Nhà khoa học người Nga Sergey Zimov đang cố gắng tạo ra một công viên có những động vật từng sinh sống ở Siberia cách nay hàng chục ngàn năm.
Dự án Công viên Pleistocene chứng minh cho giả thuyết động vật ăn cỏ có thể ngăn cản quá trình nóng dần của trái đất. “Trong khi một số người có một khu vườn nhỏ, tôi sở hữu công viên thuộc kỷ băng hà. Dù gì đi nữa, đây chỉ là sở thích cá nhân” - ông Zimov mỉm cười.
Dự án chống biến đổi khí hậu
Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu kéo dài 2 tuần với đại diện đến từ 194 nước vừa kết thúc ở Cancun - Mexico. Đây là hội nghị thường niên nhằm đưa ra những giải pháp cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hướng đến việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Với nỗ lực cá nhân, ông Zimov cố gắng tạo ra một hệ sinh thái từng có mặt trên trái đất cách đây 10.000 năm, khoảng cuối kỷ băng hà. Thời kỳ này chấm dứt vào thế Canh Tân (Pleistocene) dài 1,8 triệu năm và hình thành kiểu khí hậu như chúng ta biết ngày nay.
Ông chọn Siberia để thực hiện dự án vì biến đổi khí hậu biểu hiện rõ ở vùng Bắc Cực, khu vực có nhiệt độ nóng nhanh hơn những nơi khác trên hành tinh.
Các nhà khoa học đều nhận định tác động của con người, chẳng hạn như chất thải trong công nghiệp hay trong sinh hoạt hằng ngày (sưởi ấm căn nhà, lái xe...), dẫn đến hiện tượng ấm dần lên của trái đất.
Ông Zimov tin rằng các động vật ăn cỏ sẽ góp phần thay đổi khí hậu ở khu vực vốn chỉ toàn những cành cây khẳng khiu, đồng thời biến nó thành đồng cỏ xanh tươi.
Nhà khoa học người Nga Sergey Zimov. Ảnh: AP
Cỏ có hệ rễ phức tạp sẽ giúp ổn định vùng đất băng giá khi tốc độ băng tan tăng nhanh chóng. Một khi hạn chế được tình trạng băng tan, lượng khí thải nhà kính cũng giảm theo. Hơn nữa, cỏ phản chiếu ánh mặt trời nhiều hơn rừng rậm, ít nhiều giúp giảm quá trình trái đất ấm dần lên.
Không chỉ các nhà nghiên cứu khí hậu mà cả các nhà môi trường, nhà nghiên cứu cổ sinh học cũng quan tâm đến dự án táo bạo này. “Đây là một trải nghiệm thú vị.
Việc đưa những sinh vật từng sinh sống ở đây trở về là hoàn toàn đúng đắn” - ông Adrian Lister, thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London (Anh), nói với hãng tin AP.
Kế hoạch táo bạo
Ông Zimov bắt đầu dự án từ năm 1989 với khu đất có diện tích 160 km2 bao gồm rừng rậm, đồng cỏ và ao hồ. Bao quanh bên ngoài là vùng đất hoang vu 600 km2.
Công viên Pleistocene là một bộ phận của Trạm Nghiên cứu khoa học Đông Bắc do ông Zimov sáng lập. Trạm này không chỉ là nơi Zimov nghiên cứu khoa học mà còn là nơi ông sinh sống 30 năm nay.
Công viên Pleistocene nằm cách trạm nghiên cứu 40 km. vào mùa hè, chúng ta có thể đi vào công viên bằng thuyền; khi mùa đông đến, nước ở những dòng sông quanh công viên đóng băng, chúng ta có thể sử dụng xe trượt tuyết. Ngọn tháp cao 32 m bên trong công viên giúp cung cấp thông tin về khí mê tan, CO2 và hơi nước.
Dữ liệu được đưa vào hệ thống thu thập toàn cầu của Cơ quan Hải dương và Khí quyển quốc gia Mỹ. Những nghiên cứu về tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu, khí thải nhà kính và khảo cổ học voi ma-mút hấp dẫn các nhà khoa học. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt chân đến phòng thí nghiệm của Zimov, một căn phòng nhỏ tựa vào vách đá bên trên dòng sông Kolyma.
Bắt đầu dự án bằng việc nuôi một đàn 40 con ngựa Yakutian bán hoang dã vốn được nuôi để lấy thịt, Công viên Pleistocene hiện có khoảng 70 loài động vật ăn cỏ, như ngựa hoang, bò rừng, dê... Ông Zimov muốn có thêm hàng ngàn sinh vật ở Siberia để thay đổi cảnh sắc và bảo vệ khu vực đóng băng vĩnh cửu này.
(Theo Huệ Bình/nld)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com