Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảm nghiệm hành hương Đất Thánh

"Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường,
Đường đưa ta đi lên đền Chúa ta.
Lòng hân hoan ta hòa chung tiếng hát nhịp nhàng,
Vui hát mừng Danh Chúa cứu độ ta...".

Đó là tâm tình nô nức trong lời một bài hát của Lm. Thành Tâm. Trong chuyến hành hương từ ngày 10-17/5/2009 vừa qua, cùng với hàng ngàn khách hành hương từ khắp Năm Châu, và đặc biệt cùng với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong dịp Ngài viếng thăm Đất Thánh lần đầu tiên, nhóm 39 người từ nhiều giáo phận Việt Nam (trong số đó có chị Duyên Hường, FMM) đã ngập tràn niềm vui tiến bước về Thành Thánh Giêrusalem.

Tạ ơn Thiên Chúa vì đây là cơ hội để mỗi người được ngắm nhìn tận nơi những dấu tích mà chính Chúa Giê-su, Mẹ Maria, thánh Giu-se, các thánh Tông đồ, các Tổ phụ đã sinh sống. Sau đây là một vài chia sẻ của chị Duyên Hường về hành trình theo bước chân Chúa Giê-su tại vùng Đất Thánh. Những cảm nghiệm này cũng có thể giúp chúng ta sống xác tín hơn trong hành trình đức tin nối gót theo Chúa của mình.

 alt
Thành phố Tel Aviv

Chuyến bay ngày lên đường đưa Đoàn hành hương đến Tel Aviv, thành phố lớn nhất của Israel. Cảm tạ Chúa đã gìn giữ tất cả hành khách đến nơi an toàn sau 12 giờ bay. Đoàn hành hương về nghỉ tại Khách sạn Seven Arches, thuộc vùng Núi Cây Dầu gần Giêrusalem. Sáng hôm sau mọi người đến thăm Cánh Đồng Chiên. Theo tục truyền Cánh Đồng Chiên nằm phía đông Bêlem, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi về nông nghiệp của vùng Giuđêa. Đây là nơi "Tháp của Đàn Chiên", được đề cập trong sách Mica 4:8 và cũng là nơi xuất hiện một vị thống lãnh Israel, Đấng Cứu Độ mà Mica 5:1 đề cập tới. Trên cánh đồng này, các Thiên Thần đã báo tin cho các mục đồng. Đoàn hành hương đã tham dự Thánh lễ đầu tiên tại Cánh Đồng Chiên này do ba vị Linh mục đồng tế: hai Cha thuộc  giáo phận  Phan Thiết, một Cha thuộc giáo phận NhaTrang.

alt

Sau Thánh Lễ, Đoàn tiến về núi Cây Dầu, nơi đây có thể nhìn ngắm toàn cảnh Giêrusalem. Núi Cây Dầu là một trong số những địa danh quan trọng xung quanh Giêrusalem, nơi Chúa Giê-su thường lui tới. Ngay triền dốc Núi Cây Dầu là nghĩa trang người Do Thái, một nghĩa trang cổ nhất và lớn nhất thế giới. Đoàn viếng thăm nhà nguyện Chúa Thăng Thiên. Từ thế kỷ thứ IV sau công nguyên, nhiều nhà thờ được xây dựng trên đỉnh núi để tưởng nhớ việc Chúa Giê-su về trời. Mái nhà nguyện là một vòm mở che chắn tảng đá có "Dấu Chân của Chúa" rất rõ. Dấu Chân này là dấu tích biểu lộ Chúa Giê-su lên trời từ nơi đây. Sau đó Đoàn lại được đưa tới thờ Kinh Lạy Cha. Trên bức tường dọc theo hành lang nhà thờ là các phiến gạch men rất đẹp trình bày các bản kinh Lạy Cha bằng 62 ngôn ngữ (có cả tiếng Việt). Trên đường đi xuống từ Núi Cây Dầu đến Giêrusalem là ngôi Nhà Thờ khóc thương Thành do các Cha dòng Phanxicô quản lý với lối kiến trúc độc đáo, có mái vòm hình dạng như là giọt nước mắt. Nhà thờ có gian cung thánh nhìn thẳng vào thành Giêrusalem giống như xưa kia Chúa Giê-su đã nhìn vào và khóc thương Thành(Lc19, 40-41).

alt
Vườn Ghetsemaini

Tại chân núi Cây Dầu, phía trên của thung lũng Kidron, khu vừơn Ghetsemani được bao phủ đầy cây Ôliu cổ thụ và Động Ghetsemani. Chúa Giê-su đã trải qua những giây phút cô đơn vào cuối đời và bị bắt ở gần đây. Ngày nay khách hành hương đến khu vườn này để kính viếng ương Cung Thánh Đường Ghetsemani, một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất ở Giêrusalem được xây vào năm 1919-1924. Ngay trước gian cung thánh có một tảng đá khổng lồ quen gọi là Tảng Đá Hấp Hối, nơi mà Chúa Giê-su đã quỳ trong lúc hấp hối, rồi có Hang Phản Bội và Hang đá Ghetsemani. Đây là quang cảnh mà các Tông Đồ ngủ, nơi Chúa Giê-su bị Giuđa phản bội và bị bắt. Em nhớ lại lời Chúa than: "Các con không thể thức một giờ với Thầy sao?"( Mt 26,40) và thầm thĩ với Ngài: "Xin cho con biết từ bỏ những gì làm Chúa buồn lòng và biết làm vui lòng Chúa bằng việc thực hành tính hèn mọn và tự hủy trong đời sống hằng ngày...". 

alt
Thung lũng Kidron

Đoàn tiến đến nhà thờ Đức Mẹ Ngủ, toạ lạc ngay dưới chân núi Cây Dầu trong thung lũng Kidron. Tục truyền rằng đây là nơi có đặt mộ của Đức Trinh Nữ Maria được chạm khắc từ những tảng đá để kính nhớ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Các Kitô Hữu Chính Thống đã xây dựng và duy trì ngôi nhà thờ mới ngay trên nền kiến trúc cổ của những nhà thờ trước đó. Lũng Kidron ngăn cách Núi Cây Dầu và Thành Cổ Giêrusalem. Đây là lối dẫn đến Núi Sion nơi mà Nhà Tiệc Ly và Nhà của Cai-pha tọa lạc. Thung lũng Kidron là thung lũng đầy nước mắt. Xưa kia Vua Đavít và đoàn tùy tùng qua thung lũng đã khóc vì bị con trai của vua đuổi ra khỏi thành Giêrusalem. Khoảng 1000 năm sau, Chúa Giê-su cũng đi qua thung lũng này nhưng chỉ một mình không ai theo cả, các môn đệ đã bỏ Chúa chạy trốn hết. Chúa Giê-su bị quân dữ điệu qua thung lũng như một tên tử tội, như con chiên bị đưa tới lò sát sinh.

alt
Núi Sion

Ngày tiếp theo đoàn thăm viếng Núi Sion ở phía tây nam của thành phố cổ, Phòng Tiệc Ly là nơi Chúa Giêsu tổ chức ăn lễ Vượt Qua cuối cùng với các tông đồ, thờ Đức Mẹ Ngủ đánh dấu nơi Đức Trinh Nữ đi vào "Giấc Ngủ Ngàn Thu". Chiều đến, đoàn thăm Đền thờ thánh Phêrô còn gọi là nhà thờ Con Gà. Đây là ngôi nhà thờ công giáo nhìn xuống thung lũng Kidron, do các cha Dòng Âu-tinh xây vào năm 1931, trên mảnh đất nhà Thượng Tế Cai-pha. Chính nơi đây Phêrô đã khóc khi gà gáy đúng như lời Chúa Giêsu tiên báo. Phong cảnh rất đẹp, em chiêm ngắm cảnh tượng Phêrô chối Chúa, ánh mắt Ngài vẫn nhìn người môn đệ đầy lòng trìu mến. Tuy không nói lời nào nhưng chính ánh mắt yêu thương và đau buồn của Chúa có một năng lực biến đổi Phêrô, ông đã ăn năn hối cải. Và em tự hỏi : "Còn tôi thì sao???" Đi xuống cổng thành là nhà thờ Cai-pha thuộc Giáo Hội Armêni. Tiếp đến là thành cổ Giêrusalem, nơi có bức tường Than Khóc mà người Do Thái thường đến cầu nguyện, khúc tường hầu như còn y nguyên của thời xưa. Được dừng lại đây 15', em lặng yên nguyện cầu và rồi cuộn nhỏ những lá thư của chị em gởi nhét nơi các kẽ đá.

Ngày thứ tư, đoàn rời khách sạn lúc 6 giờ sáng đến quảng trường Bêlem để tham dự thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cử hành lúc 10 giờ. Thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ: La tinh, Anh, Pháp, Ả Rập, Tây Ban Nha... Sau lễ, Đoàn đến viếng Vương Cung Thánh Đường Giáng Sinh,  được  xây dựng tại nơi Chúa Giêsu ra đời. Phía đông của hang là một hốc đá lõm vào, ngay đó là một ngôi sao bạc thật đẹp chỉ rõ nơi Chúa Giêsu được hạ sinh, ngôi sao gồm 14 cánh với hàng chữ La Tinh tạm dịch là "Chúa Giêsu Kitô, Con Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, chào đời nơi đây". Phía trên ngôi sao là một mảnh của bức khảm đá Mosaic từ thời Thập Tự Chinh khắc hoạ mầu nhiệm Giáng Sinh. Gần hốc đá là Máng Cỏ Thánh đẽo bằng đá và trang trí xunh quanh là những dải cẩm thạch, gần đó là bệ thờ Ba Vua. Khoảng 15 phút đi bộ, Đoàn đến "Milk Grotto" do Dòng Phanxicô quản lý. Trong hang có một tảng đá màu trắng đục. Tục truyền rằng Đức Mẹ đã ẩn náu nơi đây trước khi trốn sang Ai Cập. Trong lúc cho Hài Nhi Giêsu bú thì những giọt sữa rơi trên nền, tạo thành phiến đá. Gần đây có một cộng đoàn FMM, em rất vui mừng gặp các chị và cùng tham dự thánh lễ do ĐGH cử hành.

alt

Ngày thứ năm   Đoàn đến Kerem, thuộc vùng Giuđêa nằm phía tây của Giêrusalem. Đây chính là nơi mà Êlizabeth và Zachariah đã sinh sống. Trung tâm làng là cái giếng, tục truyền rằng Đức Maria gặp Elizabeth tại đây. Có rất nhiều nhà thờ và Đan viện trong và quanh vùng Ein Karem. Đoàn đến viếng nhà thờ thánh Gioan được xây chính nơi mà thánh Gioan Tẩy Giả lãnh nhận bí tích Rửa tội.. Chung quanh sân nhà thờ là các bản kinh Benedictus được viết bằng nhiều ngôn ngữ, cả tiếng Việt. Đoàn cũng viếng nhà thờ Thăm Viếng thuộc dòng Phan Sinh quản lý. Các bản kinh Magnificat bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau được gắn quanh sân nhà thờ. Một trong những nơi mà Đoàn sùng mộ nhất là đi Chặng Đường Thánh Giá ở Giêrusalem, viếng Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh. Sau đó Đoàn đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, nơi Chúa Giêsu gặp Gia-kêu, mất hơn 2 tiếng xe buýt. Khoảng 12 giờ Đoàn tiến về Biển Chết ở phía Đông của Israel, phía tây của sông Giođan, là vùng trũng nhất thế giới so với mực nước biển. Chính độ mặn khủng khiếp khiến người ta cứ tưởng không có bất kỳ loài sinh vật nào có thể tồn tại được trong hồ nên nó được mang danh là Biển Chết. Tuy nhiên từ xa xưa chính độ mặn cao này khiến Biển Chết thành địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch và những người muốn chữa các bệnh nan y...

Ngày thứ sáu Đoàn tiếp tục hành trình hướng về Jaffa, phía Tây Giêrusalem dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Jaffa là một trong những thành phố cổ nhất của Đất Thánh, Jaffa gắn liền với Tel Aviv, là thành phố hiện đại của người Do Thái. Sau đó Đoàn lại thăm miền Bắc Đất Thánh, đến thành Carphanaum, nơi giữ một vai trò then chốt trong cuộc đời Chúa Giê-su. Sau khi chịu Phép Rửa và ông Gioan bị bắt, Chúa Giê-su đã chọn nơi đây làm trung tâm thừa tác vụ của Ngài. Từ nơi đây Chúa Giê-su đã đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa khắp các thành và làng mạc vùng Galilê. May mắn thay em gặp Cha Bề Trên Cộng đoàn OFM tại đây. Ngài dẫn em đi một vòng và giải thích thêm rằng Hội Đường mà em đang nhìn thấy được xây dựng ngay trên nền Hội Đường xưa từ thế kỷ I A.D... Bên cạnh đó là ngôi nhà của Phêrô.

Tiếp đến Đoàn viếng Núi Bát Phúc, nơi Chúa Giêsu tuyên bố Hiến Chương Nước Trời. Ngài đã giảng Tám mối Phúc ở vị trí tuyệt đẹp trên quả đồi phía bắc của vùng biển Galilee. Ngày nay nơi đây là nhà thờ công giáo hình bát giác tượng trưng cho Bát Phúc, với tu viện, nhà nghỉ do các cha dòng Phanxicô cai quản. Cha xứ Chánh Toà Phan Thiết đã giải thích tất cả những hàng chữ bằng tiếng La tinh trong nhà thờ. Chúa gọi chúng ta là những kẻ được chúc phúc ngay khi ở trần gian nếu chúng ta đi theo con đường Chúa đã vạch ra, con đường dẫn đến hạnh phúc thật. Tiến về Tabgha là một vùng màu mỡ trải dọc theo hướng tây bắc bờ biển Galilê. Tabgha bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Heptapegon, có nghĩa là 7 con suối. Một nhà thờ công giáo toạ lạc nơi đây, Nhà Thờ Hoá Bánh Ra Nhiều do Đan viện dòng Benedictine cai quản. Nhà thờ hiện nay vẫn còn lưu giữ được vài mảng sàn bằng nghệ thuật khảm đá màu, là một trong những mảng sàn đẹp nhất của vùng Đất Thánh. Hình ảnh ấn tượng nhất nơi gian cung thánh là giỏ bánh và 2 con cá, kính nhớ Chúa Giêsu đã làm phép lạ tại đây.
Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Ngài ở Galilê và cũng kết thúc tại đây. Phía tây bắc bờ biển là nhà thờ Quyền Tối Thượng Thánh Phêrô. Vào năm 1933 các cha dòng Phanxicô đã cho xây dựng nhà thờ ngay nơi Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các môn đệ và trao quyền cho Phêrô chăn dắt Hội Thánh. Một tảng đá phẳng được gọi là Bàn của Chúa, đánh dấu nơi các môn đệ dùng bữa với Chúa bên bờ hồ xưa kia. Phiến đá này đã từng đặt trong ngôi nhà thờ cổ và nay được đặt ngay gian cung thánh của nhà thờ mới. Cha bề trên OFM chia sẻ rằng ĐGH Phaolô VI có viếng thăm năm 1964, ĐGH Gioan Phaolô II viếng thăm năm 2000, còn Đức Bênêđictô XVI thăm Đất Thánh năm nay chưa ghé qua. Sau đó Đoàn đi du thuyền biển hồ Galilê. Chính nơi đây các thành viên của đoàn đã nhớ lại lời của Phêrô "Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới"... Trưa nay Đoàn được dùng bữa "cá thánh Phêrô" (cá tại Biển Hồ Galilê), mỗi người một con cá rô chiên, lớn bằng bàn tay. Đây là bữa ăn đáng nhớ nhất trong hành trình ở Đất Thánh, già trẻ lớn bé đều ăn ngon, không ai ra về mà bụng đói cả...

 alt

Đoàn hướng về núi Carmel tuyệt đẹp vươn cao trên nền Địa Trung Hải, với một thảm thực vật xanh tươi phủ lên toàn bộ bề mặt quanh năm. Núi, biển và đồng bằng tạo nên một khung cảnh thật tuyệt vời. Khi đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt nhìn xuống, mọi người đều say mê, trầm trồ thán phục kỳ công của Chúa. Nơi đây có một tu viện dòng kín Carmel. Chính nơi đây tiên tri Êlia đã đánh bại các tiên tri thờ thần Baal và chứng tỏ rằng Chúa Israel là Thiên Chúa đích thật và đầy quyền năng (1V18,17-40). Trước khi về, Đoàn đến sông Giođan bắt nguồn từ núi Hermon, phía bắc vùng Đất Thánh qua biển hồ Galilê chảy xuống Biển Chết. Đoàn cũng viếng thăm nhà Rửa Tội Yardenit, nằm ở thượng nguồn sông Giođan chảy ra khỏi biển hồ Galilê.

Ngày cuối cùng của chuyến hành hương, Đoàn đi bộ đến Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin, là nơi Tổng Lãnh Gabriel báo tin cho Mẹ Maria về việc Chúa Giêsu xuống thế làm người. Đây cũng là một trong những nhà thờ lớn và nguy nga nhất của vùng Thánh Địa. Nơi đây trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật về hình ảnh Đức Mẹ làm nổi bật vẻ đẹp lộng lẫy của Thánh Đường. Phía tầng dưới nhà thờ Byzantine, các nhà khảo cổ học đã khám phá những vết tích còn sót lại của thành cổ Nazareth: các nền nhà, vựa lúa mì, các phòng nhỏ chứa rượu hoặc dầu và đồ gốm. Gần đấy là nhà thờ Thánh Giuse xây dựng trên vết tích của xưởng mộc Giuse, nơi Chúa Giêsu đã học nghề thợ mộc. Phía tầng dưới của nhà thờ có một bể chứa nước đẽo bằng đá, một vựa thóc nhỏ, một hầm. Trung tâm thành phố Nazareth là nước Đức Mẹ. Tục truyền rằng dân làng thường đến đây kín nước đổ vào bình đưa về dùng. Khi bước vào thì ai cũng lắng nghe tiếng nước chảy róc rách rất thích thú. Bên cạnh giếng này là thờ Sứ Thần Gabriel (Chính Thống Hy Lạp). Theo tục truyền khác thì Tổng Lãnh Gabriel đã hiện ra khi Đức Mẹ kéo nước tại giếng này. Nhà thờ được xây dựng trên các di tích còn sót lại của các do Thập Tự Quân xây dựng và được Chính Thống Hy Lạp trùng tu vào thế kỷ 18. Nazareth có rất nhiều nhà nguyện và thánh đường.

Đoàn cùng nhau đi bộ hướng về làng Cana, nằm trên con đường giữa Nazareth và Tibêria. Nơi đây giúp chúng ta nhớ lại phép lạ đầu tiên mà Chúa Giê-su thực hiện trong sứ vụ công khai của mình (Ga 2,1-11). Có hai nhà thờ rất đẹp được xây dựng ở làng này: Nhà Thờ Cana Phan Sinh và Nhà Thờ Cana Chính Thống Hy Lạp. Khi đến nhà thờ Cana Công giáo, trong Đoàn có hai cặp vợ chồng đã đọc lại lời thề ước rất cảm động trước sự hiện diện của các Linh Mục và anh chị em trong đoàn. Đoàn cũng được nếm thử rượu Cana ở các gian hàng phía trước nhà thờ và mua quà lưu niệm.

Đến 17h30 vị Đại diện Đoàn nói lên lòng biết ơn đối với hướng dẫn viên, đã kiên nhẫn đồng hành với nhóm suốt thời gian qua. Tuy không diễn tả hết nhưng ai cũng cảm nhận niềm vui khôn xiết khi được thăm viếng các dấu tích thánh, được giải thích tường tận ý nghĩa của các đoạn Kinh Thánh mình đã đọc trước đây, hiểu hơn về sự khó nhọc của Chúa Giê-su trên bước đường rao giảng Nước Trời, về đời sống của dân chúng tại môi trường này... Mọi người đều cảm nhận được tình thương mà Chúa đã dành cho mỗi người qua việc chấp nhận thân phận làm người tại vùng đất và văn hóa này. Hơn nữa, qua chuyến đi hành hương cả nhóm đã gia tăng niềm vui khi được hiểu biết nhau hơn và có dịp tiếp xúc và gặp gỡ người Do Thái, ngưòi Palestine và anh em Hồi giáo. Ai cũng ngậm ngùi, luyến tiếc khi chia tay tại phi trường thành phố Tel Aviv, đáp chuyến bay về lại Việt Nam. Muôn ngàn đời xin Cảm Tạ Ơn Chúa...
 

 

(Theo dulichviet)

  • Top 10 khách sạn tốt nhất thế giới
  • Thiên đường dành cho mèo ở Đài Loan
  • Vì sao Bangkok hấp dẫn du khách quốc tế?
  • Mùa thu Sydney
  • Cùng đón Tết té nước của người Thái tại Bangkok
  • Washington DC - Thành Phố Đẹp Nhất Nước Mỹ
  • 10 thắng cảnh đẹp nhất nước Mỹ
  • Muôn vẻ Australia
  • Công viên đẹp nhất nước Mỹ
  • Du lịch Nhật Bản: Một vài thắng cảnh nổi tiếng trên đất nước Mặt Trời Mọc
  • Vẻ đẹp thiên nhiên Hàn Quốc
  • Du lịch Đảo Jeju
  • Cẩm nang du lịch Hàn Quốc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com