạc êm dịu nhẹ nhàng phát ra từ hệ thống loa trên trần. Nhân viên massage trong đồng phục xà rông áo sơ -mi ngắn tay điêu luyện xoa bóp tứ chi, thân trước, lưng và đầu, mặt. Bạn được chọn dầu massage hay bột massage tùy thích. Thời gian cho một suất là 60 phút, giá 5 USD cộng thêm 1 - 2 USD tiền boa cho nhân viên.

Sau hai đêm ba ngày tại Thủ đô Phnom Penh, trước khi xuống tàu cao tốc về lại Việt Nam, du khách đừng quên thưởng thức món hủ tiếu Nam Vang- đặc sản của xứ Chùa Tháp. Hủ tiếu Nam Vang được bán khắp thành phố Phnom Penh. Giá một tô hủ tiếu Nam Vang phổ biến là 4.000 ria, tức 1 USD. Hủ tiếu Nam Vang được du nhập vào Việt Nam từ khá lâu và rất được thực khách ưa chuộng dù cách chế biến có ít nhiều thay đổi so với nơi xuất xứ.


(Theo ĐÀO DUY HÒA/Cần Thơ online)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • 8 cây cầu nổi tiếng nhất thế giới
  • Những điều thú vị chỉ có ở Trung Quốc
  • Những kì quan thiên nhiên kì thú trên thế giới
  • Amsterdam - mùa không hoa tulip
  • 10 tòa nhà lạ lùng nhất thế giới
  • Một thành phố yên tĩnh giữa châu Âu
  • Vẻ đẹp kỳ vĩ của các hẻm núi khổng lồ
  • “Vũ điệu cuối cùng” của đấu sĩ bò tót Catalonia?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com