Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bắc Úc – miền đất hoang dã - Kỳ 1: Darwin – thành phố phục sinh

Mang tên gọi Top End (đỉnh cuối) cách Việt Nam độ năm giờ bay từ TP.HCM, thủ phủ của vùng lãnh thổ Bắc Úc – Darwin mang đậm nét Á Đông. Lãnh thổ Bắc Úc tập trung rất nhiều công viên, mỗi công viên là một thế giới tự nhiên kỳ vĩ, hoang sơ như chưa có dấu chân người hay là bảo tàng lưu giữ những dấu tích thời tiền sử

Kỳ 1: Darwin – thành phố phục sinh

Nét vắng vẻ thường thấy ở thành phố Darwin – thủ phủ Bắc Úc. Ảnh: Thiên Ý

Đến Darwin du khách thường được nghe câu chuyện bão Tracy với sức gió hơn 280km/h xảy ra đúng dịp lễ Giáng sinh năm 1974 gần như đã huỷ diệt thành phố này. Cơn bão Tracy đã phá huỷ toàn bộ nhà cửa, thành phố ngập chìm trong đổ nát tưởng như không gì vực dậy nổi

Kể từ sau đó, Darwin bước vào thời kỳ kiến thiết, xây dựng lại toàn bộ thành phố. Với số dân hiện nay là 120.000 người, trong đó có khoảng 300 người Việt, thủ phủ lãnh thổ Bắc Úc này vẫn được xem là một “vùng quê” hẻo lánh nếu so với Melbourne, Brisbane hay Sydney.

Thành phố “ngủ trưa”

Ở Darwin là không có khái niệm “người nước ngoài” bởi sự đa dạng về văn hoá, chủng tộc, cũng như lối sống của người dân. Cuộc sống ở Darwin có gì đó chậm rãi, nhàn hạ, những con đường chính ngay trung tâm Darwin như Mitchell, Smith, Esplanade, Cavenagh… bao giờ cũng thưa thớt người qua lại. Chỉ cần nửa ngày đi bộ là đã khám phá hầu hết những điểm chính ở trung tâm thành phố, từ trung tâm mua sắm đến các điểm tham quan như toà nhà Nghị viện, nhà thờ cổ Christchurch – bị bão Tracy tàn phá, cảng Darwin… Một điểm nhấn thú vị khi đến Darwin là tham quan viện Bảo tàng và phòng triển lãm nghệ thuật lãnh thổ Bắc Úc trên đường Conarcher gần vịnh Fannie. Nơi đây trưng bày rất nhiều bộ sưu tập nghệ thuật độc đáo của người thổ dân và một khu vực dành riêng trưng bày về những tàn tích của cơn bão Tracy, gồm hình ảnh, hiện vật, đến những âm thanh ghê rợn được ghi lại từ cơn bão.

Thành phố Darwin bị phá huỷ hoàn toàn sau cơn bão. Ảnh: TL

Bão Tracy làm chết 71 người, 650 người bị thương, 47.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão, 41.000 người mất nhà cửa, 35.362 người phải di tản, 5.000 ngôi nhà biến mất. Mọi cơ sở hạ tầng, điện, nước, thông tin, vệ sinh… đều bị phá huỷ. Trong số 11.200 ngôi nhà của toàn thành phố Darwin, hơn 80% nhà bị sập hoặc hư hại rất nặng. Sức gió đo được từ trạm sân bay Darwin là 217km/h, ngay sau đó trạm đo này bị sức gió phá hỏng.

Chiều xuống, ra bến tàu trên vịnh Cullen  – nơi các du thuyền buông mình đón khách để làm một chuyến đi dọc ven biển ngắm nhìn thành phố Darwin trong hoàng hôn xuống dần trong vẻ bình yên, nhấm nháp ly vang Úc cùng những sản vật của vùng biển địa phương để khép lại một ngày rong ruổi thực là điều thú vị.

Darwin ngày càng có nhiều du khách tìm đến, chủ yếu trong số đó đến từ Đức, New Zealand và người Úc ở các thành phố lớn, cả những du khách Việt Nam cũng đến nơi này kể từ khi Darwin được chọn làm điểm trung chuyển từ TP.HCM đến các vùng khác của nước Úc trên chuyến bay giá rẻ. Mọi người muốn đến nơi này tìm sự yên bình, vắng vẻ của Darwin cho những ngày nghỉ, và Darwin cũng là bước nghỉ chân để chuẩn bị cho những ngày dài khám phá vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên vùng Bắc Úc trong những công viên quốc gia, khu bảo tồn nổi tiếng không chỉ riêng nước Úc mà cả thế giới.

“Ngày tận thế”

Đó là ngày 25.12.1974, cả thành phố vào mùa Giáng sinh yên bình rồi tai hoạ ập đến. Cơn bão Tracy đã tạo nên một cuộc di dân lớn nhất của lãnh thổ Bắc Úc trong thời bình, tổng số người di tản 35.362 người, so với dân số Darwin khi ấy là 47.000 người, năm ngày sau cơn bão, Darwin chỉ còn lại 10.000 người. Cơn bão khiến hầu hết cư dân thành phố rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay.

Chính quyền thành phố đã chi 300 triệu đô la Úc xây dựng lại hệ thống nhà cửa, đường sá, cầu cống. Và việc tái thiết thành phố Darwin một cách nhanh chóng cũng là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nước Úc.

Darwin hôm nay không có kiến trúc cổ xưa nào còn sót lại, tất cả đã bị san phẳng, chỉ còn lại tàn tích của cơn bão là những vách tường sụp đổ, như toà nhà Nghị viện, nhà thờ cổ Christchurch, những dấu tích đổ nát ấy hiện là điểm tham quan cho du khách. Với riêng người dân Darwin, những tàn tích ấy cũng là mốc đánh dấu lịch sử của thành phố sang trang mới.

Muốn có một cái nhìn và hình dung gần gũi nhất với thảm hoạ Tracy, viện Bảo tàng và phòng triển lãm nghệ thuật lãnh thổ Bắc Úc trên đường Conarcher gần vịnh Fannie  ở trung tâm thành phố Darwin, dành hẳn một khu vực trưng bày chuyên đề về những tàn tích của cơn bão, gồm hình ảnh hoang tàn của thành phố, hiện vật là những mảnh kim loại bị sức gió vặn móp méo, những âm thanh ghê rợn được ghi lại từ cơn bão. Nhiều bài viết của báo chí nói về giai đoạn tồi tệ nhất của người dân Darwin sau cơn bão. Từ đống đổ nát, thật khó mà hình dung chỉ không lâu sau Darwin đã được tái thiết trở thành một thành phố trẻ nhất Úc với những sự đa dạng trong lối sống, văn hoá của nhiều cộng đồng người khắp nơi trên thế giới tụ về.

( Theo Thiên Ý // SGTT Online)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Bắc Úc – miền đất hoang dã - Kỳ 2: Vương quốc của loài sấu
  • Những điểm đến đáng sợ nhất thế giới
  • 20 sòng bạc lớn nhất thế giới
  • Thụy Sĩ - xứ sở thiên đường của du lịch sinh thái
  • Nam Phi và những thảm hoa hút hồn du khách
  • Hang động Jenolan, Australia - Hang động cổ nhất thế giới
  • Lễ hội heo ở Philippines
  • Guốc gỗ Geta - Nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com