Du khách đang ngồi ngắm tượng vua Ramses đệ nhị khổng lồ trước cửa đền Abu Simbel. |
Có lẽ nhiều người từ thuở nhỏ khi lần đầu đọc những trang sử thế giới có nhắc đến Ai Cập với Kim Tự Tháp, với các xác ướp đều ước muốn được nhìn tận mắt dù chỉ một lần. Nhưng rồi vì công việc bề bộn, vì vùng đất đó xa xôi và có nền văn hóa khác biệt nên ít ai thực hiện được ước muốn của mình.
Tôi thử làm một chuyến đi du lịch thăm vùng đất Pharaon (cách gọi vua Ai Cập cổ) cấp tốc theo cách của người bận rộn trong bốn ngày.
Vì không có nhiều thời gian nên trước tiên tôi phải nghiên cứu qua sách, qua các mạng du lịch trên Internet để xác định những nơi nào mình cần đến.
Du lịch Ai Cập nói chung có bốn chủ đề chính. Hai chủ đề liên quan đến lịch sử là Ai Cập thời Pharaon, và Ai Cập thời La Mã- Cleopatre. Chủ đề kế tiếp là thám hiểm sa mạc (sa mạc Sahara chiếm khoảng hai phần ba diện tích quốc gia này). Và chủ đề cuối cùng là biển (Hồng Hải hoặc Địa Trung Hải). Tôi quyết định chọn chủ đề Pharaon vì lẽ đơn giản: đó là nét độc đáo nhất trong nhiều điều độc đáo ở Ai Cập.
Sau đó tôi tìm mua vé máy bay giá rẻ, điều này cũng không dễ. Không biết vì lý do gì các đại lý vé ở Việt Nam có rất ít sự lựa chọn cho khách muốn đi Cairo (thủ đô Ai Cập). Cuối cùng tôi cũng đạt được điều đó từ chuyến bay đến Cairo qua ngõ Bangkok bằng Egypt Air.
Ngày 1: Xác ướp Ai Cập
Máy bay từ Bangkok đến Cairo rất sớm (6 giờ sáng) nhưng đã thấy đại diện các công ty du lịch đứng đón khách khắp nơi. Phương tiện giao thông ở Cairo, đặc biệt là taxi, khá phức tạp, đòi hỏi người đi phải có kỹ năng “trả giá, kỳ kèo”. Do vậy cách tốt nhất là đặt trước một tour trọn gói qua công ty du lịch ở Cairo hay ít nhất là đặt trước dịch vụ đón tại sân bay.
Ai Cập là một điểm du lịch nổi tiếng cả mấy trăm năm rồi nên có rất nhiều công ty du lịch cạnh tranh nhau và do vậy giá dịch vụ ở đây cũng rất phải chăng. Một tour trọn gói khoảng năm, sáu ngày có giá 400-600 đô la Mỹ tùy số lượng người.
Đến Cairo chuyện đầu tiên là phải “diện kiến” Kim Tự Tháp Giza. Quần thể này nằm cách trung tâm thành phố Cairo chỉ khoảng 5 ki lô mét. Đó cũng chính là ranh giới giữa sa mạc Sahara và khu dân cư. Giá vé vô khu vực có ba Kim Tự Tháp lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới này là 60 L.E. (tiền Ai Cập), tương đương khoảng 200.000 đồng. Nhưng nếu muốn đi vào bên trong Kim Tự Tháp thì phải mua thêm một vé nữa với giá khoảng 100.000-150.000 đồng tùy theo Kim Tự Tháp mình muốn “bò” vào.
Một góc đền Karnak vĩ đại ở Luxor. |
Muốn diện kiến thật sự Pharaon thì phải đến bảo tàng quốc gia. Trong bảo tàng có hơn một chục xác ướp được lưu trữ, nhưng để vô đây thì phải trả thêm 100 L.E. (khoảng 360.000 đồng) ngoài tiền vé vào cửa là 50 L.E. (180.000 đồng). Nhưng thật ra báu vật có thể làm bạn “toát mồ hôi lạnh” chính là chiếc mặt nạ vàng của Pharaon Tutankhamun (được xem miễn phí!).
Ngay tối đó tôi ra ga để lên chuyến xe lửa 18 giờ 30 đi về thành phố Luxor nổi tiếng, cách Cairo khoảng 750 ki lô mét.
Ngày 2: Thung lũng các vị vua
Xe lửa Cairo đến Luxor vào 5 giờ 30 sáng. Từ đây nếu đón xe đến thẳng “Thung lũng các vị vua” mất khoảng 45 phút vừa kịp giờ mở cửa bán vé vào khu di tích. Luxor là thành phố lâu đời trên nền cố đô của Ai cập cổ đại là Thebes. Sau hơn 4.000 năm, Luxor ngày nay vẫn là một thành phố nhỏ với vỏn vẹn 400.000 dân bên bờ đông sông Nile.
Phía bên bờ tây là những dãy núi đá trơ trọi. Một trong những thung lũng giữa những rặng núi ấy là nơi các Pharaon ngày xưa đã chọn làm nơi yên giấc ngàn thu. Đó là “Thung lũng các vị vua”, nơi hầu hết các xác ướp Ai cập huyền thoại được tìm thấy. Một địa điểm không thể bỏ qua đối với những ai muốn đến Ai cập chiêm ngưỡng Pharaon.
Ngay ở con đường dẫn vào thung lũng là ngôi nhà mà vào những năm 1920 nhà khảo cổ Howard Carter đã sống trong thời gian tìm tòi và khám phá ra khu mộ nổi tiếng của vua Tutankhamun. Cuộc khám phá gây tiếng vang thế giới không chỉ vì kho báu với hơn 5.000 hiện vật bên trong mà còn vì sau đó lần lượt các thành viên trong đoàn thám hiểm đã qua đời làm dấy lên huyền thoại về lời nguyền của Pharaon. Chính vì thế vé vào “Thung lũng các vị vua” là 80 L.E. (290.000 đồng) nhưng nếu muốn tham quan hầm mộ Tutankhamun phải trả thêm 320.000 đồng nữa.
Thung lũng với những hầm mộ được xây dựng vùi sâu trong lòng đất cát đá sa mạc với hàng ngàn những hình chạm khắc nói về cuộc sống và cái chết. Những hình hài được tạo ra cách nay hàng ngàn năm vẫn còn rõ mồn một, kể cả màu sắc, quả là ấn tượng có một không hai. Với tôi cảm xúc mà thung lũng đem lại còn mạnh hơn cả quần thể kim tự tháp Giza.
Tôi gói gọn chuyến tham quan Luxor trong một ngày để buổi chiều lên xe đi dọc bờ sông Nile xuôi 200 ki lô mét về phía Nam đến với một thành phố nổi tiếng không kém: Aswan.
Ngày 3: Xuyên sa mạc tìm Pharaon
Về Aswan, thành phố lớn tuổi hơn cả “Thung lũng các vị vua”, có quá nhiều điều để nói. Nào đây là thành phố quan trọng mà hàng ngàn năm trước nằm trên con đường thương mại (một loại con đường tơ lụa) nối liền châu Phi và Ấn Độ. Nào là ở đây vào đầu thế kỷ 20 thực dân Anh đã xây đập nước dài nhất thế giới thời bấy giờ để trị thủy sông Nile. Rồi vào những năm 1960 với sự giúp sức của Liên Xô, chính quyền Ai Cập xây tiếp một trong những đập cao nhất thế giới mang tên High Dam (Đập Cao) để điều hòa nước sông Nile một lần nữa. Rồi thì cũng ở đây nhà văn nữ bậc thầy về truyện trinh thám Agatha Christie đã ở hàng mấy tháng liền để viết ra “Cái chết trên sông Nile” vang dội.
Người đàn ông Ai Cập đang đứng trong đền Philae ở Aswan. Chụp một tấm ảnh như thế này là phải mất vài đô la tiền “típ”. |
Nhưng sau một ngày ở Aswan tôi nhớ nhất hai điều. Trước hết là vẻ đẹp của đoạn sông Nile chảy qua địa phận này. Một bên bờ là thành phố, còn bên kia là những đụn cát sa mạc Sahara. Đứng ở đây mà ngắm sông sẽ cảm nhận được sức mạnh của dòng nước sông Nile xanh biếc đã ngăn chặn sự xâm lấn của sa mạc. Điều ấn tượng thứ hai là đền Abu Simbel.
Thật ra Abu Simbel nằm giữa sa mạc, cách Aswan đến 290 ki lô mét. Nhưng muốn đến đây thì cửa ngõ gần như duy nhất là qua Aswan. Hàng ngày vào lúc 4 giờ sáng tất cả xe du lịch chở khách đi Abu Simbel từ Aswan phải tập hợp lại để cùng đi dưới sự hộ tống của đoàn xe cảnh sát. Đoàn xe chạy suốt 3 tiếng trên con đường nhựa độc đạo ngoằn ngoèo, xuyên sa mạc cát trắng. Đến nơi du khách chỉ được khoảng hai tiếng để tham quan và phải quay về đoàn xe để trở về Aswan.
Abu Simbel là một ngôi đền khổng lồ được xây trong ngọn núi đá màu vàng ươm nằm giữa sa mạc cát vàng bên cạnh hồ Nasser xanh biếc. Đến đây khi mặt trời vừa lên chiếu một màu vàng rực rỡ lên bốn bức tượng cao 33 mét của vua Ramses đệ nhị ngồi ngay trước cửa đền, du khách sẽ được chứng kiến một bức tranh huyền thoại.
Vậy là quá đủ cho chuyến đi vượt sa mạc gần 600 ki lô mét, chứ không cần phải nhắc đến bốn pho tượng thần huyền bí bên trong đền mà một năm chỉ một lần đúng vào ngày sinh của vua Ramses đệ nhị ánh mặt trời mới lọt vào được để chiếu sáng. Hay cũng không cần nhắc đến ngôi đền khổng lồ khác là Hathor ngay bên cạnh mà vua Ramses đệ nhị làm tặng vợ mình.
Ngày 4: Sắc màu Ai Cập
Chuyến xe lửa du lịch từ Aswan đi suốt đêm để đến Cairo vào 8 giờ 30 sáng kịp cho tôi còn trọn một ngày để khám phá Cairo trước khi đáp chuyến bay 23 giờ về Bangkok.
Nếu muốn chuyến thăm Pharaon trọn vẹn, du khách được khuyên nên chọn đến Sakara, khu lăng mộ cổ xưa nhất của các Pharaon cách Cairo 19 ki lô mét. Sakara có kim tự tháp bậc thang, cái đầu tiên trong số tổng cộng 117 kim tự tháp được khám phá cho đến thời điểm này. Sakara có ngôi mộ lớn nhất được khám phá với hơn 30 phòng. Sakara là nơi các nhà khảo cổ đã tìm được số lượng hiện vật nhiều nhất, hơn bất cứ nơi nào ở Ai Cập. Một điều làm cho Sakara trở nên thú vị là cả khu vực này hiện nay vẫn có rất nhiều công trình khai quật khảo cổ đang tiếp diễn.
Một góc chợ Khan Al- Khalili đặc trưng bởi sự hổn loạn của màu sắc và âm thanh. |
Nhưng cái đáng nhớ nhất trong ngày cuối cùng này là chợ Khan Al-Khalili ở khu Hồi giáo. Không phải vì chợ nằm trong khu vực có nhiều đền đài thời Trung cổ mà vì ở đây đặc trưng cho cách ăn nói, buôn bán của người Ai Cập. Đó là khu chợ đầy đủ sắc màu và tràn ngập khách du lịch giữa những âm thanh la lối, chèo kéo.
Chuyện mua bán chèo kéo, nói thách ở Ai Cập là chuyện dài và được các cư dân trên mạng xếp vào nơi chèo kéo nhất thế giới. Đơn giản thế này, tôi đã từng mua một bức tranh bằng giấy papyrus (một trong những loại giấy làm từ cây papyrus cổ xưa nhất của nhân loại) trong một cửa hàng với giá 40 đô la Mỹ và sau đó mua của một người bán rong với giá một đô la mà vẫn thấy hớ. Và dù cho bạn đã biết giá trị của vật muốn mua, nhưng khi bước vô một cửa hàng để được mua đúng giá ấy, bạn cũng phải chịu mất vài chục phút nghe người bán chèo kéo, ỉ ôi.
Chuyến đi kéo dài đúng bốn ngày và theo lời một người hướng dẫn du lịch là tôi đã chứng kiến gần hết những di tích quan trọng liên quan đến Pharaon. Đường từ Cairo ra sân bay đi qua “Thành phố của người chết” là khu dân cư và nghĩa trang lẫn lộn với những chóp vòm lăng mộ xen lẫn nhà cửa mang một màu sắc đặc trưng độc đáo của Ai Cập.
Là một người bận rộn bạn hoàn toàn có thể đến đây để thỏa giấc mơ Kim tự tháp - Pharaon. Thực vậy, vì chỉ riêng khu “Thành phố người chết” cũng có thể để lại dấu ấn sâu đậm rồi.
(Theo Trần Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com